Hơn một năm trôi qua kể từ khi Việt Nam có ca nhiễm covid-19 đầu tiên, nhiều người đã thôi không thói quen đếm từng ca bệnh. Tin tức về những trường hợp dương tính mới với Covid-19 đã không còn khiến chúng ta quá sợ hãi hay lo lắng. Thay vào đó, một cuộc sống “bình thường mới” đang dần phải được thiết lập.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa dừng lại, một ngày còn dịch bệnh, chúng ta vẫn còn phải chiến đấu. Và trong công cuộc chiến đấu chưa một ngày ngơi nghỉ đó, các y bác sỹ vẫn luôn là những người luôn phải chực triến ở tuyến đầu, chưa bao giờ ngơi nghỉ.
Dưới đây là những chia sẻ của thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh (Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) với tạp chí Phụ Nữ Mới về những tháng ngày chiến đấu khốc liệt với dịch bệnh nơi tuyến đầu. Với chị, đó là những ngày tháng không thể nào quên!
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh (Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) |
“Hôm nào mẹ về thì mình đi ăn ĐẦY ĐỦ cả nhà mẹ nhé”
Kể từ khi dịch covid-19 bùng phát, thì ước mơ tưởng như nhỏ bé đó của con mình lại trở thành một mong muốn vô cùng lớn lao. Mình có 2 cháu, con gái lớn năm nay 11 tuổi, còn con trai nhỏ năm nay 7 tuổi. Trước khi có covod-19, bình thường thì một tuần bọn mình phải trực ở viện ít nhất 2 ngày/ tuần. Nghề y mà, bệnh nhân là trên hết, nên các bạn nhỏ nhà mình cũng phải làm quen với việc “mẹ phải đi làm, mẹ phải đi trực, mẹ phải đi công tác, mẹ phải tăng ca...”, rồi ngoan ngoãn với việc ở nhà với bà ngoại, với những bữa cơm không có mẹ.
Thế nhưng khi dịch bùng phát, thì khoảng thời gian vắng mặt ấy không tính bằng một ngày, hai ngày trực trong tuần như thường lệ nữa mà kéo dài tới vài tuần, tới cả tháng,thậm chí là hai, ba tháng. Anh xã nhà mình cũng làm ở Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, một trong những đơn vị chuyên nghiên cứu về Covid nên cũng rất bận. Và những ngày tháng đó mẹ con, vợ chồng chỉ được gặp nhau qua màn hình điện thoại. Nhưng dù nhớ con thì một ngày cũng chỉ dám gọi điện về nhà một lần vào buổi tối, thứ nhất vì cũng không có thời gian nghỉ nhiều, thứ hai là để hình thành thói quen tự lập cho con để con đỡ đòi mẹ, lại quấy ông bà.
Tập cho con mạnh mẽ là thế, nhưng nhiều khi chính mình lại bị yếu lòng, nhiều khi cả nghĩ liệu có phải mình lựa chọn công việc này là ích kỉ hay không, khi không thể lo lắng chu toàn cho gia đình. Có lần nghe con nói “hôm nào mẹ về thì mình đi ăn ĐẦY ĐỦ cả nhà mẹ nhé”. Ước muốn tưởng như đơn giản mà khi đó nghe sao xa vời quá, vì lúc ấy chính bản thân mình cũng chưa biết ngày nào mới về được với con.
Trẻ con thì thế, còn ông bà thì cứ lo lắng không ngừng: “nó đi làm có an toàn hay không” “công việc của nó có bị vất vả không, có bị quá tải không?” “ăn uống như nào?”…nên mỗi lần gọi về là ông bà lại nhắc nhở không ngừng. Đôi khi, mình cảm thấy có lỗi vì là con mà trong những lúc ngặt nghèo không chăm lo được cho ông bà, lúc nào cũng làm ông bà phải lo lắng. Nhưng nghề nghiệp của mình là vậy, không thể dừng lại được, cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác. Bố mẹ mình cũng là bác sĩ nên cũng rất hiểu và chia sẻ, ông bà không bao giờ trách móc hay bảo là thôi con nghỉ đi, con bỏ đi làm việc khác mà chỉ động viên là cố gắng giữ sức khỏe, thao tác tránh lây nhiễm.
Nhiều khi mình nghĩ không phải là mình hy sinh mà là mình ích kỷ, vì mình sống cho niềm yêu thích, đam mê của mình mà làm ảnh hưởng tới người thân. Mình hy vọng là mọi người thông cảm. Và các con có thể hiểu được là thực ra mẹ rất yêu chúng nó chứ không phải mẹ chỉ yêu công việc.
“Mình lo lắng hôm nay còn nhìn thấy các đồng nghiệp của mình tại đây, không biết ngày mai ra sao?”
Đại dịch covid thực sự cho mình rất nhiều những trải nghiệm, những cách tư duy, góc nhìn mới. Đây là lần đầu tiên mình chứng kiến nhiều đồng nghiệp cùng ngành Y trên thế giới chết vì dịch bệnh như thế. Trước đây mình cứ nghĩ bác sĩ phải là những người cứu sống mọi người, có quyền năng lớn lắm.
Nhưng trước dịch bệnh thì sự sống của bác sĩ hay của bất kỳ ai cũng không thể đảm bảo được. Mình thật sự sốc và đau lòng vì sự tàn khốc của bệnh dịch, độ sát thương chẳng kém gì những cuộc chiến tranh. Nói về điều này không phải là để thể hiện sự yếu đuối, mà thực sự trải qua cảm giác sinh tử cận kề, mới cảm thấy thêm yêu cuộc sống, cảm thấy mình cần có trách nhiệm nhiều hơn với chính bản thân mình, với người thân, đồng nghiệp, và cả bệnh nhân nữa. Với mình đó là một trải nghiệm rất khác. Khiến mình thêm yêu công việc mình đang làm, cảm thấy mọi việc trở nên thiêng liêng và cao đẹp vô cùng.
Rồi mình còn thấy tự hào về đất nướcmình nữa. Bạn biết không, mỗi lần chúng mình liên hệ trao đổi nghiệp vụ với bạn bè trong ngành Y ở các nước khác trên thế giới, họ đều trầm trồ nói với mình: “không thể hiểu nổi vì sao mà một nước nhỏ bé như Việt Nam có thể làm công việc phòng chống Covid tốt được như thế, có thể điều trị được cho bệnh nhân tốt được như thế?”. Thực sự, lúc đó mình cảm thấy tự hào vô cùng. Chuyện khốc liệt thì có lẽ mọi người cũng biết nhiều rồi, mình cũng không cần kể thêm. Có những lúc số bệnh nhân Covid tại viện lên đến hơn 500 người, mọi người làm việc căng như dây đàn, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đã trở thành chuyện hết sức bình thường.
Các bác sỹ đang tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân Covid nặng tại bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 |
Nhưng có một khoảnh khắc mà mình thực sự mãi mãi không thể quên. Đó là chiều tối đầu tiên có 2 cán bộ y tế của khoa cấp cứu bị nhiễm Covid -19, không khí lúc đó vô cùng căng thẳng. Trong thời gian tạm ngưng việc để dùng cơm chiều, từ trên khoa mình ở tầng 7 nhìn xuống thấy các anh chị trong khoa cấp cứu đang ngồi trên những chiếc ghế đá của khoa thực hiện giãn cách. Ánh mặt trời chiếu xiên lên từng khuôn mặt đồng nghiệp, lộ rõ những lo âu, những căng thẳng, không ai nói với ai. Khoảnh khắc đó gợi lên trong lòng mình rất nhiều cảm xúc.
Mình nghẹn ngào nghĩ: “ừ hôm nay còn nhìn thấy các đồng nghiệp của mình tại đây, không biết tới ngày mai ra sao? Có còn được nhìn, được gặp đồng nghiệp không hay dịch bệnh sẽ cướp mất họ như là các đồng nghiệp khác ở khắp thế giới?”Rồi liệu ai sẽ tiếp tục công việc này hay sẽ bỏ cuộc. Đó cũng là khoảnh khắc mình cảm nhận được rõ rệt sự khốc liệt của cuộc chiến, của dịch bệnh. Mình thấy mọi thứ trở nên thiêng liêng và thương đồng nghiệp vô vùng. Từ đó, mình cũng thấy mạnh mẽ hơn, muốn ở bên cạnh mọi người và góp một chút sức lực nhỏ bé vào công cuộc chiến đấu với dịch bệnh còn chưa biết bao giờ mới ngừng lại. Đó thực sự là những khoảnh khắc rất khó phai trong tâm trí mà mình nghĩ sẽ mãi mãi không thể quên đi được.
Rồi mọi thứ cũng qua, các ca nhiễm đều khỏi bệnh, mọi người ở viện vẫn bên nhau, và thậm chí càng gắn bó yêu thương hơn.
Nín thở mong chờ và cầu nguyện
Vài tháng cao điểm dịch bệnh cũng là khoảng thời gian mình chứng kiến những câu chuyện vô cùng xúc động. Có một kỉ niệm về việc một sản phụ nhiễm Covid-19 sinh con trong viện. Lúc đó, các anh chị y bác sĩ sản khoa vô cùng căng thẳng. Bởi đối với một sản phụ bị tổn thương phổi và suy hô hấp thì buộc phải tiên lượng tất cả các trường hợp có thể xảy ra. Lúc đó gần như cả bệnh viện đều nín thở mong chờ và cầu nguyện.
May mắn là sản phụ có thể đẻ thường, toàn bộ quá trình chuyển dạ và sinh bé đều được đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm một cách tuyệt đối. Sau đó ngay lập tức các bác sỹ cách ly em bé ngay khỏi mẹ. Kể thì nhanh thế thôi nhưng cả quá trình từ lúc chuyển dạ tới khi em bé chào đời và cách ly xong cũng mất vài tiếng đồng hồ. Cho đến khi em bé chào đời thì thực sự không chỉ người nhà bệnh nhân, mà cả các y bác sỹ đều vỡ òa vui sướng như là con mình vừa chào đời.
Các bác sỹ bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 giúp sản phụ mắc covid-19 hạ sinh an toàn |
Người mẹ sau khi sinh thì tiếp tục cách ly hơn một tháng, chỉ được ngắm con qua kính bảo hộ chứ không được chạm vào con, không được cho bú. Tuy nhiên với người mẹ ấy khi đó thì như vậy đã là một phép màu. Bé sơ sinh cũng phải cách ly đủ ngày ở viện cho đến khi được xuất viện cùng mẹ.
Hay có những lúc mọi người trong khu cách ly rất vui vẻ, các bênh nhận mở loa đánh đàn cho bác sĩ nghe. Lúc đó thấy tình cảm bác sỹ với bệnh nhân, cao hơn nữa là tình người, tình đồng bào thấy vô cùng gắn bó, chia sẻ.
Ngược lại, cũng có nhiều những chuyện buồn, như hoàn cảnh hai vợ chồng điều dưỡng trong khoa mình, khi dịch Covid bùng phát thì cuộc sống bị đảo lộn. Do lo sợ bị lây nhiễm, chủ nhà trọ đòi lại nhà, lúc đó các bạn ấy, rồi con cái các bạn vất vả vô cùng. Covid cũng cho mình một bài học về sự trân trọng những người thân yêu, đồng nghiệp, và trong một số hoàn cảnh nào đó, chúng ta cũng buộc phải chấp nhận những sự mất mát, vì đó là cuộc đời!
Để đánh giá hiệu quả vaccine không thể ngày một ngày hai
Mình nghĩ không nên lạc quan quá sớm,chúng ta cơ bản khống chế được sự lây lan trên diện rộng, nhưng vẫn cần đề cao cảnh giác. Năm 2021 có thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh hay không còn chưa thể nói chắcchắn được điều gì. Toàn thế giới đang trôngchờ vaccin, nhưng để đánh giá hiệu quả vaccine không thể ngày một ngày hai mà có thể cần tới cả năm trời thậm chí là lâu hơn.
Hơn nữa, vaccine có hiệu quả thì cũng không thể tiêm được cho toàn bộ người dân trên thế giới trong một thời gian ngắn. Vì vậy, mình hy vọng là chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch một cách quyết liệt để ngành Y tế không bị quá tải để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Hiện tại thì tất cả các bác sĩ ở tất cả cácchuyên khoa tại bệnh viện mình công tác đều có thể nắm được các loại bệnh truyền nhiễm và đều được tập huấn để có thể điều trị Covid, chăm sóc bệnh nhân covid. Nhưng mỗi người vẫn cần tuyệt đối chấp hành vấn đề an toàn vệ sinh dịch tễ, điều này nhắc mãi nhưng có lẽ vẫn là không bao giờ thừa.
Còn trong năm mới này, điều mình mong muốn nhất có lẽ là được thực sự trở lại cuộcsống “bình thường” chứ không chỉ là “bình thường mới”. Có thể tung tăng đi lại, đi chơi, đi cà phê với bạn bè, thực hiện ước mơ bé nhỏ của hai con...
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh sinh năm 1981 tại Hà Nội. Chị được tuyển thẳng vào học ngành bác sỹ đa khoa tại ĐH Y Hà Nội năm 1999 và là một trong ba thủ khoa tốt nghiệp đầu ra của trường.
Trong khoảng thời gian năm 2011 – 2012, chị theo học Thạc sỹ chuyên ngành truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới tại ĐH Nagasaki, Nhật Bản.
Tính đến nay, chị đã có gần 20 năm làm việc trong chuyên ngành truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trực tiếp điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm trong nhiều đợt dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm H5N1, cúm A H1N1, sốt xuất huyết Dengue… và tham gia điều trị hàng trăm bệnh nhân nhiễm SARS-CoV2 từ đầu vụ dịch đến nay.
Chị tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, đề tài hợp tác quốc tế; chủ nhiệm nhiều đề tài cấp cơ sở về các bệnh lý truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh Covid-19. Trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn thực hành lâm sàng cho sinh viên, học viên về các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh Covid-19. Là tác giả của 15 bài báo, trong đó có nhiều bài được đăng tải trên các tạp chí quốc tế ISSI, trong đó có các bài báo về dịch bệnh Covid-19.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh vinh dự được nhận giải thưởng Thầy thuốc trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2016, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân năm 2016.
Hà Nội lập chốt chặn tại nhà riêng của bác sĩ tiếp xúc BN1553
Lực lượng chức năng đã đưa bác sĩ làm việc tại bệnh viện ở Quảng Ninh-nơi BN1553 điều trị - đi cách ly.