Đùi gà và tiếng Anh

Đảo tìm thịt đùi ở mâm tập thể khi đã lớn là nguyên nhân và kết quả của giáo dục gia đình, chỉ là một trong hàng ngàn bài học khác.

“Ăn xem nồi, ngồi xem hướng” là câu tôi được dạy từ nhỏ. Tôi cũng được dạy rằng trong đĩa thức ăn, chọn miếng nào thì gắp miếng đó, chứ không đảo chọn, tôi tuyệt đối tuân thủ khi ở nhà và ở nơi khác. Tôi từng cùng mâm với một người trong nhiều năm trời, bữa ăn nào có thịt gà, anh ấy đảo chọn phần đùi. Sở thích chọn đùi của anh ta, hẳn nhiên là có lý do như nhiều gia đình khác, đùi gà nhường trẻ. Tôi quan sát hành vi của khá nhiều trẻ em ở mâm ăn và hỏi chuyện cha mẹ, cái đùi gà là sự ưu tiên cho trẻ từ đời cha mẹ sang đời con, và sự chọn đùi gà của trẻ cũng giống người thường chọn phần đùi ở bếp ăn tập thể mà tôi gặp.

Vấn đề ở đây cho chúng ta thấy rằng, giáo dục gia đình tác động đến trẻ em rất lớn. Trẻ được cưng chiều trên mâm ăn và luôn được đáp ứng điều trẻ muốn sẽ trở nên ích kỉ, luôn xem mình là trung tâm của gia đình. Khi lớn lên, sự ích kỉ đấy được thể hiện ở trường học, ở những nơi làm việc, luôn muốn kéo lợi ích, thậm chí tước đoạt của người khác cho mình. Người ích kỉ nạn nhân hóa mình, bởi anh chị ta không được người khác yêu thích, thậm chí xa lánh. Nhìn xa hơn, anh chị ta bị ích kỉ hóa trong tuổi thơ của mình bởi sự chiều chuộng vô lối và gia đình không tập sẻ chia để trẻ lấy làm gương. Đứa trẻ là sản phẩm của giáo dục và trẻ bị mắc kẹt giữa các đối tượng giáo dục mình.

Luôn cho trẻ đùi gà và đảo tìm thịt đùi ở mâm tập thể khi đã lớn là nguyên nhân và kết quả của giáo dục gia đình, mới chỉ là một trong hàng ngàn bài học giáo dục khác. Bởi thế, xóa được những thứ lạc hậu trong giáo dục gia đình thì xã hội được hưởng lợi. Người ta bớt đổ lỗi cho trường học và xã hội.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

“Học tiếng Anh cần năng khiếu” là câu tôi nghe thường xuyên ở nông thôn. Mũ năng khiếu chụp lên xã hội, thực ra là sự ngụy biện của thầy cô giáo dạy tiếng Anh, bởi ngoại trừ người Việt và người Anh bị câm, chẳng ai cần năng khiếu cũng nói được tiếng của đất nước họ sau hơn 1 tuổi. Cha tôi được học tiếng Pháp vào cuối thập niên 1930 đến 1945, sau đó không được dùng, nhưng ông nghe tiếng Pháp trên RFI hàng ngày, đến 80 tuổi, một người Pháp về làng, ông làm phiên dịch trong mấy ngày liền. Chú họ tôi, từng đi Đức làm tiến sĩ, được người Đức dạy trực tiếp trong hai tháng, ông chia sẻ: “Người ta không dạy chia động từ ngay như cách dạy tiếng Nga của các thầy cô người Việt mà chỉ cùng học viên nói tiếng Đức hàng ngày. Sau hai tháng, học viên đọc đúng từ vựng và nói đúng những câu đơn giản”.

Năm 2018, tôi thực hiện khảo sát nhanh ở Thái Bình, Hà Tĩnh để đo năng lực từ vựng của học sinh, kết quả là: trong năm phút, học sinh lớp 6 của một xã thuần nông Thái Thụy, Thái Bình viết được 10 từ vựng, sai 48%. Trong khi đó, học sinh lớp 6 ở thị trấn Diêm Điền viết được 22 từ vựng, sai 9%. Cách nhau 5km, nhưng học sinh thuần nông, hầu như không học sinh nào nói được câu đơn giản, trái lại, học sinh thị trấn nói tiếng Anh tự nhiên và phát âm chuẩn.

Sự chênh lệch giữa hai nhóm trẻ trong khảo sát nhỏ, cho thấy các vấn đề sau: Cô giáo của trẻ trường thuần nông cho rằng chính họ không có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài. Lý do này, theo tôi là không chính đáng, bởi thầy cô giáo vẫn có thể “tạo Tây” cho mình ngay từ học sinh. Ngày nay, với sức mạnh công nghệ, học sinh có thể học tiếng Anh từ người nước ngoài trên internet, chính lợi thế bắt chước của trẻ, là “Tây” cho thầy cô giáo giao tiếp hàng ngày. Trái lại, học sinh thị trấn tự tin nói tiếng Anh, hầu hết các em có máy vi tính để luyện nghe hàng ngày, có cơ hội gặp thầy cô người nước ngoài ở trung tâm ngoại ngữ thị trấn. Như vậy, phương tiện phục vụ tự học và thầy cô giáo, quyết định chất lượng tiếng Anh của học sinh.

Tháng 7 năm 2018, tôi thí điểm Làm Vẹt học tiếng Anh đối với học sinh Nguyễn Quang Huy, xã Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo đó, học sinh dựa vào các clip phát âm từ vựng trên youtube, nghe, nói theo và viết ra. Mỗi ngày học sinh nghe ít nhất 60 phút. Sau 6 tháng, tôi cho học sinh nghe, nói theo và viết ra bài 1 trong sách giáo khoa lớp 7, trong 4 giờ liên tục, học sinh gần như thuộc lòng cả bài và phát chuẩn hơn 80% từ vựng.

Trước khi làm Vẹt, Huy chỉ viết được 10 từ vựng trong 5 phút và sai 6 từ vựng. Sau một năm, sau những lần kiểm tra ngẫu nhiên, Huy viết được 40-50 từ vựng trong 5 phút với hơn 95% từ viết đúng.  Huy là học sinh không có năng lực nhớ tốt, từ triangular (tam giác), Huy phải đọc cả ngàn lần mới nhớ. Như vậy, chỉ cần hướng học sinh nghe và đọc theo người bản ngữ hơn 360 h/ năm, năng lực nghe nói và từ vựng của học sinh sẽ cải thiện.

Từ chuyện đùi gà, tiếng Anh ở Thái Thụy, Thái Bình và Vẹt Quang Huy, dù là một mặt cắt nhỏ nhưng là con số lớn trên quy mô quốc gia, cho chúng ta thấy rằng giáo dục gia đình và trường học, nếu không có phương pháp đúng sẽ dẫn đến con trẻ mắc kẹt giữa sự ích kỷ, giữa thiếu năng lực biểu đạt ngôn ngữ đã học, giữa lãng phí và tốn kém nguồn lực xã hội. Bởi vậy, đã đến lúc xã hội chúng ta cần nắm tay nhau để tạo sự thay đổi trong giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường để tương lai xã hội đổi thay, con người sống có trách nhiệm với xã hội, thầy cô dạy tiếng Anh không còn lãng phí nguồn lực xã hội.

Nguyễn Quang Thạch

Độ tuổi lên 2, ba mẹ cần làm gì để bé phát triển tốt và được mọi người yêu mến?

Độ tuổi lên 2, ba mẹ cần làm gì để bé phát triển tốt và được mọi người yêu mến?

Theo nghiên cứu của người Nhật, độ tuổi lên 2 là lúc trí nhớ bé đang phát triển và có thể ghi nhớ tốt nhất.