Sau hơn một tháng trở về từ cuộc thi World's Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới), tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức tại Manila (Philippines), ông Hồ Quang Cua và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu của mình vừa hoàn tất hồ sơ để trình Bộ Nông nghiệp xét duyệt giống và chuẩn bị cho việc sản xuất vụ mùa tới.
Chiều 26/12, Kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ 4 từ trái qua) đại diện nhóm nghiên cứu gạo ST 25 nhận bằng chứng nhận top 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu 2019. |
Chiều 26/12, nhân sự kiện gạo ST 25 - gạo ngon nhất thế giới được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2019, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với kỹ sư Hồ Quang Cua và lắng nghe những chia sẻ của ông về dự định để phát triển giống lúa gạo trên.
PV: Thưa chú, chú có thể kể lại đôi chút về hành trình để tạo ra giống lúa gạo đoạt giải gạo ngon nhất thế giới được không ạ?
- Kỹ sư Hồ Quang Cua: Đó là quá trình rất dài, vừa học vừa làm, vừa cải tiến nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất, nâng cao tính toàn diện của 1 cây lúa, để tạo ra 1 hạt lúa và cuối cùng là hạt gạo trên mâm cơm. Đó là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, sự chuyên tâm học hỏi và nói thật ra là có cả yếu tố may mắn.
Kỹ sư Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25: Chú không phải là một nhà khoa học chuyên về nghiên cứu, chú là một nhà khoa học nông dân thôi. |
Chú không phải là một nhà khoa học chuyên về nghiên cứu như các nhà khoa học trong viện Hàn Lâm đây, chú là một nhà khoa học nông dân thôi. Khi bắt đầu cũng khá đơn giản, trong Nam có khái niệm như là “làm chơi” đó, thì từ từ nó thành thiệt.
Lúc đầu với nhận thức, kỹ năng chưa cao thì chú phải trải qua quá trình rất dài. Chú khởi động vấn đề này từ năm 1991, tức là đã có định hướng làm từ ¼ thế kỷ trước rồi. Và từng bước, từng bước nâng cấp trình độ, tiếp cận những sở thích người tiêu dùng cũng như những chuẩn mực quốc tế về chất lượng. Dần dần, mình nghiên cứu và cải tiến thì cuối cùng là nó cao lên.
Giai đoạn đầu chú chưa phải là lai. Giai đoạn đầu là giai đoạn tìm hiểu yếu tố lịch sử vùng đất. Ở Nam Kỳ lục tỉnh, khi xưa trong thời kỳ thuộc địa Pháp đã có những loại gạo ngon, đã từng xuất khẩu đi Âu châu rồi. Kể từ những năm 1914 rồi, chứ không phải sau này đâu, gạo đã nổi tiếng ở thị trường Âu châu rồi. Nhưng do chiến tranh, những chủng loại gạo đó bị mai một. Lâu dần, trong quá trình bao cấp, thống nhất đất nước, chúng ta phải lo tìm những giải pháp tăng sản lượng lương thực nên chúng ta đã bỏ quên, làm mất đi những gen tốt.
Trong những năm sau khi bắt đầu xuất khẩu gạo thì chúng tôi tìm được một số giống lúa thơm ra trồng lại và nhận thấy phẩm chất rất tốt, năng suất cao. Tức là đất Sóc Trăng phù hợp với lúa thơm. Năm 1997, chúng tôi nhận được tin là Thái lan họ đã lai tạo được 2 giống lúa thơm, mà họ gọi là gạo hạt vàng. Lúc đó mới đặt vấn đề: tại sao họ làm được còn mình thì làm không được? Từ những tiền đề đó, nhóm chú mới bắt đầu nhen nhóm những ý tưởng, bắt đầu suy nghĩ về một tương lai tốt hơn cho ngành gạo mình.
Anh em bắt đầu học tập, nâng cao trình độ, tìm vật liệu di truyền. Năm 2002 thì bắt đầu lai. Vấn đề lai là phạm vi chuyên môn, thời gian chọn kéo dài, công phu cũng rất lớn. Tuy nhiên do mình kết hợp được nhiều yếu tố bố mẹ có phẩm chất tốt ngay từ đầu, cho nên khi phân ly sẽ có rất nhiều dòng và cơ hội chọn những dòng có phẩm chất vừa ý thì cao hơn. Khi lai thì trong vòng khoảng 6 năm thì có những thành quả đầu tiên.
Từ những kinh nghiệm đó mình cải tiến phương thức lai, dần dần mình định hướng mục tiêu nữa thì đến năm 2009 bắt đầu có phóng thích. Dần dần mình xem những khuyết điểm của những cây lúa đã phóng thích trước, thí dụ như đạt yếu tố đầu tiên về chất lượng nhưng còn thiếu yếu tố về ngoại hình, thích nghi ngoại cảnh, tính kháng sâu bệnh chưa mạnh, thì mình tiếp tục lai nữa. Đến năm 2014 thì các chú bắt đầu đưa ra những giống mà hiện nay đang nổi tiếng.
Sau 2014 là tới giai đoạn đi khảo nghiệm. Khảo nghiệm quốc gia, đó là quá trình rất dài để nhà nước xét nghiệm, công nhận giống. Năm 2017 chú lấy đi thi quốc tế, thì giống ST 24 lọt vào top 3 loại gạo ngon nhất thế giới ở Ma Cao. Năm 2018, tại thủ đô Hà Nội, chú lại tiếp tục đem gạo đi thi và ST24 cũng lọt vào top 3 loại gạo ngon nhất thế giới. Tới năm 2019, tại Manila (Philippines) thì đi thi cũng vào top 3. Lúc 2h chiều ngày 12/11, ban tổ chức công bố giống ST24 đoạt giải gạo ngon nhất. Nhưng sau đó đến 6h chiều cùng ngày, họ công bố lại là giống ST25. Chú thực sự bất ngờ.
Trước giờ trong 11 lần tổ chức thì tổ chức thương mại lúa gạo thế giới chỉ công nhận những giống đoạt giải Nhất là những giống gạo mùa cổ truyền. Tuy rằng thơm ngon, nhưng năng suất thấp, mỗi năm chỉ có trồng được 1 vụ lúa. Khi họ công nhận gạo ST24 và ST25, thì giống gạo này có thể trồng 2 vụ/ năm và năng suất cũng cao. Như vậy, trên cùng đơn vị diện tích thì giống gạo mình đoạt giải có thể cung cấp cho nhân loại số lượng gạo ngon gấp 5 lần so với lúa mùa của các nước xung quanh.
Giữa hai giống lúa gạo ST24 và ST 25 có điểm gì giống và khác nhau ạ? Và tại sao gạo ST24 nhiều năm lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới nhưng gạo ST25 lại được hội đồng giám khảo trao giải Nhất.
Đó là những giống gạo ngon về phẩm chất, tốt về ngoại hình và có tính kháng bệnh cao, có tính thích nghi ngoại cảnh cao. Thứ nhất, vừa cho sản lượng cao vừa ít xài thuốc trừ sâu bệnh, tạo điều kiện cho người nông dân tạo ra những loại gạo mà mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao hơn trước đây, ít tồn dư hóa chất. Thứ nhì, nhìn bên ngoài thì đây là loại gạo hình thon, dài, trắng, trong rất đẹp. Khi nấu không bị bể bung, còn nguyên hạt, hạt giãn dài ra, trông như gạo xếp hàng trong nồi cơm. Cảm giác thu lại được là ngửi có mùi thơm, nhìn thì đẹp, ăn thì ngon. Đây là những tính chất mà nhóm nghiên cứu ở Sóc Trăng hướng đến, và thực sự đã đạt đến.
Gạo ST24 và ST25 là loại gạo từ giống lúa thơm cao cấp được lai tạo tại Sóc Trăng. Gạo được cả về hình thức và chất lượng, lại có tính kháng bệnh cao, có tính thích nghi ngoại cảnh cao. |
Thực ra ST24 và ST25 tương đương về chất lượng chứ không có sai lệch gì nhiều. Nếu thích ăn mềm thì chọn ST24. Còn nếu thích ăn giòn, dẻo thì chọn ST25 vậy thôi.
Còn chuyện tại sao ST24 nhiều năm lọt vào top 3 mà ST25 lại đoạt giải Nhất thì nó là hên xui, giống như cháu đi thi hoa hậu vậy thôi. Khi giám khảo chấm điểm, hội đồng giám khảo sẽ đánh giá gạo ngon dựa trên cảm nhận của ngũ quan: mắt, mũi, môi, miệng, răng. Mỗi người có một cảm nhận, suy nghĩ khác nhau thì điểm chệch đi 1 xíu thôi.
Trong quần thể ở ngoài đồng thì mình phải luôn luôn làm theo tính đa dạng. Bởi trong vấn đề di truyền, tính kháng, tính chống chịu trên giống bị mất, nếu chỉ có 1 giống thì thiệt hại rất lớn. Ở ngoài bắc có kinh nghiệm là giống PC 15, có 1 năm là bị đạo ôn và 50.000 ha lúa của nông dân bị thiệt hại. Người làm khoa học phải chú ý tính đa dạng chứ không đơn thuần phát triển 1 thành quả riêng nào. Việc có nhiều giống lúa cũng như trong gia đình có nhiều anh em, thì đỡ rủi ro hơn.
Như chú nói ở Việt Nam có 1 giai đoạn sản xuất đại trà đã làm mất đi những gen tốt. Vậy khi gạo ST25 được trồng và sản xuất nhiều hơn để cung ứng cho thị trường chú có lo lắng về vấn đề chất lượng gạo bị thay đổi hay không?
Đúng là vấn đề chất lượng là một vấn đề rộng, không chỉ liên quan đến quá trình tiến hóa của sinh vật mà cần phải bảo tồn và bảo vệ. Đó là những hoạt động sau khi được chứng nhận giống, và đoạt giải chỉ là một điểm khởi đầu.
Muốn phát triển thành quả này thì còn cần phải có những thể chế, có những chính sách, và có những giải pháp khoa học để duy trì những đặc tính ban đầu để cho cây lúa không thoái hóa. Nếu như không có giải pháp thì khoảng 3 năm sau giống lúa này sẽ rơi vào tình trạng là thường thường bậc trung chứ không còn ở cấp cao nữa.
Về phương diện bảo tồn: mình là tác giả thì mình phải làm, bảo tồn để duy trì đặc tính, phẩm chất thì đương nhiên tác giả nào cũng phải làm.
Phát triển thành tựu thì phải có chính sách của nhà nước, phải có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, phải có bộ quy chuẩn. Phải quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu gạo việt nam, kiểm soát, cấp chứng chỉ, các chế tài các loại. Phần đó vượt qua tầm vóc của một nhà khoa học như chú. Chú cũng chỉ đưa ra đề xuất một số thôi, còn cần đến sự quản lý nhà nước và sự quan tâm của doanh nghiệp tới những vấn đề trên.
Liệu gạo ST25 có thể cạnh tranh về giá và chất lượng với gạo Thái và gạo nhật được không ạ?
Thứ nhất là chúng ta không có so với gạo Nhật. Gạo Nhật nó ở trong một cái phạm vi khác. Chúng ta có thể so với gạo Thái. Nhưng chúng ta đừng có hy vọng nói là đối thủ của họ. Chúng ta đạt được phẩm chất gạo ngon nhất, năm nay chúng ta hơn họ. Nhưng mà còn yếu tố lịch sử, yếu tố quá trình, yếu tố liên hệ khách hàng then chốt của họ 60 năm nay rồi. Tức là họ là một đế chế trong ngành gạo thơm cao cấp rồi. Đây chỉ là điểm khởi đầu để chúng ta bắt đầu làm lại ngành gạo của Việt Nam thôi, chứ không phải khi đoạt giải là chúng ta có thể đương đầu với họ đâu.
Yếu tố mà thua hiện nay là bởi vì gạo thơm Thái Lan vẫn nổi tiếng là gạo an toàn. Trong khi gạo Việt Nam của chúng ta hiện nay là gạo thâm canh. Nếu chúng ta dùng lượng phân bón không đúng, chúng ta sử dụng hóa chất không đúng, mất độ an toàn thực phẩm thì chúng ta không bao giờ có thể so sánh với họ.
Còn vấn đề giá, thì đó là một chuỗi quá trình khác nữa. Trước đây 10 năm có những doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo ST với cái giá trên 900 USD/ tấn, nhưng do yếu tố cạnh tranh, sau này nó rớt xuống ngưỡng dưới 700 USD/tấn. đó là sự cạnh tranh nội bộ, hay gọi là sự phá rối nhau. Cho nên cần thời gian rất dài và còn rất nhiều công việc để có thể nói là chúng ta đang chia sẻ thị phần gạo cao cấp với Thái Lan.
Sau khi gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, đã có rất nhiều người tìm mua. Chú có thể cho độc giả được biết là diện tích trồng ST25 tại Việt Nam hiện nay là bao nhiêu và sản lượng có thể cung cấp cho thị trường là bao nhiêu được không ạ?
Diện tích chưa có bao nhiêu đâu. Giống mới vừa được hội đồng thông qua chứ chưa được công nhận.
Hiện nay chưa có phát triển trên thị trường, nhưng mà ở Hà Nội đã có rồi, thậm chí cả ở Mỹ cũng có nữa. Trong điện thoại chú có hình túi gạo ST25 ở Mỹ bạn chú gởi về cho xem. (Cười)
Cái đó là in bao bì nhanh chứ không phải sản xuất gạo nhanh. Sau khi có thông tin, cái đó có thể thiết kế, trong một đêm có khi xong rồi đó. (Cười)
Kỹ sư Hồ Quang Cua với bao bì đóng gói của gạo ngon nhất thế giới ST25 |
Chú có biện pháp gì để bảo vệ thương hiệu chưa ạ?
Đó là vấn đề quốc gia đại sự, chứ không phải của riêng mình nữa, phải có sự hỗ trợ của nhà nước và hệ thống toàn diện mới làm được bây giờ chú lo sản xuất giống để có những giống nòng cốt để phát triển còn chưa xong nữa. (Cười)
Sau khi gạo được giải thì Bộ Nông nghiệp công bố công nhận đặc cách và ra chỉ tiêu ngược cho nhóm nghiên cứu phải hoàn thành hồ sơ để công nhận giống trong năm 2019 và kịp sản xuất giống cho vụ mùa tới. Bộ trưởng bộ khoa học công nghệ cũng đề xuất hỗ trợ đăng ký tác quyền trên thế giới. Mấy ngày trước có 1 nhà khoa học ở Mỹ đã liên lạc với chú giúp phân tích bộ gen để bảo vệ giống gạo này trên thế giới.
Hai giống lúa ST24 và ST25 liệu có phù hợp trồng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ không ạ?
Riêng ST 24 khi lọt vào top 3 giống gạo ngon nhất thế giới ở Ma Cao về thì có rất nhiều anh em đem về trồng thử tại Nam Định thì rất là tốt. Ở Nam Định trong vụ mùa vừa rồi đã trồng trên 100ha, và là vụ thứ 2 rồi. Những vùng ven cửa sông họ có thể trồng sau mùa nuôi rươi, gọi là lúa rươi đó. Ở Hải Phòng cũng có 1 ít, sau khi được nhiều người biết thì đang có xu hướng mở rộng thêm.
Xin cảm ơn chú!
Úc thay đổi quy trình kiểm tra đối với gạo
Theo thương vụ Việt Nam tại Úc, thì nước này đang đổi quy trình kiểm tra đối với gạo không có khả năng nảy mầm.