Mất Tết... vì ô sin về quê "quên" luôn ngày trở lại!

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết về là nhiều gia đình lại "hoảng loạn" vì bỗng dưng người giúp việc về quê ăn Tết sớm và không trở lại như những gì đã hứa hẹn.

Trước đây, người giúp việc, hay còn được gọi với cái tên ô sin, thường bị coi là công việc ít người mong muốn và không nhận được sự đánh giá xứng đáng. Ngày nay, giúp việc đã trở thành một nghề được săn đón, nhất là vào những dịp cuối năm. Khi mà mỗi độ Tết đến xuân về, nhu cầu về người giúp việc lại tăng cao đột biến. Việc người giúp việc về quê ăn Tết khiến không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao, phải năn nỉ họ ở lại phụ giúp trong những ngày Tết bận rộn. 

Tình trạng thiếu hụt, khan hiếm, thậm chí "cháy" người giúp việc đã trở thành điều thường thấy, đặc biệt là khi mà việc tìm được một người giúp việc ưng ý không hề dễ dàng, họ có thể có nhiều yêu cầu và đôi khi... khó chiều. Điều này khiến các gia đình phải đau đầu tìm cách giải quyết và sẵn sàng chi trả một khoản tiền lớn để đảm bảo có người hỗ trợ trong những ngày Tết Nguyên đán. Nhiều năm trở lại đây, nỗi lo này càng khiến nhiều gia đình canh cánh.

Ô sin - người giúp việc ngày nay là một phần không thể thiếu với nhiều gia đình hiện đại.
Ô sin - người giúp việc ngày nay là một phần không thể thiếu với nhiều gia đình hiện đại.

Mất Tết vì ô sin một đi không trở lại!

Anh Sông (sống tại Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Nhà mặc dù có hai vợ chồng và một con trai nhưng có mấy cửa hàng kinh doanh, Tết đến không thể nghỉ sớm được. Năm ngoái, trước Tết, vợ chồng tôi cũng đã chạy đôn chạy đáo tìm người giúp việc khắp nơi mà cũng chỉ tìm được người theo giờ. Họ về quê ăn Tết hết, hơn nữa cũng chỉ làm những việc đơn giản, không thể ở lại cả ngày để chăm sóc nhà cửa. Nhất là những ngày cận Tết, tôi phải thuê người theo giờ với giá cắt cổ, nhưng đành chịu vì công việc quá bận. Hai bên ông bà ở quê đều già cả, không thể ra ngoài thành phố để giúp hai vợ chồng. Chưa kể, chuyện lễ Tết ở quê ông bà cũng cần lo lắng. 

Mặc dù là đàn ông nhưng tôi cũng thấy Tết thật kinh hoàng khi không có người giúp việc. Vợ tôi tối mắt tối mũi vẫn không đủ thời gian làm mâm cúng đơn giản đêm Giao thừa. Năm nay, người giúp việc của gia đình hẹn mùng 10 mới ra, còn năm ngoái bà giúp việc bảo ăn xong cái Rằm tháng Giêng với con cháu mới đi".

Chẳng khác nỗi lo của anh Sông là bao, chị Thảo Vân sống ở một chung cư ở phố Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội), nhà có hai vợ chồng và 3 đứa nhỏ với độ tuổi sàn sàn nhau. Chị Vân bức xúc chia sẻ: "Nhà mình có hai giúp việc, một người cố định và một người cũng theo giờ không quá khắt khe. Vì đứa út còn nhỏ, chưa đầy một tuổi, đứa thứ 2 thì 3 tuổi còn anh cả cũng đã đi học lớp 2. Mình hiện tại kinh doanh online nên rất bận, công việc của chồng cũng không rảnh. Thế nên năm nào mình cũng phải năn nỉ cô giúp việc xuống sớm để đỡ đần hai vợ chồng.

Năm nào cũng vậy, mỗi lần cô về quê, mình đều có quà biếu, tiền biếu. Ngày lễ Tết thì không thể thiếu được tiền thưởng. Chưa kể cô còn đòi thuốc bổ, thuốc đẹp da uống mình cũng "nhói lòng" chiều. Thời buổi bây giờ, tìm được người giúp việc có tâm và chăm chỉ rất khó, người ta ở được vài bữa lại lý do này kia để nghỉ. 

Năm nay, cô giúp việc bảo con gái cô sinh con nên phải về sớm trước hai tháng, khoảng 23 tháng Chạp cô sẽ ra rồi đến mùng 3 Tết cô lại về dưới nhà. Thế nhưng từ đó đến giờ gọi cô toàn thuê bao. Tết năm nay vợ chồng mình chưa biết xoay sở ra sao nữa. Bao nhiêu kế hoạch đi chơi có khi phải bỏ, ở nhà trông con".

Cách kể hoạch cho Tết của gia đình Thảo Vân có nguy cơ phá sản hoàn toàn vì cô giúp việc về quê rồi mất liên lạc.
Cách kể hoạch cho Tết của gia đình Thảo Vân có nguy cơ phá sản hoàn toàn vì cô giúp việc về quê rồi mất liên lạc.

Khác với anh Hà, chị Vân, chị Kim Anh, sống tại 1 chung cư ở quận Nam Từ Liêm tỏ ra kinh nghiệm: "Mình cũng đã giới thiệu nhiều bà giúp việc cho bạn bè, đồng nghiệp rồi. Mặc dù lên các hội nhóm cũng tìm thấy nhưng không ưng ý lắm. Mình nhiều khi phải về tận dưới quê, thăm hỏi người quen, rồi đặt cọc tiền, tìm hiểu kỹ từ sớm mới có được người giúp việc ưng ý. Chứ Tết người ta về quê ăn Tết hết, giúp việc theo giờ thì cũng khó, không có nhiều".

Lương cao nhưng vẫn khó tìm người giúp việc

Ngày nay, thu nhập của người giúp việc đã không còn "bèo bọt" như xưa. Họ được mệnh danh là "ô sin" của thời đại mới – với mức lương hậu hĩnh, cùng những khoản thưởng và quà tặng vào các dịp lễ, Tết hào phóng. Bên cạnh đó, nhiều gia chủ còn không ngần ngại trao cho họ sự quan tâm và tôn trọng đặc biệt, nhằm đảm bảo họ sẽ tiếp tục gắn bó với công việc, đặc biệt là trong những thời điểm gia đình đang cần tới sự hỗ trợ nhiều nhất.

Dạo quanh thị trường của các trung tâm môi giới, giá cả người giúp việc cũng không rẻ. Nếu như người giúp việc nấu ăn, dọn dẹp, lương dao động từ 7-10 triệu/tháng, chăm em bé, chăm người già cũng tương tự. Và đương nhiên các công việc lẫn đối tượng chăm sóc đều được chia riêng rẽ. Mức trung bình cho giúp việc theo giờ dao động khoảng 100 - 150 nghìn đồng/giờ, vào ngày Tết có nơi báo giá khoảng 800 đồng/ngày. Tuy nhiên, các giá này còn tùy thuộc vào sự thay đổi của cung cầu, chưa kể còn có thể tăng vọt gấp vài lần theo nhu cầu của người dân.

Nhiều người cho biết, dù mức giá cao nhưng vẫn không tìm được người giúp việc. Chưa kể, dịp cuối năm khan người, nên chi phí môi giới cũng tăng theo. Yêu cầu công việc của mỗi gia đình lại khác nhau. Chị Thanh Hoa (sống tại quận Thanh Xuân) cho biết: "Giúp việc gia đình nhà chị không đi chợ, mua gì về thì nấu cái đó, không chăm sóc trẻ nhỏ. Chỉ nấu cơm và dọn dẹp thôi. Nếu chăm sóc thêm trẻ nhỏ, thì có giá khác. Với lại, giúp việc cũng yêu cầu giờ giấc khắt khe, chị theo cũng không nổi". 

Tìm được người giúp việc ưng ý chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, dù bạn có hào sảng đến đâu trong vấn đề tiền bạc.
Tìm được người giúp việc ưng ý chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, dù bạn có hào sảng đến đâu trong vấn đề tiền bạc.

Chưa kể, chủ yếu tìm người giúp việc là do nhiều chị em nội trợ thỏa thuận miệng, không có hợp đồng ràng buộc. Người giúp việc cũng không có kinh nghiệm chuyên nghiệp, chỉ làm theo bản năng, nên đôi khi dù đã đặt cọc hoặc đã đến làm cũng được vài bữa rồi mất liên lạc.

Thêm vào đó, tâm lý ngày Tết ai cũng muốn được sum họp, quây quần bên gia đình. Chính vì vậy, nhiều gia chủ muốn bỏ tiền cao gấp mấy lần để tìm giúp việc nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều người còn khẳng định, không có giúp việc họ "không sống nổi".

Minh Dương

 Nhận tiền thưởng Tết từ mẹ chồng, tôi ấm ức, bực bội vì mình chẳng khác gì 'người giúp việc không công'

Nhận tiền thưởng Tết từ mẹ chồng, tôi ấm ức, bực bội vì mình chẳng khác gì "người giúp việc không công"

Mẹ chồng thưởng cho tôi 5 triệu, coi như trả công tôi giúp đỡ bà trong cả năm nay.