Giấy tay cho vay tiền có hợp pháp không?

Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 hợp đồng vay tài sản được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo quy định nói trên, hợp đồng vay tài sản không bắt buộc phải thực hiện bằng văn bản, đây chỉ là sự thỏa thuận của các bên trong đó có đề cập đến các nội dung:

- Bên cho vay giao tài sản cho bên vay;

- Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng cho bên cho vay tài sản;

- Chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Có thể thấy, việc vay nợ có thể được coi là một giao dịch dân sự bởi giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Đồng thời, về hình thức của giao dịch dân sự, theo trang Luatvietnam, Điều 119 Bộ luật Dân sự quy định: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể

Căn cứ các quy định trên, có thể thấy, giao dịch vay tài sản trong đó có vay tiền không bắt buộc phải thực hiện dưới dạng văn bản, thông qua hợp đồng mà có thể được thể hiện bằng giấy viết tay, lời nói hoặc hành vi.

cho-vay-tien-bang-giay-viet-tay-co-doi-lai-duoc-khong-49751.jpg

Tuy nhiên, để giấy vay nợ viết tay có hiệu lực thì phải đáp ứng các điều kiện về nội dung nêu tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 trên và các điều kiện nêu tại Điều 117 Bộ luật này gồm:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch vay;

- Bên cho vay và bên vay phải hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của việc vay nợ không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

- Lãi suất cho vay không vượt quá 20%/năm…

Như vậy, cho vay bằng giấy viết tay có thể hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Đòi tiền bằng giấy cho vay viết tay

Mặc dù giấy vay tiền theo phân tích ở trên là hợp pháp nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp, dù có giấy vay tiền nhưng bên vay vẫn cố tình không trả nợ. Vậy khi đó, phải làm gì để đòi lại tiền?

a11.jpg

Căn cứ Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên vay tiền có nghĩa vụ trả nợ theo quy định sau:

Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

Do đó, trong trường hợp bên vay không trả nợ thì dựa vào bằng chứng là giấy tờ viết tay, người cho vay có thể đòi nợ bằng một trong hai cách sau:

1. Khởi kiện ra Tòa để đòi nợ

Theo đó, người cho vay phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây:

- Đơn khởi kiện;

- Giấy cho vay tiền viết tay;

- Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân (bản sao)…

Lưu ý: Giấy viết tay phải đáp ứng điều kiện theo phân tích ở trên để hợp pháp.

2. Tố cáo đến cơ quan điều tra có thẩm quyền

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 thông tư 28/2020 của Bộ Công an và Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, người cho vay có thể gửi đơn tố giác, tố cáo đến:

- Công an xã, phường, thị trấn: Phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, lấy lời khai khi vụ việc đơn giản, rõ ràng hoặc cần thiết, cấp bách.

- Cơ quan điều tra cấp huyện: Điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện;

- Cơ quan điều tra cấp tỉnh: Điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; vụ án xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố; phạm tội có tổ chức; có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra…

(Tổng hợp)

HOÀNG ANH