Dự báo nguy cơ động đất, sóng thần và cách ứng phó cho Việt Nam

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Bài giảng đại chúng về kiến thức phòng tránh thiệt hại khi xảy ra động đất, sóng thần.

Ngày 9/12 tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Tư liệu phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tổ chức bài giảng đại chúng với chủ đề "Động đất, sóng thần: Nguy cơ và cách ứng phó, kinh nghiệm dành cho Việt Nam".

Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên trang Facebook https://www.facebook.com/bantin.khcn, thu hút hàng nghìn lượt theo dõi.

Buổi giảng có sự tham gia của các diễn giả đầu ngành như PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý Địa cầu, Kỹ sư cao cấp Đinh Quốc Văn - Phó Trưởng phòng Quan sát động đất, và TS. Bùi Thị Nhung - Viện Vật lý Địa cầu.

  PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý địa cầu thông tin về động đất và sóng thần

PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý địa cầu thông tin về động đất và sóng thần

Phát biểu khai mạc tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu cho biết, động đất và sóng thần là những hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với con người và môi trường.

Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất hiện động đất ở mức độ trung bình, độ lớn từ 5-6 và chiều hướng tăng dần vể tần suất. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần trực thuộc Viện Vật lý địa cầu được thành lập theo quyết định số 1798/QĐ-KHCNVN ngày 4/9/2007 của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhằm triển khai quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần được ban hành theo quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về công tác theo dõi, thu thập, xử lý thông tin, ra các thông báo về động đất, cảnh báo sóng thần và chuyển các tin đó đến các cơ quan nhà nước có liên quan để phục vụ công tác phòng tránh, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.

Do đó, bài giảng đại chúng này sẽ tập trung vào các nội dung báo cáo để trao đổi kiến thức, cập nhật thông tin quan trọng và đóng góp thiết thực vào công tác tuyên truyền, ứng phó, phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương chia sẻ, việc nghiên cứu động đất và sóng thần bắt nguồn từ nhu cầu tìm hiểu cấu trúc bên trong của Trái Đất. Đây là cơ sở quan trọng để dự báo và ứng phó với các hiểm họa thiên nhiên này.

Theo các chuyên gia, động đất là kết quả của sự dịch chuyển đột ngột giữa các lớp đất đá bên dưới bề mặt Trái Đất. Hiện tượng này thường tập trung ở các đới hẹp, kéo dài được gọi là "vành đai động đất", với ba khu vực lớn nhất là vành đai Thái Bình Dương, Địa Trung Hải - Himalaya, và các dãy núi ngầm trên Đại Tây Dương.

Khi động đất xảy ra ngoài biển với cường độ mạnh và độ sâu nhỏ, sóng thần có thể được hình thành. Các hiện tượng này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như hư hại cơ sở hạ tầng, sụp đổ công trình, và nguy cơ trượt lở đất hoặc ngập lụt.

Việt Nam đã xây dựng và cập nhật bản đồ phân vùng nguy cơ động đất từ năm 1985. Phiên bản mới nhất, công bố năm 2019, cung cấp dữ liệu chi tiết về gia tốc nền cực đại (PGA), phổ gia tốc nền (SA), và cường độ chấn động bề mặt theo thang MSK-64. Đặc biệt, hơn 125 kịch bản sóng thần trong khu vực Biển Đông cũng đã được xây dựng.

TS. Bùi Thị Nhung nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Viện Vật lý Địa cầu đã tổ chức các hội thảo, biên soạn tài liệu như cuốn "Những hiểu biết cơ bản để an toàn với động đất tại Việt Nam", và triển khai các hoạt động thực tế tại những vùng chịu tác động lớn của động đất.

Tháng 8/2024, Viện đã tổ chức đoàn công tác tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum - khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất M=5.0. Đoàn đã hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó thông qua khảo sát thực địa, phát tờ rơi, và tổ chức các buổi tập huấn tại các xã như Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Càng.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh, đĐể nâng cao hiệu quả nghiên cứu và dự báo động đất, cần đầu tư thêm công cụ và công nghệ cho các nhà khoa học. Đồng thời, việc phổ biến kiến thức cho người dân cũng phải được chú trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại khi thảm họa xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Vân Nga - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu đánh giá, thông qua việc tổ chức bài giảng, công chúng nói chung và truyền thông nói riêng được cung cấp những thông tin khoa học chính xác và quan trọng về hiện tượng động đất, sóng thần và đóng góp thiết thực vào công tác tuyên truyền, ứng phó, phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần tại Việt Nam.

Nguồn: https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/du-bao-nguy-co-va-nang-cao-cong-tac-tuyen-truyen-ung-pho-va-phong-tranh-ve-%C4%91ong-%C4%91at-song-than-cho-viet-nam-133870-463.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR2jheaL3sfidswSHZgWy9VzeFidBi9pmLWIFI6yl5n3T5-734uA5FJ6CSA_aem_zTe0xVp8OJaToavit5vhww

PV

Mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai cho học sinh ở các trường trung học Việt Nam

Mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai cho học sinh ở các trường trung học Việt Nam

Thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó dự đoán. Xây dựng mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai (GDPNTT) cho học sinh trung học là cần thiết.