Công nghệ sản xuất đá nung kết khổ lớn dây chuyền Sacmi Continua + được cung cấp và chuyển giao bởi nhà thầu Italia.
Đây là dây chuyền sản xuất hiện đại nhất thế giới hiện nay, sử dụng công nghệ cán ép liên tục trên máy cán PCR 2000 Mart cho ra khổ cán 1,8m với chiều dày linh hoạt, xe dải liệu tự động dải màu và vân, máy in kỹ thuật số DHD1808 mở rộng tới 8 thanh màu in, lựa chọn lò nung FCC295/252 có chiều dài 252m đảm bảo nhiệt độ nung, thiêu kết lên đến 1220 oC.
Đến nay, dây chuyền đã sản xuất thành công các chủng loại mẫu mã được hoạch định trong dự án, đưa các dòng sản phẩm đá nung kết khổ lớn cao cấp ra thị trường với kích thước lên tới 1,62m x 3,31m, chiều dày từ 6mm đến 20mm. Với kích thước này, sản phẩm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Tấm đá nung kết có kích thước lớn nhất Việt Nam".
Phát biểu tại buổi lễ, ông Quách Hữu Thuận, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera, Giám đốc Công ty Cổ phần Viglacera Tiên Sơn, đại diện đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết: Từ tháng 4/2021 đến nay, công ty đầu tư mua lại Nhà máy Gạch men Bạch Mã, đổi tên thành Nhà máy Viglacera Eurotile, tập trung cải tạo cơ sở hiện hữu, đồng thời đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất đá nung kết khổ lớn với tổng công suất thiết kế toàn dự án là 9 triệu m2/năm, riêng dây chuyền sản xuất đá nung kết công suất thiết kế 2 triệu m2/năm. Tổng mức đầu tư toàn dự án 1.206 tỷ đồng.
Với ưu điểm vượt trội có khả năng chịu mài mòn cao, cường độ cao, chống bám bẩn, dễ vệ sinh, chịu được nhiệt độ cao, bền băng giá, không bị biến dạng khi sử dụng, an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm và kháng khuẩn tối ưu, sản phẩm đá nung kết khổ lớn được khách hàng trong nước và quốc tế đánh giá cao về chất lượng, tính thẩm mỹ.
Đây được xem là sản phẩm tiên phong, đột phá trong hệ sinh thái sản phẩm, vật liệu xanh thân thiện môi trường của Viglacera.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận và đánh giá cao dây chuyền sản xuất đá nung kết khổ lớn công nghệ Continua+ mà Viglacera đầu tư. Đây là một trong những hành động cụ thể hóa chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành xây dựng đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu làm chủ công nghệ và phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu mới thân thiện với môi trường.