Nam sinh viên thực hiện 27 dự án thiện nguyện với tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng: “Mình làm vì trải nghiệm, không làm cho đẹp CV”

Hơn 5 năm qua, Lê Văn Phúc thành lập Fly To Sky với mong muốn tạo môi trường cho các bạn trẻ có cơ hội được làm thiện nguyện.

Thành lập Fly To Sky với mong muốn tạo môi trường cho các bạn trẻ có cơ hội được làm thiện nguyện, Lê Văn Phúc (SN 2002, hiện là sinh viên năm 4, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) cùng nhóm đã thực hiện 27 dự án lớn nhỏ với hơn 150 chương trình trải dài khắp 22 tỉnh/thành phố, tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng. 

Lê Văn Phúc 
Lê Văn Phúc 

“Người trẻ làm được gì?”

Đó là câu hỏi mà Lê Văn Phúc tự mình đi tìm lời giải ở tuổi 16, khi mình còn là học sinh lớp 11 của trường THPT Chuyên Hùng Vương. Lớn lên tại phố núi Gia Lai, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn nơi mình đang sống khiến khát khao được làm một điều gì đó để giúp đỡ mọi người lớn dần trong Phúc.

Nhận thấy tại Gia Lai chưa có đội nhóm thiện nguyện dành cho các bạn trẻ được hoạt động lâu dài, tối 2/9/2018 sau cuộc khảo sát nhanh với bạn bè đồng trang lứa, Phúc quyết định thành lập Fly To Sky.

“Mình nghĩ đó là sự liều lĩnh, ban đầu tụi mình gặp khó khăn rất nhiều khi không có gì từ kỹ năng, kinh nghiệm. Thứ duy nhất tụi mình có là tấm lòng và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ. Nhưng mình xác định cái gì không biết thì phải học chứ không có trường lớp nào đào tạo về tình nguyện cả. Mình tìm tới các anh chị đi trước để học hỏi, sau mỗi chương trình lại cùng nhau ngồi lại để rút kinh nghiệm, lớn dần lên trong các khâu tổ chức, hoạt động thiện nguyện”, Lê Văn Phúc chia sẻ.

Nam sinh viên thực hiện 27 dự án thiện nguyện với tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng: “Mình làm vì trải nghiệm, không làm cho đẹp CV”

 Với 40 con người ban đầu đều là học sinh, 2 chương trình liên tiếp được Fly To Sky tổ chức vào ngày 5/9 và 11/9 ngay tại địa phương đánh dấu một khởi đầu mới của các bạn trẻ đam mê và chịu dấn thân trong hoạt động thiện nguyện.

“Ban đầu tụi mình vận động tất cả những mối quan hệ quen biết từ người thân, thầy cô, các bạn học sinh trong trường. Sau đó mới tìm kiếm các hình thức gây quỹ khác như đêm nhạc rồi đi ngỏ lời với các công ty, đối tác để có kinh phí tổ chức chương trình. Tất cả đều rất mới mẻ nhưng tạo được sự hứng thú, truyền lửa cho tụi mình để cùng nhau học hỏi rồi từ đó xây dựng được một hệ thống để hoàn thiện nhóm của mình”, Lê Văn Phúc nói.

Để giúp hoạt động thiện nguyện được duy trì như một thói quen, tạo được giá trị cho cộng đồng chứ không phải làm vì yêu thích nhất thời, bản thân Phúc cũng như các thành viên của Fly To Sky phải tự mình giải bài toán “thời gian”, cân bằng giữa việc học và thiện nguyện.

“Mỗi ngày trước khi đi ngủ mình thường liệt kê ngày mai mình dự định sẽ làm gì, không phải để đưa mình vào khuôn khổ mà mình muốn bản thân chia được việc, sắp xếp các dự định của mình. May mắn là trong 2 năm liền lớp 11, 12 mình đều đạt HSG cấp Quốc gia môn Địa lý, đó cũng là minh chứng cho bố mẹ thấy bản thân mình và các bạn có thể làm tốt 2 việc cùng lúc nếu đủ đam mê và quyết tâm. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là phải tìm được cái mình thích trên con đường của mình để lấy đó làm động lực cố gắng”, Lê Văn Phúc tâm sự.

Nam sinh viên thực hiện 27 dự án thiện nguyện với tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng: “Mình làm vì trải nghiệm, không làm cho đẹp CV”

Dù chỉ là đội nhóm thiện nguyện của các bạn học sinh nhưng sau khi thành lập, Fly To Sky đã mang đến những giá trị tích cực, thay đổi nhận thức của rất nhiều bạn trẻ. “Với Fly To Sky hoạt động tình nguyện đã trở thành thói quen để sau khi được trải nghiệm, học hỏi, khi ra ngoài các bạn cũng có thể làm các hoạt động khác giúp đỡ mọi người”, Lê Văn Phúc nói.

“Mình muốn được làm, được trải nghiệm chứ không làm để đẹp CV”

Trải qua hơn 5 năm gắn bó và phát triển Fly To Sky, điều mà Lê Văn Phúc tâm đắc nhất chính là ngọn lửa thiện nguyện của mình vẫn luôn tràn đầy. Càng đi nhiều, càng biết nhiều, hiểu nhiều thì Phúc càng muốn mình làm được nhiều hơn nữa để giúp đỡ cộng đồng, cùng tạo ra một môi trường năng động, ý nghĩa cho các bạn trẻ.

“Khi góc nhìn của mình được bao quát hơn mình lại càng nỗ lực nhiều hơn, chưa bao giờ mình muốn dừng lại hay từ bỏ hoạt động thiện nguyện. Qua mỗi chương trình là một cái mới để mình học hỏi, tất nhiên có thời điểm mình bị cuốn vào công việc dẫn đến sai sót. Nhưng qua một lần sai là cơ hội để mình nhìn nhận lại, học hỏi để sửa sai và hoàn thiện chính mình”, Lê Văn Phúc chia sẻ.

Dù đã tổ chức rất nhiều chương trình, chứng kiến vô số hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ nhưng với Phúc, chuyến đi đầu năm 2019 đến huyện miền núi Chư Păh (Gia Lai) để lại cho mình ấn tượng đặc biệt.

Nam sinh viên thực hiện 27 dự án thiện nguyện với tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng: “Mình làm vì trải nghiệm, không làm cho đẹp CV”

Tụi mình gửi cô 1 triệu đồng mà cô khóc, cô cảm ơn rất nhiều vì trước giờ gia đình chưa có số tiền lớn đến vậy. Cô thì khóc còn tụi mình thì buồn vì không thể giúp cô nhiều hơn, nhưng đó cũng là động lực để tụi mình cố gắng”, Lê Văn Phúc nói về khoảnh khắc chứng kiến 7 người trong 1 gia đình sống tạm bợ trong cái chòi xập xệ, không bếp ăn, không chỗ ngủ, nền nhà là đất đỏ bazan.

Từ một học sinh đam mê thiện nguyện, luôn khát khao được cống hiến và tạo ra được môi trường giúp các bạn trẻ được hoạt động tình nguyện lâu dài, năm 2019 Lê Văn Phúc trở thành người trẻ nhất giành giải thưởng Tình nguyện Quốc gia. Món quà đầy bất ngờ và ý nghĩa là minh chứng rõ nét nhất cho con đường mà Phúc đã và đang lựa chọn.

Nam sinh viên thực hiện 27 dự án thiện nguyện với tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng: “Mình làm vì trải nghiệm, không làm cho đẹp CV”

“Đối với mình nó là giải thưởng rất cao quý. Thời điểm đó mình còn quá mới để nói mình đã làm được cái gì, giải thưởng là động lực để mình cố gắng, chứng minh người trẻ làm được gì. Những năm qua, bản thân mình luôn cố gắng để truyền lửa cho các bạn trẻ giống như mình. Với Fly To Sky, tụi mình không đặt mục tiêu phát triển đội nhóm mà muốn tạo môi trường để các bạn được học hỏi, trau dồi”, Lê Văn Phúc nói.

Để quản lý và vận hành Fly To Sky với 200 thành viên ở Gia Lai và TP.HCM, Lê Văn Phúc không trực tiếp làm hết tất cả các phần việc mà một nhóm thiện nguyện cần giải quyết, có sự phân công nhiệm vụ theo cấp bậc quản lý. Đồng thời với 80% thành viên còn là học sinh, một bạn lớn dẫn dắt một bạn nhỏ hơn trong công việc cũng tạo được sự kế thừa, hỗ trợ cùng nhau phát triển.

Chia sẻ về những dự định của bản thân, Phúc cho biết mình cũng không nói trước được việc mình sẽ đi bao lâu với Fly To Sky nhưng mình luôn muốn bản thân mình phải luôn học hỏi, nếu đủ kinh nghiệm, trưởng thành sẽ hướng đến việc chia sẻ kinh nghiệm, định hướng cho các bạn trẻ sau này.

Nam sinh viên thực hiện 27 dự án thiện nguyện với tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng: “Mình làm vì trải nghiệm, không làm cho đẹp CV”

“Mỗi thời điểm khác nhau sẽ có yêu cầu, mục tiêu khác nhau, bản thân mình không muốn theo ai đó mà mình chỉ cần vượt qua chính mình là được. Mình luôn nỗ lực để chiến thắng bản thân chứ không nỗ lực để hướng đến một hình mẫu nào khác. Niềm vui, ý nghĩa nhất mà mình nhận được là mình được làm các hoạt động xã hội. Mỗi chương trình, điều mình mong nhận lại là nụ cười hạnh phúc thật sự của người dân, với mình vậy là đã đủ đầy, trọn vẹn”, Lê Văn Phúc tâm sự.

Với kinh nghiệm hơn 5 năm quản lý Fly To Sky, đồng thời hiện là Phó Trưởng ban Thường trực mạng lưới tình nguyện Quốc gia (khu vực phía Nam), Lê Văn Phúc mong các bạn trẻ cùng nhau tham gia, trải nghiệm các hoạt động tình nguyện. Không phân biệt tuổi tác, điều kiện mà tình nguyện phải xuất phát từ tâm, từ chính lòng nhiệt thành, khát khao được cho đi mà không cần nhận lại.

“Mình không có mục tiêu hoạt động thiện nguyện để làm đẹp CV hay giúp ích cho công việc sau này. Mình chỉ mong muốn được cống hiến vì mình thấy rất nhiều anh chị bị khiếm khuyết họ vẫn đang truyền cảm hứng cho mọi người. Vậy tại sao một người lành lặn như mình không thể lan tỏa được những điều tích cực ấy. Nếu chưa thể giúp đỡ mọi người thì chỉ cần chọn cách sống tử tế là được. Hơn 5 năm qua, giải thưởng lớn nhất mà mình nhận được chính là nụ cười, tình yêu thương của mọi người dành cho mình”, Lê Văn Phúc bày tỏ.

Nam sinh viên thực hiện 27 dự án thiện nguyện với tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng: “Mình làm vì trải nghiệm, không làm cho đẹp CV”

Fly To Sky – Khát vọng của người trẻ

Mặc dù với đội ngũ toàn học sinh, sinh viên nhưng suốt hơn 5 năm qua, nhóm từ thiện Fly To Sky đã thực hiện được 27 dự án cộng đồng với hơn 150 chương trình trên khắp 22 tỉnh, thành phố, ước tính tổng kinh phí lên đến 10 tỷ đồng.

Với mục tiêu hành động vì một Việt Nam tương lai 5 không: Không thiếu nước sạch - vệ sinh; không thiếu chăm sóc y tế cơ bản; không thiếu sinh kế, không thiếu giáo dục phổ thông; không thiếu sự hành động mỗi ngày để bảo vệ môi trường. Fly To Sky không tìm ý tưởng để thực hiện dự án mà tiến hành làm dự án để giải quyết các vấn đề thực tế gặp phải.

Các dự án, chương trình của nhóm đã giúp cho khoảng 16.000 mình nhỏ được sử dụng nước sạch khi đến trường, đóng góp hơn 50.000 cuốn sách, quản lý 33 thư viện trên toàn quốc. Chiến dịch “Đổi sách lấy cây” thu hút khoảng 10.000 lượt người tham gia. Riêng trong đại dịch Covid-19 (từ năm 2020 đến 2021), nhóm đã tổ chức 5 hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19 với kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng với các hoạt động tặng túi quà an sinh, túi thực phẩm, hàng chục tấn rau củ và khẩu trang, nước rửa tay, găng tay y tế… đến 15 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Riêng bản thân Lê Văn Phúc, chàng sinh viên 21 tuổi là nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ đam mê hoạt động thiện nguyện. Phúc được Đài Truyền hình Việt Nam VTV lựa chọn là nhân vật “Việc tử tế” tham gia chia sẻ tại Gala tháng 12/2022. Đồng thời mình cũng là khách mời giao lưu, chia sẻ tại nhiều diễn đàn tình nguyện. Đặc biệt năm 2023, Phúc là 1 trong 5 gương mặt trẻ tại Việt Nam nhận được giải thưởng “Trái tim nồng ấm” do Liên bang Nga trao tặng.

Nói về mục tiêu tương lai của Fly To Sky, Lê Văn Phúc cho biết mong muốn thành lập một doanh nghiệp xã hội để có thể thực hiện được nhiều dự án lớn hơn, kết nối và giúp đỡ được nhiều người.

“Trong 5 mục tiêu đặt ra thì cái sinh kế tụi mình chưa làm được. Tụi mình muốn tạo sinh kế để có nguồn quỹ duy trì các hoạt động tình nguyện một cách bền vững, phục vụ cho cộng đồng”, Lê Văn Phúc tâm sự.

"Giải thưởng thành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org/

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Văn Tiên

Công bố Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize nhằm tôn vinh những cống hiến cho xã hội

Công bố Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize nhằm tôn vinh những cống hiến cho xã hội

Sáng ngày 22/8/2023, Báo Nhân Dân chính thức công bố Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize.