Xu hướng dinh dưỡng hiện đại: Công nghệ thực phẩm và hoạt chất sinh học

Theo Chủ tịch Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM, đây được xem là xu hướng nổi bật của dinh dưỡng hiện nay.

Ngày 4/1, Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Hoạt chất sinh học: Tiềm năng dinh dưỡng và sức khỏe", nhằm cập nhật những xu hướng mới trong ngành dinh dưỡng, đồng thời mở ra cơ hội phát triển cho ngành thực phẩm Việt Nam. 

Phát biểu tại hội thảo, TS.BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM và Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nhấn mạnh rằng công nghệ thực phẩm và hoạt chất sinh học là hai yếu tố chủ chốt trong xu hướng dinh dưỡng hiện đại. "Sau đại dịch COVID-19, sự quan tâm đối với các hoạt chất sinh học ngày càng được tăng cường, đặc biệt là khi nhiều nghiên cứu mới công bố đã làm rõ hơn những lợi ích và giới hạn của chúng", TS Diệp chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với tiềm năng lớn về nông sản và thực phẩm chất lượng cao, Việt Nam có thể khai thác lợi thế để phát triển những sản phẩm dinh dưỡng vượt trội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành dinh dưỡng cần phải thay đổi cách tiếp cận truyền thống, hướng tới sản xuất thực phẩm không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn có giá trị dược lý cao.

Hội thảo lần này không chỉ là cơ hội để các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước cập nhật kiến thức mới từ các nền tảng quốc gia và quốc tế, mà còn tạo điều kiện kết nối, nghiên cứu và đưa nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới. Mục tiêu là biến Việt Nam thành một nguồn cung cấp sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cho thị trường toàn cầu.

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật, trong đó các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, suy dinh dưỡng, thừa cân và béo phì đang gia tăng. Theo thống kê, 77% gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam hiện nay liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và gia tăng chi phí điều trị.

Các yếu tố gây ra gánh nặng bệnh tật bao gồm ô nhiễm không khí, căng thẳng, chế độ ăn uống không lành mạnh, và lối sống thiếu vận động. Các giải pháp được đưa ra bao gồm: cải thiện chính sách quản lý thực phẩm chứa nhiều chất béo, đường và muối, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thực phẩm dinh dưỡng, đẩy mạnh truyền thông giáo dục dinh dưỡng và nâng cao năng lực cho ngành y tế.

Dự báo, trong năm 2025, xu hướng thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng và các sản phẩm giảm béo, đường, muối sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Để đáp ứng xu hướng này, ngành công nghiệp thực phẩm cần tập trung vào việc ứng dụng công nghệ hiện đại để cải thiện giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

BSCKII Vũ Quỳnh Hoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong năm 2025, Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM sẽ triển khai một loạt các hoạt động quan trọng, bao gồm tổ chức hội nghị dinh dưỡng với chủ đề "Gánh nặng bệnh tật và tiến bộ dinh dưỡng trong nâng cao sức khỏe", các hội thảo chuyên sâu về dinh dưỡng cho trẻ em, người cao tuổi và bệnh nhân, đồng thời tiếp tục liên kết với các tổ chức quốc tế để thúc đẩy hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng.

Liên Chi hội cũng sẽ nỗ lực phát triển mạng lưới hội viên, tạo cơ hội học bổng cho các học viên trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ hội viên nâng cao quyền lợi và mở rộng mạng lưới kết nối trong ngành.

TM (T/H)

Bộ Y tế công bố 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý mới nhất

Bộ Y tế công bố 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý mới nhất

Theo quyết định số 3594/QĐ-BYT, Bộ Y tế mới đây đã chính thức ban hành "Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030".