Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, 'mây đen' phủ bóng lên châu Á

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã khiến các nhà phân tích của ngân hàng Citi (Mỹ) hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng với mức thấp nhất trong một năm vào quý III/2021 do ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, chuỗi cung ứng gặp khó khăn và khủng hoảng thị trường bất động sản.

Đối với các đối tác thương mại của Trung Quốc, sự trượt giá mang lại những rủi ro mới đang hình thành là sự phục hồi toàn cầu khó khăn sau sự suy thoái của đại dịch COVID-19.

Frederic Neumann, đồng Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC cho biết: “Tăng trưởng ở những nơi khác, cụ thể là Mỹ và châu Âu có vẻ mạnh mẽ, nhưng chính Trung Quốc mới là động lực chính cho tăng trưởng trong toàn khu vực và khi nước này tăng trưởng chậm trở lại, các nền kinh tế châu Á sẽ chịu nhiều ảnh hưởng”.

Phân tích của HSBC cho thấy, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương từ Hàn Quốc đến New Zealand có mối tương quan nhiều hơn với những thay đổi trong tăng trưởng của Trung Quốc so với những thay đổi trong GDP của Mỹ hoặc châu Âu.

004867_hauj.jpeg
Các nhân viên làm việc bên trong một nhà máy sản xuất vải lọc không dệt, nơi vải được sử dụng để làmkhẩu trang phẫu thuật, ở Taoyuan, Đài Loan ngày 30/3/2020. Ảnh: Reuters

Các nhà kinh tế của HSBC cho biết, cứ mỗi điểm phần trăm mà Trung Quốc cộng thêm vào tăng trưởng của mình, cường quốc thương mại Hàn Quốc sẽ cộng thêm khoảng 0,7% vào tăng trưởng GDP.

Theo phân tích, Hàn Quốc cho đến nay là quốc gia nhạy cảm nhất với những thay đổi trong tăng trưởng của Trung Quốc, tiếp theo là các nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu là Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo tờ Reuters, việc Trung Quốc dự đoán giảm tốc đã khiến các nhà phân tích của Citi hạ dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế trong khu vực, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Một cuộc khảo sát doanh nghiệp do Reuters thực hiện mới đây cũng cho thấy, phần lớn các công ty Nhật Bản đều lo ngại, sự giảm tốc của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của họ.

Từ lĩnh vực bán lẻ đến nhà máy, hầu hết nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm, nơi ghi nhận mức tăng trưởng sản xuất yếu nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã giảm 19,6% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, mức giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu kéo dài và cuộc khủng hoảng năng lượng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án mới của thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh do chính sách kiểm soát đã gây rủi ro cho các nhà xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất vật liệu xây dựng.

Giá quặng sắt đã giảm gần một nửa kể từ khi đạt mức kỷ lục vào giữa tháng 5 do nhu cầu bị ảnh hưởng bởi sản lượng thép của Trung Quốc hạn chế và bất động sản suy thoái.

Tuần trước, tập đoàn khai khoáng khổng lồ Rio Tinto đã hạ dự báo sản lượng lô hàng quặng sắt năm 2021, chủ yếu là do điều kiện thị trường lao động thắt chặt ở Úc và cảnh báo về những trở ngại từ các quy định kiểm soát của Trung Quốc.

tq191021-16346646334281581831669.jpg
Hình minh họa. Ảnh: AP

Lạm phát có thể trầm trọng hơn

Bất chấp những rủi ro từ Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng, châu Á sẽ có thể ngăn chặn sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu trong nước vì tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện cho phép các nước trong khu vực tránh được làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.

Tương tự, nhu cầu của Trung Quốc đối với một số hàng hóa như nhiên liệu và thực phẩm vẫn ổn định.

Điều này có nghĩa là hiện tại, các ngân hàng trung ương khó có thể thoát khỏi sự thay đổi thông thường của họ khỏi các thiết lập tiền tệ trong thời kỳ khủng hoảng.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế trong khu vực còn đối mặt với vấn đề nguồn cung ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng năng lượng.

Cho đến nay, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc vẫn chưa thể vượt qua khó khăn do chi phí cao gây ra bởi sự thiếu hụt nguồn cung từ than đá đến chất bán dẫn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng tình hình xung quanh lạm phát đang diễn ra phức tạp.

Trong khi nhu cầu yếu hơn có thể làm giảm áp lực lên giá, nhưng nếu các nút thắt trong chuỗi cung ứng không được giải quyết, điều đó có thể tạo ra cơn ác mộng kinh tế đình trệ khi tăng trưởng kinh tế chậm lại đi kèm với lạm phát tăng cao.

Selena Ling, Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân khố tại tại Ngân hàng OCBC cho biết: "Trung Quốc là một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực, bất kỳ sự suy giảm nào cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong khu vực”.

“Kế đến, với tình trạng khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, rất có thể, các nhà hoạch định chính sách sẽ ưu tiên sử dụng điện trong nước cho nhu cầu mùa đông hơn là hoạt động công nghiệp. Vì vậy, điều đó có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông cho biết.

NGỌC CHÂU