Lý do gì khiến tỷ lệ trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện, tử vong tăng cao

Nước Mỹ và nhiều quốc gia đang chứng kiến tỷ lệ trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện, tử vong tăng cao. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra nguyên nhân.

Tỷ lệ trẻ nhiễm COVID-19 tăng cao

Theo ABC News, ở giai đoạn đầu, trẻ em là nhóm ít mắc bệnh và hiếm khi phải nhập viện vì COVID-19. Song, điều này đang dần thay đổi.

Theo zing.vn từ tháng 7, số bệnh nhi COVID-19 ở Mỹ đã tăng khoảng 240%. Trường hợp trẻ sơ sinh đầu tiên tử vong vì COVID-19 tại Mỹ được ghi nhận quận Cam vào ngày 13/9. Nhiều nơi khác ở quốc gia này cũng ghi nhận trẻ nhỏ tử vong khi nhiễm COVID-19, điều từng được xem là gần như không xảy ra ở thời điểm đầu đại dịch.

Theo USA Today, trước khi biến chủng Delta bao vây nước Mỹ, gần như tất cả trẻ em mắc COVID-19 đều không có diễn biến nặng. Điều này cũng chưa thể lý giải, bởi trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên vốn là nhóm dễ tổn thương trước virus.

Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến chủng Delta gây bệnh nặng hơn. Song, virus này có khả năng lây lan nhanh, khiến trẻ em phải nhập viện vì COVID-19 tăng cao, nhất là những nơi có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp.

Theo thống kê của Học viện Nhi khoa Mỹ, gần 30% ca nhiễm mới trong tuần đầu tháng 9 ở nước này là trẻ em (243.000 F0). Tổng số trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 tại Mỹ là 5,3 triệu ca, ít nhất 534 trường hợp tử vong. Gần một nửa số trẻ em nhập viện vì COVID-19 không mắc bệnh lý tiềm ẩn.

1-benh-nhi-nhiem-ncov-duoc-trieu-tri-cach-ly-tai-trung-quoc.jpg

Theo New York Times, tại châu Á, vào tháng 7, Indonesia ghi nhận trên 100 trẻ em tử vong mỗi tuần vì COVID-19, tỷ lệ cao nhất thế giới.  Trên 800 trẻ em dưới 18 tuổi ở Indonesia đã tử vong vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm tỷ lệ khoảng 1%, phần lớn tập trung trong tháng 7.

Indonesia đã ghi nhận tổng số hơn 3,2 triệu ca mắc, trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ 0-5 tuổi là 2,9%; 6-18 tuổi là 9,9%. Theo thống kê của UNICEF, số trẻ em tử vong do COVID-19 tại 78 quốc gia là 8.700, chiếm tỷ lệ 0,3%.

Sự gia tăng các ca tử vong vì COVID-19 là trẻ em khiến giới nghiên cứu đặt ra câu hỏi cấp thiết. Đó là điều gì đã bảo vệ hầu hết trẻ em khỏi bị bệnh nặng? Tại sao sự bảo vệ đó đang có xu hướng giảm sút? Lý do nhiều trẻ không miễn dịch được với COVID-19 là gì?

Những trẻ nào dễ chuyển biến nặng khi nhiễm COVID-19?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hệ miễn dịch bẩm sinh của trẻ thường ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 từ sớm, tiêu diệt virus và không cho chúng nhân lên. Song, không phải tất cả trẻ em đều được bảo vệ trước COVID-19.

Cơ thể trẻ sơ sinh chưa có đủ thời gian phát triển để hoàn thiện hệ miễn dịch. Theo ông Roland Eils, chuyên gia tại Viện Y tế Berlin (Đức), ngay cả những đứa trẻ biết đi cũng chưa chắc đạt được phản ứng miễn dịch đủ mạnh trước COVID-19.

Ngay cả trẻ hoàn toàn bình thường cũng có nguy cơ tử vong vì COVID-19. Song, các nghiên cứu phát hiện 30-70% trẻ em nhập viện vì COVID-19 có các bệnh lý tiềm ẩn như hội chứng Down, béo phì, phổi, tiểu đường, thiếu hụt miễn dịch. Trẻ sinh non, ung thư cũng có nguy cơ nguy cơ mắc bệnh, trở nặng cao hơn.

Theo các chuyên gia, không có cách nào để biết đứa trẻ nào mắc COVID-19 dạng nhẹ, bé nào sẽ diễn biến nặng, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, trẻ em nhập viện vì COVID-19 còn gặp thêm chứng bệnh hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng, là hội chứng viêm đa hệ (MIS-C). Hội chứng này thường gặp ở trẻ mắc COVID-19 dạng nhẹ hoặc không triệu chứng.

Song, chỉ sau một tháng, bệnh nhi bị buồn nôn, phát ban, sốt, tiêu chảy. Một số hình thành cục máu đông, huyết áp thấp đến mức báo động. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy hơn 4.661 trẻ em đã được chẩn đoán mắc MIS-C. Trong đó, 41 trẻ tử vong.

Giới khoa học chưa thể trả lời chính xác nguyên nhân gây hội chứng MIS-C. Song, nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Massachusetts General và một số nhà khoa học khác xác định COVID-19 có thể rò rỉ từ ruột vào máu, gây phản ứng hệ thống khắp cơ thể.

TS Leigh Howard, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em của Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nhận định còn quá sớm để kết luận trẻ em sống sót sau khi bị MIS-C có gặp vấn đề sức khỏe lâu dài hay không.

Để bảo vệ trẻ em, ông Fauci khuyến cáo phụ huynh nên tiêm phòng cho bản thân và trẻ từ 12 tuổi trở lên. Với trẻ nhỏ hơn, cách tốt nhất để giữ an toàn cho chúng là những người xung quanh đã được tiêm chủng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác.

HẢI MY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương