Áp lực trong công việc là một phần tất yếu mà dân văn phòng nào cũng từng trải qua. Và nhiều người chọn cách chi tiêu để giải tỏa áp lực, nhưng đánh đổi không chỉ là “rỗng túi" mà sức khỏe tinh thần và thể chất đều bị ảnh hưởng. Hai người trẻ dưới đây là ví dụ.
Chi 14 triệu đồng/năm vì ra quán cafe làm việc mỗi ngày
Cách đây khoảng 4 năm, Kiều Trinh (24 tuổi, Hà Nội) coi quán cafe là nơi cô vác máy tính ra làm việc mỗi ngày. Thời điểm đó, hầu như mỗi ngày Kiều Trinh chi trung bình 50 - 70 ngàn đồng cho một buổi làm việc ở quán cafe, bao gồm tiền nước uống và đồ ăn vặt.
“Như vậy, mỗi tháng mình sẽ chi khoảng 1,5 triệu đồng cho tiền làm việc ở quán cafe. Như vậy, một năm mình tốn hơn 14 triệu đồng cho khoản chi này, sau khi trừ đi thời gian giãn cách Covid-19 thì mình không thể ra quán cafe thường xuyên. Nói chung là giờ nghĩ lại thì cũng thấy xót tiền lắm", Kiều Trinh nhớ lại.
Tại thời điểm đó, Kiều Trinh thấy khoản chi tiêu cho cafe vô cùng xứng đáng. Cô nàng lý giải: “Vào năm 20 tuổi, mình kiếm được mức thu nhập ổn, nhưng đánh đổi là áp lực công việc lớn với người trẻ như mình. Lúc đó, mình làm công việc remote và bản thân không thích lên công ty ngồi làm việc. Ngồi ở nhà làm việc trong thời gian dài thì mình thấy căng thẳng vô cùng, do đó đi uống cafe trở thành hoạt động cần thiết, để mình có thể duy trì công việc này".
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên sự đánh đổi của thói quen đi uống cafe hàng ngày không chỉ là sự bào mòn ví tiền mà sức khoẻ còn giảm sút rất nhiều. Kiều Trinh cho hay: “Thời điểm đó, mình uống cafe nhiều đến mức mà cơ thể dần phụ thuộc vào cafein, nếu không có thì khả năng tập trung rất kém. Thậm chí, có những ngày mình đã uống 2 cốc cafe rồi mà buổi tối vẫn có thể đi ngủ lúc 12 giờ. Một phần vì áp lực công việc, một phần vì chất cafein đã không thể khiến mình tỉnh táo nữa rồi”.
Đến hiện tại, cô nàng đã nghỉ công việc ở công ty cũ, cũng như từ bỏ thói quen uống cafe mỗi ngày. Sang một công ty với môi trường mới, cô nàng dần học cách chăm sóc bản thân. Đồng thời cô nhận ra, việc uống cafe trước kia chính là điển hình của thói quen tiêu tiền sai lầm, khi bản thân đã phụ thuộc vào chúng chỉ để giải tỏa stress.
“Hiện mình làm việc ở công ty mới với khối lượng công việc giảm đáng kể, khiến mình không còn stress với chuyện đi làm nữa. Thêm nữa, giờ đây mình lên công ty hàng ngày nên không cần phải ra quán cafe để tạo môi trường việc làm.
Giờ không cần uống cafe thì mình vẫn có thể tập trung làm việc, đó là nhờ tinh thần và sức khỏe của mình đã cải thiện hơn so với thời gian căng thẳng trước đó. Bài học mình nhận ra là khi mình căng thẳng, mình dễ tiêu tiền cho khoản chi tiêu lãng phí mà chẳng mảy may tính toán kỹ càng".
Ảnh minh hoạ |
Tốn 6 triệu/tháng cho đồ ăn bên ngoài
Đó là câu chuyện của Đức Khánh (25 tuổi, Hà Nội) vào nửa năm trước vì công việc quá bận rộn nên không có thời gian nấu nướng bên ngoài.
Với anh chàng, đó là khoảng thời gian kiếm được nhiều tiền, nhưng đánh đổi là sự bận rộn và áp lực. Anh chàng tâm sự: “Thời điểm đó, buổi sáng mình làm nhân viên văn phòng, tối nhận làm dự án IT ngoài cùng bạn bè. Lúc đó, vì ham kiếm tiền nên mình bắt ép bản thân vào guồng quay căng thẳng. Ngày nào, mình cũng làm từ 9h sáng đến 12h đêm mới kết thúc hết deadline công việc. Bảy ngày một tuần đều đặn một guồng quay này.
Mình dần bỏ bê bản thân. Và biểu hiện đầu tiên là gọi 3 bữa/ngày đồ ăn ngoài vì quá bận nên không còn thời gian nấu nướng. Rất ít khi mình tự chuẩn bị đồ ăn cho bản thân, mà nếu có thì hầu hết là thức ăn đóng hộp mua sẵn ở siêu thị và bia.
Và mình là kiểu người càng căng thẳng thì càng ăn nhiều. Do đó, mình thường xuyên tự thưởng cho bản thân những lần gọi đồ ăn vặt, ăn lẩu ở bên ngoài… Chỉ trong 6 tháng, mình đã tăng liền 5kg dù tần suất làm việc liên tục ngày đêm".
Sau này, khi đã giảm tải khối lượng công việc, chàng trai đã tự nấu ăn nhiều hơn, từ đó hạ mức chi phí cho thực phẩm chỉ 3 triệu đồng/tháng. Chàng trai tâm sự: “Trước đây, mình từng chi tiêu bừa bãi, thích gì mua nấy. Tuy nhiên, sau trải nghiệm làm việc ‘điên cuồng’, mình nhận ra bản thân tiết kiệm nhiều hơn bằng cách nhận ít việc và giảm thu nhập nhưng loại bỏ hoàn toàn các thói quen chi tiền lãng phí.
Thêm nữa, mình cũng nhận ra tầm quan trọng của tiền tích luỹ. Thử nghĩ mà xem, nếu bỗng dưng gặp bất trắc về kinh tế hay tự nhiên mình bị thất nghiệp thì cũng chật vật. Chưa kể đến những biến cố trong cuộc sống như ốm đau, bệnh tật, khó mà xoay xở được bởi chẳng có khoản tiết kiệm nào".
Ảnh minh hoạ |
Rút ra được gì sau những lần chi tiêu hoang phí?
Với Đức Khánh, anh chàng cho hay bản thân ủng hộ với lối sống hưởng thụ khi còn trẻ, chẳng hạn như thỉnh thoảng mua đồ ăn bên ngoài, đi du lịch… sẽ giúp tâm trạng cải thiện và gia tăng trải nghiệm. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc chỉ dành một số tiền nhất định cho hưởng thụ cuộc sống, đồng thời có kế hoạch chi tiêu hợp lý để phòng ngừa rủi ro.
Đức Khánh cho hay: “Hiện nay, mình luôn dành hơn nửa tháng để gửi tiết kiệm và đi đầu tư ngắn hạn. Bên cạnh đó, mình cũng tối giản các chi tiêu hàng ngày, đồng thời không theo đuổi các nhu cầu mua sắm chỉ để ‘flex' bản thân như mua điện thoại mới, tai nghe đắt tiền… như trước".
Trong khi đó, Kiều Trinh học được rằng cách đơn giản nhất để tiết kiệm tiền với bản thân mình là dành thời gian chăm sóc cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Cô nàng bày tỏ: “Bởi khi bạn có trạng thái tốt nhất thì sẽ hạn chế những chi tiêu không cần thiết, chẳng hạn như tiêu gần trăm ngàn đồng cho việc vác máy ra quán cafe làm việc, đi mua đồ chỉ để giải tỏa stress…. Những thói quen tiêu tiền này chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn tạm thời. Và bây giờ, mình ghét việc phải phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì như cafe, quần áo, phụ kiện hay những món đồ… có thể chi phối cảm xúc và các quyết định của mình nữa".
Cô gái tiết kiệm được thêm 6 triệu/tháng nhờ làm 3 việc “dễ như ăn kẹo”
Cắt giảm chi tiêu không hề khó nếu bạn biết cách “tăng xin giảm mua”.