Hồ sơ doanh nghiệp tư nhân sắp tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người tại Việt Nam

Nanogen là đơn vị tư nhân duy nhất tham gia vào quá trình sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam, và cũng là đơn vị thử nghiệm vaccine trên người sớm nhất.

Đến thời điểm này, Việt Nam có 4 đơn vị được cấp phép nghiên cứu vaccine COVID-19, là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen .

Công nghệ chính được các công ty áp dụng là sử dụng kháng nguyên và tái tổ hợp protein. Đây là công nghệ tương đồng với các quốc gia đang phát triển vaccine khác trên thế giới.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 10/12 tới, tức chỉ 2 ngày nữa, Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người.  Đây được đánh giá là bước đi nhanh, dù Việt Nam mới chỉ nghiên cứu vaccine COVID-19 từ cuối tháng 3/2020.

Ông  Hồ Nhân , Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học Dược Nanogen. Ảnh: VOH
Ông Hồ Nhân , Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học Dược Nanogen. Ảnh: VOH

Và Nanogen là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế quyết định cho phép bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Trước đó, Nanogen đã hoàn thiện nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm, đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật.

Theo kế hoạch ở giai đoạn 1, Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm vaccine trên khoảng từ 40 đến 60 tình nguyện viên. Giai đoạn hai sẽ thử nghiệm trên 600 người và sang giai đoạn ba hơn 10.000 người.

Doanh nghiệp tư nhân đầu tiên thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người tại Việt Nam

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen có trụ sở chính tại Khu Công nghệ cao Quận 9, TP.HCM. Đây cũng là nơi đặt nhà xưởng sản xuất. Văn phòng đại diện phía Bắc của công ty đặt tại 777 Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Nanogen đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Người đại diện pháp luật và cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Nanogen, là ông Hồ Nhân, sinh năm 1966, quốc tịch Việt Nam.

Nhà xưởng sản xuất của Nanogen tại Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM. Ảnh: VOH
Nhà xưởng sản xuất của Nanogen tại Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM. Ảnh: VOH

Ban đầu thành lập, Nanogen có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đều là nguồn vốn tư nhân.

Cổ đông sáng lập là ông Hồ Nhân, góp 140 tỷ đồng, nắm giữ 70% cổ phần công ty. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ của ông Nhân, góp 50 tỷ đồng, giữ 25% cổ phần và ông Hồ Vũ Thành góp 10 tỷ đồng, sở hữu 5% cổ phần công ty.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân cũng là Giám đốc của Nanogen.

Sau nhiều lần thay đổi, hiện tại vốn điều lệ của Nanogen đã tăng 2,6 lần so với thời điểm thành lập, lên 715 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông nước ngoài đang năm giữ hơn 25,7% vốn.  

Một số cổ đông nước ngoài đáng chú ý là quỹ Stic Private Equity Fund III (Iceland) nắm 7,7% cổ phần, Công ty sinh học Next Science Co (Hàn Quốc) sở hữu 10,5%…

Rắc rối với Roche

Năm 2010, Nanogen vướng rắc rối khi bị Tập đoàn đa quốc gia Roche tố vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và thuốc điều trị viêm gan siêu vi C. Vụ việc xảy ra chỉ 7 ngày sau khi hai sản phẩm của Nanogen được cơ quan nhà nước cấp phép đăng ký.

Mặc dù phía Roche không đưa ra được bằng chứng thuyết phục, nhưng vụ lùm xùm đã khiến Nanogen liên tục bị nhắc tên trên các báo, nhưng  cũng được nhiều nhà đầu tư biết đến hơn.

Đại diện Nanogen cho biết vào thời điểm đó, thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và C của công ty sản xuất chỉ có giá bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại cùng loại, và chiếm 80% thị phần trong nước.

Bên cạnh đó, Nanogen cũng là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp.

Ông Hồ Nhân (ở giữa) cho biết các loại thuốc sinh học đặc trị của công ty hiện đã được mở rộng thêm các sản phẩm điều trị bệnh thiếu máu, tăng bạch cầu để hỗ trợ bệnh nhân khi hóa trị, xạ trị, ghép tủy. Ảnh: Forbes Việt Nam
Ông Hồ Nhân (ở giữa) cho biết các loại thuốc sinh học đặc trị của công ty hiện đã được mở rộng thêm các sản phẩm điều trị bệnh thiếu máu, tăng bạch cầu để hỗ trợ bệnh nhân khi hóa trị, xạ trị, ghép tủy. Ảnh: Forbes Việt Nam

Vào thời điểm đó, ông Hồ Nhân cho biết theo quy định thì doanh nghiệp phải dành 1% tổng doanh thu cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), nhưng tại Nanogen thì con số này lên đến 38%.

Từ sau vụ lùm xùm, Nanogen trở nên kín tiếng hơn. Ông Hồ Nhân càng ít nói về mình. Các thông tin trên website của công ty khá ít, và hầu hết được cập nhật từ năm 2013.

Ngoài ra, một số sản phẩm nổi bật của Nanogen là interferon alfa 2a, để điều trị bệnh viêm gan siêu vi, cúm…; EPO dùng điều trị các bệnh thiếu máu do suy thận; GCSF, GMCSF dùng hỗ trợ các bệnh đang sử dụng hóa trị và xạ trị; TPA dùng điều trị cho các bệnh nhân bị đột quỵ do tắt mạch máu; hormone tăng trưởng, kháng thể dùng trong liệu pháp miễn dịch chữa ung thư, tiểu đường…

Năm 2019 lỗ 26 tỷ đồng

Trong những năm gần đây, doanh thu của Nanogen không quá biến động. Riêng 2019, Nanogen đạt doanh thu cao nhất là 191 tỷ đồng, tăng 17% so với 3 năm trước đó.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, Nanogen có mức biên lợi nhuận gộp hàng năm dao động 44% - 60%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại có chiều hướng sụt giảm trong những năm gần đây.

Đặc biệt năm 2019, Nanogen báo lỗ đến 26 tỷ đồng khi biên lợi nhuận sụt giảm. Giai đoạn này trùng với thời điểm Nanogen tăng vốn điều lệ lên 715 tỷ đồng. 

Lý do lỗ trong năm 2019 được giải thích là giá vốn bất ngờ tăng mạnh khiến biên lãi gộp giảm từ 60% năm 2018 xuống còn 44%. Nhiều khả năng, công ty đã trích khấu hao lớn trong năm 2019, sau khi đầu tư lớn vào tài sản cố định.

Tổng tài sản của Nanogen tính đến 31/12/2019 là 1.369 tỷ đồng, tăng 38% so với cuối năm 2018. Hoạt động của doanh nghiệp  chủ yếu dựa trên vốn tự có, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2019 là 1.102 tỷ đồng, bao gồm 715 tỷ đồng vốn góp. 

Khởi động nghiên cứu vaccine COVID-19 từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán

Dây chuyền sản xuất vaccine của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen. Ảnh: Nanogen
Dây chuyền sản xuất vaccine của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen. Ảnh: Nanogen

Riêng việc sản xuất vaccine COVID-19, ông Hồ Nhân cho biết từ tháng 1/2020, khi xuất hiện virus Corona ở Vũ Hán (Trung Quốc), Nanogen đã lưu ý theo sát và lên kế hoạch nghiên cứu. Tháng 3/2020, khi Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ tìm, phân công doanh nghiệp đủ tiềm lực để nghiên cứu bào chế ra vắc xin ngừa COVID-19 thì công ty chính thức khởi động. 

Đến tháng 5 và tháng 6/2020, Nanogen thử nghiệm vaccine COVID-19 trên chuột và khỉ. 

Ông Hồ Nhân thông tin, dự án đến nay đã tiêu tốn của công ty hơn 200 tỷ đồng, với 100 nhân sự làm việc trong các phòng thí nghiệm. Sắp tới, Nanogen sẽ tiếp tục dự án đầu tư mở rộng 3 nhà máy, mua nguyên phụ liệu, dây chuyền sản xuất.

Trao đổi với Forbes Việt Nam, lãnh đạo Nanogen tự tin cho rằng vaccine do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất sẽ phù hợp nhất với thể trạng người Việt. Ước tính trong 2 năm tới, lượng vaccine COVID-19 vẫn chưa đủ cho toàn thế giới, nên dịch bệnh vẫn có khả năng biến đổi và bùng lên lần nữa.

Nanogen cũng khẳng định đã làm chủ công nghệ và có thể sản xuất được 20-30 triệu liều vaccine mỗi năm. 

CEO Hồ Nhân Lớn lên ở New York - Mỹ và có 20 năm nghiên cứu công nghệ sinh học ở nước ngoài trước khi về Việt Nam lập công ty sản xuất thuốc sinh học trị liệu. Ông có bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại đại học Arizona và luôn ấp ủ ước mơ lập công ty công nghệ sinh học của riêng mình. 

Khi về Việt Nam định cư, ông mở một phòng thí nghiệm nhỏ tại quận Tân Phú, trước khi dời Nanogen về khu Công nghệ cao TP.HCM. 

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương