Giải pháp để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và toán (STEM)

PNM xin phép đăng tải một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của PGS.TS Đỗ Thị Kim Anh - Khoa Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên với “Giải pháp để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và toán (STEM)”.

Trong bản “Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030” được chia ra làm hai phần: Phần I - trình bày kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 với bố cục ngắn gọn, rõ ràng đã nêu được một cách đầy đủ về các kết quả đạt được trong mọi lĩnh vực, những mặt còn hạn chế yếu kém, tìm ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Phần II - đưa ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 bằng việc phân tích tình hình bối cảnh trong và ngoài nước, đưa ra quan điểm phát triển trên cơ sở các mục tiêu phát triển. Ở mục tiêu “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” có đề cập đến việc phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện và nguồn lực của đất nước. Mà trong bối cảnh hiện nay, các ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn trong đó có STEM là những ngành mà phụ nữ tham ra còn chiếm một tỉ lệ thấp.

Tại buổi “Hội thảo góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” do Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, chúng tôi xin có một số ý kiến đóng góp cho dự thảo với “Giải pháp để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và toán (STEM)”.   

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ hai trái ảnh qua) trao đổi với các đại biểu nữ trí thức tham gia hội thảo
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ hai trái ảnh qua) trao đổi với các đại biểu nữ trí thức tham gia hội thảo

 Thực trạng của nữ cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học trong trường đại học và một số cơ sở nghiên cứu:

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là một trong những cơ sở đào tạo đại học và sau đại học lớn nhất Việt Nam về các ngành khoa học tự nhiên. Các hướng nghiên cứu tập trung vào ba hướng chính là nghiên cứu cơ bản cập nhật trình độ quốc tế, nghiên cứu công nghệ định hướng ứng dụng và nghiên cứu triển khai ứng dụng thực tiễn. Với tỷ lệ nữ cán bộ chiếm tới 43,9% tổng số cán bộ toàn trường, Chi hội Nữ trí thức Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là một trong những chi hội trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam được thành lập sớm nhất và luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ lãnh đạo nhà trường. Nhiều người cho rằng, khoa học tự nhiên chỉ phù hợp với phái mạnh, nhưng tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, không thể phủ nhận những thành công của đội ngũ cán bộ nữ đã đạt được trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng góp phần khẳng định vị thế của nhà trường. Để có được những thành công này đòi hỏi các cán bộ nữ phải có trình độ chuyên môn tốt, đoàn kết, say mê khoa học, có hướng nghiên cứu rõ ràng, luôn tích cực xây dựng, tìm kiếm đề tài, dự án.

Tuy nhiên, xét về tổng thể cán bộ nữ nghiên cứu khoa học ở trường  Đại học Khoa học Tự nhiên nói riêng và ở Việt Nam nói chung trong vài năm trở lại đây có sự gia tăng về số lượng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước), song cơ cấu chưa ổn định, không đều ở các lĩnh vực, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nguồn nhân lực nữ có trình độ đại học và sau đại học không tiếp tục học tập, nghiên cứu còn chiếm tỷ lệ cao vì sau khi tốt nghiệp, đa phần phụ nữ lập gia đình, sinh con và chăm sóc con.

Trước thực trạng, tỷ lệ nữ tham gia nghiên cứu khoa học và có các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế còn thấp hơn nhiều so với nam giới. Chỉ có 20% các chương trình quan trọng quốc gia về khoa học và công nghệ do phụ nữ làm chủ nhiệm. Tỷ lệ cán bộ khoa học nữ được trao các giải thưởng khoa học và công nghệ lớn rất ít. Sự tham gia của nữ sinh viên trong các ngành nghề STEM khá thấp, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhất định. Nữ giới lựa chọn cách vượt qua thử thách và theo đuổi nghề nghiệp STEM sau đó phải đối mặt với thực tế trả lương không công bằng và thăng tiến nghề nghiệp bị hạn chế. Tuy nhiên, để làm được những điều này, bản thân người phụ nữ cũng phải nỗ lực nhiều hơn, có niềm đam mê và nhiều nghị lực. Họ cũng cần được gia đình, đồng nghiệp và xã hội tạo điều kiện để tham gia nghiên cứu khoa học, giải quyết tốt mối quan hệ nội bộ gia đình, bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học. Đa số nhà khoa học nữ mới dừng ở việc nghiên cứu và gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường để thương mại hóa thành công.

Một số giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tăng cường tuyên truyền và nếu có thể đưa nội dung này vào các chương trình giáo dục cơ bản; có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học nữ.

Hai là, cần xây dựng khung thể chế hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với những đặc điểm tự nhiên, đời sống xã hội của phụ nữ nhằm đảm bảo các chính sách pháp luật phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Có một chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc để khuyến khích sự phát triển các nhà khoa học nữ.

Ba là, hiện nay việc tuyển dụng phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh con còn e ngại. Do đó, việc lựa chọn và tuyển dụng người làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cần đảm bảo sự công bằng giữa phụ nữ và nam giới về cơ hội phát triển. Tăng cường trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ sẽ giúp họ tự tin hơn, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ.

Bốn là, bên cạnh hỗ trợ về cơ chế chính sách từ Nhà nước, các nhà khoa học nữ cần chủ động đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH và CN, để các kết quả nghiên cứu KH và CN đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

PGS.TS Đỗ Thị Kim Anh-Khoa Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên

Hội Nữ Trí thức Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ II

Hội Nữ Trí thức Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ II

Từ 9-10/12/2020, Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ II do Hội NTT Việt Nam tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp.