Mỹ kêu gọi quân đội trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bày tỏ sự quan ngại về việc quân đội Myanmar bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân sự khác.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin giới chức quân sự ở Myanmar bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức của chính phủ, trong đó có Tổng thống nước này, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Hoa Kỳ rất lo ngại trước các báo cáo rằng quân đội Myanmar đã thực hiện các bước để phá hoại quá trình chuyển đổi dân chủ, bao gồm việc bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức dân sự khác.

2021-02-01t000708z_886551999_rc2.jpg
Quân đội Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào thứ Hai và cho biết quyền lực đã được chuyển giao cho Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing . Ảnh: Ye Aung Thu/ Reuters

Đồng thời, bà Jen Psaki cho biết, Tổng thống Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về những diễn biến vụ việc.“Hoa Kỳ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar và sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu điều này không diễn ra đúng kế hoạch”, tuyên bố của Nhà trắng cho biết.

Trong một phát ngôn sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Bliken cho biết, “Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar trả tự do cho tất cả các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và tôn trọng ý chí, nguyện vọng của người dân Myanmar, điều đã được thể hiện trong cuộc bầu cử dân chủ vào ngày 8/11/2020".

“Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng người dân Myanmar trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã lập tức đưa ra quan điểm phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả bầu cử và kêu gọi tất cả các bên tuân thủ các quy tắc dân chủ.

Cùng thời điểm, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cũng đã kêu gọi trả tự do cho bà Aung Suu Kyi và những người khác.

Bà cho biết: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc triệu tập lại Quốc hội một cách hòa bình, phù hợp với kết quả của cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020".

Nhật Bản cũng đã lên tiếng về sự việc vừa diễn ra tại Myanmar.

Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato cho biết chính phủ đã đưa ra cảnh báo đối với các công dân Nhật Bản đang ở Myanmar. 

“Nhật Bản tin rằng điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua đối thoại giữa các bên liên quan dựa trên quy trình dân chủ”, ông Kato nói.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, hy vọng tất cả các bên ở Myanmar nên làm việc hướng tới một kết quả tích cực và hòa bình.

“Chúng tôi hy vọng rằng tình hình sẽ trở lại bình thường càng sớm càng tốt”, tuy bố cho biết.

Như đã thông tin, vào rạng sáng 2/1, quân đội Myanmar bất ngờ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ.

Ít lâu sau đó, quân đội tuyên bố nắm quyền trong một năm.

THÁI BÌNH