Lấy chồng nước ngoài, 2 nàng dâu Việt chia sẻ về dự định tiền tiêu Tết nơi “xứ người”

Năm nay do nhiều lý do khách quan, 2 nàng dâu này đành tạm gác lại dự định về quê ngoại ăn Tết.

Lấy chồng nơi xứ người mà Tết chẳng thể về quê hương, sum vầy cùng người thân, bạn bè, chỉ cần tưởng tượng thôi, có lẽ, chúng ta cũng hình dung được phần nào cảm giác tủi thân, nhớ nhà của những nàng dâu Việt xa xứ.

Cả một năm kinh tế khó khăn, hai nàng dâu Việt này đành phải tạm gác lại chuyến bay về quê hương trong dịp Tết này.

Lưu Tuyết Nhi (26 tuổi) - mẹ 2 con, hiện đang sống tại Phúc Kiến (Trung Quốc)

Lưu Tuyết Nhi
Lưu Tuyết Nhi

 Tuyết Nhi khẳng định chắc nịch dù năm nay kinh tế không bằng năm ngoái nhưng chắc chắn khoản tiền mà bà mẹ 2 con này dự định dùng để sắm Tết, biếu bố mẹ 2 bên và lì xì con cháu sẽ không giảm đi.

"Vì cả năm chỉ có một cái Tết thôi. Hơn nữa, những năm trước, gia đình mình cũng không chi nhiều, số tiền chắc còn thua xa nhiều gia đình ở quê ta ấy chứ. Thế nên năm nay mình cũng không có ý định "thắt chặt" tiền tiêu Tết thêm làm gì" - Tuyết Nhi chia sẻ.

Theo đó, "nàng dâu Trung Quốc" này dự định sẽ chi tổng cộng 30 triệu cho Tết Nguyên đán sắp tới.

Tuyết Nhi sẽ biếu bố mẹ chồng 666 Nhân dân tệ/người (khoảng 2,2 triệu đồng). Còn với bên ngoại, Tuyết Nhi cũng biếu ông bà con số tương đương, chỉ khác là cô sẽ đổi sang tiền Việt mà thôi. 8,8 triệu là tổng số tiền mà Tuyết Nhi và ông xã dành ra để biếu Tết bên nội và bên ngoại. Tuy nhiên, đây lại không phải là khoản tiền lớn nhất trong danh sách chi phí sắm Tết của Tuyết Nhi.

"Tốn nhất là tiền lì xì cơ. Ở bên này, mọi người thường lì xì các cháu nhỏ khoảng 200-300 Nhân dân tệ/cháu (khoảng 680-100 nghìn đồng). Gia đình mình lại đông con cháu. Biết là mình lì xì bao nhiêu, rồi ông bà họ hàng cũng sẽ mừng tuổi lại 2 bạn nhà mình như thế. Nhưng tính ra vẫn thấy tốn lắm, tốn nhất trong các khoản luôn" - Tuyết Nhi khẳng định.

Sau đó, bà mẹ trẻ này còn kể thêm rằng Tết ở Trung Quốc khác rất nhiều so với Tết ở Việt Nam. Đết Tết, mỗi nhà sẽ dán Thần Giữ Cửa, câu đối đỏ trên cửa nhà, rồi treo lồng đèn đỏ để cầu bình an. Nhà có bao nhiêu cánh cửa là sẽ dán bấy nhiêu chữ "Phúc" để mong năm mới được hạnh phúc. Đêm giao thừa ở Trung Quốc sẽ không cúng tất niên với thịt gà mà mọi người sẽ cùng nhau ăn mì Trường thọ với hy vọng năm mới sức khỏe sẽ dồi dào hơn năm cũ, sống thật khỏe, thật lâu.

Dù xa quê hương cũng đã lâu, không phải mới ngày một ngày hai nhưng cảm giác nhớ bố mẹ, người thân chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng Tuyết Nhi.

"Bình thường mình đã nhớ bố mẹ, anh chị em lắm rồi mà càng gần đến Tết, cảm giác nhớ gia đình và không khí Tết ở quê mình càng dữ dội. Thế nên nhắc đến Tết, mình thấy khó tả lắm, không nôn nao xốn xang và cũng không thực sự vui lắm" - Tuyết Nhi bộc bạch.

Cao Lương (24 tuổi) - mẹ 1 con, hiện đang sống tại Cheonan (Hàn Quốc)

Cao Lương
Cao Lương

 Cùng cảnh làm dâu xứ người như Tuyết Nhi, Cao Lương cho biết: "Nhắc đến Tết là mình thấy buồn và trống trải lắm vì không được ở gần bố mẹ. Có những ngày ngồi muối kim chi mà thấy nhớ cảm giác ngồi trông nồi bánh chưng sôi sùng sục kinh khủng.

Đi lấy chồng, đúng là chẳng có người phụ nữ nào có thể vui khi không được về nhà ngoại ngày Tết. Dù bên mình có chồng, có con và bố mẹ chồng cũng quan tâm, an ủi nhưng nhớ nhà, nhớ quê là cảm giác không gì có thể xoa dịu được".

Cao Lương hiện đang sinh sống tại xứ sở kim chi. Năm nay kinh tế khó khăn, ngoài việc không thể về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình, Cao Lương cho biết vợ chồng cô cũng phải cắt giảm khoảng 10% tiền tiêu Tết so với năm ngoái.

"Vợ chồng mình dự định chỉ chi 25 triệu cho Tết này thôi. Tiền biếu bố mẹ 2 bên, tiền mua bánh kẹo, đồ ăn ngày Tết, tiền lì xì, tất cả gói gọn trong 25 triệu" - Cao Lương khẳng định.

Ở Hàn, khoản chi tốn kém nhất ngày Tết thường là tiền mua thực phẩm vì một mâm cúng của người Hàn có tới 20 món khác nhau.

"Ở Hàn, mọi người chỉ được nghỉ Tết 3 ngày thôi, từ ngày 30 tháng Chạp tới hết mùng 2 tháng Giêng. Trong 3 ngày này, các gia đình thường chỉ ở nhà, chuẩn bị mâm cúng, rồi quây quần bên nhau. Hết 3 ngày Tết, khi đã hoàn thành các nghi thức thờ cúng tổ tiên, mọi người mới mới bắt đầu đi chùa cầu may và đi thăm họ hàng hoặc gặp gỡ bạn bè" - Cao Lương chia sẻ về những điểm khác biệt trong văn hóa ngày Tết ở Hàn Quốc so với Việt Nam.

Còn chưa đầy 2 tháng nữa, chúng ta sẽ chính thức nói lời chào tạm biệt với năm Quý Mão 2023 và bước sang năm Giáp Thìn 2024. Cảm ơn Tuyết Nhi và Cao Lương vì những chia sẻ chân thành.

Chúc cho hai bạn và tất cả chúng ta một năm mới thật bình an, hạnh phúc dù đang ở đâu đi chăng nữa!

AMT

Cách làm mứt khoai lang nhâm nhi ngày Tết Nguyên Đán

Cách làm mứt khoai lang nhâm nhi ngày Tết Nguyên Đán

Không chỉ có chứa nhiều tinh bột, chất xơ, vitamin mà khoai lang còn là món ăn hấp dẫn được biến tấu thành nhiều phiên bản khác nhau như khoai lang chiên giòn, khoai lang luộc, khoai lang lắc… Đặc biệt, món mứt khoai lang dẻo ngọt cho ngày tết sẽ khiến bạn mê ly.