Ngày 5/11/2024, tại Cà Mau, Dự án "Nước là sự sống" đã chính thức được triển khai, mang đến hy vọng cho 7.200 người dân, đặc biệt là phụ nữ tại hai tỉnh Cà Mau và Ninh Thuận.
Dự án là kết quả hợp tác giữa Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ hai tỉnh. Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho dự án này, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy bình đẳng giới.
Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam bà Caroline Nyamayemombe phát biểu tại lễ trao thiết bị (Ảnh: Daibieunhandan) |
Thực trạng đáng báo động
Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ phải gánh vác trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm, quản lý nguồn nước cho gia đình, chăm sóc con cái, người già và làm việc đồng áng. Gánh nặng này càng trở nên quá sức khi nguồn nước khan hiếm, buộc họ phải đi xa hơn, tốn nhiều thời gian và công sức hơn để có được nước sạch.
Cà Mau và Ninh Thuận là hai địa phương đang phải gồng mình chống chọi với hạn hán và xâm nhập mặn, phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra. Hạn hán kéo dài khiến đất đai khô cằn, nứt nẻ, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Xâm nhập mặn len lỏi vào sâu trong đất liền, làm nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Tại Cà Mau, năm 2020, hơn 29.000 ha đất trồng trọt bị ảnh hưởng, gây thiệt hại 107 tỷ đồng. Hơn 20.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Tại Ninh Thuận, hạn hán khiến hơn 7.000 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, 72.000 người thiếu ăn và 50.000 người thiếu nước sinh hoạt. 110.000 gia súc bị ảnh hưởng do thiếu nước và thức ăn.
Nguồn nước nhiễm mặn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và các nhóm dân tộc thiểu số, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu chảy và bệnh ngoài da.
Dự án "nước là sự sống" mang đến sự hỗ trợ thiết thực cho người dân, đăch biệt là phụ nữ (Ảnh: Daibieunhandan) |
Hỗ trợ thiết thực, tiếp cận đa chiều
Hiểu được những khó khăn đó, Dự án "Nước là sự sống" tập trung vào các hoạt động hỗ trợ thiết thực và tiếp cận đa chiều:
Hơn 420 bồn chứa nước sinh hoạt đã được trao tặng cho phụ nữ tại Cà Mau, giúp họ dự trữ nước sạch, giảm bớt gánh nặng trong việc đi lấy nước mỗi ngày. 200 phụ nữ khác được hỗ trợ kinh phí mua thiết bị tưới tiêu tiết kiệm nước, góp phần giảm thiểu lãng phí, ổn định sản xuất nông nghiệp.
“Phụ nữ đảm nhận trách nhiệm chính trong việc lấy nước và chăm sóc gia đình, khiến họ trở thành những người đầu tiên và chịu tác động nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu nước,” bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết.
Dự án lồng ghép các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Phụ nữ được cung cấp thông tin và kỹ năng để tự bảo vệ mình, xây dựng mối quan hệ gia đình lành mạnh.
Thông qua các buổi tập huấn, phụ nữ được trang bị kiến thức về quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sinh kế bền vững. Điều này giúp họ chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước những tác động của thiên tai. Đồng thời, dự án cũng trao tặng thiết bị lọc nước cho các trường học và trạm y tế, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Phụ nữ Cà Mau được hỗ trợ qua dự án nước sạch (Ảnh: Vneconomy) |
Dự án "Nước là sự sống" không chỉ mang đến những hỗ trợ thiết thực trước mắt, mà còn góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho người dân Cà Mau và Ninh Thuận. Bằng cách trao quyền cho phụ nữ, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, nơi mà mọi người đều có quyền tiếp cận với nước sạch và có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh.
Việt Nam vững bước trên con đường bình đẳng giới
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bước tiến quan trọng, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ.