Hơn 3,5 triệu người mất danh hiệu triệu phú USD vì thua lỗ chứng khoán

Số triệu phú tính theo đồng USD trên thế giới trong năm 2022 đã giảm khoảng 3,5 triệu người so với hồi năm 2021 xuống còn khoảng 60 triệu người.

Theo báo cáo tài sản toàn cầu hàng năm của các ngân hàng Credit Suisse và UBS, năm 2022, khi lãi suất tăng và lạm phát vẫn ở mức cao, tổng tài sản hộ gia đình toàn cầu đã giảm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Tổng tài sản tư nhân trên thế giới đã giảm 2,4% xuống còn 454.400 tỷ USD, theo báo cáo tài sản toàn cầu hàng năm của Credit Suisse và UBS, phần lớn trong số đó là do thua lỗ trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, vốn có ảnh hưởng lớn hơn đến nhóm người giàu có.

Trong khi đó, mức độ giàu có trung bình toàn cầu, một chỉ số có ý nghĩa hơn về cách một người bình thường đang sống, thực sự đã tăng 3% vào năm 2022.

Hơn 3,5 triệu người mất danh hiệu triệu phú USD vì thua lỗ chứng khoán - Ảnh 1.

Sự suy giảm của cải ở giới thượng lưu đồng nghĩa số triệu phú tính theo đồng USD trên thế giới đã giảm khoảng 3,5 triệu người so với hồi năm 2021 xuống còn khoảng 60 triệu người.

Một số quốc gia có số lượng triệu phú giảm mạnh hơn những quốc gia khác. Chỉ riêng Mỹ đã ghi nhận số lượng triệu phú giảm tới 1,8 triệu người. Nước này cũng chứng kiến số người thuộc nhóm "những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao" (sở hữu khối tài sản trên 50 triệu USD) giảm nhiều nhất thế giới với 17.260 cá nhân.

Dù vậy, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về số lượng người siêu giàu. Nước này có hơn 120.000 người siêu giàu, trong khi Trung Quốc giữ vị trí thứ 2 chỉ có 33.000 người.

Trong khi đó, cuộc sống của những người thuộc nhóm bình dân đã cải thiện hơn một chút trong năm 2022. Ngược lại, một loạt triệu phú và tỷ phú phải chịu thiệt hại lớn - hiện tượng này được một số người gọi là "rich-cession" hay sự nghèo đi của nhóm người giàu có.

Hơn 3,5 triệu người mất danh hiệu triệu phú USD vì thua lỗ chứng khoán - Ảnh 2.

Ảnh: Getty

Sự gia tăng của cải cho tầng lớp trung lưu và sự suy giảm của tầng lớp giàu có nhất đồng nghĩa tình trạng bất bình đẳng được cải thiện phần nào, dù không quá nhiều. Trong năm 2022, 1% hộ gia đình giàu có nhất vẫn nắm giữ 44,5% tổng tài sản toàn cầu. Con số này chỉ giảm nhẹ so với mức 45,6% hồi năm 2021.

"Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một giai đoạn thay đổi kinh tế đáng kinh ngạc. (UBS đã mua lại Credit Suisse vào đầu năm nay), Paul Donovan, Nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, viết trong báo cáo.

Một điều đáng mừng khác, theo dự báo của Credit Suisse, của cải toàn cầu sẽ tăng 38% trong vòng 5 năm tới, đạt 629.000 tỷ USD vào năm 2027. Điều quan trọng là sự tăng trưởng đó có thể sẽ được dẫn dắt bởi các quốc gia có thu nhập trung bình.

Tài sản trung bình của mỗi người trưởng thành trên thế giới hiện ở mức 84.718 USD và được dự đoán sẽ tăng lên 110.270 USD trong khung thời gian đó.

(Nguồn: CNN)

LAN ANH