Đầu tư bất động sản hàng hiệu: Khách hàng đứng trên vai 'người khổng lồ'

Phân khúc bất động sản hàng hiệu ở Việt Nam đang gây sốt với những thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng khách hàng đã thực sự hiểu rõ dòng sản phẩm này trước khi đầu tư?

Bất động sản hàng hiệu là gì?

Bất động sản hàng hiệu (Branded Residences) là một loại hình dự án nhà ở mà trong đó, đơn vị phát triển dự án hợp tác với một thương hiệu danh giá để tạo ra những sản phẩm và những trải nghiệm sống hoàn hảo, chất lượng ngoài mong đợi.

Mô hình bất động sản hàng hiệu đầu tiên trên thế giới ra đời từ những năm 1920, khi khách sạn Sherry-Netherland Hotel trên đại lộ Fifth Avenue ở thành phố New York bắt đầu mở bán các căn hộ dịch vụ bên cạnh hoạt động kinh doanh khách sạn cao cấp.

4058a0db-e01e-4fc1-bd18-08d1c8c83085.jpg
Bất động sản hàng hiệu sẽ phát triển trong thời gian tới.

Từ thời điểm đó, bất động sản hàng hiệu ngày càng phổ biến trên thế giới và thu hút được sự quan tâm lớn của khách hàng thượng lưu và thường xuyên du lịch trên thế giới.

Theo thống kê, số lượng dự án ất động sản hàng hiệu trên thế giới đã tăng hơn 170% trong vòng 10 năm qua, cho thấy một thập kỳ phát triển phi thường của phân khúc này.

Tại khu vực châu Á, các dự án bất động sản hàng hiệu mới tập trung phần lớn ở khu vực Đông Nam Á, khi chiếm hơn 90%.

Thái Lan đang trở thành thị trường dẫn đầu ở châu Á vì có nhiều dự án đang được triển khai nhất, với tổng cộng hơn 30 dự án, cung cấp cho thị hơn 4.700 căn hộ, chiếm 29% tổng số căn hộ đang hình thành. Thị trường Việt Nam đứng vị trí thứ 3, chỉ sau Thái Lan và Philippines với 8 dự án mới.

Việt Nam là thị trường rất tiềm năng và mới mẻ cho phân khúc bất động sản hàng hiệu đô thị. Nhu cầu nhà ở có thương hiệu toàn cầu sẽ tăng mạnh khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng.

Ông Jason Turnbull, phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của Masterise

Trong khi đó Singapore cho thấy hướng đi đúng của mình khi đầu tư vào dự án Marina Bay Sand. Dự án cao cấp này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả quốc đảo. Tòa tháp hình con thuyền đã trở thành một nơi ở lý tưởng và là nơi cung cấp nhiều dịch vụ giải trí siêu sang cho giới doanh nhân hay du khách quốc tế.

Cụ thể, Singapore đã đầu tư cho khu bất động sản cao cấp này lên đến 5 tỉ USD (bao gồm giá đất). Nhưng sau khi hoàn thành, tòa tháp đã tạo ra 2,7 tỉ USD, tương đương 0,8% GDP của cả đảo quốc và tạo ra 30.000 việc làm, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Singapore.

Việt Nam là "ngôi sao đang lên"

Như đã đề cập, ở khu vực Đông Nam Á, hiện Việt Nam chỉ đứng thứ 3 trong lĩnh vực bất động sản hàng hiệu. Tuy nhiên, theo dự báo của Savills, trong một tương lại gần, Việt Nam sẽ vào top 10 quốc gia có số lượng dự án bất động sản hàng hiệu lớn nhất trên thế giới.

Điều này xuất phát từ việc kinh tế Việt Nam trong những năm qua có mức tăng trưởng tốt, đặc biệt là trong năm 2020, mặc cho đại dịch COVID-19, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức gần 3%.

bds-hang-hieu-viet-nam-xu-huong-va-gia-tri-nhin-tu-bangkok-2.jpg
Giới siêu giàu sẽ tác động đến thị trường bất động sản hàng hiệu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những lý do quan trọng khiến mảng bất động sản hàng hiệu ở Việt Nam được xem là “ngôi sao đang lên” là do mức sống của người dân ngày càng cao, giới trung lưu và thượng lưu – những khách hàng tiềm năng của phân khúc này- xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo hãng phân tích Knight Frank, số lượng người siêu giàu – những người sở hữu tài sản có thể đầu tư trên 30 triệu USD - tại Việt Nam trong năm 2020 là 390 người.

Tuy nhiên, theo dự báo tới năm 2025, tốc độ tăng trưởng người siêu giàu tại Việt Nam đạt 31% trong giai đoạn này, với 511 người có tài sản trên 30 triệu USD, trong khi đó có khoảng 25.812 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD.

Xét về tốc độ tăng trưởng của nhóm người siêu giàu trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới, Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Ấn Độ và Ai Cập, với mức tăng trưởng 64%, Knight Frank cho biết thêm.

Bên cạnh yếu tố người tiêu dùng tiềm năng tăng mạnh, việc các nhà đầu tư trong nước đang phát triển đúng hướng và chuyên nghiệp hơn là một yếu tố khác khiến giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao phân khúc bất động sản hàng hiệu.

Các dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên sẽ mang lại thành công và hiệu quả cho hai bên (win-win), góp phần nâng cao vị thế của thị trường bất động sản Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nhà ở hạng sang của những người rất giàu, siêu giàu trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài và góp phần thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA

Đơn cử như trường hợp Marriott International, họ đã điều tra rất kỹ trước khi quyết định hợp tác với Tập đoàn Masterise.

Liên quan đến vấn đề này, ông Jason Turnbull, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của Masterise, cho biết ngoài việc đánh giá rất cao triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, Marriott International đã xem xét rất kỹ để lựa chọn đối tác Việt Nam có uy tín thương hiệu và năng lực để phát triển sản phẩm bất động sản hàng hiệu.

Cụ thể, theo ông Trần Quốc Hoài, phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối pháp chế và tuân thủ Masterise, để được lựa chọn là đối tác của Marriott International thì Tập đoàn Masterise phải đáp ứng đầy đủ tất cả các yêu cầu về thương hiệu và năng lực.

Đối với các dự án bất động sản hàng hiệu, Tập đoàn Masterise phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe cả về quy hoạch, thiết kế tòa nhà, thiết kế căn hộ; yêu cầu về vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất, các tiện ích, dịch vụ và cả yêu cầu về quản lý vận hành tòa nhà đạt tiêu chuẩn của Marriott International.

Từ những nhận định trên cho thấy, bất động sản hàng hiệu Việt Nam đang hội đủ các điều kiện cận thiết để tạo ra một bước đột phá mới, góp phần đa dạng hóa thị trường, từng bước biến bất động sản Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới.

Không dành cho nhà đầu tư "tay mơ"

Mặc dù đánh giá cao tiềm năng của phân khúc căn hộ hàng hiệu, song HoREA vẫn cảnh báo, người tiêu dùng nên cẩn trọng vì tiêu chuẩn của những sản phẩm này còn khá mơ hồ.

Khi mua bất động sản hàng hiệu hình thành trong tương lai, khách hàng đã đặt niềm tin vào đẳng cấp của sản phẩm. Trước hết là tin vào uy tín của đơn vị sở hữu thương hiệu toàn cầu (phía nước ngoài), kế đến là uy tín thương hiệu của chủ đầu tư dự án (phía trong nước).

gms_7-1600x900-1.jpg
Dự án bất động sản hàng hiệu đang phát triển rầm rộ tại Việt Nam, nhưng hầu như chưa có kiểm chứng thực tế. Ảnh minh họa.

Nhưng vẫn có doanh nghiệp mới thành lập chưa lâu, chưa có thời gian chứng minh uy tín, lại phát triển bất động sản hàng hiệu. Thực chất đây là hoạt động đầu tư kinh doanh sản phẩm dự án nhà ở cao cấp hạng sang, siêu sang theo phương thức đứng trên vai người khổng lồ, vay mượn uy tín thương hiệu của bất động sản hàng hiệu nước ngoài để kinh doanh.

Vì thế, HoREA khuyến nghị khách hàng, nhà đầu tư xem xét 4 vấn đề nhằm đảo bảo dòng vốn hàng chục tỷ đồng được đầu tư an toàn và minh bạch.

Trong đó, HoREA cho rằng, tiêu chuẩn hàng hiệu còn quá mới nên khách hàng chưa thể đánh giá đúng giá trị thực của sản phẩm trên thực tế.

Thứ hai là thời hạn sử dụng thương hiệu bao lâu vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác vì đây là sản phẩm chủ yếu được nhượng quyền sử dụng tên thương hiệu.

Thứ ba, những "cư dân hàng hiệu" có thể gặp rắc rối trong việc vận hành tòa nhà khi chủ đầu tư và đơn vị nhượng quyền thương hiệu xảy ra khúc mắc.

Thứ tư, khách hàng rất dễ rơi vào "bẫy khan hàng" của chủ đầu tư và ôm hàng giá cao. Trong khi đó, việc cho thuê lại bất động sản hàng hiệu cũng không phải dễ dàng, vì rất kén khách, thị phần bất động sản hàng hiệu không lớn như nhà đầu tư kỳ vọng.

HoREA khuyến nghị khách hàng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án bất động sản hàng hiệu và nhất là nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng để tránh bị nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm.

Đây không phải là sân chơi dành cho các doanh nghiệp bất động sản, hoặc nhà đầu tư "tay mơ".

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về thủ tục nhà đất, pháp lý dự án hay chỉ đơn giản là mua nhà đất ở đâu giá rẻ... hãy liên hệ với chúng tôi tại ĐÂY.

Luật sư tư vấn miễn phí

NGUYỄN MINH