Lần trở lại kỳ lạ của Jack Ma

Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng vị tỷ phú 56 tuổi chưa chắc đã được thoải mái trong thời gian tới.

Sau gần 3 tháng mất tích, Jack Ma đã trở lại. Nhà sáng lập Alibaba xuất hiện trên một video, với phông nền khiến mọi người khó đoán về bối cảnh và nói về câu chuyện với các giáo viên tại nông thôn Trung Quốc. Nhiều người thậm chí nhận xét Jack Ma trong video này như một người đang bị bắt cóc.

Lần xuất hiện trở lại của Jack Ma vào đầu tháng 1.
Lần xuất hiện trở lại của Jack Ma vào đầu tháng 1.

Có thể nói dù Alibaba vẫn là một tập đoàn lớn của Trung Quốc và cổ phiếu cũng tăng mạnh trở lại nhưng Jack Ma không còn vị thế như trước kia.

Tại hội nghị ở Thượng Hải vào tháng 10/2020, Jack Ma đã chỉ trích thái độ của các nhà quản lý đối với những doanh nghiệp lớn và cho rằng họ đang kìm hãm sự phát triển. 

“Chúng ta không nên dùng cách quản lý các nhà ga để điều hành những sân bay. Chúng ta cũng không thể thay đổi tương lai bằng những phương tiện đã cũ", nhà sáng lập Alibaba tuyên bố.

George Magnus, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học Oxford nhận định: "Bài phát biểu của Jack Ma nói về việc chấp nhận rủi ro và không màng tới những sự bất ổn sau đó. Điều này hoàn toàn trái ngược với chủ trương của các lãnh đạo Trung Quốc".

Bài phát biểu gây ra sự khó xử đối với chính quyền Trung Quốc và ngay lập tức Jack Ma đã bị "sờ gáy". Đầu tháng 11/2020, ông cùng 2 người trợ lý được gọi tới họp kín với các nhà quản lý tài chính. Một ngày sau, đợt phát hành cổ phiếu (IPO) của công ty fintech Ant Group do Jack Ma đồng sáng lập đã bị tạm hoãn với lý do là "vì các thay đổi trong lĩnh vực đầu tư tài chính cùng nhiều vấn đề khác". Giá cổ phiếu của Alibaba, tập đoàn đang nắm giữ một phần Ant Group, đã giảm hơn 8%, khiến tổng khối tài sản ròng của Jack Ma giảm hơn 2,7 tỷ USD.

Những nhà chức trách Bắc Kinh sau đó điều tra các cáo buộc về "hoạt động độc quyền" tại Alibaba cũng như một ông lớn công nghệ khác của Trung Quốc là Tencent. Sau đó, Ant Group đã nhận được lệnh phải thu hẹp quy mô hoạt động.

Bill Bishop, nhà báo chuyên về thời sự Trung Quốc nói rằng thực sự có những vi phạm về độc quyền và điều kiện làm việc của nhân viên Alibaba, cũng như các rủi ro trong hoạt động của Ant Group, dẫn tới những cuộc điều tra nhưng nguồn gốc vẫn là do bài phát biểu của Jack Ma.

“Về cơ bản, Jack Ma đã làm xấu mặt lãnh đạo Trung Quốc. Đó là lý do vì sao đợt IPO của Ant Group bị hoãn sau đó. Nếu các nhà chức trách đã không chấp nhận từ đầu, vậy tại sao họ lại đồng thuận để Ant Group tiến hành đợt IPO? Rõ ràng bài phát biểu của Jack Ma là nguyên nhân dẫn đến vụ việc này", ông Bishop chia sẻ.

“Jack Ma là ví dụ nổi tiếng nhất cho việc hình ảnh cá nhân đã vượt quá sự kiểm soát của những nhà lãnh đạo. Nếu các doanh nhân cứ im lặng, họ có thể phát triển. Ngược lại, họ sẽ chịu cảnh trừng phạt tương tự như những gì mà Jack Ma đang trải qua", ông George Magnus nhận định.

Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng vị tỷ phú 56 tuổi chưa chắc đã được thoải mái trong thời gian tới.

"Vị thế của ông ta bây giờ gần giống với Bill Gates. Thành thật mà nói, nếu những lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thoải mái với ảnh hưởng của Jack Ma, họ sẽ không e ngại bắt ông ta im lặng hơn", ông Magnus nhận định.

"Những doanh nhân nhanh nhạy sẽ nhận ra rằng họ cần phải cẩn thận hơn", ông Bishop chia sẻ.

Thanh Mai

Bằng cách nắm cổ phần, Trung Quốc quyết thu nhỏ 'đế chế kinh doanh' của Jack Ma

Bằng cách nắm cổ phần, Trung Quốc quyết thu nhỏ 'đế chế kinh doanh' của Jack Ma

Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách thu hẹp đế chế tài chính và công nghệ của Jack Ma bằng cách nắm cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp của ông.