Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em là một trong những vấn đề sức khỏe được quan tâm, phản ánh sự phát triển bền vững của một đất nước.

Suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và ở trẻ em ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về cả thể chất và tinh thần và trực tiếp làm giảm khả năng lao động. Việt Nam đã cơ bản đạt được các mục tiêu về giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em . Tuy nhiên vẫn còn sự khác biệt giữa các chỉ tiêu đạt được theo vùng miền nhất là là giữa thành thị, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15,0%). Tình trạng thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ còn cao (18,5%), đây cũng là lý do ảnh hưởng đến phát triển của trẻ thời kỳ bào thai và cân nặng sơ sinh của trẻ. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam vẫn còn ở mức cao tại các vùng khó khăn. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, tình trạng vitamin A huyết thanh của trẻ em là 9,5%, tỷ lệ sữa mẹ có hàm lượng vitamin A thấp là 18,3%. Tình trạng thiếu máu ở phụ nữ có thai là 25,6%, ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 16,6% và trẻ dưới 5 tuổi là 19,6%. Tình trạng thiếu kẽm ở phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi hiện còn ở mức cao là 63,5% và 58,0% .

Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Miền Trung-Tây Nguyên là khu vực còn khó khăn về điều kiện về địa lý, kinh tế, chịu ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em vẫn còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Do đó, cần có đánh giá thực trạng và theo dõi diễn biến tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em trong 10 năm vừa qua, để từ đó đưa ra đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em ở khu vực này.

PHƯƠNG PHÁP

Nguồn số liệu

Sử dụng số liệu: Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 và Điều tra giám sát dinh dưỡng 30 cụm hàng năm của Viện Dinh dưỡng từ năm 2011 đến 2023 .

 Phương pháp chọn mẫu:

Đối tượng: Trẻ em: tuổi từ 0 - 59 tháng tuổi, từ 5 - 9 tuổi, và từ 10 - 14 tuổi, phụ nữ  15 - 49 tuổi, phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú.

Địa điểm: Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Tổng Điều tra Dinh dưỡng: Tổng điều tra dinh dưỡng sử dụng phương pháp điều tra cắt ngang chọn mẫu ngẫu nhiên 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu sử dụng Phương pháp chọn mẫu xác suất theo tỷ lệ dân số dựa trên nền mẫu của Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 do Tổng cục Thống kê tiến hành nhằm chọn ra các tỉnh thuộc 6 vùng sinh thái, trong đó có khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Giai đoạn 2 chọn ra các cụm điều tra (các xã/phường) theo Phương pháp chọn mẫu xác suất theo tỷ lệ dân số. Giai đoạn 3, các đối tượng điều tra được lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách đối tượng tại các cụm điều tra .

Điều tra giám sát dinh dưỡng 30 cụm: Đây là điều tra cắt ngang sử dụng phương pháp chọn mẫu cụm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu sử dụng phương pháp chọn mẫu xác suất theo tỷ lệ dân số, chọn ra 30 cụm. Ở giai đoạn hai, chọn ra 3 thôn/ xóm. Sử dụng phương pháp chọn hộ liền kề hoặc chọn theo danh sách hộ để chọn ra 17 trẻ ở mỗi thôn/ xã để có được 51 trẻ mỗi xã và khoảng 1.530 trẻ mỗi tỉnh. Điều tra giám sát dinh dưỡng thực hiện ở tất cả 63 tỉnh. Cỡ mẫu của toàn quốc gồm 85.529 bà mẹ, 96.043 trẻ từ 0-5 tuổi [3].

 Các chỉ số đánh giá

- Chỉ số chiều cao theo tuổi (HAZ), cân nặng theo tuổi (WAZ) được tính toán theo chỉ số nhân trắc học chuẩn của WHO năm 2006. Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính toán theo công thức dựa trên cân nặng và chiều cao, với BMI <18,5 là thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ.

- Đánh giá tình trạng thiếu máu dựa vào nồng độ Hemoglobin, theo phân loại WHO; Đánh giá mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của thiếu máu theo WHO 2019 [5].

- Đánh giá thiếu vitamin A tiền lâm sàng theo khuyến nghị của WHO 2009, mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của thiếu vitamin A dựa trên tỷ lệ vitamin A huyết thanh hoặc vitamin A trong sữa mẹ thấp.

- Đánh giá thiếu kẽm: kẽm huyết thanh được định lượng theo phương pháp quang phổ hấp phụ nguyên tử; đánh giá tình trạng thiếu kẽm dựa vào hướng dẫn của tổ chức tư vấn kẽm quốc tế năm 2004.

 Phân tích số liệu: Số liệu được phân tích bằng phần mềm SAS 9.3 và STATA 14. Các kết quả được tổng hợp và biểu diễn dạng bảng và hình.

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

 Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sình đẻ tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên.

Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Hình 1: Diễn biến tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên

Hình 1 cho thấy diễn biến suy dinh dưỡng nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên từ năm 2011 đến năm 2023 qua các cuộc điều tra giám sát Dinh dưỡng hàng năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung từ 20,2% năm 2011 giảm dần xuống còn 12,6% năm 2023, trung bình mỗi năm giảm 0,6%/năm, giảm nhanh hơn so với mức giảm của toàn quốc (0,5%/năm). Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực Tây Nguyên từ 25,9% năm 2011 giảm dần xuống còn 15,3% năm 2023, trung bình mỗi năm giảm 0,9%/năm, giảm nhanh hơn so với mức giảm của toàn quốc (0,5%/năm) và khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (0,6%/năm).

Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Hình 2: Diễn biến tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên

Hình 2 cho thấy diễn biến suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên từ năm 2011 đến năm 2023 qua các cuộc điều tra giám sát dinh dưỡng hàng năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung từ 32% năm 2011 giảm dần xuống còn 20,8% năm 2023, trung bình mỗi năm giảm 0,9%/năm, giảm nhanh hơn so với mức giảm của toàn quốc (0,7%/năm). Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực Tây Nguyên từ 37,3% năm 2011 giảm dần xuống còn 24,8% năm 2023, trung bình mỗi năm giảm 1,0%/năm, giảm nhanh hơn so với mức giảm của toàn quốc (0,7%/năm) và khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (0,9%/năm). 

Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Hình 3: Diễn biến tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn của phụ nữ tuổi sinh đẻ tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên

Tình trạng thiếu năng lượng trường diễn (chỉ số khối cơ thể <18,5) ở phụ nữ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 22,3% năm 2010 xuống còn 10,2% năm 2020 (trung bình mỗi năm giảm 1%) tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; giảm từ giảm từ 14,5% năm 2010 xuống còn 10,8% năm 2020 (trung bình mỗi năm giảm 0,5%) (Hình 3).

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn của phụ nữ tuổi sinh đẻ tại  khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên trong các năm cho thấy xu hướng giảm rõ rệt. Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi (chiều cao/tuổi là một chỉ số đánh giá sự phát triển và mức độ bình đẳng của mỗi quốc gia) đang giảm dần, từ năm 2010 đến năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở cả 2 khu vực đã chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới về vấn đề sức khỏe cộng đồng và trên đà đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng toàn cầu năm 2025 về giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Tuy nhiên, tốc độ giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống ở mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015. Hiện nay, tốc độ giảm suy dinh dưỡng hàng năm đang chậm lại.

Một trong những mục tiêu hàng đầu trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là làm sao giảm khoảng cách khác biệt lớn về tỷ lệ suy dinh dưỡng giữa các vùng, miền. Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng đã giảm dần, nhưng tỷ lệ thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15,0%), đồng thời tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số nhẹ cân cũng cao hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (21% so với 8,5%). Hơn nữa có tới 60% số trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở 10 tỉnh thành có tỷ lệ thể thấp còi cao nhất cả nước là người dân tộc thiểu số, trong đó rất nhiều tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên [1]. Nguyên nhân trực tiếp là do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và bệnh tật: 39% trẻ là người dân tộc thiểu số 6 – 23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ so với 69% trẻ em là người Kinh/Hoa; trẻ em dân tộc thiểu số dễ bị tiêu chảy hơn gấp 3 lần so với các nhóm khác (Điều tra MICS - Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ năm 2014, [8]). Nguyên nhân gián tiếp là còn hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế (chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng và tiêm chủng); việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong cộng đồng các dân tộc thiểu số còn chậm. Kết hôn sớm và kết hôn cận huyết ở các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp đôi so với tỷ lệ chung của quốc gia (tỷ lệ tảo hôn ở 2 khu vực này là 21,1% và 18,1%). Nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất là nghèo đói dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở nhóm dân cư này. Mặc dù chỉ chiếm 14% tổng dân số Việt Nam nhưng cộng đồng dân tộc thiểu số lại chiếm đến 73% số hộ nghèo tính đến năm 2016 [1]. Bên cạnh đó, do đặc điểm địa lý, cộng đồng này còn chịu tác động nhiều hơn của biến đổi khí hậu, càng làm gia tăng gánh nặng của suy dinh dưỡng. Việc giảm chậm tỷ lệ suy dinh dưỡng gày còm và chưa giảm được tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên trong 10 năm qua cho thấy Đảng và Nhà nước, cùng các Bộ ngành, đoàn thể cần phải tập trung triển khai đồng bộ các can thiệp dinh dưỡng ưu tiên cho vùng miền núi, khu vực khó khăn, từ đó giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong những năm tới, cải thiện tầm vóc cho người Việt Nam, đạt mục tiêu và chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 đến 2030 .

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và ở phụ nữ tuổi tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên.

Bảng 1 cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em và ở phụ nữ tại khu vực Tây Nguyên và khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung năm 2020 còn cao, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Trung bình cứ 4 trẻ có 1 trẻ bị thiếu máu ở khu vực Tây Nguyên (26,3%), gần 5 trẻ có 1 trẻ bị thiếu máu ở Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (18,5%). Trung bình cứ 3 người phụ nữ có thai có 1 người bị thiếu máu ở khu vực Tây Nguyên (32,5%), hơn 4 phụ nữ mang thai có 1 người bị thiếu máu ở Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (27,7%). Tương ứng theo khu vực Tây Nguyên và khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 18,2% và 15,7%; ở bà mẹ cho con bú là 15,3% và 14,1%; ở học sinh tiểu học là 10,9% và 6,4%; ở học sinh trung học cơ sở phổ thông là 9,7% và 7,3%.

Bảng 1: Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em và ở phụ nữ tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên năm 2020

    Khu vực

Trẻ

Trẻ em 5 – 9 tuổi

Trẻ 10 – 14 tuổi

Phụ nữ có thai

Phụ nữ 15 – 49  tuổi

Bà mẹ cho con bú

 
 

Tây Nguyên

26,3

10,9

9,7

32,5

18,2

15,3

 

Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

18,5

6,4

7,3

27,7

15,7

14,1

 

Toàn quốc

19,6

9,2

8,4

25,6

16,2

12,7

 

Bảng 2: Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em và vitamin A trong sữa mẹ thấp tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên năm 2020

Khu vực

Tỷ lệ trẻ em thiếu vitamin A tiền lâm sàng

Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp

6 – 59 tháng

5 – 9 tuổi

Tây Nguyên

11,0

6,2

24,2

Bắc Trung bộ và Duyên

hải miền Trung

8,7

4,5

14,6

Toàn quốc

9,5

4,9

18,3

Bảng 2 cho thấy tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp tại khu vực Tây Nguyên và khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung năm 2020 còn cao, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (24,2% so với 14,6%). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ 6-59 tháng tuổi và trẻ từ 5 đến 9 tuổi là 11,0% và 6,2% ở khu vực Tây Nguyên; 8,7% và 4,5% ở khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Bảng 3: Tỷ lệ thiếu kẽm huyết thánh ở trẻ em và phụ nữ tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên năm 2020

    Khu vực

Trẻ em 6 – 59

tháng tuổi (%)

Phụ nữ có thai

(%)

Phụ nữ tuổi sinh đẻ 15 – 49  (%)

Tây Nguyên

66,6

63,9

56,8

Bắc Trung bộ và

Duyên hải miền Trung

56,2

67,7

43,1

Toàn quốc

58,0

63,5

49,5

Bảng 3 thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở cộng đồng đặc biệt là trẻ em và phụ nữ còn rất cao hiện nay, ở mức có ý nghĩa cộng đồng rất nặng ở tất cả các đối tượng và ở vùng trong cả nước. Trong đó tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6 – 59 tháng tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ ở khu vực Tây Nguyên lần lượt là 66,6%, 63,9%, 56,8%; các tỷ lệ này cao hơn so với trung bình tỷ lệ thiếu kẽm của toàn quốc (58,0%, 63,5%, 49,5%) và khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (56,2%, 67,7%,43,1%).

So với năm 2010 và 2025, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ đã giảm đáng kể, ghi nhận những thành tựu trong công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng trên toàn quốc. Tại Việt Nam, trong những năm qua chương trình phòng chống thiếu vitamin A đã bao phủ toàn quốc với hoạt động phân phát viên nang vitamin A 2 lần/năm cho trẻ 6-36 tháng tuổi; 1 liều 200.000 UI cho bà mẹ cho con bú trong tháng đầu tiên sau đẻ . Chương trình phòng chống thiếu máu, việc sử dụng viên sắt/acid folic cũng đã được truyền thông rộng rãi cho phụ nữ có thai và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Các hoạt động truyền thông khác về đa dạng hoá bữa ăn, hướng dẫn lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung bột đa vi chất vào thức ăn của trẻ tại hộ gia đình cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu máu, thiếu kẽm, vitamin A tiền lâm sàng, vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở khu vực Tây Nguyên và khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và cao hơn so với các khu vực khác trên toàn quốc (trừ khu vực miền núi phía Bắc). Chế độ ăn chưa cân đối, kém đa dạng, thiếu vi chất dinh dưỡng khẩu phần dẫn đến việc cơ thể thiếu không chỉ một hoặc một vài loại vitamin và chất khoáng mà có thể thiếu nhiều loại vi chất dinh dưỡng khác nhau .

Trong thời gian tới, cần tiếp tục phối hợp nhiều giải pháp can thiệp đồng bộ nhằm thanh toán bền vững các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt tập trung cho khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đảm bảo dinh dưỡng tối ưu trong 1000 ngày đầu đời của trẻ, can thiệp cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý, tăng cường công tác giáo dục truyền thông dinh dưỡng thay đổi hành vi thực hiện chế độ ăn cân đối, đa dạng và lành mạnh.

KẾT LUẬN

Từ kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 và điều tra giám sát dinh dưỡng 30 cụm hàng năm của Viện Dinh dưỡng từ năm 2011 đến 2023 cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên đã có xu hướng giảm theo thời gian, trung bình giảm 0,9%-1,0%/năm. Tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu máu, thiếu viamin A, thiếu kẽm) vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Cần tiếp tục các can thiệp đồng bộ, bền vững nhằm cải thiện tình trạng cho phụ nữ và trẻ em tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên.

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Trần Thanh Dương, Nguyễn Hồng Trường

Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV – 2025: Tập trung vào sức khỏe phụ nữ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo

Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV – 2025: Tập trung vào sức khỏe phụ nữ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo

Theo kế hoạch, ngày 3-4/4/2025 Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV sẽ được tổ chức tại Khách sạn Sài Gòn Morin, Thành phố Huế.