Ngày 6/1, nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an quận Long Biên vừa bắt một đối tượng cầm đầu đường dây mang thai hộ với mục đích thương mại, kiếm lợi bất chính lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đối tượng cầm đầu là Hoàng Huệ Tâm, sinh năm 1994, trú tại xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Qua đấu tranh khai thác bước đầu, Công an xác định được, Hoàng Huệ Tâm sử dụng mạng xã hội tìm kiếm những người hiếm muộn, muốn có con, song song với đó tìm những phụ nữ có nhu cầu mang thai hộ để kiếm tiền.
Đối tượng Hoàng Huệ Tâm tại cơ quan điều tra. (Nguồn: Nhandan.com.vn) |
Sau đó, Hoàng Huệ Tâm giữ vai trò là trung gian móc nối giữa người có nhu cầu và có khả năng đáp ứng. Sau khi thỏa thuận giao dịch xong, Hoàng Huệ Tâm đưa những người mang thai hộ đi xét nghiệm, cấy phôi thai.
Một vụ việc trót lọt, Hoàng Huệ Tâm thu lợi từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Người mang thai hộ hưởng 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng tùy theo từng trường hợp. Đáng chú ý, thủ đoạn hoạt động của đường dây này rất tinh vi; dùng các loại giấy tờ giả như hộ khẩu, chứng minh thư, để né tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Công an quận Long Biên đang tiếp tục củng cố hồ sơ, điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Trong chiều 6/1, Công an quận Hoàn Kiếm vừa triệt phá thành công ổ nhóm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 400 nạn nhân với số tiền lên đến 1,5 tỷ đồng, đồng thời bắt giữ ba đối tượng nằm trong ổ nhóm này.
Ba đối tượng bị bắt giữ bao gồm Hoàng Thanh Bình sinh năm 1986, trú tại xã Vạn Thái (Ứng Hòa, Hà Nội); Nguyễn Đức Anh sinh năm 1999, trú tại xã Đại Nghĩa (Mỹ Đức, Hà Nội); Doãn Thị Hằng sinh năm 1998, trú tại xã Vân Hà (Phúc Thọ, Hà Nội).
Thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này là giả danh cán bộ ngân hàng, đăng các thông tin hỗ trợ ngân hàng vay vốn, giải ngân nhanh trên mạng xã hội facebook. Khi người bị hại có nhu cầu vay vốn, các đối tượng hướng dẫn kết bạn qua Zalo, chụp ảnh giấy tờ làm hồ sơ vay vốn gồm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, rồi chuyển cho các đối tượng.
Sau khi có thông tin, các đối tượng sẽ làm giả hợp đồng tín dụng của ngân hàng rồi gửi cho nạn nhân với yêu cầu phải đóng tiền để mua bảo hiểm, trả góp trước 3 tháng mới được giải ngân khoản vay.
Do cả tin, nhiều người đã mắc bẫy và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi đã nhận được tiền, đối tượng chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân. Công an quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục điều tra, làm rõ, để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, TTXVN đã phát bài "Người dân cần nâng cao cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua mạng" phản ánh tình trạng trong thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, viễn thông... có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi như lừa đảo giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, người thân quen.
Thực tế cho thấy, khá nhiều người do thiếu hiểu biết, cả tin đã bị các đối tượng lừa đảo số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo đó, để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người sử dụng Internet cần chú ý đọc các thông báo, cảnh báo của cơ quan chức năng.
Khi dùng tài khoản Facebook, Zalo, người dùng phải kích hoạt bảo mật hai lớp, tạo cảnh báo khi có thiết bị lạ đăng nhập, nhanh chóng cảnh báo cho bạn bè, người thân khi tài khoản bị chiếm đoạt để phòng ngừa đối tượng xấu lợi dụng.
Khi phát hiện đối tượng khả nghi, người dân cần báo tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất, gọi tới đường dây nóng của Công an thành phố Hà Nội hoặc trang Facebook Công an Hà Nội./.
Hà Nội lưu ý 3 đối tượng không ra ngoài khi không cần thiết để phòng dịch COVID-19
Ngày 6/1, UBND TP Hà Nội đã có công điện gửi các sở ban ngành và các địa phương trên địa bàn về việc phòng, chống dịch COVID-19.