Nghiên cứu toàn cầu cho thấy gần một phần ba trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật bị lạm dụng

Nghiên cứu phân tích được tiến hành trong ba thập kỷ với hơn 16 triệu thanh niên từ 25 quốc gia.

Theo khảo sát quốc tế, khoảng một phần ba số trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật bị bạo hành tâm lý và thể chất, trong đó 20% các em bị bỏ rơi và 10% bị bạo lực tình dục.

Từ năm 1990 đến 2020, tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health đã khảo sát hơn 16 triệu thanh niên ở 25 quốc gia. Kết quả đưa ra tỷ lệ trẻ khuyết tật bị ngược đãi lên đến 31.7%, và thậm chí còn bị chính các bạn đồng trang lứa bắt nạt.

  Nguy cơ bị bỏ rơi hoặc lạm dụng tình dục, thể chất và tinh thần ở trẻ khuyết tật cao gấp hai lần trẻ em khỏe mạnh. Ảnh: Dominic Lipinski / PA

Nguy cơ bị bỏ rơi hoặc lạm dụng tình dục, thể chất và tinh thần ở trẻ khuyết tật cao gấp hai lần trẻ em khỏe mạnh. Ảnh: Dominic Lipinski / PA

Các nhà nghiên cứu từ các trường đại học Leeds, Oxford, Bắc Kinh và Columbia đã xem xét dữ liệu đo lường bạo lực đối với trẻ khuyết tật trong các nghiên cứu của Trung Quốc và Anh giai đoạn 1990-2020. Trong đó có 75 nghiên cứu ở những nước phát triển và 23 nghiên cứu ở 7 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Ngoài ra, dữ liệu khảo sát cũng chỉ ra rằng, so với trẻ mắc chứng suy giảm chức năng, rối loạn vận động và các bệnh mãn tính, thì vấn nạn bạo hành thường xảy ra nhiều hơn đối với trẻ bị rối loạn tâm thần hoặc khuyết tật trí tuệ.

Jane Barlow, giáo sư chuyên về đánh giá chính sách và can thiệp dựa trên bằng chứng, Đại học Oxford, cũng là người đồng dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Mức độ trẻ khuyết tật bị ngược đãi đang ở mức báo động”.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ở các quốc gia có thu nhập thấp - nơi tình trạng nghèo đói và cô lập xã hội vẫn đang diễn ra thì tỷ lệ bạo hành sẽ cao hơn. Nguyên nhân còn được cho là bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử, kiến thức về người khuyết tật còn ít, và không đủ khả năng tiếp cận hỗ trợ xã hội cho những người chăm sóc.

Zuyi Fang ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh, một người đồng dẫn đầu khác của nghiên cứu khác này cho biết: “Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không chỉ đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ động lực kinh tế và xã hội phức tạp, mà còn phải thiết lập các khuôn khổ pháp lý để ngăn chặn bạo lực. Bên cạnh đó, năng lực các hệ thống dịch vụ xã hội và y tế cũng cần được nâng cao để có thể giải quyết các nhu cầu phức tạp của trẻ em khuyết tật và gia đình chúng”.

Tania King, nghiên cứu sinh cấp cao tại Đại học Melbourne cho biết dữ liệu này được thống kê trước đại dịch Covid, và tình trạng bạo lực này có thể còn đang tồi tệ hơn nhiều. Trong bối cảnh bị phong tỏa và thất nghiệp, các xung đột gia đình sẽ xảy ra nhiều hơn, khiến sự cô lập cũng như nguy cơ gây tổn thưởng cho trẻ em tăng cao, kể cả trẻ khuyết tật. 

Ước tính có khoảng 11% trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới (tương đương khoảng 291 triệu người) mắc chứng động kinh, thiểu năng trí tuệ, suy giảm thị lực hoặc thính giác. Hàng triệu trường hợp khác là trẻ khuyết tật về thể chất, nhận thức và thần kinh, hoặc bị bệnh mãn tính. Như vậy có thể chẩn đoán khoảng 90 triệu người có thể đã phải chịu ngược đãi.

Mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc là cho đến năm 2030 sẽ chấm dứt mọi hình thức bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, theo ước tính, mỗi năm vẫn có hơn 1 tỷ trẻ bị lạm dụng trực tiếp hoặc gián tiếp.

Vladimir Cuk, giám đốc điều hành của Liên minh Người khuyết tật quốc tế - tổ chức bảo trợ đại diện 14 tổ chức từ thiện cho người khuyết tật khu vực và quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ nói về kết quả nghiên cứu: “Không ngạc nhiên khi tỷ lệ trẻ khuyết tật, đặc biệt là những đối tượng chịu quản lý bởi các cơ quan thường trú lại bị ngược đãi về nhiều mặt cao hơn nhiều so với các trường hợp trẻ kém may mắn khác”.

Hương Giang