Khai hội truyền thống chùa Thánh Chúa

Lễ hội truyền thống chùa Thánh Chúa, với các nghi lễ linh thiêng như khai trống hội, dâng hương, dâng hoa cúng Phật và tưởng niệm Nguyên phi Ỷ Lan, đã diễn ra trang trọng và đầy ý nghĩa.

Ngoài phần lễ, lễ hội còn mang đến không khí vui tươi, sôi động với các trò chơi dân gian hấp dẫn như cờ bỏi, bắt trạch trong chung, bịt mắt đập niêu… Tất cả đã thu hút rất nhiều người dân và du khách thập phương tham gia, tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong những ngày đầu xuân năm mới.

Chùa Thánh Chúa gắn liền với 2 vị minh quân nổi tiếng trong lịch sử nước ta.
Chùa Thánh Chúa gắn liền với 2 vị minh quân nổi tiếng trong lịch sử nước ta.

Nhân kỷ niệm 36 năm Quần thể chùa Thánh Chúa (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, sáng 22/2 (tức ngày 25 tháng 1 năm Ất Tỵ), Ban quản lý Di tích đình, chùa chùa Thánh Chúa và nhân dân phường Dịch Vọng đã trang trọng tổ chức lễ hội truyền thống năm 2025. 

Màn trống khai hội tại Lễ hội truyền thống chùa Thánh Chúa.
Màn trống khai hội tại Lễ hội truyền thống chùa Thánh Chúa.

Chùa Thánh Chúa (Thánh Chúa Tự) được khởi dựng từ thời Lý, trước năm 1064 trên đất thôn Dịch Vọng Hậu, tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức (Nay là phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội); Thế kỷ 17, cụ Nguyễn Khả Trạc vốn là người làng Dịch Vọng Hậu, đỗ Tiến sỹ khoa Đức Long thứ hai (1631) đời Lê Thần Tông lập nên làng Mai Dịch, từ đó chùa là ngôi chùa chung của Nhân dân hai làng Dịch Vọng Hậu và Mai Dịch (Nay là phường Dịch Vọng Hậu và phường Mai Dịch).

Chùa Thánh Chúa là một di tích lịch sử gắn bó sâu sắc với triều đại nhà Lý mà nhân vật tiêu biểu là Nguyên phi Ý Lan, người đã giúp vua Lý Thánh Tông, con là Lý Nhân Tông mở ra một thời đại văn hóa rực rõ; Và tuổi thơ của vua Lê Thánh Tông, một vị minh quân, một nhà thơ, nhà văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc. Sử cũ ghi lại, chùa là nơi Nguyên phi Ý Lan và các vị vua nhà Lý thường lui tới để nghiên cứu Phật pháp. Năm Quý Mão (1063), vua Lý Thánh Tông (1023- 1072) ngoài 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu Nội nhân là Nguyễn Bông làm lễ cầu tự tại chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan Phu nhân có mang sinh ra Hoàng tử Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128). Trong thời gian cầu tự, Nguyên phi Ỷ Lan ở lại chùa nhiều ngày để ăn chay niệm phật và sống trong cảnh chùa thiên nhiên u tịch. Chùa gồm nhiều hạng mục công trình như: Cổng Tam quan gác chuông, tòa Tam bảo, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, điện thờ Nguyên phi Ý Lan.

Năm 1959, khi Bác Hồ về thăm trường Đại học Sư phạm I, thấy Hội trường xây trước cửa Tam quan chùa, Bác Hồ đề nghị dỡ bỏ, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo về bảo tồn và giữ gìn di tích lịch sử văn hóa. Năm 2014 và năm 2018, chùa được trùng tu lớn bằng nguồn ngân sách của quận Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu và nguồn công đức của Nhân dân và quý khách thập phương; vì vậy cảnh quan chùa ngày càng khang trang, thu hút động đảo quý khách thập phương và Nhân dân đến tham quan, hành lễ.

Khai hội truyền thống chùa Thánh Chúa

Chùa Thánh Chúa đã được xếp hạng di tích Lích sử - Văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 100/QĐ ngày 12/01/1989 của Bộ Văn hóa

Lễ hội truyền thống chùa Thánh Chúa được tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng hàng năm. Phần nghi lễ có dâng hương, dâng hoa cúng Phật, tưởng niệm Nguyên phi Y Lan; Phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian như: Cờ bỏi, bắt trạch trong chung, bịt mắt đập niêu...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết: Lễ hội truyền thống chùa Thánh Chúa được tổ chức nhằm phát huy hơn nữa truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đồng thời xây dựng cái tâm, cái thiện trong Nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc; qua đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn năm 2025, thiết thực chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập phường Dịch Vọng Hậu và Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Ngay từ sớm đã có rất đông người dân, du khách thập phương kéo về xem hội.
Ngay từ sớm đã có rất đông người dân, du khách thập phương kéo về xem hội.

Bà Đỗ Thị Thảo – Trưởng Ban quản lý chùa Thánh Chúa, cho biết: “Hằng năm, Nhân dân ta có phong tục tốt đẹp là tổ chức các Lễ hội truyền thống ở địa phương vào dịp xuân về. Vì thế, người dân Dịch Vọng chúng tôi cũng kế thừa, phát huy truyền thống ấy để trùng tu, tôn tạo và tổ chức Lễ hội truyền thống chùa Thánh Chúa với mong muốn gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của ngôi chùa cổ. Qua đó, giúp cho người dân và du khách thập phương càng biết và thường xuyên lui tới để kiếm tìm sự an yên, thanh tịnh trong tâm hồn”.

Bà Đỗ Thị Thảo – Trưởng Ban quản lý chùa Thánh Chúa.
Bà Đỗ Thị Thảo – Trưởng Ban quản lý chùa Thánh Chúa.

Hoàng Toàn

Hội Lim 2025: 'Choáng ngợp' trước biển người trẩy hội

Hội Lim 2025: "Choáng ngợp" trước biển người trẩy hội

Đến hẹn lại lên, Hội Lim 2025 tưng bừng chào đón du khách. "Biển người" đổ về đồi Lim, cùng nhau tận hưởng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.