Sáng 4/10, các trang quan trắc như Air Visual hay Pam Air đều cho các kết quả chất lượng không khí ở Hà Nội chuyển ngưỡng kém và xấu (mức ảnh hưởng đến sức khỏe nhóm nhạy cảm), mặc dù 2 ngày 3 và sáng 4/10, Hà Nội đón nhận hai cơn mưa lớn. Về lý thuyết, chất lượng không khí khu vực đô thị thường tốt lên sau mưa.
Không khí tưởng chừng đã tốt lên sau 2 trận mưa |
Cụ thể, theo Air Visual, sáng 4/10, khu vực Tây Hồ và đường Nguyễn Văn Cừ, chỉ số AQI vượt trên 200. Các khu vực thường có không khí không tốt như Mỹ Đình, Thành Công, Cầu Giấy, chất lượng không khí cũng ở mức kém (AQI từ 100 đến 140).
Trên website của Pam Air, chỉ số AQI của Hà Nội cũng dao động trong mức 160-190.
Trong khi đó, các trạm quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho kết quả AQI trung bình chỉ hơn 60.
Kết quả ở đường Nguyễn Văn Cừ |
Trao đổi với Zing.vn, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, bày tỏ sự nghi ngờ các kết quả quan trắc của Pam Air hay Air Visual, và cho rằng bảng xếp hạng chất lượng không khí các thành phố theo thời gian thực là vô lý: "Không thể lấy chỉ số tức thời, đột xuất để nói Hà Nội ô nhiễm nhất hay nhì thế giới được, đấy là điều vô lý, phi khoa học. Kể cả chỉ số của 1 giờ hay nửa giờ cũng là không khách quan”.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng (Ảnh: NUCE) |
GS Ngọc Đăng nhận định Hà Nội có đặc điểm là ô nhiễm không khí biến thiên liên tục theo ngày, theo giờ. Những lúc ô nhiễm nhất có thể cho chỉ số AQI trên 200, nhưng tính trung bình cả ngày thì lại ở mức bình thường, không quá nghiêm trọng.
Đặc biệt, GS Ngọc Đăng chỉ ra điểm nghi vấn ở khu vực Tây Hồ. Theo Air Visual, đây là khu vực có không khí thường xuyên ở mức kém (AQI trên 200). Trong khi đó, đây là khu vực có lưu lượng phương tiện không cao, ít đột biến, lại không cạnh các khu sản xuất, công nghiệp nào, thậm chí khu vực quanh hồ Tây chất lượng không khí luôn ở mức tốt nhất tại Hà Nội.
Còn PGS.TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), cho rằng số liệu các trang quan trắc như Air Visual đang có nhiều điểm nghi vấn.
"Có thể các trạm, vị trí đặt chưa phải là khu vực điển hình để thu nhận mẫu. Phương pháp, thiết bị đấy chưa đáp ứng đủ độ chính xác để cho kết quả. Nếu thiết bị không có độ chính xác cao thì chắc chắn kết quả ra không đúng hoặc thậm chí cho sai số hàng trăm đơn vị", TS Hùng Anh nói.
Trong khi đó, trả lời báo VnExpress, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) bày tỏ: “Tôi sẽ không đánh giá xếp hạng của AirVisual là đúng hay sai vì họ không công bố đầy đủ cách thức họ đánh giá như thế nào. Tuy nhiên, họ trả lời là lấy số liệu quan trắc của thành phố Hà Nội và Tổng cục Môi trường thì tôi được biết là các đơn vị trên chưa hề có sự đồng ý liên kết bằng văn bản nào cả. Những thông tin họ đưa ra đã không chính xác thì chưa thể đặt sự tin tưởng vào bảng xếp hạng mà họ công bố”.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng (Ảnh: Gia Chính) |
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết trước đây Viện của ông đã thực hiện dự án nghiên cứu từ 2001-2004 tại 6 thành phố lớn là Hà Nội (Việt Nam), Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) Manila (Philippines), Bandung (Indonesia), Chennai (Ấn Độ). Cụ thể, trong các thành phố này,nồng độ bụi PM2.5 và PM10 ở Hà Nội cao thứ hai (đứng sau Bắc Kinh).
Theo ông Dũng, số liệu quan trắc ở Hà Nội nhiều năm qua cho thấy, vào mùa khô (mùa đông) nồng độ nhiều chất ô nhiễm thường cao hơn mùa mưa (mùa hè). Nguyên nhân do yếu tố khuếch tán, rửa trôi và biến đổi của chất ô nhiễm trong mùa khô kém hơn. Ngoài ra, một số dạng nguồn thải có thể tăng thêm trong mùa khô.
Số liệu đo trong giai đoạn 2001-2008, công bố năm 2010, cho thấy ô nhiễm bụi PM2.5 ở Hà Nội khoảng 40% nguyên nhân tới từ giao thông. Theo một nghiên cứu mới đây của chúng tôi, thì 46% bụi nano (bụi kích thước nhỏ hơn 0,1 µm) ở Hà Nội đến từ giao thông.
Hà Nội đón cơn mưa thu đầu tiên sau những ngày ô nhiễm không khí
Đêm qua và sáng nay, nhiều khu vực ở Hà Nội đều có mưa, khiến cho tình trạng ô nhiễm giảm đáng kể, thời tiết dễ chịu