Dù đã đi làm được gần 6 năm nhưng phải 2 năm trở lại đây, Thanh Tuấn (28 tuổi, Hà Nội) mới bắt đầu biết tiết kiệm. Trước đó, kiếm được bao nhiêu, Tuấn cũng đều "dồn" hết tiền cho đam mê của mình, gói gọn trong một chữ: Game!
Không nhớ nổi mình đã chi bao nhiêu tiền cho thú vui chơi game
Ngoài tiền thuê nhà và phí dịch vụ cùng tiền ăn uống, đổ xăng, Tuấn gần như chẳng chi tiêu gì khác. Sau khi trừ hết đi các chi phí cố định, tiền lương hàng tháng của Tuấn ở thời điểm trước năm 2021 đều được dùng để phục vụ đam mê chơi game.
Khoản tiền lớn nhất mà Tuấn đã tiêu trong 1 ngày là hơn 13,5 triệu đồng để mua máy PS5.
"Hồi đó PS5 mới ra nên hot lắm, mình vẫn nhớ những ngày ấy, chủ đề chính của mấy anh em ở công ty là làm thế nào để xin vợ cho mua PS5 bây giờ. Mình thì chưa có vợ nên chỉ đợi lương về là đi mua ngay. Cả tiền máy, tay cầm với đĩa là khoảng hơn 13,5 triệu một chút. Cả tháng ấy mình gần như phải húp mì tôm, hoặc anh em mua đồ ăn cho vì biết thằng em đầu tư xong con máy cũng đói" - Tuấn vừa cười, vừa kể.
Bộ máy chơi game có giá trị gần bằng 1 tháng lương của Thanh Tuấn |
Ngoài khoản tiền cho bộ máy PS5, Tuấn còn chi không ít tiền để mua game trên steam, quay gacha, mua skin, mua vật phẩm. Cậu bạn không thể nhớ nổi tổng số tiền mà mình đã dành cho thú vui này.
"Cứ vào trận là ham lắm, chắc cũng do mình hơi hiếu thắng, không muốn thua nên có tiền là nạp để chơi thôi" - Tuấn thừa nhận.
Dù mê chơi game là vậy nhưng Tuấn khẳng định bản thân không phải là một "con nghiện" vì cậu bạn chỉ chơi game vào cuối tuần, còn trong tuần, gần như hiếm khi nào Tuấn động vào game vì còn bận kiếm tiền.
"Mình chỉ chi nhiều tiền cho việc chơi game thôi, chứ cũng chưa đến mức âm lương hay nợ nần vì thú vui này, nên chắc chưa phải là nghiện game đâu" - Tuấn giải thích.
Vẫn mê game nhưng đã biết tiết kiệm để có tiền cưới vợ
Cuối năm 2021, Tuấn thoát cảnh đơn côi lẻ bóng. Thay đổi trong đời sống tình cảm này cũng kéo theo cả những thay đổi khác trong vấn đề tài chính cá nhân của Tuấn, đương nhiên, theo hướng tích cực.
"Khoảng 1 tháng đầu hẹn hò, mình vẫn chưa nhận thức được là mình… đang có người yêu, vẫn giữ thói quen tiêu gần hết cả tháng lương vào game, thành ra không còn đủ tiền đưa bạn gái đi ăn uống, đi chơi. Đến lúc trong tài khoản chỉ còn hơn 600k, mà hơn 10 ngày nữa mới tới kỳ lương tiếp theo, mình mới nhận ra chi tiêu như vậy là không ổn" - Tuấn kể và gọi đó là một khoảnh khắc trưởng thành.
Sau khoảnh khắc ấy, Tuấn mới bắt đầu nghĩ tới việc quản lý chi tiêu, không cho phép mình thoải mái như xưa nữa.
Biết tiết kiệm tiền để lấy vợ có thể coi là cột mốc trưởng thành đầu tiên của Thanh Tuấn |
Tháng đầu tiên, Tuấn cũng khá "vật vã" trong việc hạn chế chi tiêu cho thú vui chơi game. Cậu bạn cho biết: "Sau khi nhận lương, đóng tiền trọ xong, mình rút hết tiền trong tài khoản ra tiền mặt, chỉ để lại khoảng 2 triệu để mua game thôi. Chứ có nhiều tiền trong thẻ là mình dễ tiêu quá trớn lắm".
Tháng đó, Tuấn khá bất ngờ vì khi lương về, mình vẫn còn tới hơn 5 triệu tiền mặt.
"Đi cà phê, ăn uống hẹn hò, mình đều là người trả tiền hết. Vậy mà cuối tháng vẫn còn hơn 5 triệu, đến lúc ấy mình mới nhận ra mình đã đốt nhiều tiền cho game như thế nào. Thú thật là cũng thấy hơi lãng phí" - Tuấn thừa nhận.
Kể từ đó cho tới tận bây giờ, Tuấn luôn áp dụng quy tắc "1-2-3-4" với số tiền lương mình nhận được: 10% cho đam mê chơi game, 20% cho quỹ hẹn hò, 30% cho quỹ cưới vợ, 40% cho các khoản chi cố định.
Với khoản quỹ cưới vợ, Tuấn gửi thành sổ tiết kiệm riêng; còn tiền để chơi game, Tuấn để trong tài khoản ngân hàng. Các khoản còn lại, Tuấn đều rút ra thành tiền mặt để tránh nạp hết vào game.
"Bây giờ thì mình quản lý chi tiêu tốt hơn ngày xưa, nhưng để nói là tối ưu thì vẫn chưa đâu. Đàn ông mà không có vợ là dễ tiêu pha quá trớn lắm, nên mình nghĩ biết tiết kiệm tiền để cưới vợ, với mình đã là một bước tiến rồi. Sau này kết hôn xong, mình tự nguyện để vợ cầm hết lương, miễn sao để lại cho mình 10% để mình chơi game là được" - Tuấn vừa cười, vừa kể.
Đó cũng là "giao kèo" của Tuấn với vợ sắp cưới và đã được "phê duyệt". Quả nhiên, đàn ông là những đứa trẻ không bao giờ lớn!
Dành cho ai nuôi mộng bỏ phố về quê làm freelancer: Nếu bạn nghĩ làm tự do sẽ tiết kiệm chi phí hơn văn phòng thì xin lỗi, NHẦM TO
Cần chuẩn bị gì cho hành trang bỏ phố về quê làm công việc tự do?