Lợi bất cập hại từ trào lưu làm gỏi với măng cụt xanh

Tuy không phải món ăn mới, song thời gian gần đây, gỏi gà măng cụt bất ngờ gây “sốt” trên nhiều diễn đàn mạng.

Thời gian gần dây, mạng xã hội rầm rộ món ăn gỏi gà măng cụt gỏi gà. Được biết đây là đặc sản tại các vùng trồng tại Đông Nam Bộ, ĐBSCL được người dân làm đãi khách khi đến mùa măng cụt. Mùa hè nào khi bắt đầu vào mùa cũng sẽ nghe có người nhắc đến món ăn này. Năm nay, trên mạng xã hội, món ăn quen thuộc gỏi gà măng cụt bỗng trở thành trào lưu được người người nhà nhà hưởng ứng.

Lợi bất cập hại từ trào lưu làm gỏi với măng cụt xanh

Măng cụt làm gỏi là loại đã trái đã già nhưng vỏ còn xanh để có độ giòn nhưng chế biến kỳ công, giá thành cao nên chỉ có trong thực đơn của một số nhà hàng nhất định. Măng cụt một năm chỉ ra trái một lần, nhà vườn thường tỉa những trái măng cụt xanh ở cây măng tơ, để cây đủ sức cho trái trong mùa tiếp theo. Việc tỉa bỏ trái xanh đã có lâu nay, sau này nhiều người mới phát hiện trái non dùng ruột để làm gỏi rất ngon.

Ở Bình Dương, măng cụt Lái Thiêu là ngon nhất do đó, không ít du khách từ các tỉnh thành lân cận chấp nhận di chuyển quãng đường xa vài chục cây số để tới đây thưởng thức món này. Thậm chí, nhiều thực khách ở miền Bắc chưa có cơ hội đặt chân tới “thủ phủ” măng cụt cũng không ngần ngại chi từ vài trăm nghìn đồng cho đến cả triệu đồng để tìm mua.

Tuy nhiên do trào lưu làm gỏi gà từ măng cụt mà loại quả này rơi vào tình trạng khan hiếm, tăng giá. Chưa kể là có thể tiềm ẩn nguy cơ giảm sản lượng măng cụt vụ mùa năm sau.

Anh Nguyễn Thanh Việt, một nhà vườn tại Vĩnh Long, cho biết lần đầu bán món này khi người tiêu dùng TP HCM bỗng nhiên biết đến món gỏi gà măng cụt qua các clip trên mạng.

"Nhiều thương lái vào tận vườn để hỏi mua nên nông dân hái bán. Đây là loại măng cụt đã già, nhà vườn tỉa bớt để dưỡng trái chín chứ không hái toàn bộ vì trái chín giá cao hơn, hiện tại ở mức 100.000 - 110.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi trái chín phải chịu hao hụt về bị sượng, hư còn trái xanh để làm gỏi thì không gặp tình huống này" – anh Việt giải thích.

Một kg măng cụt xanh sau khi gọt vỏ còn khoảng 150 gram nên giá loại măng cụt gọt sẵn lên đến nửa triệu đồng/kg dành cho những người tiêu dùng bận rộn.

Chia sẻ với Người lao động, anh Nguyễn Quang Trợ - chủ vườn măng cụt tại ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TP Thuận An (Bình Dương) cho biết măng cụt năm nay vừa được mùa lại được giá. Măng cụt xanh để làm gỏi gà hay ăn sống giá cao hơn măng chín, trái còn vỏ khoảng 80.000 đồng/kg, còn tách vỏ thì dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Trong khi, măng cụt chín có giá từ 50.000 - 65.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, anh Trợ cũng cho biết, phía trên trái măng cụt, mỗi năm sẽ ra một cặp lá, cặp lá này năm sau sẽ ra trái mới, khi hái măng cụt còn chưa chín, bắt buộc phải bẻ luôn cặp lá này, không như trái chín nó sẽ tự rơi cuống. Điều này có thể ảnh hưởng đến mùa vụ sau sẽ ít trái hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng cả vườn măng. Không chỉ vậy, tình trạng ăn trộm măng cụt xảy ra trầm trọng, tối nào anh Trợ cũng phải đi canh, thậm chí phải rào chắn bằng lưới để bảo vệ.

Gia đình anh cũng như nhiều nhà vườn ở Bình Dương cương quyết nói không với bán trái măng cụt xanh để tránh làm ảnh hưởng đến mùa vụ sau. 

Gần đây, tại huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) xuất hiện tình trạng người dân hái trái măng cụt xanh để bán cho các thương lái thu mua trực tiếp tại địa phương, với giá từ 40.000 - 80.000 đồng/kg (tùy vào thời điểm). Trái măng cụt xanh được thương lái thu mua để cung cấp cho các nhà hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu… mua làm món gỏi gà măng cụt.

Một số nhà vườn cho biết, cùng 1 kích cỡ thì 1kg măng cụt xanh từ 7 – 8 trái, nhưng măng cụt chín phải mất 11 – 12 trái mới được 1kg nên việc bán măng cụt xanh có lợi hơn. 

Lợi bất cập hại từ trào lưu làm gỏi với măng cụt xanh

Đại diện phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết, địa phương đã nhanh chóng xác minh và đã có những đánh giá cụ thể. Theo đánh giá, tình trạng thương lái thu mua măng cụt xanh bán cho các nhà hàng làm gỏi chỉ mang tính tức thời, không bền vững. Việc bảo quản trái măng cụt xanh cũng gặp nhiều khó khăn dễ bị thâm dẫn đến hư hỏng.

Ngoài ra, nhu cầu thu mua, sử dụng măng cụt xanh rất hạn chế về số lượng, nên người dân cần tỉnh táo, lưu ý để tránh gây thiệt hại khi ồ ạt hái măng cụt xanh đem bán. 

Thanh Mai

Cần bao nhiêu tiền để gia nhập nhóm 1% người giàu nhất thế giới?

Cần bao nhiêu tiền để gia nhập nhóm 1% người giàu nhất thế giới?

Việc gia nhập tầng lớp 1% giàu nhất thế giới chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là ở Monaco, bạn sẽ cần có tài sản 8 con số.