Mắc kẹt trong hạnh phúc

Cuộc sống hiện đại khiến ta coi trọng việc người khác nhìn ta "có vẻ hạnh phúc" hơn việc bản thân thực sự hạnh phúc.

Bạn tôi, nữ nhân viên văn phòng ở một công ty lớn, đã kết hôn được 3 năm. Nhà, xe đầy đủ. Chồng cô kiếm được khá nhiều tiền, hàng tháng, anh ta dành cho vợ con một khoản khá lớn, đủ cho cả gia đình có một cuộc sống thoải mái.

Tưởng chừng như cuộc sống hoàn toàn không có gì phải lo lắng và buồn phiền. Nhưng không, trong những lần tâm sự với tôi, cô thường kể về cảm giác cô đơn. Hai vợ chồng đã gần như không thể trò chuyện gần một năm nay, mà cũng chẳng có gì để nói cả. Tiền từ tài khoản chồng sẽ chuyển sang tài khoản cô hàng tháng, có việc gì chung cần quyết định thì cả hai sẽ có những cuộc trao đổi ngắn trên Facebook hoặc Zalo, những trách nhiệm của hai bên gia đình sẽ được chia đều.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có vẻ như cả hai đều đang cố gắng chỉn chu cho gia đình nhất có thể, có vẻ thế, để người bên ngoài sẽ không trách mắng được gì. Và mọi thứ cứ thế êm ả trôi đi, ngày này qua tháng khác.

Cô nói, giá mà chồng cô ngoại tình, cờ bạc hay nghiện ngập, bạo hành, thì mọi thứ đã không khó chịu đến thế, ít nhất cô ấy đã có một lý do để kể lể hoặc làm ầm lên, trút giận, đổ lỗi.

Nhưng không, anh ta lại chẳng làm gì sai cả. Cô không có đủ lý do để phá đi cái cuộc sống đó, nhưng tiếp tục thì cô không cảm thấy vui vẻ. Cô mắc kẹt trong cái vỏ bọc hạnh phúc yên ổn của chính mình. “Mình sợ cứ thế này mình sẽ có quyết định gì sai mất” - cô tâm sự với tôi trong sự chán nản.

Những câu chuyện như của bạn tôi trên đây dường như chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó hàng ngày. Nhiều người nghe xong sẽ phán một vài câu an ủi “kiểu mẫu” như: “Cần biết đủ thì mới hạnh phúc được!”.

Ừ, nhưng thế nào là “đủ”? Thế nào là “hạnh phúc”? Liệu có khi nào, chúng ta hoang mang trong cái cảm giác rằng, mọi cái cũng có vẻ đang “đủ” rồi, sao chúng ta vẫn không thấy vui, không thấy hạnh phúc? Liệu có phải chúng ta đang không biết “hạnh phúc” là gì?

Đến đây, tôi xin phép được kể tiếp một câu chuyện nữa về một người rất gần với tôi, đó là mẹ tôi.

Bố tôi đã từng có một đời vợ trước. Cô mất để lại cho bố hai cô con gái, gà trống nuôi con. Họ vẫn yêu và đến với nhau như mọi cuộc hôn nhân khác trên đời. Cho đến khi có tôi, mẹ chăm lo cho cả ba đứa như con mình. Họ ở bên nhau hàng chục năm, vượt qua những sóng gió mà lũ con cái như chúng tôi có lẽ không tài nào hình dung hết được. Rồi bố tôi đổ bệnh nhiều năm trời, bọn chúng tôi làm ăn xa, một tay mẹ chăm lo cho đến tận ngày ông mất.

Mỗi lần về nhà là tôi lại thấy mẹ tất tả luôn tay luôn chân, thỉnh thoảng mắng đứa nọ chửi đứa kia, hoặc càm ràm (mãi sau này tôi mới nhận ra một điều rằng, sự “càm ràm” là một trong những biểu hiện của sự yêu thương và hạnh phúc của phụ nữ, tôi tin là vậy). Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy mẹ buồn bã âu sầu. Mẹ cũng hay nói xấu bố, trong ánh mắt lấp lánh. Tôi nhớ, có lần, trong lúc tếu táo, mẹ tôi kể: “Bố chúng mày cũng có vài lần “léng phéng” bên ngoài, nhưng tao cũng bỏ qua, ai chả có lúc sai lầm”, và mẹ cười.

Chứng kiến tất cả, đã có những khi tôi nghĩ rằng, lẽ ra mẹ nên được hưởng một cuộc sống an nhàn hơn, vì sao mẹ phải chấp nhận tất cả những khó khăn quá lớn so với đôi vai gầy của mẹ như vậy?

Nhưng lớn dần lên, tôi nhận ra rằng, mẹ đang thực sự hạnh phúc với tất cả những điều đó, chính là chăm lo cho bố, cho chúng tôi, hạnh phúc của mẹ có hình hài như thế.

---

Vậy có gì liên kết giữa hai câu chuyện trên? Hoặc là có gì khác biệt? Vì sao sự đủ đầy không khiến cô bạn tôi vui, ngược lại, sự vất vả lại khiến mẹ tôi hạnh phúc đến thế?

Sau nhiều năm chứng kiến nhiều những câu chuyện ở nhiều góc độ khác nhau, tôi nhận ra rằng, hành trình đi định nghĩa hạnh phúc là điều vô nghĩa, và mất thời giờ.

Cuộc sống hiện đại đang khiến chúng ta “mắc kẹt” trong những định nghĩa về hạnh phúc của ai đó, hoặc những hình ảnh được tô vẽ trên truyền thông, trên mạng xã hội. Chúng ta coi trọng việc người khác nhìn ta “có vẻ hạnh phúc”, hơn là việc bản thân mình THỰC - SỰ - HẠNH - PHÚC.

Ngày qua ngày, ta sống vô hồn trong cái vỏ bọc để “người ta nhìn vào” đó, và lâu dần, nó biến thành một cuộc sống của người khác lúc nào mà chính ta cũng không hay. Cứ thế, chúng ta loay hoay lặp lại những công việc hàng ngày một cách vô nghĩa và không có cảm xúc, mà quên mất việc đi tìm những ý nghĩa thực sự cho mỗi việc làm đơn giản ấy. Chúng ta đánh mất dần sự hứng khởi cho tất cả.

Mẹ tôi đã chọn cuộc sống bên bố và mấy anh chị em chúng tôi, bỏ qua tất cả những đánh giá thừa thãi của người ngoài, mẹ vui với việc luôn tay luôn chân cơm nước bếp núc, việc càu nhàu phải video call hàng ngày để “giận lẫy” đàn con vô tâm: “Chúng mày không thèm biết mẹ sống chết thế nào à?”, thậm chí cả việc yêu và tha thứ cho bố, cho chúng tôi.

Và cô bạn tôi, với tất cả những tiền bạc, nhà cửa, xe cộ ấy, nếu chính cô ấy không tự tìm thấy ý nghĩa cho mình, cho mỗi việc mình làm, thì liệu đến bao giờ cô ấy mới thoát khỏi tất cả những bế tắc đó?

Cuộc sống, tất nhiên không chỉ có màu hồng, ai cũng phải đối diện với những khó khăn: Địa vị, tiền bạc, trách nhiệm, những mối quan hệ… Nhưng hành trình tìm kiếm những niềm vui nhỏ bé từ mỗi công việc hàng ngày sẽ giúp chúng ta chọn được cái khó khăn dành cho mình. Không phải lựa chọn những hình ảnh đẹp đẽ được chọn lọc, mà là những khó khăn được chọn lọc.

Bạn không thể mắc kẹt trong hạnh phúc của chính mình. Bạn chỉ mắc kẹt trong hạnh phúc của mình do người khác dựng lên mà thôi. Bắt đầu bằng một việc khiến bạn thấy vui trong ngày hôm nay, là đã đặt bước chân đầu tiên đến hạnh phúc thực sự rồi. Đi mãi, rồi bạn sẽ thực sự hạnh phúc đến mức, bạn chẳng buồn quan tâm đến thứ gọi là hạnh phúc nữa. Cũng phải thôi, những người đang bận hạnh phúc, họ đâu có thời gian để cố gắng cắt nghĩa rạch ròi về hạnh phúc. Họ chỉ tận hưởng thôi.

Hoàng Anh Tuấn

Nếu mà mệt quá…

Nếu mà mệt quá…

Thiên nhiên lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn, khiến chúng tôi dường như quên mình là một phần của văn minh để hòa nhập trọn vẹn với biển và đất trời.