Nếu không có kỳ thi THPT quốc gia các trường mất đi thước đo tuyển sinh

Đại diện của các trường Đại học cũng đưa ra những ý kiến, kiến nghị khác nhau về việc nếu bỏ thi THPT quốc gia.

PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải cho biết, trong những năm gần đây trường tuyển sinh theo hình thức dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và lấy khoảng 10-20% chỉ tiêu một số ngành thông qua kết quả học tập THPT. Nhà trường bày tỏ hy vọng Bộ vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia dù áp dụng hình thức giảm tải môn thi hay chỉ tổ chức xét tuyển đại học để đánh giá mặt bằng chung, làm căn cứ xét tuyển.

Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia mà chỉ xét tốt nghiệp, trường phải chuyển sang xét học bạ. 

Trường đang nghiên cứu các tiêu chí kèm theo nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào bởi chỉ xét học bạ, mặt bằng chung sẽ không đồng đều, ảo nhiều. Do thời gian gấp, trường cũng chưa tính đến phương án tổ chức kỳ thi riêng như một số trường lớn.

Nếu không có kỳ thi THPT quốc gia các trường mất đi thước đo tuyển sinh

Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng thêm phương án mới trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng vẫn nên duy trì kỳ thi quốc gia, nhưng đương nhiên là trong bối cảnh hết dịch. Vì việc xét học bạ không đánh giá chính xác năng lực học sinh. Với tình huống không có kỳ thi này, thì những đại học hàng đầu, đủ tiềm lực có thể tổ chức kỳ thi riêng, các trường chưa đủ khả năng có thể hợp tác, sử dụng kết quả ở kỳ thi này để xét tuyển.

TS Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức là kịch bản tốt nhất cho việc tuyển sinh của các trường. Trong tình huống xấu nhất, Covid-19 phức tạp kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao cho tỉnh, thành tổ chức thi đánh giá, xét tốt nghiệp. Vì kỳ thi tuyển sinh sẽ bị ảnh hưởng nếu không có kỳ thi THPT quốc gia. Các trường nên chủ động đầu tư cho phương án tuyển sinh riêng, có thể một trường hoặc nhiều trường cùng tổ chức một kỳ thi và lấy kết quả xét tuyển.

TS Nguyễn Quốc Anh, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP HCM cũng tán thành quan điểm trên. Không có kỳ thi THPT quốc gia, các trường mất đi một thước đo tương đối chuẩn xác để tuyển sinh. Việc vào đại học bằng điểm học bạ THPT cũng gây thiệt thòi cho những em định hướng thi cử từ đầu cấp, chỉ tập trung cho môn sở trường.

Một số trường đưa ra phương án dự phòng như Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) chiều đã lên kế hoạch tuyển sinh với từng phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, trường có thể tuyển sinh bằng ba phương thức còn lại nhưng vẫn phải tính toán thêm giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng, kiểm soát được đầu vào.

Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) năm nay tuyển khoảng 3.500 chỉ tiêu, dựa vào bốn phương thức: điểm xét tốt nghiệp, điểm thi THPT quốc gia, đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Nếu chỉ xét tốt nghiệp, trường sẽ phân bổ chỉ tiêu ở phương thức xét điểm THPT quốc gia sang phương thức khác, cụ thể 50% điểm xét tốt nghiệp THPT, 45% điểm đánh giá năng lực, còn lại tuyển thẳng.

Tốt nghiệp THPT nên để từng tỉnh có phương án riêng

GS.TS Võ Tòng Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020. Tuyển sinh đại học thay vì lo đầu vào cần thi chứng chỉ hành nghề cho sinh viên khi tốt nghiệp. Ông kiến nghị nên để sở giáo dục - đào tạo từng tỉnh giải quyết căn cứ trên học bạ các môn đã học thực sự. Trong học bạ có ghi các môn chưa học.

"Theo tôi, nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020 vì chương trình học lỡ dở. Kết quả cho dù phải tổ chức rầm rộ, tốn kém ngân sách và tốn thời gian quý giá của cả hệ thống như các năm trước vẫn khó bảo đảm được chất lượng mong muốn vì học sinh không học đầy đủ chương trình, cách học trực tuyến không bảo đảm toàn hảo vì cách biệt khả năng số trong học sinh các vùng miền, trong các môn học thi", GS Xuân nói.

Về phương án nên như thế nào để đỡ tốn kém, thuận lợi cho người học và các trường, GS.TS Võ Tòng Xuân đề xuất thành lập một số Trung tâm thi kiểm tra trình độ vào đại học, cao đẳng tại các vùng sinh thái của nước ta, tổ chức hai kỳ thi kiểm tra quốc gia mỗi năm. 

Thí sinh có thể nộp đơn xin nhập học vào nhiều trường đại học/cao đẳng cùng một lúc đúng theo ngành nghề mơ ước của mình. Các trường tổ chức tuyển sinh mỗi đầu học kỳ. Kết quả tuyển sinh sẽ được tất cả các trường công bố cùng một ngày. Ai không có mặt là kể như thí sinh đó là thí sinh ảo (đã chọn học ở trường khác rồi). Nhà trường sẽ loại thí sinh ảo đó ra và thay vào bằng cách cho đôn lên thí sinh có điểm cao kế tiếp.

Với kỳ thi THP quốc gia xét tốt nghiệp, mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi với ba bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Tuy nhiên vì dịch bệnh nên phải học online từ xa. 

Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia.

Trường hợp thứ nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8 và Bộ sẽ xem xét giảm môn thi và giảm nhẹ yêu cầu với học sinh.  

Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục.

Thanh Mai (tổng hợp)

Các tỉnh thành nào chưa có kế hoạch cho học sinh đi học trở lại?

Các tỉnh thành nào chưa có kế hoạch cho học sinh đi học trở lại?

Hiện một số tỉnh thành vẫn chưa tính đến thời gian cho học sinh đi học trở lại vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.