Gặp Tim Friede, người đàn ông tự tiêm nọc rắn vào cơ thể suốt 18 năm để tạo kháng thể cứu người

Loại thuốc kháng nọc rắn từ máu của ông hứa hẹn sẽ có khả năng chống lại nọc độc của nhiều loài rắn hơn và giảm thiểu các biến chứng không mong muốn.

Câu chuyện về Tim Friede, một chuyên gia tự học về nọc rắn, nghe tưởng chừng khó tin nhưng lại đang hé mở một cánh cửa hy vọng cho y học thế giới. Với 856 lần tự tiêm nọc rắn vào cơ thể trong suốt 18 năm, Friede đã biến sở thích cực kỳ nguy hiểm của mình thành nền tảng cho việc phát triển loại thuốc kháng nọc rắn hiệu quả nhất từ trước đến nay.

Gặp Tim Friede, người đàn ông tự tiêm nọc rắn vào cơ thể suốt 18 năm để tạo kháng thể cứu người

Niềm đam mê với rắn của Friede bắt đầu từ khi còn trẻ. Ông bắt đầu "thử nghiệm" trên chính mình bằng cách lấy nọc từ những con rắn cưng, pha loãng và tiêm nhiều lần vào cơ thể. Đỉnh điểm của sự liều lĩnh là khi ông bị hai con rắn hổ mang cắn chỉ cách nhau một giờ. Trải nghiệm cận kề cái chết đó gần như đã kết thúc cuộc đời ông.

"Tôi thực sự đã ngừng tim và suýt chết," Friede kể lại với Dominic Bliss của National Geographic. "Điều đó không hề dễ chịu chút nào. Tôi có đủ miễn dịch cho một vết cắn, nhưng không đủ cho vết thứ hai. Tôi đã tính toán sai hoàn toàn".

Với nhiều người, một trải nghiệm thập tử nhất sinh như vậy sẽ là lời cảnh báo để tìm một thú vui khác an toàn hơn. Tuy nhiên, Friede lại nhìn nhận theo một cách khác. Ông tin rằng chính quá trình tự làm quen với nọc độc đã giúp ông sống sót. Và thế là, ông quyết định đẩy giới hạn của mình đi xa hơn.

Trong những năm tiếp theo, hệ miễn dịch của Friede đã phải đối mặt với vô vàn thử thách khắc nghiệt. Bằng cách tiêm hoặc thậm chí là để rắn cắn trực tiếp, các tế bào B của ông – những "chiến binh" bạch cầu sản xuất kháng thể để chống lại các tác nhân gây hại như nọc độc, virus, vi khuẩn – đã tiếp xúc với nọc độc từ những loài rắn nguy hiểm chết người như hổ mang Ai Cập, hổ mang nước, rắn taipan ven biển, rắn đuôi chuông Mojave, và cả loài rắn hổ mang đen Black mamba khét tiếng.

Và giống như nhiều người trẻ tuổi thích ghi lại mọi khoảnh khắc vào đầu những năm 2010, Friede đã dùng điện thoại để quay lại toàn bộ quá trình và đăng tải lên YouTube. Cảnh ông bị rắn taipan Papua New Guinea và rắn hổ mang đen cắn liên tiếp có lẽ không dành cho những người yếu tim.

Dự án cá nhân này hoàn toàn có thể khiến Friede "ẵm" giải Darwin (giải thưởng dành cho những cái chết ngu ngốc nhất), hoặc ít nhất là một suất tham gia chương trình truyền hình thực tế đầy mạo hiểm như Jackass. Thế nhưng, may mắn đã mỉm cười khi các tế bào của ông thực sự sản xuất ra những kháng thể có khả năng bảo vệ ông trước những liều lượng nọc độc khủng khiếp đó.

Điều đáng kinh ngạc là Tim Friede vẫn khỏe mạnh, và những kháng thể độc đáo trong cơ thể ông đang được sử dụng cho một mục đích cao cả. Các video trên YouTube của ông đã thu hút sự chú ý của Jacob Glanville, một nhà miễn dịch học và là CEO của công ty công nghệ sinh học Centivax.

Gặp Tim Friede, người đàn ông tự tiêm nọc rắn vào cơ thể suốt 18 năm để tạo kháng thể cứu người

Sử dụng các kháng thể "siêu phàm" của Friede, Glanville cùng đội ngũ các nhà khoa học đã phát triển một loại thuốc kháng nọc rắn mới. Kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy loại thuốc này có khả năng bảo vệ chuột khỏi nọc độc của 19 loài rắn khác nhau, bao gồm cả những loài được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm cực kỳ nguy hiểm (loại 1 và 2).

Trong y học truyền thống, thuốc kháng nọc rắn thường được sản xuất bằng cách lấy kháng thể từ cừu hoặc ngựa đã được tiêm nọc độc của chỉ một hoặc một vài loài rắn. Điều này khiến thuốc kháng nọc rắn thường chỉ hiệu quả với một số loài hoặc ở một khu vực địa lý nhất định, gây khó khăn cho việc trang bị bộ sơ cứu toàn diện, đặc biệt là với những người thường xuyên di chuyển hoặc làm việc trong môi trường có nhiều loại rắn độc khác nhau. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng thể từ động vật cũng tiềm ẩn nguy cơ gây phản ứng phụ cho người.

Trong khi đó, loại thuốc kháng nọc rắn có nguồn gốc từ máu của Friede hứa hẹn sẽ có khả năng chống lại nọc độc của nhiều loài rắn hơn và giảm thiểu các biến chứng không mong muốn.

Loại thuốc kháng nọc rắn đang được nghiên cứu bao gồm 2 loại kháng thể chính được phân lập từ cơ thể Friede. Kháng thể đầu tiên, LNX-D09, cho thấy hiệu quả chống lại nọc độc của 6 loài rắn trong các thử nghiệm trên chuột. Khi kết hợp với một loại thuốc gọi là varespladib, khả năng bảo vệ được mở rộng thêm 3 loài nữa.

Đặc biệt, loại kháng thể thứ hai của Friede, SNX-B03, mang lại sự bảo vệ ít nhất là một phần đối với nọc độc của toàn bộ 19 loài rắn được thử nghiệm.

"Khi kết hợp 3 thành phần này, chúng tôi đã đạt được phạm vi bảo vệ toàn diện vượt trội cho 13 trong số 19 loài, và bảo vệ một phần cho các loài còn lại," Glanville chia sẻ. "Chúng tôi đã rà soát lại danh sách và tự hỏi, “còn tác nhân thứ tư nào nữa không? Và nếu có thể trung hòa được nó, liệu chúng tôi có đạt được khả năng bảo vệ cao hơn nữa không?".

Mục tiêu cuối cùng mà Glanville và nhóm nghiên cứu hướng tới là một loại thuốc kháng nọc rắn phổ quát, một loại "cocktail" duy nhất có thể cứu sống bất kỳ ai, ở bất cứ đâu, bất kể họ bị loài rắn độc nào cắn. Những kết quả ban đầu này đang đưa giấc mơ đó đến gần hơn với hiện thực.

Gặp Tim Friede, người đàn ông tự tiêm nọc rắn vào cơ thể suốt 18 năm để tạo kháng thể cứu người

Công trình nghiên cứu hiện tại tập trung vào họ rắn hổ (elapids), và có khả năng hiệu quả với các loài khác trong cùng họ chưa được thử nghiệm trực tiếp. Trong tương lai, nhóm hy vọng sẽ phát triển một loại thuốc kháng nọc rắn có tác dụng tương tự đối với một họ rắn phổ biến khác là rắn lục (viperids).

"Chúng tôi đang tích cực làm việc, thiết lập các thử nghiệm để xác định tổ hợp thành phần tối thiểu cần thiết để đạt được khả năng bảo vệ rộng rãi chống lại nọc độc của họ rắn lục," nhà sinh vật học Peter Kwong tại Đại học Columbia cho biết.

Tuy nhiên, con đường để loại thuốc kháng nọc rắn này đến tay người bệnh vẫn còn dài. Các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt trên người là bước tiếp theo bắt buộc. Trong thời gian chờ đợi, các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm thực địa bằng cách sử dụng thuốc kháng nọc rắn này để điều trị cho những chú chó bị rắn cắn được đưa đến các phòng khám thú y ở Úc.

Câu chuyện về Tim Friede là minh chứng cho sự phi thường của cơ thể con người và đôi khi, những con đường mạo hiểm nhất lại có thể dẫn đến những khám phá mang tính đột phá, mở ra hy vọng cho hàng triệu nạn nhân rắn cắn trên khắp thế giới.

Minh Nguyễn (theo Science Alert)

Protein thiết kế bởi AI mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị rắn cắn

Protein thiết kế bởi AI mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị rắn cắn

Protein được thiết kế bởi AI có thể ngăn tác động gây chết người trong nọc độc của nhiều loài rắn độc, đặt nền móng cho một thế hệ trị liệu mới.