Grab gọi đây là chương trình "Hỗ trợ đối tác hoạt động mùa lạnh, giá rét", có hiệu lực từ ngày 8/12 đến ngày 20/12/2020, và chỉ áp dụng ở một số khu vực.
Cụ thể, ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Grab hoàn tiền cho tài xế 5% (tối đa 10.000 đồng) cho mỗi cuốc xe với 3 khung giờ, là 6h-9h, 11h-13h, 16h-20h. Và áp dụng cho đối tác tài xế GrabBike, GrabBike Premium, GrabFood, GrabMart, Grab Express Siêu tốc và GrabExpress Siêu tốc - COD.
Đối với các dịch vụ GrabCar, Grab hoàn tiền cho tài xế 10% (tối đa 50.000 đồng), áp dụng trên toàn quốc.
Động thái này của Grab được cho là để xoa dịu phần nào nỗi lo lắng của các tài xế trong vài ngày qua, khi Grab áp dụng mức thuế VAT mới theo nghị định 126. Tuy nhiên, chương trình hoàn tiền chỉ được áp dụng ở một số khu vực và trong thời gian ngắn, nên các tài xế không chấp nhận "miếng mồi" này và vẫn tiếp tục đình công.
Sáng nay 8/12, các tài xế công nghệ vẫn tiếp tục đình công và tập trung tại các văn phòng của Grab trên khắp cả nước.
|
Ảnh chụp màn hình |
Trước đó, vào ngày 7/12, các tài xế Grab đã tắt app, tập trung tại trụ sở của Grab tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, để phản đối chính sách mới của Grab khi tăng mức chiết khấu trừ với đối tác tài xế, tăng cước với khách hàng.
Phần lớn các tài xế đều cho rằng, mức chiết khấu mới quá cao, dẫn đến thu nhập thực của tài xế giảm mạnh, nhất là trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trả lời bức xúc của tài xế, đại diện Grab thông tin công ty đang thực hiện đúng Nghị định 126 về thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ, có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.
Theo Nghị định 126, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.
Các tài xế cầm băng rôn phản đối mức chiết khấu thuế VAT của Grab. Ảnh: Tiến Trần |
Giá cước mới được Grab áp dụng từ 11h ngày 5/12. Cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km. Khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.
Giá cước cho 2 km đầu với GrabCar 4 chỗ cũng tăng từ 25.000 lên 27.000 đồng, và xe 7 chỗ từ 30.000 lên 32.000 đồng.
Tương tự, giá cước GrabBike cho 2 km đầu tiên tăng từ 10.000 lên 11.000 đồng/km, và mỗi km sau đó tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km. Giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.
Với mức giá mới, cước phí khách trả tương đương tăng khoảng hơn 12%, quãng đường càng dài thì mức tăng càng lớn.
Cùng với tăng giá cước lên khách hàng, Grab cũng tăng tỷ lệ chiết khấu tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế.
Theo đó, tỷ lệ chiết khấu tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike từ 20% lên 27,273%. Đối với tài xế GrabCar, chiết khấu trên mỗi chuyến xe tăng từ 23,6% lên 28,364% với tài xế trước đây chịu phí ứng dụng 20%, và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.
Grab cho biết với GrabCar, hãng khấu trừ VAT 10%, thuế thu nhập cá nhân 1,5% và phí sử dụng ứng dụng (20% hoặc 25%, không thay đổi) trên mỗi chuyến xe GrabCar.
Với GrabBike, sẽ kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (10% hoặc theo hướng dẫn của cơ quan thuế tùy thời điểm) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho tài xế với tỷ lệ 80%.
Theo quy định cũ trước ngày 5/12/2020, Grab có nghĩa vụ thu hộ và nộp thuế đối với các tài xế có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Các tài xế chịu 2 loại thuế, gồm 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân. Khi áp dụng Nghị định 126, phần thuế giá trị gia tăng của tài xế sẽ được điều chỉnh tăng từ 3% lên 10%.