Trò chuyện với PGS.TS Phạm Thị Vượng về Nông nghiệp hữu cơ

Gần đây nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam những trang trại canh tác theo phương pháp này ngày càng nhiều. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với PGS. TS Phạm Thị Vượng về bảo vệ thực vật, một trong những vấn đề nóng của NNHC hiện nay.

Phóng viên (PV): Thưa bà, trên cương vị là Chủ tịch Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam khóa IV, nguyên Viện trưởng Viện bảo vệ thực vật (BVTV), bà quan tâm thế nào đến NNHC Việt Nam hiện nay?

- PGS.TS Phạm Thị Vượng: Những năm 60 trở về trước, nông nghiệp nước ta vẫn là nông nghiệp thuận theo tự nhiên hay còn gọi là NNHC truyền thống, dùng phân bón hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bởi lúc ấy, cả nông nghiệp và hóa học tại Việt Nam đều chưa phát triển, sản lượng nông nghiệp vẫn đủ khả năng cung cấp cho lượng dân số ít ỏi của nước ta thời bấy giờ. Sau đó, bùng nổ dân số đòi hỏi nông nghiệp phải đáp ứng được nhu cầu lương thực ngày càng lớn. Cuộc cách mạng Xanh ra đời mang lại giống mới, phân bón hóa học và phương pháp canh tác mới, giúp sản lượng lương thực tăng vọt, không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu.

PGS.TS Phạm Thị Vượng: Viện trưởng viện bảo vệ thực vật
PGS.TS Phạm Thị Vượng: Viện trưởng viện bảo vệ thực vật

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng quá trình này kéo theo sự phát triển khó lường của sâu bệnh. Để có năng suất cao, lượng phân bón hóa học, thuốc BVTV được sử dụng nhiều hơn, chủng loại đa dạng hơn. Liên tục như thế, đất đai bị bạc màu, ô nhiễm, giống cây trồng thoái hóa, sâu bệnh kháng thuốc dẫn.

Bản thân thuốc BVTV hay phân bón hóa học không có lỗi, nếu người nông dân sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng mục đích. Tiếc thay, do không được đào tạo bài bản nên rất nhiều nông dân đã trộn lẫn các loại thuốc với nhau, tăng giảm không đúng nồng độ gây ra hiện tượng tái bùng phát giống kháng, không chỉ thiệt hại kinh tế nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống của họ.

Sau nhiều chục năm canh tác và nhận ra hậu quả của cách làm này, một số lượng ít ỏi nông dân đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến để quay trở lại với canh tác hữu cơ trên nền tảng khoa học.

Tôi cho rằng đây là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, để làm được, chúng ta vẫn cần nhiều thời gian cải tạo, xử lý hậu quả của những năm sai lầm trước đó. Thời gian để lập lại hệ sinh thái, theo tôi có thể phải cần tới ít nhất là 3 năm để tác dụng của các loại thuốc sinh học bắt đầu “vào guồng”, có tác dụng trên diện rộng.

Suốt thời gian này cần theo dõi các yếu tố tác động từ xung quanh: nguồn nước, tạo vùng đệm cách ly với thuốc trừ sâu, phân bón hóa học của các hộ bên cạnh, nếu có,… Dù công cuộc phát triển trở lại rất gian nan, phải đánh đổi nhiều nhưng tôi tin, nếu chúng ta có một cơ chế quản lý và hỗ trợ phù hợp sẽ thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, bền vững hơn.

Bản thân thuốc BVTV hay phân bón hóa học không có lỗi, nếu người nông dân sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng mục đích
Bản thân thuốc BVTV hay phân bón hóa học không có lỗi, nếu người nông dân sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng mục đích

Nhiệm vụ của nhà khoa học trong quá trình giúp nông dân học hỏi kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến để quay trở lại với canh tác hữu cơ là thế nào thưa bà?

- NNHC là nông nghiệp tự nhiên. Trong NNHC, côn trùng và sâu bệnh hại đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp của vùng sản xuất. Tồn tại song song với sâu bệnh là các loài thiên địch; lương thực, sâu bệnh, thiên địch nằm trong chuỗi thức ăn, chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa hỗ trợ vừa kiềm chế nhau duy trì sự cân bằng của tự nhiên.

Côn trùng, sâu bệnh vừa gây hại vừa giúp cây trồng tham gia vào quá trình chọn lọc tự nhiên, liên tục như thế hàng chục, hàng trăm năm, chúng ta có các giống cây thuần chủng, giống bản địa có khả năng kháng sâu bệnh rất tốt, phù hợp với điều kiện canh tác đặc trưng của mỗi vùng. Người dân canh tác hữu cơ hiểu điều đó.

Nhưng khi côn trùng và sâu bệnh phát triển quá mạnh, làm sao để hạn chế điều này? Đây là nhiệm vụ của nhà khoa học. Khi được thông báo về vùng nhiễm bệnh, chúng tôi phải tìm hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ lưỡng về đặc điểm sinh trưởng của mỗi loài.

Nghiên cứu những loài động vật lớn đã khó, nghiên cứu về mỗi con rệp, con bọ, sâu bệnh còn khó hơn. Từ tập tính sinh học của mỗi loài, chúng tôi đưa ra biện pháp phòng chống thích hợp với từng giai đoạn bệnh mà không phá vỡ cân bằng sinh thái của vùng nông nghiệp đó.

Như vậy, trong quá trình canh tác NNHC, người nông dân vẫn có thể sử dụng thuốc BVTV?

- Đúng vậy, nhưng đó phải là thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ. Để kiểm soát được điều này, chúng ta cần phải có một cơ chế quản lý thực sự nghiêm túc, hiệu quả ngay từ đầu vào nguyên liệu. Chẳng hạn như sản xuất phân bón hữu cơ, phải xác định được nguồn phân bón đó từ đâu, động vật nuôi bằng nguyên liệu gì, có biến đổi gene hay không? Khi vật nuôi nhiễm bệnh, có sử dụng kháng sinh hay điều trị như thế nào,… Tương tự với thuốc BVTV sinh học, quá trình kiểm chứng cũng cần nghiêm ngặt và chặt chẽ như thế.

Thuốc sinh học không độc hại, cùng lắm chỉ có khả năng quản lí được 60-70% rủi ro về sâu bệnh, chứ không thể hiệu quả tới trên 90% như các thuốc hóa học. Hiện nay, một số thuốc có nguồn gốc sinh học được đăng ký sử dụng tại Việt Nam có độ độc tới nhóm II, cận nhóm I.

Tôi khẳng định, nếu là thuốc sinh học thực sự, sẽ chẳng thể nào có độ độc như thế nếu không muốn nói nhà SX đã thêm quá nhiều phụ gia độc hại. Nếu tiếp tục như vậy, hệ sinh thái tự nhiên của vùng sản xuất sẽ bị phá vỡ hoàn toàn, quá trình quay trở lại NNHC càng lâu và khó khăn hơn.

Xin chân thành cảm ơn bà!

Thương Thương

Rau quả Trung Quốc đổ về chợ đầu mối hơn 114.000 tấn

Rau quả Trung Quốc đổ về chợ đầu mối hơn 114.000 tấn

Báo cáo của Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM cho thấy, hàng nhập từ Trung Quốc lại tăng ở mức 2 chữ số trong tháng 7.