ASA và OKA

Hoa phượng rụng trên những bậc thềm đá rêu bám, những cành khô vương vãi, nhưng chắc gió đã quen chốn nên cứ rải đều hai bên thềm...

Năm lên 13 tuổi, nghe tin cha không về được ngày sinh nhật mình, Asa buồn quá, buổi chiều đó Asa lang thang một mình khắp thị trấn, tình cờ Asa tìm thấy một cái am ở trên ngọn đồi cuối thị trấn được bao bọc bởi những vạt cỏ hồng.

Hoa phượng rụng trên những bậc thềm đá rêu bám, những cành khô vương vãi, nhưng chắc gió đã quen chốn nên cứ rải đều hai bên thềm, không có cây nào mắc giữa lối đi vướng chân người bước.

Am nằm thoai thoải quanh đồi, từ cổng nhìn xuống là con sông nhỏ hiền hòa uốn lượn quanh chân, lác đác vài mái ngói xanh thẫm tỏa nhẹ khói lan trong những đám lá vói lên mây cũng đang dạo quanh sườn đồi.

Asa loanh quanh thiền thất chìm trong mùi cỏ cây, đi men theo tiếp những bậc thang đá sát vách tường phía sau thì em bắt gặp một hồ bán nguyệt, hương thơm ngát tỏa ra từ những chùm nguyệt quế trắng xóa, bên cạnh là mai chiếu thủy soi bóng đùa giỡn với bầy cá nhỏ lượn vòng. Asa dừng ngay đó ngắm nhìn không rời. Sao lại có cảnh nên thơ đến vậy ở một nơi còn đọng mùi trầm trong tịch lặng.

Rồi Asa thò tay xuống khỏa nước mát, mấy chú cá chạy bay biến ngay, hoa khe khẽ rụng vài cánh tỏ ý bảo vệ. Cô bé cười khúc khích.

“Xin nhè nhẹ thôi, bé con!”.

Asa ngước lên nhìn, sợ hãi đến rơi cả mũ, Asa quay người vội vàng với lấy khiến cô bé ngã xuống hồ. Asa hết hồn mắt trợn lên, người ướt nhẹp, áo dính vào da, ngực nhỏ nhú ra, cô bé sợ đến nỗi không dám bước ra khỏi hồ.

“Bé con lên đây đi, để tôi lấy cho cái khăn mà lau, ướt hết rồi còn đứng dưới đó làm gì”, một người anh nói. Asa gọi người đó là người anh bởi người đó lớn hơn cô cỡ khoảng 4, 5 tuổi gì đó. Nhưng người anh đó giống như là một… nhà sư vì đầu cạo trọc. Asa chẳng biết làm sao để bước lên khỏi cái hồ vừa cạn lại vừa khó bước. Người anh đưa tay kéo lên. Asa lí nhí trong miệng: “Dạ, em xin lỗi, con xin lỗi”.

Sau khi đã đưa khăn cho Asa lau người, người anh lại cho thêm ly nước uống và đặt trên bàn nhỏ một dĩa bánh. Thấy Asa nhìn dĩa bánh, người anh đưa bánh và nói: “Em ăn đi!”.

Tranh minh họa: Phan Cẩm Thượng.
Tranh minh họa: Phan Cẩm Thượng.

Họ đã trở thành “anh em” từ đó. Nhưng Asa phải gọi là “chú Oka” vì chú ở cùng với một vị thầy chuyên chú tụng kinh và niệm chú.

Am nhỏ chỉ có sư phụ với chú Oka và thím Hikari trông coi. Sư phụ hàng ngày vẫn hành khất và đi tụng niệm cho rất nhiều người mất. Chú Oka cùng với thím của mình lo cơm nước, coi sóc dọn dẹp, còn cắm hoa mỗi sáng. Chỉ khi nào thím bệnh quá thì chú Oka lo mọi sự nhưng không bao giờ bỏ đọc kinh. Tất cả các thời kinh, chú Oka đều siêng đọc cùng với thím, bên cạnh còn có 2 chú chó một đen một trắng. Nghe kinh quen nên hai chú chó cũng không thèm sủa. Chỉ có một lần duy nhất, con trắng cất tiếng giữa đêm, tru lên một hồi, chú Oka kể, sau đó chú cầm đèn pin đi một vòng thiền thất chẳng có gì nên ngủ tiếp. Thời kinh 3 giờ sáng, chú tỉnh dậy thì thấy chuông mõ đã không còn.

Chú định báo với sư phụ hay cảnh sát dưới làng nhưng thôi, “người ta nghèo đến chuông mõ cũng lấy thì coi như đó là vật báu làm phước cho họ được giữ lại mạng sống”- “Nhưng còn sư phụ?”- “Sư phụ sẽ mắng tôi là việc vậy cũng báo, ở chùa vẫn còn chuông mõ từ thời trước chiến tranh để trong tủ được 3 bộ, lấy ra mà dùng”, chú Oka chắc mẩm như vậy.

Từ sau buổi gặp dưới hồ bán nguyệt ấy, mỗi chiều Asa lại đeo cặp lên đây học bài. Chú Oka cho Asa ngồi chiếc bàn cửa sổ phòng chú nhìn ra mặt hồ thoang thoảng hương hoa. Nhưng đến khi nắng nhạt dần chú rủ Asa lên đồi chơi. Họ hái rất nhiều hoa dại để dì Tư cắm hoa trang trí thiền đường, và siêng nhặt những hạt đen tròn về xâu chuỗi đeo tay, đeo vòng cổ.

Một hôm đang đi kiếm hạt, Asa bỗng thấy một con sâu bướm rất đẹp, cô bé ngắm nó không thôi và cứ mãi trầm trồ. Lúc đi xuống đồi, chú Oka cầm tay Asa nói: “Em có một tâm hồn nương tựa vào thiên nhiên, em sẽ rất lành. Anh chưa nhìn thấy ai ngắm nhìn một con sâu bướm với ánh mắt trìu mến và say sưa như vậy cả. Em sẽ rất nhạy cảm và phải nếm chút khổ đau nữa đó, cô bé của anh”.

“Gì mà cô bé của anh chứ?”, Asa thầm nghĩ, nhưng bàn tay của Asa vẫn đặt trong tay chú Oka thường ngày, sao hôm nay nó ấm áp lạ lùng quá đỗi. Bối rối, Asa rất muốn rút tay mình ra khỏi, nhưng không thể, tưởng chỉ nắm nhẹ nhàng mà sao lại rất chặt.

II.

Asa giờ đã thành thiếu nữ tuổi 15, nàng lớn lên cùng với những tháng ngày đẹp nhất của tuổi trăng rằm. Nhưng nàng cũng chuẩn bị cho cuộc thi chuyển cấp, lúc đó là vô cùng trọng đại trong đời để có thể học tiếp lên cấp 3, nếu rớt, Asa sẽ phải ở nhà đi học nghề may hay đan móc gì đó kiếm sống như bao người phụ nữ ở xứ sở này. Asa không muốn như vậy, nàng muốn làm một điều gì đó mà nàng chưa mường tượng được, nhưng việc đó chắc chắn phải là “được đi đó đây cho rã rời đôi chân, rồi tìm thấy hạnh phúc bên trên một chiếc giường ấm áp được phủ lên tấm drap lụa sang trọng với mùi thơm của hoa hồng vương khắp phòng”. Nàng viết trong nhật ký tuổi mười lăm của mình như vậy.

Chiều hôm đó, sau khi đưa Asa lên đồi, chú Oka nói là sẽ cho Asa một cuốn sách rất hay mà chú mới tìm được nơi tủ sách của sư phụ, một cuốn sách cổ.

Asa nghe đã mê ngay, vội vàng chạy về thiền thất lôi cả chú suýt ngã dưới chân đồi, chú có vẻ khoái chí lắm khi ngã lên người Asa, chú còn cố tình ngồi lì đó. Nàng xô chú ra rồi đứng dậy bảo đi nhanh không thì trời tối.

Asa rửa tay, rửa mặt xong thì thím bưng cơm chiều lên, Asa hỏi sao ăn cơm sớm vậy, chú nói cứ giờ này thím ấy phải xong xuôi hết rồi còn nghỉ ngơi sửa soạn cho thời kinh tối. Vì thế thím cứ bưng lên, còn chú thì ăn lúc nào thì tự dọn lúc đó.

Asa hỏi chú sách cổ đâu, mau cho em xem. Chú nói để phòng trong rồi. Asa mong ngóng quá nên nàng chạy luôn vào phòng chú ngó nghiêng.

Nàng đứng trước kệ sách một lúc định quay ra thì thấy hơi nóng phả sau gáy, chú Oka vòng tay ôm lấy Asa. Nàng cứng đơ hết cả người, chẳng biết làm sao, nàng bất động như một pho tượng.

Oka hôn vào sau gáy và tai Asa, chân tay bủn rủn, Asa cũng chẳng chống lại, Asa thật tình không hiểu vì sao.

Oka dìu Asa đến cạnh giường nệm trắng tinh, rồi từ từ cởi quần áo Asa, thì thầm nói nàng hãy nằm xuống, Asa làm y như vậy vẫn không một chút chống đối, Asa cứ vô thức làm theo và nằm yên trên chiếc giường, cũng chẳng biết gối đầu vào đâu.

Oka cũng cởi quần áo ra, rồi nằm lên người Asa.

Họ nằm như vậy một hồi lâu, mồ hôi của Oka bắt đầu túa ra, còn Asa thì người càng lúc càng trở nên khó chịu, nóng ran, nhưng Asa hoàn toàn không biết làm gì, chỉ nằm yên như thế.

Và chú Oka cũng nằm yên như vậy.

Một hồi, khi thấy không thể nằm yên nữa, Asa đẩy nhẹ chú ra.

Chú bước xuống, mặc quần áo vào, và Asa cũng thế.

Cả hai chào nhau.

Asa không nhắc gì tới buổi hoàng hôn đó nữa vì xấu hổ. Về sau này, Asa lại nhớ đến khoảnh khắc đó trong tiếng kinh cầu, cô thầm nghĩ: “Các vị chư thiên sẽ mỉm cười nhìn chúng tôi và nói: Tâm hồn trẻ con cũng là chốn tinh khiết thanh cao lắm!”.

III

Asa không đến am nữa, mà hàng ngày phải đi học thêm mấy bận đến tối còn về học bài.

Năm đó Asa thi đậu cấp 3. Asa cũng không trở lại am. Một năm sau đó, chú Oka xuống tận nhà thăm, chú nói: “Anh sẽ đi học ở Ấn Độ chưa biết bao giờ về, em ở nhà đừng nghĩ ngợi lung tung mà chăm chỉ học, tìm cách phụ giúp cha mẹ. Anh đi học nhưng nếu dành dụm gì được sẽ gởi về cho em. Coi như chúng ta ăn chung một tô mì, uống chung một ly nước”. Rồi chú đưa cho Asa một gói quà.

“Vậy có nằm chung không?”, Asa lại tự nhủ sau câu nói của chú Oka, rồi chợt đỏ mặt khi nhớ tới buổi tối hôm đó. Asa vội xua tay: “Em không nhận đâu. Em không nhận gì của anh hết, em không ăn chung, uống chung với anh. Anh về đi”.

Chú Oka không nói gì, chú ra về với vẻ mặt buồn bã nhưng cương quyết. Chú bặm môi đạp xe đi mất. Asa nhìn ra cửa thấy mắt chú mở to hướng về phía trước mặt, dấn một cú đạp rất mạnh cho bánh xe lăn.

Nước mắt Asa rơi lã chã trên cuốn sổ tay chú chép cho cô kín hết những bài thơ tình. Hầu hết là những tác giả mà họ đã đọc cùng nhau. Bài nào thích Asa đều ngâm cho chú giả vờ ngủ. Khi ngâm xong rồi, chú sẽ tỉnh lại và nói: “Ngâm thơ hay nên ngủ ngon, may mà người ngâm đã tạt vào mặt mình một xô chữ lổn ngổn những âm sắc đâm khá đau nên mình tỉnh giấc. Chất giọng người ngâm đầy phẫn nộ và phừng phừng, kể cả những bài thơ dịu dàng nhất”, rồi chú quay sang: “Hay em đi học hát opera đi, để thế giới này tuyệt diệt với các giọng ca luôn”. Rồi cả hai cười nắc nẻ.

Nhưng bây giờ Asa đang khóc thương cho nỗi niềm riêng. “Tôi không biết gọi đó là gì. Nó là sự xấu hổ hay hối tiếc. Tại sao tôi lại tự chia lìa tôi ra, tự cắt đôi mình và nửa còn lại không biết làm sao để ráp vào đâu nữa, thế là thành hai thực thể cô đơn khóc nhau”, Asa viết lên những trang nhật ký, chữ đậm như muốn rách cả giấy. 

 IV.

Asa nhanh chóng trả lời tin nhắn, hôm nay bà lại phụ giúp cho vị sư thầy còn rất trẻ nhưng đầy nhiệt huyết đi cứu đói cho người nghèo. Thêm nữa, dù phải tiếp xúc với những bệnh nhân mang con virus lây nhanh và nguy hiểm, vị sư thầy trẻ tuổi vẫn không từ nan, thậm chí còn sẵn sàng liệm các tử thi chết vì bệnh dịch. Ở đô thị phồn hoa này đã 30 năm, chưa bao giờ Asa lại chứng kiến cảnh đói nghèo và người chết nhiều như lúc này, sợ hãi bao trùm lên hết thảy. Nhưng sợ hãi cái chết lại không có trên gương mặt của những tu sĩ đã coi sống chết chỉ là một bước nhảy qua bờ bên kia. 

Có tiếng chuông điện thoại, bà cầm lên và nghe giọng sư thầy: “Cô ơi, thầy đến rồi, có 100 túi thuốc thầy đem cho cô để mai cô đưa đi. Cô ra lấy, thầy về ạ”- “Khoan, thầy đợi tôi chút, để tôi đưa cho thầy bịch rau tươi tôi đã soạn sẵn, thêm một ít hoa quả chút lòng thành kính với Chư Phật nhờ thầy dâng lên”.

Asa đem ra cửa, bà chưa gặp sư thầy bao giờ, bà với thầy chủ yếu nói chuyện với nhau bằng tin nhắn. Hôm nay mới được hân hạnh gặp mặt, bà muốn chào sư thầy và cũng để thỏa ước nguyện gặp được ân nhân của bao người trong đại dịch này. Bà đi ra cửa và hé nhìn sư thầy từ đằng xa đang đứng cạnh chiếc xe, sư thầy bỏ khẩu trang lau mặt. Asa thấy xây xẩm mặt mày, bà khụy xuống, tay bám vào nắm đấm cửa. Bà tin vào sự tái sinh, nhưng bà không thể coi đó là thật được. Niềm tin vốn chỉ là truyền thuyết. Nhưng người ta luôn tin vào niềm tin, cần có niềm tin. Người ta không tin rằng không có niềm tin. Nhưng nếu niềm tin là sự thật thì sao? 

“Đó quả là một sự trở về với tôi, cho riêng tôi” - Asa viết những dòng cuối trong nhật ký của mình, “Đó chắc hẳn là chú Oka, thì có lẽ chú ấy đã bay lên thiên đàng và giờ đây quay về, để làm tiếp phận sự. Và dù không thể ăn chung một tô mì, uống chung một ly nước, thì ít ra, chúng tôi cũng đã làm chung những công việc mà ngày xưa cả hai chúng tôi đều ước ao, làm sao để luôn được tình yêu thương người khác bằng một niệm lành: Giữ tâm hồn tinh khiết sáng trong. Tôi sẽ ra đi thanh thản vì đó là gương mặt của mình mang theo để sang một thế giới giới khác, dù có tuyệt đẹp hơn hay đau khổ hơn, gương mặt tôi vẫn không thay đổi. Bây giờ Asa và Oka là một mà thôi”.

Viết từ tháng 7 và hoàn tất đêm 30.08. 2021

(Asa có nghĩa là buổi sáng - Oka: ngọn đồi)

Tịnh Thủy

Bỗng dưng... nhớ thùng nước gạo

Bỗng dưng... nhớ thùng nước gạo

Hồi ấy cũng chẳng có gì ngoài rau cám, nước gạo với lũ lợn đã là được ăn ngon, tất nhiên làm gì có thuốc tăng trọng với chất tạo nạc.