Mắt và tai

Những năm tháng dài bên nhau đã dạy chúng tôi trở thành tai mắt của nhau, thứ ngôn ngữ mà chúng tôi chia sẻ một cách trầm lặng, nhẫn nại.

Tôi trở về nhà trong một căn hộ tối, yên tĩnh, và ngay lập tức biết có điều gì đó không ổn. Có bát đĩa và bình đựng thức ăn chưa rửa trong bồn rửa, ngâm mình trong bồn nước dầu màu xám kim loại. Tôi bật đèn bếp và ngồi vào bàn ăn, nhìn lũ kiến bò qua lại thành từng hàng dài tuần tra, từ đĩa trứng ốp lết béo ngậy đến một vết nứt nhỏ trên tường.

Tôi ngồi một lúc lâu, cố gắng cảm nhận sự hiện diện của vợ tôi trong căn hộ. Tôi chạm vào vành ly uống nước và thấy vết mờ của môi cô ấy trên mép, một lời nhắc nhở về một nụ hôn đã quên. Tôi có thể tưởng tượng cô ấy đang ngồi ở chỗ tôi ngồi bây giờ, ôm đống tin tức trong đầu, nghĩ cách làm thế nào để chia sẻ nó với tôi.

Tôi vẫn chưa dám cử động, để tìm cô ấy và đưa ra những lời của tôi, bàn tay an ủi của tôi. Tôi cần khoảng thời gian ngắn ngủi này để trấn tĩnh lại mình, để định thần tâm trí. Tôi đã động viên cô ấy đi khám bác sĩ khi cô ấy phát hiện ra khối u dưới ngực phải. Cô đã lo lắng, nhưng muốn bỏ qua triệu chứng càng lâu càng tốt. Chẳng sao cả đâu, cô ấy đã nói. Tôi cứ kiên trì giục nên cô ấy đã đi. Trong căn bếp im ắng, tôi như thấy cô ấy đang nhìn vào một bóng tối mới vượt ra ngoài khoảng mù của đôi mắt, một nỗi sợ mới có hình dáng thực tế, mang lại nỗi đau mới.

Tôi tự hỏi cô ấy đã phản ứng thế nào khi nghe được tin. Cô ấy có ở đây trong bếp khi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện? Tôi siết chặt chiếc hôn có dính nụ hôn ma, đột nhiên tức giận với bản thân đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất vì mất lòng tin. Tôi đứng lên đem cốc ra vòi nước rửa và phơi nó lên giá.

Tranh minh họa: họa sĩ Nguyễn Văn Đức.
Tranh minh họa: họa sĩ Nguyễn Văn Đức.

Vợ tôi bị mù bẩm sinh nhưng có một đôi mắt đẹp, với tròng đen sáng và trong, in sâu trên khuôn mặt hình trái đào. Tôi thích thú khi nhìn vào chúng, nhìn vào sự điềm tĩnh đầy mời gọi của đôi mắt cô ấy, giống như sự dụ dỗ của một vực sâu. Hồi chúng tôi tán nhau, tôi luôn nhìn vào cô ấy; cô ấy nghiêng đầu, nhìn tôi mà không bắt được hình ảnh tôi. Khi tôi viết ra cảm giác của mình trên lòng bàn tay cô ấy, miệng cô ấy sẽ nở một nụ cười rộng, khóe mắt nhếch lên và tôi hình dung như cô ấy đang phát ra tiếng cười, dù tôi không thể nghe thấy một âm thanh nào.

Tôi muốn viết nhiều từ hơn, và cô ấy sẽ rút tay lại, ngượng ngùng, má ửng hồng. Sau đó, cô ấy sẽ nói lại, và tôi đọc khẩu hình đôi môi của cô ấy, tiếp nhận từng lời cô ấy tạo ra.

Cuối cùng khi chúng tôi hôn nhau trong đêm tân hôn, những lời nói trên môi cô ấy đã trở thành của tôi khi tôi thưởng thức niềm khao khát của mỗi nụ hôn, những lời nói của cô ấy chảy trong tôi như máu và nước và tinh thần, một nghi thức tế lễ của tình nhân.

Tôi quen vợ mình khi chúng tôi vào học các lớp tại trường dành cho người mù và người điếc. Tôi thấy cô ấy đi trên hành lang hội trường, mang theo một cây gậy chống. Vì cô ấy không thể nhìn thấy tôi nên tôi đi sát phía sau cô ấy, đảm bảo rằng cô ấy đến lớp học của mình mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.

Về sau, cô ấy nói với tôi rằng cô ấy luôn có thể cảm nhận được sự hiện diện của tôi, mặc dù cô ấy không thể biết đó là ai và làm như cô ấy không biết có người đang đi theo mình. Chuyện này kéo dài nửa năm trước khi tôi lấy hết can đảm hẹn cô ấy đi chơi. Cô ấy đồng ý, ngơ ngác ngước mắt lên nhìn vào mặt tôi cho tôi đọc môi cô ấy.

Có tôi bên cạnh, vợ tôi không phải cầm gậy nữa. Tôi nắm tay cô ấy dắt đến bất cứ nơi nào chúng tôi đến, giữ cô ấy sát bên tôi. Chúng tôi đi bộ dài qua công viên trong khu phố của chúng tôi và đi dọc theo bãi biển. Khi cô ấy cảm thấy cần phải nói chuyện, cô ấy sẽ nhìn lên tôi và mở miệng nói ra những lời của mình, và khi tôi muốn nói điều gì đó, tôi sẽ viết nó ra lòng bàn tay cô ấy.

Tôi nói cho cô ấy biết màu sắc của thứ mà cô ấy đã chạm vào - một cái véo nhẹ để mô tả màu đỏ rực rỡ, một cái xoa nhẹ cho màu vàng ấm áp - và cô ấy sẽ mô tả cho tôi nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh giống như tiếng kêu của con mèo đói đòi ăn. Và đôi khi chúng tôi im lặng ngồi tựa vai nhau, thấy không cần phải nói năng gì.

Tôi thấy vợ tôi trong nhà trẻ, thân hình đen sạm của cô ấy đang thu mình bên chiếc cũi trẻ em, những cái bóng vây quanh cô ấy. Con gái của chúng tôi, Emily, hai tuổi, đang nằm trong vòng tay của vợ tôi. Cô ấy quay lưng về phía tôi nên tôi không thể biết vợ tôi đang hát cho con nghe, hay chỉ lặng lẽ quan sát nó. Tôi không bước vào phòng, mà đợi bên ngoài, sau cánh cửa.

Bố mẹ vợ e ngại và dè chừng khi tôi ngỏ lời cầu hôn cô ấy. Họ đã ngoài năm mươi tuổi và vẫn cảm thấy cần phải chăm sóc, che chở cho đứa con gái duy nhất của mình. Họ lo lắng về cách chúng tôi sẽ sống như một cặp vợ chồng; nó sẽ rất khó khăn, họ nói. Nhưng cuối cùng, sau nhiều lần thuyết phục, họ đã nhượng bộ và chúc phúc cho chúng tôi.

Chúng tôi đã muốn có một đứa con ngay từ khi mới kết hôn, mặc dù chúng tôi có những nỗi sợ hãi. Chúng tôi đã nghe những câu chuyện về những đứa trẻ bị mù hoặc điếc được sinh ra từ những người bạn thân từ trường cũ của chúng tôi, và không muốn con mình phải chịu những chứng bệnh này. Chúng tôi đã do dự và trì hoãn trước khi quyết định nắm lấy một cơ hội, đánh liều những nỗi sợ hãi đã biết của chúng tôi để có được một hạnh phúc lớn hơn, chưa từng biết.

Vào đêm Emily chào đời, tôi nắm tay vợ tôi trong phòng sinh, và khi đứa trẻ được mang đến cho tôi, khuôn mặt cô ấy méo xệch đỏ bừng vì gắng sức, tôi có thể cảm thấy vợ tôi ôm ghì lấy tôi, miệng thốt lên: “Con đang khóc; con đang khóc nhiều lắm”. Tôi chạm vào môi Emily, và cảm thấy những tiếng kêu của cô ấy rung trên da thịt đầu ngón tay tôi, tràn đầy sức sống và năng lượng.

 *

Tôi bị mất thính giác sau một cơn sốt cao khi lên tám. Toàn thân tôi nóng bừng bừng, và vì cha mẹ tôi nghĩ rằng đó là loại sốt thông thường xảy ra với trẻ nhỏ, họ đã cho tôi uống một ít Panadols và nước ấm, hy vọng nó sẽ chóng khỏi. Cơn sốt kéo dài hai ngày liền, và khi họ nhận ra tôi không hồi phục, họ vội đưa tôi đến trạm y tế gần nhất. Tôi không thể nhớ gì nhiều về sự việc này ngoại trừ những ký ức mơ hồ về việc được quấn trong một chiếc chăn dày và thô, với một chiếc khăn ướt trên trán, đổ mồ hôi và chờ cho cơn sốt tan ra, nhìn vũ điệu của ánh sáng và bóng tối trên những bức tường trong phòng của tôi; và trong đầu tôi, những hình thù kỳ lạ và vô tri vô giác đang di chuyển ra khỏi tầm nhìn của tôi.

Lúc đó, bác sĩ tại phòng khám không thể làm được gì nhiều ngoài việc ngâm tôi vào một bồn nước lạnh, theo dõi nhiệt độ của tôi, kê một số loại thuốc và cho tôi về nhà. Mẹ tôi đã nói với tôi tất cả những điều này, rất lâu sau đó, sau khi bà và bố tôi học ngôn ngữ ký hiệu. Thật khó khăn cho họ khi chọn một cách giao tiếp mới, nhưng vì họ thấy cần thiết nên họ đã dồn hết tâm huyết để học nó.

Mặc dù tôi đã bình phục sau cơn sốt, nhưng thính giác của tôi đã bị tổn thương và không ai biết điều đó. Thế giới từng đến với tôi theo từng âm thanh mới mẻ và có thể đoán trước được nay đã đóng cửa và bỏ tôi lại trong giá lạnh. Một ngày nọ, tôi như nghe thấy tiếng cha mẹ thì thầm bên tai, lời cầu nguyện của họ cho tôi được khỏe mạnh, và ngay sau đó, tôi thức dậy và mọi thứ trong đầu tôi lặng đi. Tất cả đều mới mẻ, khó hiểu và đáng sợ đối với tôi, khi phải trải qua quá nhiều khoảng lặng, để sống chung với nó.

Khi bố mẹ tôi phát hiện ra điều này vài ngày sau đó, khi tôi không trả lời họ sau khi họ gọi điện cho tôi, họ đã rất sửng sốt và sau đó bị suy sụp. Tôi có thể nói rằng họ đã tự trách mình vì những gì đã xảy ra với tôi, khi tôi nhìn họ đánh nhau, mẹ tôi ném những cú đấm bất lực vào ngực bố tôi và cuối cùng gục vào ông, quẫn trí và kiệt sức, khuôn mặt khắc lên một nỗi buồn mới xuất hiện. Cha tôi giữ vững tâm lý tốt hơn nhiều, mặc dù đôi khi tôi bắt gặp ông ấy nhìn tôi, trước khi quay đi, giấu mặt khỏi tôi.

Lúc đầu, bố mẹ tôi muốn tin rằng việc mất thính giác của tôi chỉ là tạm thời, sẽ biến mất nếu nó được điều trị sớm và chú ý đầy đủ. Họ đã hỏi ý kiến của một số bác sĩ và cho tôi uống những thứ thuốc lá có vị đắng, thậm chí có lần còn đưa tôi đến một ngôi đền Đạo giáo, hy vọng tìm được phương pháp chữa trị từ thần linh.

Tôi có thể thấy vẻ mặt lo lắng của họ khi tôi quỳ xuống trước bàn thờ trong đền, tay họ cử động luống cuống, hoảng sợ tìm cách giải thích tình trạng của tôi cho thầy đồng, người đang liếc xéo tôi với vẻ mặt cau có, nghi ngờ. Không có gì hiệu quả, và thế giới im lặng của tôi bị phong ấn, một sự thật không thể tránh khỏi trong cuộc sống của chúng tôi.

Thoạt đầu đó là một cảm giác kỳ lạ khi tôi không thể nghe thấy gì. Thế giới trong đầu tôi là một khoảng trống, giống như một căn phòng đã từng chứa rất nhiều thứ, và đột nhiên, chúng biến mất, và nó bị cứng đờ và trống rỗng. Tôi nhìn mọi thứ và mọi người chuyển động trước mặt tôi, và vì chúng không gây ra tiếng động nào, nên tôi không thể biết liệu chúng có phải chỉ là những vật thể không trọng lượng lơ lửng trong trường nhìn của tôi, không thể xuyên thủng và không bền vững.

Đôi khi tôi phải triệu hồi từ trí nhớ một âm thanh tương đương gần nhất để gắn kèm với mỗi thứ trôi qua trước mặt tôi. Và khi tôi không thể nhớ một âm thanh cụ thể nào đó, tôi sẽ cố gắng hình thành nó trong đầu, ghép các âm thanh vụn vặt khác nhau lại với nhau để tạo thành âm thanh đó.

Vợ tôi nói tôi thế là còn may vì ít nhất trước khi điếc tôi còn nghe được và nhớ được các âm thanh. Cô ấy luôn muốn xem và biết có gì ở thế giới bên ngoài, tất cả những thứ tạo ra âm thanh ồn ào như vậy trong đầu cô. Cô ấy muốn biết màu sắc của từng món đồ, và mặc dù không nhìn thấy gì, cô ấy vẫn có khả năng nói cho tôi biết cảm giác của từng màu sắc trên tay cô ấy: một chiếc lông chim bồ câu nhẹ và mịn, một cánh hoa hồng nhợt nhạt và mỏng manh, bộ lông con chó mềm và đôi khi có lởm chởm. Giống như mọi âm thanh rõ ràng và độc đáo, luôn có một màu sắc đi kèm với một đồ vật, một con vật hoặc một con người; cuộc sống được tạo thành từ những âm thanh và màu sắc khác nhau kết hợp với nhau, cuốn vào bản thể, thành những hình thức vô hạn.

 *

Những năm tháng dài bên nhau đã dạy chúng tôi trở thành tai mắt của nhau, thứ ngôn ngữ mà chúng tôi chia sẻ một cách trầm lặng, nhẫn nại. Tôi tưởng tượng giọng nói của cô ấy và nghĩ về tất cả những điều tốt đẹp mà tôi đã nghe thấy trong cuộc đời mình cho đến tận thời điểm trước khi mất thính giác, và thấy gợi lên những âm thanh đẹp đẽ nhất, tràn đầy sự tươi sáng, những tiếng thì thầm và tiếng cười. Khi cô ấy nói, tôi ghé vào, đặt tai gần môi cô ấy, và cảm nhận làn da thở ra của cô ấy, chạm vào tôi bằng những lời dịu dàng lặng lẽ.

Vợ tôi luôn thích tôi mô tả cảnh vật xung quanh cho cô ấy nghe, những thứ tôi có thể nhìn thấy, và cô ấy sẽ nhắc tôi về những thứ tôi không thể nhìn thấy, thứ gì đó sâu hơn chỉ là cái nhìn đơn thuần. Cô ấy bảo tôi rằng cô ấy có thể nói một người thực sự có cảm xúc gì nếu như cô ấy chạm được vào mặt hoặc tay người đó, theo cách người đó truyền tâm trạng mình sang tay cô ấy, các cơ bên dưới chuyển động cùng nhau theo cảm giác. Dù chúng ta có cố gắng che giấu sự thật đến đâu, thì việc nói dối với cơ thể mình là điều gần như không thể, cô ấy nói với tôi bằng cách viết vào lòng tay tôi.

Một số đêm, tôi mơ thấy vợ tôi thức dậy vào một ngày nọ với đôi mắt của cô ấy đã được chữa lành và thị lực được phục hồi. Cô ấy háo hức nhìn một thế giới mới mở ra trước mặt mình như một đứa trẻ sơ sinh, dần dần tách mình ra khỏi tôi. Cô ấy sẽ không cần tôi dắt cô ấy đến bất kỳ nơi nào chúng tôi đi đến, hoặc đợi cô ấy mỗi ngày sau giờ làm việc, một công việc trong nhà máy nơi cô ấy bọc các tai nghe vào những cái túi trong suốt cho một hãng hàng không địa phương. Cô ấy sẽ trở nên toàn vẹn - một sinh thể riêng biệt, độc lập - không còn cần đến tôi nữa. Tôi thức dậy sau những giấc mơ này trong cảm giác mất mát và tuyệt vọng.

Khi tôi kể lại chuyện này với vợ tôi, cô ấy nắm lấy tay tôi, khuôn mặt cô ấy rạng rỡ với một nét dịu dàng mới, nụ cười hằn sâu trên má. Cô ấy cười tôi ngốc nghếch, cười giấc mơ của tôi, và chạm tay vào mặt tôi, đọc tâm trạng tôi trên đó, và nói với tôi rằng điều đó là không thể, rằng cô ấy sẽ không có cách nào khác ngay cả khi cô ấy có lựa chọn.

Tôi đẩy cửa phòng trẻ con và bước vào, đi tới chỗ vợ tôi. Con gái tôi nhìn về hướng tôi, đôi mắt đen lóng lánh. Nó mở miệng, và tôi tưởng tượng nó đang gọi tôi, có thể là “Papa” hoặc một cái gì đó gần như thế. Vợ tôi không phản ứng, mặc dù cô ấy di chuyển cơ thể như một cách để thừa nhận sự hiện diện của tôi.

Tôi đưa tay về phía Emily, và vợ tôi cảm nhận được ý định của tôi, chuyển con cho tôi và đứng dậy. Tôi ôm con gái vào ngực và đung đưa nó nhè nhẹ, hơi ấm của nó truyền sang tôi. Vợ tôi nhìn tôi, dáng vẻ điềm tĩnh và trang nghiêm; đường nét cơ thể cô ấy, với bối cảnh là ánh trăng bạc sau lưng, có vẻ mơ hồ và phi vật chất, như thể cô ấy sẽ biến mất vào bóng tối bất cứ lúc nào.

Chúng tôi đứng như vậy rất lâu, đối mặt với nhau, hầu như không nhúc nhích, chờ đợi thời khắc trôi qua, chờ đợi đám bụi tin đọng xuống giữa chúng tôi. Cuối cùng khi Emily đã ngủ, tôi đặt nó trở lại cũi. Khi tôi quay lại, tôi thấy vợ tôi đang quỳ trên sàn nhà, tay ôm mặt. Tôi quỳ xuống bên cô ấy, ôm cô ấy vào lòng và cảm thấy nước mắt cô ấy thấm đẫm áo tôi.

Cô ấy nhìn tôi, tìm kiếm ánh mắt của tôi, và miệng nói, “Họ đã gọi điện vào chiều nay”. Cô ấy không nói tiếp; cơ thể cô ấy lại run lên.

Tôi không biết phải nói gì nên cầm lấy tay cô ấy đưa lên mặt mình. Cô ấy vuốt ve nó, cảm nhận mọi nét trên khuôn mặt tôi một cách chậm rãi, như thể mỗi nét là một dấu hiệu, nói điều gì đó quan trọng hoặc an ủi, và cô ấy không muốn bỏ sót một từ nào. Theo bàn tay chạm, tôi có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi và tình yêu của cô ấy truyền qua cơ thể cô ấy vào trong tôi, và tôi không hề ngại ngần hay quay mặt nhìn đi chỗ khác.

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh (Nguồn: World Literature Today 85, No 4.)

Tác giả: O Thiam Chin (Hồ Thiên Tân) là nhà văn Singapore, sinh 1977. Tác giả của bốn tập truyện ngắn: Free-Falling Man (2006), Never Been Better (2009), Under the Sun (2010) và The Rest of Your Life and Everything That Comes with It (2011), trong đó Never Been Better đã lọt vào danh sách chung khảo Giải thưởng Truyện ngắn Frank O’Connor 2010.

O Thiam Chin

ASA và OKA

ASA và OKA

Hoa phượng rụng trên những bậc thềm đá rêu bám, những cành khô vương vãi, nhưng chắc gió đã quen chốn nên cứ rải đều hai bên thềm...