Được mệnh danh là “Romeo và Juliet” của phương Đông, chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài là thiên tình sử nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Bộ phim truyền hình về cặp đôi trai tài gái sắc này cũng đã trở thành kinh điển trong nền điện ảnh Trung Hoa, gắn liền với ký ức bao thế hệ. Nó cũng là bộ phim đưa hàng loạt tên tuổi diễn viên như La Chí Tường, Đổng Khiết, Hà Nhuận Đông,... vụt sáng thành sao.
Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài có nhiều bản phim, trong đó nổi tiếng nhất là bản của La Chí Tường - Lương Tiểu Băng và Đổng Khiết - Hà Nhuận Đông |
Từ bấy lâu nay, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài vẫn được coi là một truyền thuyết nửa thật nửa giả. Sau bao nhiêu thế kỷ, sự tồn tại thật sự của những con người này trong dòng chảy thời gian vẫn là câu hỏi lớn và gây tò mò.
Theo chuyện kể, Chúc Anh Đài là một tiểu thư cành vàng lá ngọc. Vì ham học hỏi, cô liều lĩnh cải trang thành nam để đi học, việc lúc bấy giờ chỉ có nam sinh mới được làm. Ở đây, cô gặp và yêu Lương Sơn Bá - một chàng trai nghèo nhưng hiếu học. Thế nhưng dù đấu tranh đến đâu, họ vẫn không được ở bên nhau. Chúc Anh Đài bị cha mẹ ép gả cho Mã Văn Tài - một công tử con nhà quan lớn, quyền thế. Hay tin người thương phải lên kiệu hoa, Lương Sơn Bá đã đau buồn đến mức qua đời. Vào ngày cưới của mình, Chúc Anh Đài bỏ trốn đến trước mộ người yêu, và khóc đến khi cô cũng mất. Tương truyền, trên ngôi mộ khi ấy xuất hiện hai chú bướm và cùng nhau bay đi tự do về phía chân trời. “Chúng ta dù không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm” nổi tiếng ra đời từ đây.
Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài là một trong những câu chuyện dân gian đầu tiên thể hiện cho khao khát tự do yêu đương trong xã hội phong kiến |
Với người thường, đây có thể chỉ là một câu chuyện thêu dệt. Nhưng với các chuyên gia, các nhà lịch sử học và khảo cổ học thì họ lại tò mò hơn nhiều và khao khát tìm ra sự thật: liệu Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài có tồn tại thật trong lịch sử hay không?
Vào năm 2016, ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một bia mộ được nghi là bia mộ của Lương Sơn Bá. Nhiều khả năng Lương Sơn Bá là một nhân vật có thật và ông là một vị quan trong thời nhà Tấn (266 - 420). Ông là vị quan thanh liêm, có công xây đắp đê điều, giúp đỡ người dân nên được kính trọng và được nhân dân thờ phụng lâu dài.
Bia mộ của vị quan tên Lương Sơn Bá đời nhà Tấn |
Rõ ràng, Lương Sơn Bá “thật” này trong lịch sử đã sống ít nhất đến tuổi trung niên và công thành danh toại chứ không chết trẻ vì tình như trong câu chuyện tình thê lương. Còn người mang tên Chúc Anh Đài thì chưa bao giờ có bằng chứng nào là thực sự tồn tại. Các chuyên gia cho biết, có thể vì người thời xưa ngưỡng mộ một vị thanh quan chính trực nên đã tạo ra câu chuyện “làm đẹp” cho ông. Theo sự biến chuyển của thời gian, nó đã trở thành giai thoại tình yêu còn được lưu truyền đến ngày nay.
Tuy nhiên, chuyện tình Lương Chúc là giả hay thật vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ. Cũng trong chính khu lăng mộ của Lương Sơn Bá này, người ta đã tìm thấy một viên gạch niên đại 1.700 năm, điêu khắc hai trái tim. Đó có thể là biểu tượng hoặc bằng chứng cho một chuyện tình nào đó, nhưng quá khó để hậu thế biết được đáp án thực sự.
Tấm đá khắc 2 trái tim trong lăng mộ |
Nguồn: 163
Số phận bi thảm của Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa: Bị Hoàng đế lạnh nhạt, giây phút cuối đời trải qua trong ngục tù
Dù sinh ra vốn là một tiểu thư cành vàng lá ngọc nhưng cuộc đời của Uyển Dung lại là một chuỗi những khổ đau ít ai có thể tưởng tượng.