Ngày 4.10, nhà kinh tế Chua Han Teng của DBS đã đưa ra báo cáo cho rằng, điều tồi tệ nhất đã qua đối với Việt Nam, khi đất nước dần mở cửa trở lại nhờ tỉ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 tăng và tỉ lệ lây nhiễm giảm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính, trong khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục mở rộng.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3.2021 giảm 6,17% phản ánh ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến hoạt động thương mại, dịch vụ và sản xuất nhưng GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tăng 1,42%.
Nhà kinh tế Chua Han Teng cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, sự sụt giảm sâu trong quý 3 khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam khó lấy lại mức 2,9% của năm ngoái, ít hơn nhiều so với mục tiêu GDP của chính phủ là 6-6,5%”. DBS Group Research hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 1,8% từ mức 5,0%.
Tuy nhiên, năm 2022 có vẻ tươi sáng hơn rất nhiều đối với Việt Nam. DBS Group Research đã nâng dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam lên 8,0%, so với 6,8% trước đó.
DBS dự báo, số hóa và áp dụng công nghệ - một yếu tố vượt trội trong đại dịch - dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh bình thường mới.
Theo báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 "e-Conomy SEA 2020" của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, với khả năng tăng trưởng 29% trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kép hàng năm từ năm 2020 đến năm 2025, đạt kỷ lục 52 tỉ USD vào năm 2025.
Năm 2020, kinh tế số Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong khối ASEAN, tăng 16% so với năm 2019.
Chính phủ đang tìm cách nâng cao vai trò của số hóa trong nền kinh tế trong vòng 5 năm tới; phê duyệt chiến lược Chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia vào tháng 6.2020 và đang đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế số lên 25% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, từ mức 8,2% hiện nay.
Ông Chua nhận định, dân số năng động của Việt Nam đang tụt hậu về kỹ năng số nhưng Việt Nam có nhiều dư địa để nâng cao kỹ năng nhằm trang bị cho lực lượng lao động của mình những bí quyết công nghệ cần thiết, cùng với việc nâng cao trình độ học vấn đại học. Kiến thức cao hơn về kỹ năng kỹ thuật và kỹ thuật số, cùng lực lượng lao động có kỹ năng tốt hơn trong những năm tới sẽ không chỉ giúp tăng năng suất mà còn cho phép Việt Nam tiến lên chuỗi giá trị sản xuất và thu hút thêm vốn FDI.
Thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn nhờ sự xuất hiện của các nhà đầu tư F0