Hành trình nhân 5 lần thu nhập của cô gái từng bỏ công việc lương 17 triệu đồng/tháng vì không chịu nổi áp lực

Từng có thời gian chật vật trong giai đoạn đầu của sự nghiệp nên cô gái này thấu hiểu cảm giác hoang mang của những người trẻ mới đi làm.

Hiện nay, với nền kinh tế phát triển, người trẻ có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các lĩnh vực và loại hình kinh doanh, đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, làm sao để tăng lương trong quá trình đi làm vẫn luôn là “bài toán" khiến họ đau đầu. 

Nếu bạn vẫn đang loay hoay trên hành trình tìm kiếm đáp án cho mình thì hãy cùng gặp Hoàng Lan (SN 1998), đang sinh sống tại Bình Định. Giống như bao người trẻ khác, cô nàng từng có những thời điểm hoang mang trong sự nghiệp, khi quyết định nghỉ công việc lương 17 triệu đồng chỉ sau 2 tháng vì áp lực, hay thất vọng về năng lực cá nhân khi chuyển về quê sinh sống và làm công việc lương 6 triệu đồng. Tuy nhiên, ở tuổi 26, cô đã tìm được lĩnh vực muốn gắn bó lâu dài và có mức lương đáng nể.

Từ xin nghỉ việc lương 17 triệu đồng/tháng vì không chịu nổi áp lực đến làm 3 công ty cùng lúc

22 tuổi, Hoàng Lan tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) và thi đậu chương trình Management Trainee (viết tắt: MT) của một tập đoàn sản xuất bánh kẹo lớn, với mức lương khởi điểm 17 triệu đồng/tháng. Dẫu có khoản thu nhập đáng mơ ước với một sinh viên mới ra trường, thế nhưng cô nàng đã nhanh chóng từ bỏ công việc này chỉ sau 2 tháng. 

“Lúc đó, mình nghỉ việc do thấy bản thân không đủ giỏi để trụ lại, mặc dù các mentor đánh giá mình khá cao. Ngẫm lại, mình nghĩ là do định hướng, sự kiên định và khả năng chịu đựng của bản thân còn kém", Hoàng Lan tâm sự.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cuối năm đó, cô trở thành nhân viên của phòng thanh toán quốc tế thuộc chi nhánh của một ngân hàng Nhật Bản với mức lương 13 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2021, tức thời điểm 23 tuổi, Hoàng Lan quyết định nghỉ công việc tại ngân hàng và trở về quê nhà Bình Định sinh sống. 

Cô nhớ lại: “Thời điểm đó, mình chuyển về quê một phần vì tình hình dịch bệnh khiến bản thân muốn ở lại với gia đình nhiều hơn sau nhiều năm xa cách. Một nguyên nhân khác là mình cảm thấy con đường làm việc tại ngân hàng, nhất là ngân hàng nước ngoài quá ổn định và ít có sự thăng tiến".

Đầu năm 2022, do đã ổn định cuộc sống ở quê nhà nên Hoàng Lan ứng tuyển vào vị trí nhân viên CS tại một công ty xuất nhập khẩu gần nhà, với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Thời điểm này, cô gặp khủng hoảng trong công việc, cũng như nảy sinh sự thất vọng về năng lực và con đường sau này của bản thân. Cũng vì thế, Hoàng Lan tiếp tục xin nghỉ chỉ sau 2 tháng thử việc.

Ngay sau đó, cô nàng 24 tuổi bước chân vào một lĩnh vực mới, đó là chuyển qua làm content. Thời gian đầu, Hoàng Loan chỉ đảm nhiệm dịch bài tin tức, với mức lương 6 triệu đồng/tháng cùng khối lượng công việc gần 400 bài/tháng. Dù có mức thu nhập không cao, thế nhưng Hoàng Lan cảm thấy vui vẻ trong công việc hơn. Bởi lẽ, cô đã tìm thấy lĩnh vực bản thân muốn gắn bó lâu dài và nhìn thấy con đường thăng tiến rõ ràng hơn.

Ngẫm lại về công việc này, dù giờ đây đội ngũ đã tan rã, thế nhưng cô vẫn thấy biết ơn vì thông qua đó, cô có cái nhìn rõ ràng hơn về lĩnh vực bản thân muốn gắn bó về content trong tương lai. Thêm nữa, không chỉ là về kỹ năng viết lách, công việc này còn cho Hoàng Lan nhiều kiến thức về phân tích, nghiên cứu thị trường… 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cũng trong năm 2022, dù đội ngũ làm việc cùng đã tan rã, song cô đã kịp xin được công việc content cho 2 doanh nghiệp Việt Nam cùng lúc (một talent agency tích hợp công nghệ và 1 startup), nâng mức thu nhập lên hơn 30 triệu đồng/tháng.

Đến hiện tại, Hoàng Lan đang làm Social Media Manager cho 3 công ty cùng lúc (1 công ty ở Việt Nam và 2 công ty ở nước ngoài) với tổng thu nhập là 7x triệu đồng/tháng. 

“Công việc hiện tại đều nhờ những mối quan hệ với anh chị đồng nghiệp cũ. Đồng thời, mình cũng chủ động đi tìm thêm job mới và không ngừng học tập, nâng cao trình độ của bản thân", cô nàng tổng kết.

Đi qua chặng đường khá dài để có được mức lương ổn định như hiện tại nên Hoàng Lan hiểu hết cảm giác của các bạn trẻ trong những năm đầu tiên chập chững đi làm. Khi đó, hầu hết chúng ta đều được trả với mức lương thấp, làm việc trong tâm trạng hoang mang vì chưa có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, Hoàng Lan cho rằng tiền lương cũng quan trọng, nhưng một yếu tố cần lưu ý hơn là cơ hội rèn luyện bản lĩnh.

Cô lý giải: “Mình từng có mức lương khởi điểm sau khi ra trường khá ổn với vị trí MT trong tập đoàn lớn. Thời điểm đó, lương mình cao hơn so với mặt bằng chung và cơ hội thăng tiến được rộng mở, nhưng mình không nắm được cơ hội. Bởi lẽ bản lĩnh, khả năng chịu đựng áp lực của mình khi đó còn quá kém. Do vậy, lương cao và lộ trình tốt ở thời điểm bắt đầu chưa chắc là điều tốt cho các bạn trẻ”.

Cô cũng gửi gắm lời khuyên cho các bạn mới bắt đầu đi làm: “Hãy cố gắng làm, nhìn vào mặt tốt của công việc để vươn lên. Mỗi thử thách, khó khăn là phép thử để rèn luyện bản lĩnh và ý chí của bản thân. Không hề có một môi trường nào dễ dàng và màu hồng khi bạn đã bước ra đời. Tất cả mọi người đều chạy đua trên con đường của chính họ. 

Tuy nhiên, nhìn lại thì bạn cũng nên biết giới hạn của bản thân là ở đâu. Bạn chỉ có thể làm việc với hơn 100% sự cố gắng ở lĩnh vực mà bạn thực sự đam mê, ở môi trường mà bạn cảm thấy được là chính mình, được công nhận và được phát triển”.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Lợi và hại khi làm công việc remote toàn thời gian

Hiện, Hoàng Lan đang làm Social Media Manager cho 3 công ty cùng lúc. Điểm đặc biệt là cả ba công việc, cô đều làm theo hình thức remote (làm việc từ xa) ở quê nhà Bình Định. 

Tự nhận mình là người hướng nội, thì công việc hoàn toàn remote trở nên lý tưởng với Hoàng Lan. Bởi lẽ khi đó, cô có thể tập trung làm được nhiều việc hơn mà không bị tác động bởi những ngoại cảnh xung quanh, cũng như “tốn kém" năng lượng cho giao tiếp. Tuy nhiên, công việc remote có cả ưu điểm và nhược điểm mà bạn cần chấp nhận trước khi chọn hình thức công việc này.

Về ưu điểm, Hoàng Lan nhận định: “Thứ nhất, mình có thể tránh xa mọi drama chốn công sở. Mình làm việc remote nên dù vẫn tiếp xúc với đồng nghiệp, nhưng hết giờ làm việc đóng laptop lại và bạn có cuộc sống của riêng mình. Cho dù bị nói, thì bạn cũng không cần phải bận tâm (cười).

Thứ hai, dù đi đâu thì mình cũng có thể làm việc. Điều này sẽ giúp mình dễ có cảm giác thoải mái để làm dưới áp lực, mà không lo bị áp lực đè bẹp. Thứ ba, mình có thể ‘say goodbye' với kẹt xe. Sau gần 3 năm làm việc ở nhà mà còn ở quê, mình giờ không còn biết kẹt xe hay giờ tan tầm là gì (cười). 

Thêm nữa, giờ mình có nhiều thời gian hơn để ở bên gia đình và chăm sóc bản thân. Cuối cùng, nếu biết cách sắp xếp công việc và quản lý thời gian tốt thì mình có thể làm nhiều job ở cùng lĩnh vực để tăng thu nhập. Điều mà một nhân viên văn phòng sẽ khó đạt đến".

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, trở thành một nhân viên remote toàn thời gian cũng lấy đi của Hoàng Lan nhiều thứ. Cô nàng tâm sự: “Mình ít tiếp xúc với mọi người, do đó khả năng thấu hiểu với đồng nghiệp và sếp cũng bị ảnh hưởng. Nói cách khác, lúc này khả năng giao tiếp của bạn trong công việc phải ở mức khá, tức là trao đổi rõ ràng, chủ động, lắng nghe và hiểu vấn đề.

Tiếp theo về phúc lợi, mình sẽ thiếu đi những buổi ăn chung, bonding, workshop ngoại khóa, trợ cấp ăn uống và đi lại. Thêm nữa, hiện nay, một số startup nhỏ không đóng bảo hiểm cho nhân sự nên mình cũng sẽ phải tự mua hoặc được công ty trợ cấp một phần. Bên cạnh đó, nếu làm remote thì bạn cũng chấp nhận thời gian tiếp xúc với máy tính nhiều lên, từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ".

Ở diễn biến khác, cô cho rằng thông thường mức lương từ công việc remote sẽ nhỉnh hơn so với mức trung bình của thị trường. Thế nhưng, không phải ngành nghề nào cũng có thể làm remote. 

“Một số công việc đặc thù đòi hỏi tiếp xúc giữa con người cao, bảo mật thông tin, đi hiện trường,... vẫn phải lên văn phòng hoặc hybrid (hình thức kết hợp giữa công việc online và offline). Các ngành remote chủ yếu là những ngành ‘hot-trend’ mà bạn có thể làm 100% online, liên quan đến tech, mạng xã hội,... đồng thời đa số áp dụng cho công ty nước ngoài có nhu cầu tìm kiếm nhân sự ở Việt Nam chẳng hạn".

Dù có mức lương khá cao, tuy nhiên Hoàng Lan nhận định chúng mới chỉ “đủ sống" cho bản thân, nhưng khi cô lập gia đình lại là câu chuyện khác. Cũng vì thế, bên cạnh nỗ lực gia tăng thu nhập thì cô nàng còn học cách quản lý tài chính và tìm hiểu sinh lời từ đầu tư.

“Hiện mình đang phân bổ thu nhập cá nhân theo quy tắc 6 chiếc lọ. Cụ thể, 55% cho chi tiêu cần thiết; 10% cho tiết kiệm dài hạn; 10% cho đầu tư vào kỹ năng, học hành của bản thân; 10% phục vụ giải trí; 10% cho đầu tư mạo hiểm; 5% để dành thiện nguyện và giúp đỡ cho đi. 

Vì mình vẫn độc thân và ở với gia đình nên nhu cầu cho cá nhân cũng ít. Cũng vì thế, ⅔ trong quỹ chi tiêu cần thiết và ½ trong quỹ phục vụ giải trí, mình thường xuyên dành ra để bỏ lại vào quỹ tiết kiệm dài hạn. Đó là cách mình tận dụng thời gian còn làm được, còn trẻ của mình để tiết kiệm và tối đa hóa hiệu quả của ‘lãi suất kép’. Số tiền này sẽ là phòng hộ để xây dựng cuộc sống sau này, khi mình không còn ở với gia đình”, Hoàng Lan nói.

Vân Anh - Design: Ngô Hoàng Sơn

Đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024

Đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024

BHXH Việt Nam vừa đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 tăng khoảng 8% để đồng bộ với chính sách cải cách tiền lương.