![]() |
Ảnh minh họa, diễn tấu cồng chiêng người M’nông ở Đắk Nông (Ảnh TL) |
Phát triển là mục đích và nhu cầu của bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào, tuy nhiên sự phát triển đó như thế nào, có bền vững hay không và ảnh hưởng ra sao với môi trường tự nhiên (MTTN) lại là điều con người cần phải chú ý. Qua quá trình đổi mới, những thành tựu về kinh tế mang lại là những điều không thể phủ nhận, nhưng nhìn lại về quãng đường đi qua chúng ta nhận ra những ưu tiên của mình cho sự phát triển kinh tế đã làm huỷ hoại, hay tàn phá môi trường ở vùng các dân tộc thiểu số (DTTS), như chặt cây xây dựng các công trình thuỷ điện, khai thác quặng bô xít, điện gió…Chính vì vậy trong thời điểm hiện nay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với MTTN của các DTTS nhằm mục tiêu phát triển bền vững là điều cần thiết và có ý nghĩa to lớn.
PHƯƠNG PHÁP
Đối tượng nghiên cứu
- Đối tượng: phương thức bảo tồn và phát huy văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người M’Nông ở Đắk Nông
- Nội dung: khái quát nội dung văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông, đánh giá thực trạng văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện phương thức bảo tồn và phát huy văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người M’Nông ở Đắk Nông.
Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nội dung nghiên cứu đã đề ra, tác giả sử dụng phương pháp luận chung của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng thời sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học phổ biến là:
Phương pháp lịch sử và lôgíc: được tác giả sử dụng để nhằm phân tích, luận giải làm rõ nội dung giá trị văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông. Ngoài ra còn được sử dụng để làm rõ thực trạng giá trị văn hóa ứng xử với MTTN hiện nay đã biến đổi như thế nào so với xã hội cổ truyền trước kia của người M’Nông ở Đắk Nông.
Phương pháp phân tích và tổng hợp: được tác giả sử dụng phổ biến nhằm phân tích làm rõ, khái quát được nội dung từ đó xây dựng các kết luận của quá trình nghiên cứu.
Phương pháp miêu tả: được tác giả sử dụng để khái quát nội dung giá trị văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người M’Nông ở Đắk Nông.
KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
Văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông
Dân tộc M’Nông có số dân hơn 67.300 người, đứng thứ 19 trong số 54 dân tộc ở Việt Nam. Dân tộc M’Nông cư trú tại nhiều tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng. Riêng ở tỉnh Đắk Nông, có hơn 40.000 người M’Nông, chiếm khoảng 50% tổng dân số người M’Nông ở Việt Nam và 1/3 dân số M’Nông trên thế giới [8; tr.145]. Đắk Nông là một tỉnh miền núi, biên giới Tây Nguyên được tái lập năm 2004, nơi sinh sống lâu đời của dân tộc M’Nông – một trong những chủ thể của nền văn hóa Tây Nguyên. Những năm qua trước xu thế phát triển, những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc M’Nông đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững, song những giá trị truyền thống của dân tộc M’Nông cũng đang đối mặt với nguy cơ bị mai một, lãng quên. Cũng như các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông đang đứng trước những đòi hỏi lớn: Một mặt, phải phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; mặt khác, vừa phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ MTTN, chăm lo các vấn đề xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, là điều kiện đảm bảo cho công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên và công cuộc đổi mới đất nước một cách bền vững.
Có thể khái quát văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông được thể hiện chủ yếu trên ba khía cạnh:
Thứ nhất, văn hóa ứng xử với MTTN biểu hiện qua quan niệm và hành vi tôn trọng, bảo vệ nương rẫy, cây trồng, động vật
Con người là một bộ phận của tự nhiên, trong quá trình con người sống, tồn tại phải lao động sản xuất để đáp ứng nhu cầu của mình, quá trình lao động sản xuất được biểu hiện thành các giá trị thể hiện trong môi trường đó. Người M’Nông ở Đắk Nông có trình độ kinh tế còn thấp nên chủ yếu là nền sản xuất nông nghiệp thể hiện qua nương rẫy, cây trồng, động vật. Hầu hết các DTTS, đặc biệt là các DTTS ở Tây Nguyên theo tín ngưỡng đa thần, mọi vật, từ gốc cây, cục đá, ngọn núi, dòng sông, con vật… đều do thần linh cai quản, đều có thần linh trú ngụ. Thần thiện phù hộ con người, thần ác quấy phá, mang đến dịch bệnh, cướp đi của cải, thóc lúa trên nương, trâu bò, gà lợn ngoài vườn… Để cuộc sống được yên lành, mùa màng bội thu, cộng đồng vững mạnh người ta phải thực hiện những nghi lễ trong vòng đời người, những nghi lễ thuộc vòng sinh trưởng của cây trồng, động vật và những nghi lễ chung của cộng đồng. Con người không thể làm đứt mối liên kết này nếu họ muốn sống trong sự hoà hợp, với trật tự của muôn vật như là “từ khi bắt đầu của vũ trụ”. Người nào làm đứt quan hệ hài hoà này cuộc sống sẽ bị đe doạ. Mục đích chính của việc giải quyết tranh chấp là nhằm nối lại sợi dây hài hoà, nhờ vậy trật tự thế giới được bảo vệ và mối liên hệ thần thánh được thắt chặt” [3; tr.107].
Thứ hai, văn hóa ứng xử với MTTN biểu hiện qua quan niệm và hành vi tôn trọng, bảo vệ rừng
Đặc thù của các DTTS là toàn bộ đời sống của họ từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi đều sống phụ thuộc vào rừng. Rừng chính là nơi cung cấp cho họ nguồn thức ăn, sản xuất, rừng cũng chính là nơi diễn ra tất cả mọi hoạt động của cộng đồng, mọi phong tục, truyền thống… Rừng nuôi sống thể chất các DTTS, rừng cũng là cơ sở quan trọng tạo nên đời sống tinh thần của họ. Đối với người M’Nông, rừng là một thực thể giống như thực thể con người, thậm chí rừng còn là một phần “bản nguyên” của con người. Đó cũng là điều lý giải vì sao các DTTS ở Tây Nguyên quý trọng rừng. Đời sống tâm linh của các DTTS phần lớn là có cơ sở, có liên hệ mật thiết với rừng. Biểu hiện rõ ở các lời cầu khấn thần Rừng, thần Núi, thần Sông, thần Suối, thần Thác nước. Ai bắt, giết trăn con, con rắn ở đầu suối, trong rừng già là huỷ hoại con thần. Như vậy, rừng đã góp phần tạo nên và nuôi dưỡng phần hồn và phần xác của các DTTS, tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa con người - rừng - thần linh.
Thứ ba, văn hóa ứng xử với MTTN biểu hiện qua quan niệm và hành vi tôn trọng, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước
Đất và nước được xem là những yếu tố không thể thiếu được và là nguồn lực tự nhiên quan trọng để duy trì sinh kế trong đời sống của con người nói chung và các DTTS cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đối với các DTTS ở Tây Nguyên với nền sản xuất nông nghiệp, trồng trọt hoa màu, cây công nghiệp thì đất và nước gắn bó chặt chẽ với đời sống của họ và quy định cái tâm thức của các DTTS trong việc sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước. Do điều kiện địa lý của khu vực sinh tụ và do những tác động khách quan của hoàn cảnh lịch sử, cơ sở xã hội truyền thống của đồng bào là Buôn (Bon, Plei). Buôn của các dân tộc thiểu số thường được xây dựng ở những nơi thoáng rộng bằng phẳng, gần nguồn nước. Xung quanh buôn được rào kỹ bằng các lũy tre hay cọc gỗ, có cổng ra vào chắc chắn, vừa là để ngăn chặn thú dữ, vừa là để phòng thủ trong các cuộc chiến tranh với các buôn khác. Mỗi buôn có phạm vi rừng và phạm vi cư trú riêng của mình. Ranh giới của phạm vi này thường là các ranh giới tự nhiên như một dòng suối, một gốc cây to hay một mỏm đá…, song nó được tất cả các thành viên trong buôn và buôn khác thừa nhận và tôn trọng. Trong phạm vi đất rừng và đất cư trú của buôn mình, mọi người dân đều có quyền tự do khai thác, săn bắt, hái lượm, chọn đất làm rẫy…, nhưng vi phạm sang lãnh thổ buôn khác là điều cấm kỵ. Địa điểm sinh hoạt cộng đồng quan trọng nhất trong buôn là bến nước, có lẽ chính vì thế mà người chủ bến nước (khoa kpin ea) cũng được coi là người chủ buôn. Thông qua luật tục, tập quán, canh tác sản xuất đã thể hiện văn hóa ứng xử của người M’Nông ở Đắk Nông với đất sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, nguồn nước sinh hoạt.
Thực trạng văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của dân tộc M’Nông ở Đắk Nông hiện nay
Thứ nhất, đánh giá thực trạng văn hoá ứng xử với MTTN biểu hiện qua quan niệm và hành vi tôn trọng, bảo vệ nương rẫy, cây trồng, động vật
Từ sau khi tiến hành đổi mới năm 1986, với những chủ trương đưa đồng bào DTTS Tây Nguyên vào các nông, lâm trường, do đó tất cả đất đai của họ trở thành “sở hữu toàn dân”. Môi trường sống, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng lớn. Phương thức canh tác nương rẫy là cơ sở, là nền tảng của sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của các DTTS ở Tây Nguyên. Tuy nhiên hiện nay, nhiều buôn làng đồng bào M’Nông không còn canh tác nương rẫy nữa. Nhiều hộ gia đình chuyển trồng lúa sang trồng cà phê, tiêu, điều. Không ít làng đồng bào làm công nhân cho các lâm trường chuyên trồng cao su. Sự chuyển đổi phương thức sản xuất như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp tới các hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền.
Do điều kiện diện tích đất đai canh tác ngày một thu hẹp, sự bùng nổ dân số trong cộng đồng, cùng với sự xuất hiện của những phương thức canh tác theo lối hiện đại… Hiện nay, để đảm bảo việc khai thác hiệu quả nguồn lợi đất đai nhằm phục vụ cho sản xuất và đời sống, người M’Nông ở Đắk Nông không thể chỉ giữ mãi những tập quán canh tác truyền thống mà đã có những biến đổi phù hợp hơn trong đời sống sản xuất. Đó là việc phải thay đổi hình thức du canh cho đất có thời gian phục hồi độ màu mỡ, bằng việc luân canh có chu kỳ các loại cây trồng khác nhau trên cùng một diện tích đất canh tác để cải tạo qua từng mùa vụ. Hoặc để tăng năng suất trong lao động ngoài việc trồng theo phương pháp xen canh các giống cây trồng truyền thống, đưa vào canh tác các giống cây trồng mới cho năng suất cao hơn. Thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ngoài canh tác các loại cây lương thực truyền thống, người M’Nông ở Đắk Nông đã trồng thêm các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày như: hồ tiêu, điều, cà phê, cao su … để đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng một cách bền vững. Sự biến đổi trong cơ cấu cây trồng kéo theo sự phân bố và sắp xếp lại chu kỳ sản xuất trong năm. Vì thế khó có thể phân biệt được thời vụ và kỹ thuật canh tác cây trồng của người M’Nông với các dân tộc khác trong vùng.
Đối với các nhà truyền giáo, để phát triển kinh tế vùng người M’Nông theo đạo nhằm lôi kéo những người đồng tộc của họ, các nhà truyền giáo phải đưa vào đây những phương thức canh tác tiến bộ dẫn đến sự thay đổi trong văn hóa ứng xử với nương rẫy và cây trồng của người M’Nông theo đạo. Nhưng việc làm ấy cũng vấp phải những khó khăn có nguồn gốc từ tín ngưỡng truyền thống của các tộc người. Việc đưa lưỡi cày và sử dụng sức kéo của trâu, bò vào sản xuất là một ví dụ. Người Công giáo cày ruộng bằng chiếc cày, cái bừa do các vị thừa sai đem vào phổ biến… Các nơi khác, dân bản địa dùng cái bới, cái cuốc sắt nhỏ làm rẫy, chặt trỉa.
Tuy nhiên, từ sau năm 1975 đến nay do đời sống kinh tế đã thay đổi, dưới tác động của di dân, của môi trường sống nên các dân tộc sinh sống ở Đắk Nông trong đó có cả người M’Nông đã không còn quan tâm nhiều đến việc bảo vệ và duy trì trật tự sinh tồn đa dạng của các loài động vật tự nhiên. Khi săn bắt ở nhiều nơi người M’Nông vẫn vi phạm các quy định về khu rừng cấm săn bắt, đặt bẫy ở nhiều nơi không còn chú ý đến mùa sinh sản hay không bắt những con thú nhỏ hoặc đang mang thai như trước kia. Ở một số nơi đồng bào M’Nông còn sử dụng thuốc hóa học, cần câu điện trong khai thác đánh bắt thủy sản ở các ao hồ tự nhiên, làm ô nhiễm môi trường sinh sống của các loài động, thực vật. Điều này khác với cách ứng xử nhân văn trước đây của người M’Nông với MTTN khi họ không bao giờ triệt thu, tận diệt, hủy hoại môi trường, mà họ luôn thể hiện sự hài hòa với MTTN và luôn ý thức giữ gìn nguồn sống cho mình và các thế hệ mai sau.
Như vậy, có thể thấy rằng bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, người M’Nông cũng đang dần lãng quên những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp với nương rẫy, cây trồng, động vật trong MTTN nên dẫn đến các loại động, thực vật đang có sự suy giảm nghiêm trọng, văn hóa khai thác nhưng không tận diệt đang mất dần đi thay bằng sự hủy diệt tận gốc trong khai thác tự nhiên của con người, đây là thực trạng đáng báo động.
Thứ hai, đánh giá thực trạng văn hóa ứng xử với MTTN biểu hiện qua quan niệm và hành vi tôn trọng, bảo vệ rừng
Sự thay đổi trong phương thức quản lý và sử dụng tài nguyên rừng đã dẫn đến thay đổi trong nhận thức của người M’Nông ở Đắk Nông. Từ ngàn đời nay đất và rừng đã “được Yang giao cho làng”, giờ đất và rừng không còn là của làng nữa. Giá trị của rừng vốn thiêng như trước đấy giờ đã bị xem nhẹ, thậm chí nhiều thanh niên M’Nông còn tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp để kiếm tiền. Săn bắn các loại thú rừng một cách cạn kiệt. Sự tàn phá những cánh rừng bạt ngàn trước đây thành những cánh rừng đồi trọc, các công trình thủy điện, điện gió mọc lên ngày càng nhiều đã làm cho cảnh quan tự nhiên cũng như môi trường rừng, đất đai, nguồn nước, động vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhu cầu khai thác của con người quá lớn. Nếu như trước đây, mối quan hệ giữa con người với MTTN là mối quan hệ ứng xử hài hòa thì nay là quan hệ chi phối và khai thác mà không chú ý đến hậu quả thiên nhiên sẽ trả lại cho con người.
Họ cho rằng rừng là của Nhà nước, việc bảo vệ rừng là của Nhà nước, người dân không có nghĩa vụ phải bảo vệ. Quan niệm đó cùng với nỗi sợ trừng phạt (do sát hại sinh linh) không còn nên họ cứ mặc sức khai phá. Rừng không chỉ bị phá hoại mà vấn đề mua bán chuyển nhượng đất đai cũng trở nên phổ biến, môi trường sinh tồn của buôn làng bị thu hẹp lại, sinh thái diễn biến theo chiều hướng xấu. Sự thay đổi quan hệ sở hữu cùng với sự thu hẹp đất đai canh tác sử dụng đã và đang gây tác dụng nhiều mặt. Xét ở góc độ xã hội thì điều đó đã làm suy giảm đáng kể cơ sở vật chất của tính cố kết cộng đồng buôn làng, vốn là nguồn sức mạnh truyền thống bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển xã hội của các DTTS ở Tây Nguyên trong đó có người M’Nông.
Hiện nay, ở vùng người M’Nông ở Đăk Nông hầu như không còn ngôi nhà trệt có mái tranh trùm gần sát đất nữa. Người M’Nông không có lựa chọn nào khác là thay mái nhà lợp cỏ tranh sang mái tôn, thay sàn gỗ bằng nền xi măng, gạch men, vách nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên trong rừng được thay bằng gạch. Không ai phủ nhận sự bền chắc của các sản phẩm khoa học công nghệ, nhưng môi trường như vậy không hợp với sinh hoạt văn hóa cổ truyền của các DTTS. Cồng chiêng được diễn tấu trong nhà dài rõ ràng là thi vị, dễ chịu, hấp dẫn lôi cuốn người nghe hơn ngôi nhà bằng gạch đá, xi măng. Như vậy, cuộc sống hiện đại trong nền kinh tế thị trường đã mang lại những mâu thuẫn và sự riêng rẽ về sinh sống… Vai trò và chức năng của nhà dài cũng không còn nguyên như cũ, nó đang mất dần lý do tồn tại trong môi trường không gian đã có nhiều sự thay đổi.
Thứ ba, thực trạng văn hóa ứng xử với MTTN biểu hiện qua quan niệm và hành vi tôn trọng, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước.
Từ sau năm 1975 đến nay, thông qua triển khai hàng loạt các chủ trương, chính sách khai thác đất rừng, chúng ta đã vô tình phủ nhận và phá vỡ thiết chế quan trọng có tính nền tảng cho sự tồn tại bao đời của các DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên trong ứng xử với đất đai: Thiết chế xã hội buôn làng và thiết chế sở hữu tập thể buôn làng về đất đai. Mặc dù việc khai thác và sử dụng đất rừng mang lại những thành công to lớn nhưng đi liền với nó là hàng loạt vấn đề hệ luỵ như làm tan rã kinh tế xã hội và văn hóa người M’Nông ở Đắk Nông. Trong đó về mặt kinh tế là sự thu hẹp của sản xuất nương rẫy, sự phủ nhận đột ngột truyền thống sở hữu và sử dụng đất rừng của cộng đồng buôn làng. Về xã hội là sự tan rã của thiết chế cộng đồng buôn làng như là đơn vị xã hội duy nhất, về văn hóa là sự mai một, biến đổi của văn hoá truyền thống trong đó có văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông.
Từ đầu những năm 2000 đến nay, cơ cấu sử dụng đất ở Đắk Nông có sự thay đổi đáng kể: một diện tích lớn đất nông, lâm nghiệp chuyển đổi thành đất cho các dự án phát triển, giao thông, thủy lợi, thủy điện, khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu du lịch, khu dân cư nông thôn...Việc làm này đã phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái, và làm suy giảm giá trị tài nguyên rừng. Khai thác nước ngầm quá mức để phát triển nông nghiệp làm cho Đắk Nông đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngày càng nghiêm trọng, có nhiều sự cố và vấn đề môi trường liên quan đến quản lý sử dụng tài nguyên nước tại đây vẫn đang diễn ra.
Hiệu quả sử dụng đất của người M’Nông ở Đắk Nông vẫn còn đang thấp kém so với tiềm năng đất đai và so với hiệu quả sử dụng đất của các dân tộc mới đến và cùng với đó là các vấn đề bất ổn xoay quanh việc lấn chiếm sử dụng đất trái phép của các DTTS tại chỗ ở Đắk Nông. Việc giao đất, giao rừng cho các nông, lâm trường quản lý, sử dụng và số lượng dân di cư đến các tỉnh Tây Nguyên đã gây nên tình trạng lấn chiếm đất của Nhà nước, tập thể. Một số hộ đồng bào M’Nông tại chỗ chưa được giải quyết kịp thời đất ở, đất sản xuất. Việc mua bán, tranh chấp đất đai của các cá nhân có chiều hướng phức tạp. Điều này đã dẫn đến tình trạng một bộ phận người DTTS tại chỗ thiếu cả đất ở đất sản xuất, không còn khả năng tự lập cuộc sống.
Việc khai thác và sử dụng nguồn nước của người M’Nông đã có sự biến đổi. Trước kia đồng bào thường lợi dụng suối, mạch nước dẫn nước sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, người M’Nông ở Đắk Nông không ứng xử mềm dẻo với nguồn nước mà chặn đứng dòng suối, đắp đập làm ao hoặc chủ động đào giếng tạo nguồn nước mới. Kiểu ứng xử này một mặt giúp người M’Nông có thể chủ động được nguồn nước, khai thác nguồn nước một cách triệt để nhưng mặt khác lại dẫn đến tàn phá môi trường, cạn kiệt nguồn nước do việc đào và đắp đập. Một số dòng suối vào mùa khô không có nước nhưng vào mùa lũ trở nên hung hãn.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá tất yếu chúng ta phải tiến hành điện khí hóa. Nhưng trong những năm qua, do không tính toán kỹ, nên Chính phủ đã phê duyệt xây dựng quá nhiều nhà máy thuỷ điện ở Đắk Nông. Tình trạng này dẫn đến thực tế là chúng ta đã chặt phá rất nhiều rừng để làm hồ chứa nước. Thực trạng này đang gây suy thoái đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu, biến đổi dòng chảy của sông. Với sự thay đổi phương thức canh tác trên đất, nhu cầu sử dụng nước tưới tiêu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, quản lý và xử lý chất thải… trong điều kiện hiện nay đã làm thay đổi văn hóa ứng xử với nguồn tài nguyên đất, nước của đồng bào M’Nông ở Đắk Nông dẫn đến chất lượng môi trường đất, nước tại nơi cư trú của người M’Nông ở Đắk Nông đang có dấu hiệu suy giảm, môi trường đất, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chính vì vậy, cần khắc phục những yếu tố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên đất, nước, phát huy văn hoá ứng xử truyền thống với nguồn tài nguyên đất, nước để bảo vệ MTTN, bảo vệ điều kiện sinh kế quan trọng của dân tộc M’Nông ở Đắk Nông.
Như vậy, dưới tác động của các nhân tố chủ quan và khách quan bao gồm cả những mặt tích cực và tiêu cực với một khu vực dân cư có đặc thù vị trí địa lý quan trọng của đất nước… ít nhiều cũng làm cho các giá trị văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông biến đổi, mai một theo nhiều chiều hướng khác nhau. Từ thực trạng đó đặt ra một số vấn đề chúng ta cần phải nghiên cứu để đưa ra những định hướng và giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất nhằm giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông. Đây là việc làm vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Giải pháp hoàn thiện phương thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của dân tộc M’Nông ở Đắk Nông hiện nay
Thứ nhất, hoàn thiện phương thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với MTTN thông qua lãnh đạo, quản lý, thực hiện của các cấp chính quyền địa phương người M’Nông ở Đắk Nông trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với MTTN
Đắk Nông là khu vực miền núi có nhiều đặc thù về tính đa dạng văn hóa nên việc lãnh đạo, quản lý văn hóa trong thời gian qua tuy đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương trong khu vực, cán bộ lãnh đạo quản lý chưa hiểu một cách đầy đủ ý nghĩa nền tảng, động lực và mục tiêu của văn hóa ứng xử với MTTN đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế mà bỏ rơi vấn đề đảm bảo MTTN sinh thái; không quan tâm thích đáng đến đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là bộ phận người DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Chính vì không gần dân, không sát với tình hình thực tế để kịp thời định hướng chỉ đạo cho nên điều này đã tạo điều kiện cho các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo dẫn đến bạo loạn. Những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác định canh, định cư, trong các chương trình dự án phát triển, trong xây dựng thiết chế văn hóa, buôn làng văn hóa… đã thật sự làm đứt gãy các giá trị văn hóa ứng xử với MTTN trong truyền thống, làm nghèo nàn và già cỗi đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận đồng bào M’Nông tại Đắk Nông. Do đo, vấn đề quan trọng với một khu vực đặc thù như Đắk Nông thì công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa phải tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng hàng đầu là định hướng chính trị cho việc xây dựng nền văn hóa, hoạch định chính sách văn hóa trong mỗi giai đoạn phát triển, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa ứng xử với MTTN.
Duy trì hợp lý không gian rừng đầu nguồn, bến nước, nhà ở truyền thống, nhà cộng đồng… đảm bảo môi trường cho các hoạt động văn hóa cộng đồng. Ở mỗi buôn làng người M’Nông ở Đắk Nông hiện nay tùy vào điều kiện để xây dựng một nhà sàn dài, làm cho nó trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa, xã hội. Các lễ hội của các DTTS là dịp biểu dương sức mạnh giá trị của cộng đồng dân tộc thông qua các dịp lễ hội truyền nối hành vi, thái độ ứng xử với MTTN của các dân tộc. Nhưng ngày nay, các nghi lễ, lễ hội ngày càng thưa dần do phần lớn đồng bào các DTTS đã chuyển từ canh tác nương rẫy sang trồng cây công nghiệp, khi cây cao su, cà phê, tiêu thay thế cho lúa rẫy truyền thống thì điều đó có nghĩa là các nghi lễ với MTTN, gắn liền với chu kỳ sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ đã không còn được tiến hành nhiều nữa. Chính vì vậy, tạo môi trường xã hội lành mạnh, không gian thuận lợi chính là phương thức để lưu giữ và chọn lọc những giá trị văn hóa ứng xử với MTTN phù hợp với môi trường xã hội, sản xuất hiện nay.
Thứ hai, hoàn thiện phương thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với MTTN thông qua luật tục, tri thức bản địa của các người M’Nông
Trong điều kiện phát triển không đồng đều của các cộng đồng DTTS ở Tây Nguyên, các quy phạm của pháp luật ở trình độ khái quát cao sẽ khó thâm nhập vào các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Vì vậy, có thể những nơi kết hợp giữa pháp luật với luật tục trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến văn hoá ứng xử với MTTN hiệu quả. Sự kết hợp này trở thành một sự cam kết trước cộng đồng, trước thần linh nên ít hoặc không tái phạm, đem lại sự ổn định cho cộng đồng xã hội. Việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, việc kết hợp giữa luật tục và luật pháp được thể hiện rất rõ trong việc giao đất, giao rừng, gắn với luật tục và tập quán canh tác của đồng bào. Việc gắn kết cộng đồng theo luật tục trong phát triển kinh tế không chỉ phát huy tinh thần tự giác của cá nhân đối với việc công mà còn tạo nên hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng và khai thác hiệu quả theo mục đích của chương trình.
Do thay đổi về điều kiện cư trú, có sự đan xen các dân tộc trên địa bàn cũng như tác động của luật tục và các điều kiện khác, một số luật tục đã không còn được áp dụng nữa hoặc chỉ còn được áp dụng trong một địa bàn và phạm vi đối tượng rất hẹp. Nhiều quy định của luật tục chỉ còn giá trị lịch sử văn hoá, dân tộc học. Một số quy định khác tuy vẫn còn được áp dụng nhưng đã bị biến đổi về nội dung hoặc giảm hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, xét trên phạm vi tổng thể, cho đến nay luật tục vẫn đang còn có hiệu lực ở mức độ nhất định đối với đồng bào người M’Nông ở Đắk Nông với cả sự thúc đẩy tích cực lẫn sự hạn chế tiêu cực của chúng. Sự tồn tại của luật tục mang tính khách quan và hiệu lực của chúng cũng được đảm bảo bởi các điều kiện khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội hiện đang tồn tại ở các vùng đồng bào người M’Nông. Mặt khác, một phần không nhỏ các quy định của luật tục vẫn đang có vai trò tích cực trong việc duy trì các quan hệ giữa con người với MTTN. Nếu vận dụng có chọn lọc, đúng đắn thì luật tục sẽ đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng tình đoàn kết các dân tộc, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, bảo đảm ổn định trật tự xã hội, đồng thời, sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện pháp luật, xây dựng ý thức pháp luật một cách hiệu quả, tiến tới hoàn thiện một nền pháp luật tiên tiến, hiện đại, có kế thừa chọn lọc những giá trị “tập quán pháp” của các dân tộc trong quá trình phát triển bền vững tại Tây Nguyên. Do đó việc kế thừa, phát huy luật tục trong văn hóa ứng xử với MTTN cần phải thấy được tính hai mặt cả tác động tích cực lẫn tiêu cực để từ đó có sự vận dụng phù hợp với thực tế mối quan hệ giữa con người với MTTN trong văn hóa ứng xử của người M’Nông ở Đắk Nông.
So với các giá trị văn hóa truyền thống khác, luật tục Tây Nguyên có sức sống hơn cả. Tuy vậy, để luật tục phát huy hơn nữa sức sống của mình trong các buôn làng M’Nông, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn giá trị văn hóa ứng xử với MTTN cho Đắk Nông chúng ta cần phải nghiên cứu luật tục và pháp luật Nhà nước để tìm ra giải pháp sao cho phù hợp với đời sống thực tế của đồng bào và lợi ích chung của đất nước. Dựa trên kết quả nghiên cứu đó mà kết hợp luật tục với luật pháp Nhà nước để duy trì ổn định xã hội, duy trì thói quen tâm lý tộc người và các thuần phong mĩ tục của đồng bào. Nhà nước cũng cần có chính sách đãi ngộ những người đang sử dụng luật tục để cùng với trưởng thôn giúp cho buôn làng Tây Nguyên thuận hoà, yên ổn. Với những điều kiện thuận lợi này, họ sẽ hăng hái hơn trong công việc cùng với trưởng thôn duy trì tốt cuộc sống yên ổn, hoà thuận ở buôn làng, bảo vệ MTTN, tài nguyên thiên nhiên của thôn, buôn.
Cần coi trọng các tri thức bản địa về ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông. Kế thừa những yếu tố tích cực trong truyền thống ứng xử linh hoạt tận dụng tự nhiên, khai thác hợp lý hài hòa với tự nhiên. Kế thừa cả yếu tố quản lý theo luật tục, kết hợp quản lý luật tục với luật pháp chứ không chỉ dựa vào luật pháp. Bên cạnh đó, cũng cần coi trọng vai trò cộng đồng buôn, làng trong quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên rừng, đất đai, nguồn nước. Trên thế giới, vấn đề quản lý rừng, tài nguyên nước đang có xu hướng chuyển từ quản lý nhà nước sang hình thức đa dạng hóa quản lý: quản lý của cộng đồng làng, quản lý của tư nhân, quản lý của các cơ sở kinh tế. Giữ gìn, phát huy các chuẩn mực đạo đức môi trường trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh học của các nguồn lợi tự nhiên, thông qua các phương thức săn bắt, hái lượm truyền thống; Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá ẩm thực, các loại trang phục, trang sức truyền thống truyền thống, văn hoá cư trú mang đậm tính thích nghi, hài hoà của các DTTS với MTTN; Giữ gìn, phát huy ý thức bảo vệ, tận dụng khai thác hiệu quả các nguồn lợi từ đất đai để nâng cao năng suất lao động, trong các hoạt động canh tác nông nghiệp. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý nguồn nước, quản lý rừng, quản lý đất đai theo cộng đồng trên cơ sở trao nhiều quyền cho buôn làng. Có như vậy mới tránh tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên rừng, đất đai, nguồn nước phục vụ cho lợi ích cá nhân. Khi triển khai các chương trình, dự án trọng điểm Đắk Nông cần kết hợp các yếu tố truyền thống với hiện đại, phát huy tri thức bản địa với kỹ thuật mới một cách hài hoà, hỗ trợ lẫn nhau nhằm quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả ở vùng DTTS Tây Nguyên. Kết hợp giữa luật tục và luật pháp trong giải quyết những vấn đề vi phạm trong cộng đồng người M’Nông ở Đắk Nông mà pháp luật không thể dự liệu.
Thứ ba, thông qua giáo dục, tuyên truyền chính sách pháp luật cho các DTTS để giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá ứng xử với MTTN
Cần phải chấp nhận một thực tế là trong hoàn cảnh xã hội - lịch sử như ngày nay, việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá ứng xử với MTTN không có cơ sở và điều kiện tồn tại như một hệ thống toàn vẹn trong quá khứ. Thông qua giáo dục văn hoá ứng xử với MTTN và nêu lên thực trạng MTTN hiện nay, chỉ ra những vấn đề cấp bách, cần thiết đối với đời sống con người, thậm chí đe doạ sự tồn tại và phát triển của các DTTS. Đa số hiểu được vai trò vô cùng quan trọng mang tính quyết định của MTTN, đối với sự tồn tại và phát triển của loài người nói chung và của bản thân họ nói riêng. Những hậu quả mà con người đang phải gánh chịu do sự thiếu hiểu biết và sự vô ý thức của chính họ gây ra trong quan hệ với MTTN trong thời gian qua để người dân thấy rõ sự nhất thiết phải bảo vệ MTTN như bảo vệ chính sự sinh tồn của mình.
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục là phương thức quan trọng trong việc tạo ra cho người DTTS trong các cộng đồng sự nhận thức đúng đắn về MTTN và sự cần thiết phải có văn hóa ứng xử với MTTN. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hoá ứng xử với MTTN đã hình thành nên nhận thức của người dân, qua đó hình thành nên ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tri thức bản địa và đa dạng sinh học trong MTTN.
Nhà trường là một môi trường rất tốt cho việc giáo dục, tuyên truyền những giá trị văn hóa ứng xử với MTTN của các DTTS và ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đó cho các thế hệ học sinh thông qua các thầy cô giáo truyền dạy, định hướng. Vì vậy bên cạnh việc truyền dạy kiến thức ở vùng các DTTS do đặc thù riêng của mình, nhà trường cần thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục, tuyên truyền giữ gìn giá trị văn hóa ứng xử với MTTN của các DTTS từ cấp mầm non trở đi thông qua các chương trình chính khóa và ngoại khóa. Ngoài ra, lồng ghép việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với MTTN trong chính các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, nghệ thuật… của địa phương.
KẾT LUẬN
Vấn đề giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông là một vấn đề có ý nghĩa đối với các DTTS ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung trong điều kiện hiện nay khi vấn đề MTTN, quan hệ giữa con người với MTTN được xem là vấn đề cấp bách của toàn thể nhân loại nói chung không ngoại trừ một quốc gia, dân tộc nào. Nếu không có những nhận thức đúng đắn về vấn đề giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với MTTN con người sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do chính hành động của mình gây ra. Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với MTTN chính là giữ gìn, phát huy hệ thống các chuẩn mực, quy tắc của người M’Nông ở Đắk Nông trong tri thức, tình cảm, niềm tin, thái độ và hành vi thể hiện tinh thần tôn trọng, bảo vệ MTTN trong quá trình tồn tại và phát triển, phù hợp với truyền thống, phong tục của cộng đồng người M’Nông ở Đắk Nông, được luật pháp công nhận và có lợi cho con người, tự nhiên. Tuy nhiên, trước những tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tình trạng di dân đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy nhận thức cũng như văn hóa ứng xử của người M’Nông ở Đắk Nông với MTTN. Vì vậy trên cơ sở thực trạng văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông đang có những chiều hướng thay đổi, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ứng xử với MTTN của người M’Nông ở Đắk Nông trong điều kiện hiện nay. Trong đó chú trọng hoàn thiện phương thức bảo tồn và phát huy văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người M’Nông ở Đắk Nông.
Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc: Trọng tâm là đổi mới sáng tạo, môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV, diễn ra tại Huế từ ngày 3-4/4/2025, hứa hẹn thu hút sự tham gia của hơn 200 nữ khoa học, chuyên gia.