“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong con mắt một nhà báo chiến trường

Hà Nội đã ra đòn quyết định, thực hiện đúng lời tiên đoán của Chủ Tịch Hồ Chí Minh: Mỹ chỉ chịu thua khi nào đưa B52 vào đánh phá Hà Nội.

Trong 12 ngày đêm năm 1972, Hà Nội đã ra đòn quyết định, thực hiện đúng lời tiên đoán của Chủ Tịch Hồ Chí Minh: Mỹ chỉ chịu thua khi nào đưa B52 vào đánh phá Hà Nội.

Hoà bình trong tầm tay bằng bom B52 rải thảm

Cuối năm 1972, Kissinger tuyên bố “hoà bình trong tầm tay”. Ngày 14 tháng 12 năm 1972, tổng thống Mỹ Nixxon gửi tối hậu thư tới chính phủ Việt Nam yêu cầu quay lại hội nghị Paris ký kết theo những điều kiện do Hoa Kỳ đề ra. Bốn ngày sau đó dù chính phủ Việt Nam chưa trả lời, nhưng B52 đã ném bom rải thảm Hà Nội. Cuộc đụng đầu lịch sử sục sôi máu lửa bắt đầu từ 19h30 ngày 18 tháng 12 năm 1972. Đêm hôm ấy, còi báo động từ Nhà Hát Lớn vang lên kéo dài. Đài phát thanh Hà Nội đọc lệnh của Hội đồng phòng không thành phố : “Đồng bào chú ý, giặc Mỹ có âm mưu điên cuồng đánh phá Hà Nội. Khi có báo động mọi người nhất thiết phải xuống hầm, không ai được đi lại đứng ngồi trên mặt đất”. 

Nghe đài xong, tôi gọi ngay dây nói lên Đài quan sát phòng không đặt trên toà nhà Ngân hàng Nhà nước xem có thông tin gì mới. Anh Tín, trinh sát của Bộ tư lệnh phòng không Thủ đô trả lời gấp gáp : “Bò đen sắp vào Hà Nội, lên ngay đi”.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong con mắt một nhà báo chiến trường

Vậy là nhóm phóng viên chiến tranh nhanh chóng lên xe ô tô có cắm cờ phòng không nhân dân vọt ra khỏi trụ sở báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống. Đường phố lúc này vắng ngắt, Hà Nội luôn cảnh giác đã đưa hơn 500.000 người già trẻ và các trường học đi sơ tán. Số người còn lại hoặc đã xuống hầm, hoặc đang trực chiến trên trận địa. Đêm mùa đông lạnh giá. Điện tắt. Bom đạn đã nổ. Sấm gầm chớp giật nổi lên bốn phía. Xe chúng tôi bị hơi bom, có lúc xô giạt vào vỉa hè. Vốn quen với đài quan sát, chúng tôi phóng xe đến nhà Ngân hàng, anh bảo vệ nhanh chóng mở cửa cho vào. Anh Tín, rồi cả anh Chính, A trưởng trinh sát Bộ tư lệnh phòng không Hà Nội cho biết : “Bò đen là ám hiệu B52”. Những loạt bom nổ vừa rồi chỉ là của bọn tiêm kích đánh vỗ mặt nhằm làm cho ta lạc hướng. Còn những thiên thần hắc ám, “pháo đài bay” đang bay trên độ cao 10.000m sắp vào. Thế là con chủ bài B52, “lực lượng răn đe” của Mỹ đã được huy động tổng lực vào chiến dịch tập kích Hà Nội và vùng châu thổ sông Hồng.

Trên đài quan sát hôm ấy, chúng tôi nghe những chiến sĩ trinh sát liên tục báo hướng các tốp B52, liên tục báo tên lửa của ta bay về hướng Đông, hướng Nam, máy bay ta xuất kích, pháo tầm cao gầm lên, súng bộ binh dày đặc trên khắp trận địa bắn lên. Trời Hà Nội nổi cơn thịnh nộ, lưới lửa của ta đánh bung máy bay Mỹ dù ở tầm cao hay tầm thấp. Đêm 18 tháng 12 năm ấy, B52 đã mang bom rải thảm nhiều đợt xuống khu vực Đức Giang (Gia Lâm), Uy Nỗ - Cổ Loa (Đông Anh). Cũng trong đêm ấy có 3 máy bay B52 bị bắn tan xác ngay trên vùng trời chúng vừa gây tội ác. 

Sáng hôm sau, ngày 19 tháng 12, nhóm phóng viên gồm tôi và các anh Đỗ Quảng, Trần Quỳnh, Văn Bang vội lên Uy Nỗ và những nơi B52 vừa đánh phá. Khó mà tưởng tượng nổi mới buổi chiều hôm trước, những cánh đồng lúa đông xuân và hoa màu của hai xã Uy Nỗ - Cổ Loa còn xanh mơn mởn mà sáng hôm sau đã tan hoang với hơn 5000 hố bom dày đặc chi chít. Nhà cửa bị phá nát dập vùi san bằng. Hàng chục người chết và bị thương do trận trước còn chưa kịp chôn thì loạt bom thứ 2 và thứ 3 thả xuống làm mất xác.

Tội ác chồng chất tội ác, sau Uy Nỗ - Cổ Loa B52 đánh sâu vào nội thành Hà Nội. Vào hồi 5h15’ ngày 21 tháng 12, cả khu lao động An Dương bị B52 rải thảm làm cho 135 người chết, 126 người bị thương, có 10 gia đình không còn ai sống sót. Vào Hồi 3h15’ ngày 23 tháng 12, B52 lại mang bom rải thảm xuống ga Hàng Cỏ, bệnh viện Bạch Mai - một cơ sở nghiên cứu và chữa bệnh lớn nhất nước ta hồi đó, phá huỷ hoàn toàn các cơ sở nghiên cứu và chữa bệnh, giết chết 28 người gồm các bác sĩ, y tá, sinh viên y khoa thực tập và bệnh nhân.

Đỉnh cao tội ác của không lực Mỹ đối với Hà Nội là vào hổi 22h30’ ngày 26 tháng 12, Mỹ dùng 30 lượt B52 trút bom rải thảm trong nửa giờ xuống phố Khâm Thiên (dài hơn 1km, rộng hơn 50m) có hơn 60 ngõ hẻm chật chội, mật độ dân cư đông đúc hơn 30.000 người.

Trong cái đêm đẫm máu và nước mắt ấy, xe phóng viên chúng tôi đến Khâm Thiên phải dừng ở đầu phố vì gạch ngói bê tông lấp kín đường vào. Điện không có, anh Đặng Dung lái xe của báo bật đèn sáng cho xe gạt, xe cứu thương vào, rồi xe chở quan tài lần lượt chuyển đến. Anh em phóng viên cùng các lực lượng cứu hộ bới gạch đá, khiêng một số người chết và bị thương đưa vào từng khu vực trên vỉa hè mới được dọn mặt bằng trước các số nhà 41 đến 51 phố Khâm Thiên.

Thành phố Hà Nội bị tàn phá nặng nề, nhưng người Hà Nội không bị suy sụp. Kết thúc đêm đầu ngày 18 tháng 12 (tức ngày 13 tháng 11 âm lịch), nhìn lên trời Hà Nội vẫn trong xanh, trăng trên bầu trời đã gần tròn. Từ mặt trăng đêm ấy, con tàu vũ trụ Apollo 17 của Mỹ mang tên “Thách Thức” đã rời miệng núi lửa mang theo 113kg khoáng sản hạ xuống Thái Bình Dương; cũng trong đêm ấy từ những căn cứ không quân chiến lược Mỹ trên Thái Bình Dương 75 lượt B52, mỗi máy bay đem theo 30 tấn bom rải thảm xuống Hà Nội. Để rồi 2 máy bay B52 cũng “hạ cánh” xuống đồng ruộng xã Yên Thường, huyện Gia Lâm và ở chân Núi Đôi,Vĩnh Phúc.

Tên lửa Hà Nội với đòn trừng phạt thích đáng B52 

Đánh phá Hà Nội, Mỹ chọn toàn loại B52 cải tiến, hiện đại, giá đắt gấp 5 lần B52 thông thường. Mỗi máy bay có sải cánh 56,39m, trọng lượng cất cánh 217 tấn, mang theo 30 tấn bom. Bay vào Hà Nội, phi công Mỹ được chỉ huy của mình lên dây cót tinh thần : “Không sao đâu. Yên tâm bám đuôi nhau mà đi rồi về, coi như đang cưỡi ngựa trên thảo nguyên. Sam II (tên lửa), MiG 21 (máy bay) không làm gì được đâu”. Nhưng mọi sự đâu như họ tưởng.

Sáng 19 tháng 12, chúng tôi đến trận địa tên lửa của tiểu đoàn 7 – đơn vị đầu tiên bắn rơi tại chỗ B52. Đồng chí Đinh Thế Văn, phân đội trưởng cho biết : “Suốt đêm 18, đơn vị của anh đánh trắng bệ. Bao nhiêu tháng luyện tập đánh B52 bây giờ mới có dịp thử sức. Bước vào trận đánh, thủ trưởng cấp trên chỉ thị đánh rơi B52 là trách nhiệm chính trị của bộ đội tên lửa chúng ta. Đơn vị phải liên tục cho phát sóng truy lùng, gạt “sương mù” (máy bay chiến thuật ném bom hoặc máy bay bảo vệ), bắt chính xác “mây đen” là đối tượng chính B52. Các chiến sĩ radar của ta đã thành thạo cách lọc nhiễu, không chỉ gạt “sương mù”, gạt sạch nhiễu sóng điện từ, còn gạt sạch nhiễu giấy bạc kim loại bao phủ cả trăm km vuông trên bầu trời Hà Nội để tóm chặt B52 khi nó còn bé như con bọ gậy. Từ đó các chiến sĩ dẫn nó đi cùng đường bay trên tấm bản đồ mica đến lúc nó hiện hình to dần, tín hiệu rõ hơn, là lúc sĩ quan điều khiển kíp chiến đấu Nguyễn Văn Đức nín thở ấn nút đỏ cho tên lửa phóng thẳng vào B52. 

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong con mắt một nhà báo chiến trường

Đêm đầu tiên B52 vào Hà Nội ngay lập tức chúng phải đền tội ác. Đến chân Núi Đôi,Vĩnh Phúc, tôi nhìn rõ thân xác máy bay B52 còn có cái phù hiệu biểu tượng cho sức mạnh của Bộ chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ, viết tắt là SAC. Chiếc phù hiệu ấy in đậm nắm tay thép sơn màu đen nắm chặt ba tia sét bên cành ô-liu. 

Ngày 21 tháng 12 đến tiểu đoàn tên lửa 57, trong lúc B52 đang trút bom xuống khu lao động An Dương trên bãi bồi sông Hồng. Bên cạnh cửa xe điều khiển tôi gặp người sĩ quan trẻ Nguyễn Đình Kiên. Anh vui vẻ cho biết cấp trên vừa công nhận đơn vị anh đã bắn rơi 1 máy bay B52, nhưng rất ấm ức vì chiếc máy bay này không rơi tại chỗ (nó có 8 động cơ, dù bắn hỏng 4 nó vẫn có thể bay ra biển). Vậy hôm nay thì sao? – tôi hỏi. Anh Kiên cho biết trận trước do có nóng vội nên trận này rút kinh nghiệm phải đánh ăn chắc. Mặc cho lũ máy bay chiến thuật hung hăng lao qua lao lại trên trận địa để vừa ra oai vừa che chắn tầng dưới cho B52, nhưng các chiến sĩ ta kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc B52 lọt vào tầm phóng Nguyễn Đức Kiên mới ấn nút. Tôi được chứng kiến một máy bay B52 dính đạn bốc cháy, 5 phút sau Kiên ấn nút phóng quả tên lửa thứ 2. Hai quả tên lửa bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B52 ngay trong nội thành Hà Nội. Đòn trừng phạt thích đáng với kẻ thù được nhân dân hả lòng hả dạ.                             

Ba ngày (19, 21 và 22 tháng 12) họp báo công bố số lượng B52 rơi tại chỗ, đồng thời đưa những phi công lái máy B52 và nhiều loại máy bay khác bị bắt sống ở Hà Nội và các tỉnh xung quanh ra trình làng tại Câu lạc bộ quốc tế. Trong 12 ngày B52 đánh vào Hà Nội và châu thổ sông Hồng, ngày nào phi công lái B52 cũng bị bắt sống, nhất là hai ngày 26 và 27 tháng 12, hai ngày này được coi là đánh đẹp nhất, chiến thắng nhiều màu sắc nhất. Không chỉ tên lửa mà cả không quân ta phối hợp bắn rơi tại chỗ 10 máy bay B52, trong đó biên đội của Phạm Tuân và Hồ Oanh đã hạ gục chiếc B52 do trung tá John Harry Yuill lái chính. Hai ngày 26 và 27 ấy, những phóng viên ở Hà Nội như chúng tôi ít khi được chợp mắt. Chiến sự diễn ra dồn dập, bội thu tin tức, tin nào cũng nóng hổi, hấp dẫn lôi cuốn. Vừa đến Đuôi Cá thấy xác B52, lại chạy ngay lên nhìn xác B52 đang nằm vật vã ở đường Hoàng Hoa Thám, cạnh công viên Bách Thảo. Người lái chiếc máy bay này chết ngay trên ghế lái. Ngay sau đó chúng tôi lại chạy xuống hồ Ngọc Hà ghi hình ảnh chiếc B52 chìm trong ao, chiếc bánh xe của nó chổng ngược lên trời. Không chỉ ghi ngay được hình ảnh máy bay rơi tại chỗ, chúng tôi còn đến những nơi vừa bắt sống giặc lái ở xã Bát Tràng, ở phà Khuyến Lương và ở bãi đá Phương Liệt. Trong đêm rét buốt mà ai nấy đều cảm thấy trong lòng như có lửa ấm. Không những thế, chúng tôi còn được “hộ tống” giặc lái Mỹ vào Hoả Lò, được nghe viên trung tá sĩ quan điện tử Walter Conlee, không biết học tiếng Việt từ bao giờ mà nói khá rõ “xin các ông tha chết!”với đồng chí Trương Xuân Huy, thuỷ thù bến phà Khuyến Lương, và hai đồng chí cảnh sát giao thông Đoàn Kim Tuyến và Nguyễn Đăng Đạt khi các anh đang đưa tên giặc lái này lên xe.

Chiều 28 tháng 12, số phi công B52 bị bắt sống, chưa kể hơn 10 người bị thương, còn 10 người lành lặn được đưa ra họp báo. Sáng hôm sau, 29 tháng 12, số này được đưa đến Bạch Mai, An Dương, Khâm Thiên để họ ngắm nhìn “chiến tích” mà họ đã gây ra. Một trong số giặc lái bị bắt ấy đã nói “chúng tôi bị lừa, cuộc chiến này không sản sinh ra những anh hùng, cũng không sản sinh ra những bài ca chiến thắng cho nước Mỹ”.                                                ***

Niềm hy vọng cuối cùng của Nixon trông đợi vào B52 đã tan thành mây khói. Thực tế cay đắng ấy buộc Nixon gửi thông điệp cho chính phủ Việt Nam sốt sắng yêu cầu ta nối lại đàm phán ở Paris vào ngày 28 tháng 12. Và đúng 7h sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Nixon ra lệnh ngừng ném bom bắn phá miền bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cuộc tập kích chiến lược lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày đêm đã phá sản hoàn toàn. Trong 12 ngày đêm ấy, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Riêng Hà Nội bắn rơi 23 máy bay B52 và 3 chiếc F111. 

Ngày 3 tháng 1 năm 1973, đồng chí Lê Đức Thọ đáp máy bay sang Paris để ký kết hiệp định hoà bình. Mỹ phải ngừng hoàn toàn ném bom miền Bắc, rút quân khỏi miền Nam, trao trả tù binh. Từ đây, cụm từ “giặc lái Mỹ” được gọi là “nhân viên quân sự Hoa Kỳ” với nhiều lần trao trả ở sân bay Gia Lâm, Hà Nội. 

Nhân kỷ niệm 50 năm Hà Nội chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972-2022), dẫn đến ký Hiệp Định Paris, nhà báo Phạm Thanh, phóng viên chiến tranh của báo Nhân Dân từ những ngày đầu cho đến ngày kết thúc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, người đã từng lăn lộn trong bom đạn trên tuyến lửa Khu 4 ác liệt, Đường Trường Sơn và 12 ngày đêm Hà Nội đánh thắng B52, điểm lại những ký ức và trải nghiệm của mình trong hồi ký mang tên "Đổi tên giặc lái Mỹ thành nhân viên quân sự Hoa Kỳ".

Nhà báo Phạm Thanh tại hồ Hữu Tiệp, nơi có xác máy bay B52 bị bắn hạ ngày 27/12/1972
Nhà báo Phạm Thanh tại hồ Hữu Tiệp, nơi có xác máy bay B52 bị bắn hạ ngày 27/12/1972

Trong gần 7 năm với chiếc xe đạp, nhà báo Phạm Thanh, đã đạp hàng chục nghìn ki lô mét đến hầu hết các trọng điểm bị máy bay Mỹ bắn phá trên giải đất khu 4, như anh em lái xe nói với nhau hồi đó: "Làm trai cho đáng nên trai, Vĩnh Linh đã trải, Hoàng Mai đã từng".

Nhà báo Phạm Thanh đã bám sát, phản ánh chân thực, kịp thời, liên tục và xuyên suốt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, từ bài báo đầu tiên vào cuối năm 1964 với tựa đề "Vì sao phải nắm chắc cây súng" nói về tinh thần sẵn sàng chiến đấu của dân quân xã Nghi Thiết, Nghệ An, cho đến bài cuối cùng viết về trao trả giặc lái Mỹ bị bắt sống được đổi thành nhân viên quân sự Hoa Kỳ vào đầu năm 1973.

Nhà báo Phạm Thanh

Forbes bình chọn Mahsa Amini là một trong những phụ nữ quyền lực nhất năm 2022

Forbes bình chọn Mahsa Amini là một trong những phụ nữ quyền lực nhất năm 2022

Thế giới đang bất ổn dữ dội và chật vật với một loạt các cuộc khủng hoảng, lời hứa, nhu cầu quyền lực của phụ nữ chưa bao giờ quan trọng hơn.