Giống như nhiều cô gái khác, thời còn độc thân, Hải Ngọc (sinh năm 1995, đang sinh sống tại Hà Nội) cũng từng cho phép bản thân chi tiêu vô cùng thoải mái. Kiếm bao nhiêu, tiêu từng ấy, miễn sao không nợ nần là được.
Mãi cho tới khi lấy chồng và có dự định sinh con, Hải Ngọc mới bắt đầu tập tiết chế việc chi tiêu của mình. Tuy nhiên, vợ chồng Hải Ngọc vẫn chưa thực sự ép bản thân vào khuôn khổ "phải tiết kiệm", nghĩa là tháng nào có dư thì tiết kiệm, còn không thì vẫn kiếm bao nhiêu, tiêu từng ấy.
Cả Hải Ngọc và chồng đều có công việc với mức thu nhập ổn định, cưới nhau xong cũng được bố mẹ chồng "tặng" cho căn chung cư nho nhỏ để sống riêng. Có lẽ chính vì không có áp lực mua nhà, nên phải đến tận khi em bé chào đời, vợ chồng Hải Ngọc mới bắt đầu "thấy thấm" vì chưa hình thành thói quen tiết kiệm trong chi tiêu.
"Mình đã nghe nhiều mẹ chia sẻ về việc nuôi con tốn kém đến thế nào, nhưng chỉ đến khi thực sự bắt đầu công cuộc bỉm sữa, mình mới thấm thía được sự tốn kém ấy. Chỉ cần con ốm một trận phải đi viện thôi là gần cả tháng lương của mình bay vút luôn rồi" - Hải Ngọc chia sẻ.
Ảnh minh họa. |
Bà mẹ 9x cũng cho biết sau lần đầu tiên con ốm, phải nhập viện 8 ngày vào lúc chưa đầy 3 tháng tuổi, cô dường như "bừng tỉnh", cảm thấy hai vợ chồng cần nghiêm túc thay đổi thói quen chi tiêu, không thể cho phép bản thân quá "xông xênh" được nữa.
Dưới đây chính là 3 thay đổi cực nhỏ trong việc mua sắm thực phẩm, giúp Hải Ngọc tiết kiệm được thêm 3 triệu mỗi tháng mà vẫn đảm bảo cả nhà được ăn ngon, ăn sạch và đủ chất.
Unfollow group buôn bán của cư dân trong khu chung cư
Nếu đang ở chung cư, có lẽ bạn cũng không còn lạ gì với hình thức mua - bán thực phẩm trong group của cư dân ở khu chung cư đó. Hải Ngọc cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại chi tiêu, Hải Ngọc bàng hoàng nhận ra chỉ riêng tiền rau và trái cây cho 2 vợ chồng cũng lên tới gần 3,8 triệu đồng/tháng.
"Kể từ hồi ở đây, mình gần như không còn thói quen đi siêu thị hay đi chợ nữa vì group buôn bán của cư dân có đủ mọi thứ trên đời, chỉ cần hú một câu là có đồ treo tận cửa. Tiện thì cũng có tiện, nhưng chắc vì mình dùng Facebook thường xuyên quá nên bài đăng bán hàng nào của các chị em, mình cũng thấy.
Mắt thấy rồi tự nhiên miệng lại thèm, thế là lại chốt đơn. Thịt thà, hoa quả, khoai lang, rồi các loại rau củ lúc nào cũng kín cả tủ lạnh mà sức ăn của 2 vợ chồng cũng chẳng nhiều, nên thành ra toàn bỏ đi quá nửa, rất lãng phí!" - Hải Ngọc chia sẻ.
Ảnh minh họa. |
Sau đó, bà mẹ 9x này đã lập tức unfollow group buôn bán của khu chung cư mình đang sống để không còn tình trạng chốt đơn vì "đói con mắt".
Mua thịt trong siêu thị, mua rau và trái cây ngoài chợ truyền thống
Sau khi unfollow group buôn bán của khu chung cư, Hải Ngọc bắt đầu lại thói quen đi siêu thị và mua thực phẩm mỗi tuần. Sau khoảng 2 tuần, cô bắt đầu nhận ra sự khác biệt về chất lượng thịt và chất lượng rau trong siêu thị so với chợ truyền thống.
"Cá nhân mình cảm thấy rau và trái cây trong siêu thị không được tươi, thường bị héo hơn rau, trái cây ngoài chợ; mà giá lại đắt hơn. Thế nên nếu mua rau, trái cây, mình sẽ mua ở chợ truyền thống. Mình cũng không ăn rau hay trái cây trái mùa nữa, cứ mùa nào thức nấy cho yên tâm.
Còn thịt thì mình lại chỉ trung thành với thịt có thương hiệu, được bán trong các chuỗi siêu thị lớn. Tính ra, giá thịt trong siêu thị cũng không đắt hơn giá thịt ngoài chợ, có thêm thẻ thành viên thì còn được giảm giá nữa cơ" - Hải Ngọc chia sẻ cảm nhận sau khi "bén duyên" lại với việc đi chợ, đi siêu thị thay vì ngồi nhà đợi đồ treo tận cửa.
Nói không với cửa hàng tiện lợi, nước ngọt và nước ép đóng chai
Căn chung cư mà vợ chồng Hải Ngọc đang ở khá gần công viên, nên vào buổi tối, cả gia đình sẽ cùng nhau đi bộ 2-3 vòng công viên, coi như tập thể dục. Tuy nhiên, đi bộ lâu thành ra khát nước, cả nhà lại kéo nhau tạt vào cửa hàng tiện lợi gần đó. Con chọn hộp sữa tươi, bố lấy chai nước ngọt, mẹ thêm chai nước ép. Thế là gần 100k ra đi trong chớp mắt.
Ảnh minh họa. |
"Thi thoảng như thế thì cũng không thành vấn đề nhưng nhà mình thì gần như tối nào cũng vậy cơ. Đồ trong cửa hàng tiện lợi vốn đã đắt hơn bình thường rồi mà còn gắn bó trung thành mỗi tối nữa thì... chẳng mấy mà nghèo thật" - Hải Ngọc vừa đùa vừa kể.
Sau đó, bà mẹ trẻ quán triệt tinh thần, đi thể dục xong là về thẳng nhà, không có tạt té đi đâu nữa. Sữa tươi cho con luôn có sẵn ở nhà rồi, còn bố mẹ thì khỏi nước ngọt, nước ép đóng chai làm gì nữa. Uống nước lọc cho healthy hoặc thích, thì tự ép nước hoa quả tươi. Vừa tiết kiệm, vừa đỡ tăng cân, đỡ "mòn ví".
Hải Ngọc cho biết hiện tại, hai vợ chồng cô vẫn đang học cách thắt chặt chi tiêu để có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn mỗi tháng. Ngoài việc mua thực phẩm cho cả gia đình, Hải Ngọc cũng đang dần học cách tiết chế việc mua sắm quần áo, đồ trang điểm, tránh mua theo cảm xúc nhất thời, gây lãng phí.
Bài viết ghi theo chia sẻ của nhân vật.
Săn sale, ăn lại đồ cũ và những "ảo tưởng tiết kiệm": Lợi trước mắt nhưng tốn kém về dài!
Đừng vội khẳng định bản thân đã biết tiết kiệm nếu vẫn còn "dính" 3 gạch đầu dòng này.