Lính đảo trên đỉnh núi

Anh chàng chiến sĩ hải quân Lâm Văn Linh lần đầu leo cao như thế. Mấy tháng tân binh huấn luyện thực ra còn vất vả hơn nhiều, nhưng mặc áo dải yếm bay bay lính hải quân, lại trèo lên trạm radar dốc đứng, qua cả một khoảng rừng nguyên sinh, quả có hơi xa lạ với anh chàng 18 tuổi.

Đường lên những đỉnh cao

Bộ đội từ hải quân đến biên phòng đóng quân nơi các tuyến đảo Tây Nam, hầu hết đều cheo leo trên các đỉnh cao. Đơn giản cũng như Nam Du, qua cả loạt khúc của cong như một vòng đảo. Dốc đứng như Hòn Chuối, đếm cả mấy trăm bậc thang như đường tới chân trời. Âm u như Hòn Khoai, xuyên qua cả một cánh rừng với những thân cây leo đủ hình thù, phía sau là mấy chú chó rừng tò mò bám đuôi. Hay như từ cầu cảng lên trạm radar Thổ Chu phải mất 20 phút chạy xe. Đường lên đỉnh trạm tương đương offoard của mọi cung “phượt”. Chúng tôi đùa nhau là nếu tim gan phổi phèo còn nguyên, tức là đã qua thêm một lễ trưởng thành.

Cột cờ trên đảo Hòn Khoai
Cột cờ trên đảo Hòn Khoai

 Lính hải quân trên đỉnh trạm radar 615 Hòn Chuối mỗi ngày chạy lên chạy xuống đường mòn phải vài bận. Mà hào hứng, bởi đôi khi chỉ là xuống bến tàu để nhận một chút quà từ đất liền gửi ra. Trong số các trạm radar ở tuyến đảo Tây Nam, Hòn Chuối có thể coi như dốc nhất. Các điểm khác đôi khi có thể chạy xe máy, Hòn Chuối thì không. Trừ mấy trăm bậc thang, còn lại là cứ theo lối mòn lên đỉnh cao nhất. 

Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Trung Khắc đã có 3 năm ở Hòn Chuối. Anh kể ngày đầu tiên đến đây, anh hơi sốc. Trước đó đóng quân ở Phú Quốc, một nơi sầm uất, đến khi nhận nhiệm vụ ở Hòn Chuối, Khắc không biết phải làm sao để quen với đảo nhỏ chỉ quanh quân lính hải quân, bộ đội biên phòng và ngót nghét hơn trăm người dân ở đảo.

Dốc đứng như Hòn Chuối, đếm cả mấy trăm bậc thang như đường tới chân trời.
Dốc đứng như Hòn Chuối, đếm cả mấy trăm bậc thang như đường tới chân trời.

Hay Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Học đã gắn bó với biển Tây Nam tổ quốc hơn 10 năm. Học bảo không bao giờ quên cái lúc vật lộn trong cơn bão đi cứu ngư dân trong cơn bão Linda năm 1997. Cơn bão năm đó quét qua biển Kiên Giang khiến 460 người thiệt mạng. Ở Nam Du, một tấm bia đã dựng nên để tưởng niệm những người không may. Năm đó Học ở Nam Du, lần đầu tiên anh gặp bão lớn thế. Trạm radar 600 nơi anh công tác cũng ảnh hưởng nặng nề. Gió tốc cả mái ngôi nhà đang ở. Không ai đứng ngoài cuộc trong thảm họa ấy được cả. Bão tố là thứ đầu tiên phải quen với lính, ngay cả khi đang đóng quân trên những đỉnh cao nhất mỗi hòn đảo. Người dân dắt díu nhau lên núi ở với bộ đội để tránh các đợt sóng gió đang dần nuốt những ngôi nhà.

Học nhẩm tính đã 8 năm chưa ăn Tết nhà: “Cũng có năm được về phép, nhưng đều không phải tết”. Những đồng đội của Học, thời gian xa nhà tính bằng năm, có khi bằng cả những mốc trưởng thành của những đứa con ít gặp mặt bố. May mắn thì như Vũ, đảo Thổ Chu, xa nhà ngót nghét chục năm, mãi năm ngoái anh mới đưa được vợ con ra đảo sống cùng. Nhưng đứa con thứ nhất thì vẫn phải ở lại Phú Quốc, vì nơi đó mới có trường cấp 2 cho cháu học.

Những gạch nối Tổ quốc

Đảo Hòn Khoai quanh quẩn chỉ anh em lính nhìn nhau. Mùa này tàu phải cập bến cũ, nên đường lên trạm cũng nhọc nhằn hơn vì phải xuyên qua cả mấy cánh rừng già. Thượng úy biên phòng Dương Văn Tưởng chỉ ra phía ra, một bóng đá mờ mờ, ánh lên trong cái nắng gay gắt buổi trưa: “Kia là điểm A2 đấy”. Đó là hòn Đá Lẻ, điểm A2 của đường cơ sở xác định chiều rộng lãnh hải Việt Nam. 

Đấy, lý do của những lúc lặng lẽ vượt rừng, những ngày tháng bám trụ ở đây, lý do của chàng trai ngoài 30 vẫn xòe bàn tay chưa hề đeo nhẫn cưới. Để vẽ nên một đường dài đất nước trên biển như thế.  

Để lên nơi Tưởng đóng quân, chúng tôi đều phải chuẩn bị một cây gây chống, để đỡ mệt sau mỗi con dốc cao. Thế nhưng khi ra về, anh em đồn biên phòng xuống núi, ra tận cầu cảng, để ôm nhau một cái rất chặt. Hết đợt tàu chở hàng này, đảo sẽ lại lặng lẽ với mấy anh em.

Để vào được đảo Hòn Chuối, tàu biên phòng phải ra tận tàu lớn để đón chúng tôi cùng hàng. Loay hoay mất nửa ngày mới cập Hòn Chuối, đập vào mắt đầu tiên là một chiếc ghe hỏng đang gá tạm cạnh cầu cảng. Đó là ghe của ông Nguyễn Khoát Đạt. Cơn bão số 1 vừa rồi lấy đi của ông một chiếc ghe, một chiếc tàu. Biên phòng, hải quân hết sức kéo được chiếc ghe lên thì cũng bể nát hết, chỉ còn máy và hộp số. Trận bão cuối năm ngoái làm dân Hòn Chuối mất tổng cộng 13 chiếc ghe. “Không có mấy anh bộ đội thì biết làm thế nào”, ông Đạt bảo.

Hòn Chuối sống theo mùa gió. Mà đảo Tây Nam, nhiều nơi phải nương mùa gió lắm. Cứ nửa năm bên này đảo, nửa năm bên kia đảo. Mỗi đận chuyển, quân với dân lại hò nhau mang cả nhà đi. Đấy là cuộc sống của người dựa vào biển. Có bộ đội mọi thứ cũng dễ dàng hơn. Nguyễn Trung Khắc đã không còn đếm được bao nhiêu ca cấp cứu vì say cá, vì sốt xuất huyết. Giữa đảo, mà đảo có rừng, sốt xuất huyết chẳng còn chuyện lạ. Nguyễn Trung Khắc bảo hết mùa hè sẽ là mùa thiếu nước. Đảo Hòn Chuối không có nước ngọt, chỉ nhờ nước mưa. Giờ đã bắt đầu phải tiết kiệm rồi. Có khi, dân xin nước bộ đội, bộ đội xin nước dân. Đảo xa, tìm nhau cũng dễ hơn. Hòn Chuối còn nổi tiếng với lớp học của thầy giáo quốc dân Trần Bình Phục – người lính biên phòng truyền cảm hứng nổi tiếng. Anh bảo anh vẫn ở đó, chừng nào mà anh còn sống, thì anh vẫn ở đây, lớp học này vẫn mở, đừng ai lo lắng về sức khỏe của anh. 

Người lính biên phòng, thầy giáo Trần Bình Phục truyền cảm hứng... Ảnh: Báo Biên Phòng
Người lính biên phòng, thầy giáo Trần Bình Phục truyền cảm hứng... Ảnh: Báo Biên Phòng

Với những đời lính gắn với đảo, với biển, những cơn sóng gió đã là chuyện phải quen. Hình như chẳng có cơn sóng nào đơn giản. Ngay cả với những vùng biển cứ ngỡ như gần.

Vùng biển Tây Nam do Vùng 5 quản lý được tính từ cửa sông Gềnh Hào (Bạc Liêu) đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), có chiều dài hơn 450 km, diện tích khoảng 150.000 km2; ranh giới biển tiếp giáp với các nước: Campuchia - Thái Lan - Malaysia - Indonesia, có trên 130 đảo lớn nhỏ thuộc 5 quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu cùng một số đảo độc lập; trong đó, đảo Phú Quốc có diện tích khoảng 567 km2; là đảo lớn nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam Bộ, cách bờ biển Campuchia 12,5 km cách Hà Tiên 45 km, cách Rạch Giá 111 km. Đảo Phú Quốc là một huyện đảo, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Hồng Việt

Diễn viên Thúy Hà 'Về Nhà Đi Con': 'Chính tôi là người quyết định dừng cuộc hôn nhân này'

Diễn viên Thúy Hà 'Về Nhà Đi Con': 'Chính tôi là người quyết định dừng cuộc hôn nhân này'

Mới đây nhất, cô Hạnh của 'Về Nhà Đi Con' xác nhận đã chia tay chồng sau 15 năm chung sống khiến nhiều người bất ngờ