Hàng hiệu hay cụ thể là túi hiệu luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ngày càng có nhiều nhà sáng tạo nội dung trên TikTok chọn làm về chủ đề này bởi nó không chỉ khiến người khác ngưỡng mộ khi thấy ai đó sở hữu cho mình BST túi hiệu bằng hàng chục căn chung cư và những thông tin, chia sẻ về cách giới giới thượng tiêu tiền quanh việc mua túi, săn túi,... luôn có 1 sức hấp dẫn khó cưỡng với số đông. Tuy nhiên, việc các "chị đẹp chơi hàng hiệu" thi nhau đem túi nhà mình ra để bóc giá, đọ giá, review,... cũng không tránh khỏi drama.
Netizen ngồi trên màn hình chưa rõ ai đúng ai sai xong nghe tới những chiếc túi trị giá hàng tỷ hàng tỷ mà các nhân vật chính nhắc tới cũng thấy "vã mồ hôi hột".
Drama chiếc túi tiền tỷ đang ầm ĩ hiện nay xuất phát từ đâu?
Sự việc được cho là bắt đầu từ series tự tặng quà sinh nhật cho bản thân của Như Lan (TikToker có 281 nghìn người theo dõi, chuyên làm nội dung về đồ hiệu, chủ 1 bệnh viện thẩm mỹ ở TP.HCM). Cô chia sẻ đã mua chiếc Hermes Birkin Faubourg (hay còn gọi là Hermes ô cửa sổ) và đăng tải clip "đập hộp" ngày 29/4.
Một tài khoản TikTok có tên viết tắt là L. đã làm video nói về cách phân biệt túi thật - túi giả. Dù không trực tiếp nhắc đến tên Như Lan nhưng người này lại dùng ảnh cắt từ clip của Như Lan để minh họa nên nhiều cư dân mạng đã tag Như Lan vào phía dưới clip.
Theo L., túi Hermes Birkin Faubourg thì phải đi với hộp màu xanh (blue box) chứ không phải hộp màu trắng như bình thường. Cô khẳng định nhìn lướt qua bằng mắt thường cũng thấy được chiếc túi này là giả vì khoảng cách ô cửa sổ trên túi không đều. Cuối cùng L. nhận xét đường kim mũi chỉ trên chiếc túi ồn ào này không đều trong khi các sản phẩm thật của Hermes được may rất nhẹ nhàng và đường may thẳng.
L. dùng hình ảnh trong clip của Như Lan để so sánh hàng thật - hàng giả |
Bên cạnh đó, L. cũng nói rằng nếu đó là chiếc túi thật thì đã được giơ ra trước mắt cho mọi người nhìn rõ, không chỉ xuất hiện vài giây, dùng filter để làm mờ và bị ôm vào người che đi. Trong trường hợp bị seller lừa thì L. đề nghị sao kê hoặc công khai bill chuyển tiền, tin nhắn seller để cảnh báo đến mọi người.
Chính chủ thanh minh giữa đêm, đòi gặp mặt người "bóc" mình dù đồ giả để đối chất nhưng câu chốt gây sốc
Đến khoảng nửa đêm ngày 2/5, Như Lan bất ngờ làm clip thanh minh, dù L. không trực tiếp nhắc đến tên mình nhưng cô lại gọi tên người này rõ ràng.
Theo Như Lan, chiếc túi này không có blue box vì mình đặt mua qua seller và muốn chiếc túi về trước để kịp unbox trong dịp sinh nhật. Cô thấy hơi khó hiểu về việc L. đăng tải loạt clip liên quan đến chiếc túi của mình và cho rằng L. đang ké fame. Tuy nhiên, Như Lan cũng bày tỏ lo lắng liệu rằng chiếc túi của mình có phải hàng giả như L. nói không vì nó được mua với giá 5 tỷ đồng. Cũng theo lời Như Lan, để check được một chiếc túi mua qua seller là thật hay giả thì cần rất nhiều thời gian, công đoạn và ảnh chụp chi tiết gửi sang nước ngoài, không thể chỉ nhìn bằng mắt thường mà biết là túi giả được. Thế nên, viêc L. bảo cô công khai tên seller để cảnh báo mọi người là không thể,
Về chuyện dùng filter để cà túi cho mờ đi để đăng, Như Lan lật ngược lại rằng L. vừa nói dùng filter lại vừa nói nhìn rõ đường kim mũi chỉ thì không hợp lý.
Về chuyện phải chờ đến 4 - 5 ngày sau mới lên clip thanh minh, Như Lan nói rằng vì nhân viên nghỉ lễ, không ai dựng clip nên mình phải tự mày mò. Bên cạnh đó cũng không có chuyện cô tranh thủ thời gian đó đi mua hay mượn một chiếc túi thật về chứng minh. Với L., Như Lan tuyên bố mình chờ đợi người này đến gặp và 2 người trao đổi về chiếc túi. Nếu L. đem đi check ra được chiếc túi này là hàng giả thì Như Lan sẽ trả gấp đôi số tiền túi, tương đương với 10 tỷ đồng. Còn nếu đó là hàng thật thì L. phải bán một chiếc túi của mình đi.
Đây không phải là lần đầu tiên Như Lan vướng vào những ồn ào xoay quanh việc dùng đồ hiệu. Cô từng gây tranh cãi khi chê giày Chanel 43 triệu đi mưa ra màu; phát ngôn không có chuyện mua túi hiệu sinh lời hay dùng trang sức Louis Vuitton, Chanel, Hermes,... hàng chục triệu nhanh hỏng, bị seller lừa mua kính Celine giả,...
Việc chứng minh dùng túi giả hay thật của Như Lan thì chưa ngã ngũ song câu chốt Như Lan nói: "Xài đồ fake không xấu. Mấy bà xài đồ fake tự tin lên, rồi một ngày mình sẽ mua được đồ thiệt. Hay bị bóc phốt xài đồ fake rồi giờ tui xài đồ fake luôn cho chồng đỡ cằn nhằn?" đang tạo ra luồng phản ứng ngược khiến netizen "phẫn nộ", chỉ trích. Bởi chưa một ai làm content về hàng xa xỉ phẩm lại có phát ngôn ngược ngạo như vậy!
Check túi giả - túi thật có khó không?
Về chiếc túi Hermes Birkin Faubourg, theo trang bán đấu giá nổi tiếng Sotheby's, đây là sản phẩm thuộc phiên bản giới hạn, được ra mắt năm 2019, lấy cảm hứng từ nguồn gốc thương hiệu. Hình ảnh ô cửa sổ trên thân túi mô phỏng cửa hàng Hermes tại địa chỉ số 24 phố Rue du Faubourg Saint-Honoré ở Paris (Pháp), tồn tại từ năm 1880 đến nay. Chiếc túi này có kích cỡ đáy là 20cm, được phối nhiều màu khác nhau. Giá Hermes ô cửa sổ dao động khoảng 200.000 - 300.000 USD (khoảng 5 - 7,6 tỷ đồng, theo tỷ giá hiện tại).
Trong thực tế, việc kiểm tra một chiếc túi Hermes là thật hay giả không dễ, nhất là hàng mua qua seller. Theo bài viết của Amy X. Wang trên The New York Times, chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng nhái thường rời rạc và khó theo dõi.
Tác giả này thuật lại chia sẻ của luật sư sở hữu trí tuệ Harley Lewin, người đã quan sát các nhà máy từ bên trong, quá trình sản xuất đơn giản là sự kết hợp giữa kỹ thuật thủ công lành nghề và nguyên liệu thô chất lượng cao. Một số nhà sản xuất "super fake" đến Ý để tìm nguồn cung ứng từ các thị trường da có chất lượng giống như các thương hiệu; những người khác mua những chiếc túi thật để kiểm tra từng đường may.
Như Lan và chiếc túi đang vướng lùm xùm |
Những người chịu trách nhiệm xác minh nguồn gốc chiếc túi luôn cảnh báo về mặt hàng "super fake" trên thị trường. Tại RealReal - nền tảng bán lại và ký gửi hàng xa xỉ, nơi những chiếc túi được trải qua các vòng kiểm tra kỹ lưỡng, bao gồm chụp X-quang và đo phông chữ với mức độ chính xác đến từ milimet, đôi khi cũng không thể phát hiện một món đồ giả vì nó quá hoàn hảo.
Một trong số những người làm nghề xác minh mà Wang đã nói chuyện cho biết đôi khi việc phát hiện một chiếc túi giả không hề dễ dàng. Anh ấy nói với Wang rằng hàng giả "đang trở nên quá tốt, thậm chí chính xác đến từng hình khắc bên trong và số mũi chỉ". Thậm chí người này còn từng đưa ra giả thuyết về nguồn gốc của những chiếc túi giả super fake: "Chúng tôi nghi ngờ có thể ai đó làm việc tại Chanel hoặc Hermès đã mang về nhà những món đồ da thật".
Cứ lên Threads là thấy drama nghỉ việc: Quản lý nhắn "hello" để sa thải trong đêm, Gen Z vào cuộc tưng bừng nhưng ai mới bị oan?
Không ít Gen Z thừa nhận mình bị công ty cho nghỉ sốc sau khi xin nghỉ việc thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều.