Nếu ai đó không được tuyên dương trên bục danh dự chính thống thì họ sẽ tìm cách để được tuyên dương ở trên một bục khác. Giống như trục số, giá trị tuyệt đối bằng nhau, nhưng vị trí của hai số đối nhau lại nằm ở hai phía so với vị trí của số 0 (điểm trung hòa). Chân lý ấy có vẻ đúng với nhiều người trong chúng ta, từ lúc trẻ, cả cho đến khi chúng ta già.
Trong một đám trẻ đang chơi, có những đứa trẻ thích bắt nạt những đứa khác. Nó lấy làm vui khi những đứa trẻ bị nó bắt nạt khóc hoặc tỏ ra sợ nó. Khi nghiên cứu tâm lý của những đứa trẻ này, người ta thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động “thích bắt nạt” người khác của chúng.
Có nhiều "nguyên nhân" dẫn đến hành động thích bắt nạt người khác (Ảnh minh họa). |
Có thể, chúng đã được sống trong một môi trường gia đình, tạo cho chúng thói quen “được phép bắt nạt”, nhưng cũng có nhiều trường hợp, lại ở hoàn cảnh “chúng ghen ghét với những đứa trẻ được khen là ngoan, là giỏi, là xinh đẹp…”. Trong tình huống này, chúng sẽ tìm cách bắt nạt cả những đứa được khen đó, để chúng được tôn trọng, được kiêu hãnh.
Những đứa trẻ mà người lớn gọi là “hư”, “đầu đường xó chợ” đã thể hiện niềm kiêu hãnh của mình bằng “bạo lực” và những những hành vi phá phách. Chúng thấy nỗi “sợ hãi” của người khác là niềm vui của mình. Ngay cả khi chúng vẫn sợ “những trừng phạt”. Nhưng trừng phạt có là gì, khi chúng có thể lách luật, gian dối, và chớp cơ hội để tạo ra những sự “phá phách”, và ngầm tự hào vì điều mình đã làm được.
Năng lượng, năng khiếu, tài năng của những đứa trẻ có thể được trời phú (về mặt giá trị tuyệt đối) là tương đương nhau, nhưng chúng đã phát huy ở những mặt khác nhau. Có ai đó nghĩ rằng đó là sự tự nhiên, như là các mặt đối lập đang tồn tại, và cần thiết tồn tại. Nhưng cũng có người, khi đã trải nghiệm, thì thấy làm tiếc. Chẳng hạn, giá mà chúng ta không chỉ khen một đứa trẻ xinh, giỏi, dồn hết tất cả niềm hy vọng lên nó, thì nó đã không bị bạn nó ghen ghét, hoặc cũng không làm một đứa trẻ khác tủi thân mà tìm cách được kiêu hãnh theo một kiểu khác.
Trên một chuyến hành trình, con đường rất dài và rất nhiều người, bạn đã bao giờ bắt gặp những cô cậu thanh niên kẹp ba, kẹp năm, không đội mũ bảo hiểm, bỗng ở đâu lao ra, tạt qua đầu xe của bạn, đánh võng, và ngoái lại nhìn bạn, sung sướng cười khi bắt gặp vẻ mặt thất thần, lo lắng của bạn. Bạn đừng nghĩ rằng những cô cậu thanh niên ấy đã đùa giỡn với tính mạng của mình, là những kẻ liều lĩnh, thiếu hiểu biết.
Hành động bắt nạt trẻ khác nhiều khi chỉ là hành động để giúp bản thân được kiêu hãnh và tìm kiếm sự tôn trọng (Ảnh minh họa). |
Bạn có biết, họ làm thế, vì muốn cho bạn thấy rằng, bạn phải sợ họ, sợ những kẻ mà bạn coi thường? Trong lớp học, những cô cậu ấy luôn khiêu khích giáo viên. Những giáo viên có thể mắng họ, kỷ luật họ, và kết luận rằng họ là loại học sinh hư, không thể cải tạo được. Nhưng họ không sợ những kết luận đó. Nếu họ biết sợ, họ đã không làm vậy. Có thể, họ sẽ khóc khi được giảng giải, khi bị dọa, bị phạt. Nhưng giọt nước mắt ấy sẽ chóng khô, và rất nhanh sau đó, họ lại tái phạm. Có lẽ trong sâu thẳm con người họ, khát khao được người khác tôn trọng, được kiêu hãnh, đã khiến họ ngạo nghễ “phạm lỗi”.
“Bông hoa không thể tự nó có mặt được. Bông hoa chỉ có thể tương tác với ánh nắng, với cơn mưa, với đại địa”- Thích Nhất Hạnh đã viết như thế. Bạn cũng có thể tìm thấy những bông hoa, có hương mà không sắc; có sắc mà mùi tầm thường; có sắc, có hương thì gai đâm tua tủa… Mỗi bông hoa, không tự có mặt như vậy, nếu không vì thế giới đã tạo ra chúng như hôm nay.
Bạn ở làng, có những người đàn ông không được chọn lên đình bao giờ. Họ có thể say xỉn cả ngày. Ngoài kia, có thể có nhiều người khinh bỉ họ, nói họ là kẻ nát rượu, bất tài, vô dụng… Nhưng ở đây, trong nhà họ, họ là người ban phát “nỗi sợ hãi” lên cả gia đình.
Vợ họ sợ những cái tát, những cú đấm vào mặt, những cú dúi tóc khiến khuôn mặt cần được giữ gìn của người đàn bà sấp xuống đất. Con họ sợ những trận đòn, những lời chửi rủa. Những hành động đó đến sau khi họ say. Người ta bảo “nát rượu” mà ra, nhưng có thể ít ai biết rằng, vì sao họ lại tìm đến rượu.
Khi họ thấy thiên hạ đánh giá mình bất tài, mà họ thì vốn có lòng kiêu hãnh, nên họ phải đi tìm kiếm cái họ nghĩ họ xứng đáng được ấy. Nỗi bất hạnh của đời người, của gia đình có thể được nói tròn trịa trong từ “số phận”, nhưng “Cái ác ghê gớm nhất bắt nguồn từ chính chúng ta” (Jean Jacques Rousseau), bắt đầu từ việc “coi trọng cái này” mà quên đi “cái khác”.
“Trong mỗi chúng ta, thậm chí ngay cả những người ôn hòa nhất, đều có một loại khát khao tồi tệ, hoang dã, và vô luật”- Plato đã nhắn nhủ như thế. Có những người thành công bằng việc đánh thức “bản ngã” muốn kiêu hãnh của con người để đặt vào họ “những vũ khí” gieo rắc nỗi sợ hãi cho những người khác. Cuộc đời họ là một chuyến hành trình, phải đi mà không dừng lại. Phương hướng để họ di chuyển bắt nguồn từ những “mong muốn” của chính họ (trừ những trường hợp chẳng biết mình muốn gì, mà để người khác đẩy – kéo để đi).
Ai cũng mong muốn được "kiêu hãnh", được người khác tôn trọng, khen thưởng. |
Ai cũng có mong muốn được “kiêu hãnh”, được người xung quanh tôn trọng. Bằng phán xét, bằng khen thưởng, bằng những lễ nghi, luật lệ, con người đã đẩy những người khác tìm kiếm sự kiêu hãnh ở những nơi khác nhau: Trong vườn hoa đẹp ngát hương, mà mỗi người tốt là một bông hoa đẹp; Nơi cỏ hoang mà mỗi chiếc lá cũng có thể sát thương; Nơi rừng sâu, mà mỗi bông hoa sặc sỡ cũng có thể trở thành kẻ “ăn thịt”…
Chúng ta có thể được quyền đặt ra những tiêu chí để khiến ai đó được tôn vinh, được tự hào và những người còn lại được cho là nhỏ bé. Nhưng thế nào là kẻ yếu – kẻ mạnh. Chẳng phải những người rất cao cần cảm ơn những người thấp lùn (vì nhờ có họ được so sánh); những người xinh đẹp thì thấy hòa hợp với những người xấu hơn, vì cuộc đời tạo ra sự đa dạng.
Và như Victor Huygo từng nói về bổn phận, rất triết học: “Những con người nhỏ bé cần phải được những người lớn lao tôn kính, và chính từ quyền lợi của kẻ yếu mà bổn phận của kẻ mạnh hình thành”.
Cùng nhau bàn về sáng tạo
Hầu hết chúng ta không biết sáng tạo thế nào. Các bạn chỉ muốn làm khác đi, chỉ là thay đổi những thói quen mà không có khát vọng làm mới.