Ngày 3/3 là ngày Thính giác quốc gia của Trung Quốc. Vì vậy, Bệnh viện Zhujiang (Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) đã tổ chức thăm khám miễn phí sức khỏe thính giác cho cộng đồng trong 2 ngày. Ngày 2/3, một nam bệnh nhân đến khám tai bất ngờ nhận được chẩn đoán ung thư ống tai ngoài, trong khi bản thân ông chỉ cho răng mình bị nước vào tai dẫn tới viêm tai.
Cụ thể, người đàn ông này ngoài 50 tuổi, họ Châu, sống tại Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Ông vốn là người sạch sẽ, quan tâm tới sức khỏe, chăm vận động nên có vẻ ngoài trẻ trung và khỏe mạnh hơn rất nhiều so với tuổi. Người nhà ông Châu kể lại, vài tuần trước ông bắt đầu than phiền vì tai trái hơi đau, chảy dịch. Mọi người trong gia đình khuyên ông đi khám nhưng ông cho rằng mình bị nước vào tai khi gội đầu, làm sạch kỹ một thời gian là tự khỏi.
Người đàn ông phát hiện ung thư vì ngoáy tai mỗi ngày trong suốt 10 năm (Ảnh minh họa) |
Cho tới gần đây, cơn đau tai của ông Châu càng ngày càng nặng, cảm giác lan lên cả thái dương, tai chảy mủ vàng và có mùi hôi. Vẫn đinh ninh mình chỉ bị viêm tai nhẹ, nhưng muốn các con yên tâm nên ông quyết định tới phòng khám miễn phí tại sự kiện Bệnh viện Zhujiang. Thật không ngờ, bác sĩ vừa kiểm tra tai ông Châu liền yêu cầu ông gọi điện cho người nhà tới.
Tiến sĩ Zhang Hongzheng, giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đầu và Cổ - Tai mũi họng của Bệnh viện Zhujiang kể lại: “Bệnh nhân mắc phải một căn bệnh khá hiếm gặp: Ung thư biểu mô tế bào vảy ở ống tai ngoài bên trái. Điều tra bệnh sử cho thấy bệnh nhân có thói quen ngoáy tai mỗi ngày, thậm chí nhiều lần một ngày trong 10 năm liên tục. Đây chính là nguyên nhân gây bệnh”.
Về phần ông Châu, khi nghe bác sĩ giải thích kết quả chẩn đoán, ông sốc tới mức tay chân đột nhiên run lẩy bẩy. Bởi vì ông luôn cho rằng, ngoáy tai hàng ngày là thói quen tốt, rất sạch sẽ. Thậm chí ông còn khuyên con cháu, bạn bè của mình học theo.
“Tôi nhận ra mình ngoáy tai mỗi ngày không chỉ vì muốn sạch sẽ mà còn bởi nó tạo thành thói quen khó bỏ. Thậm chí nói là gây nghiện cũng chẳng sai. Bởi nếu một ngày không ngoáy tai ít nhất một lần tôi sẽ cảm thấy rất bứt rứt, khó chịu, ngứa tai dù ngoáy xong thì cũng chẳng hề có chất bẩn nào trên bông tăm hay que lấy ráy tai. Hóa ra tôi đã tự hại mình trong suốt 10 năm” - ông Châu vừa khóc vừa nói.
Bác sĩ nhắc nhở cách vệ sinh tai đúng cách, tránh “rước bệnh vào thân”
Tiến sĩ Zhang Hongzheng chia sẻ, ngoáy tai quá nhiều, quá thường xuyên hay quá mạnh tai, dùng sai loại dụng cụ… là những sai lầm phổ biến khi vệ sinh tai rất nhiều người mắc phải. Điều quan trọng là đa số mọi người không hiểu được tác hại khủng khiếp của những thói quen này. Thậm chí, cho rằng ngoáy tai mỗi ngày hoặc ngoáy tai thường xuyên là thói quen tốt, rất sạch sẽ hoặc cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều, có thể làm như một sở thích không tốn kém.
Ông giải thích thêm: “Thực tế, ráy tai cũng có công dụng của riêng mình và chúng ta không cần làm sạch chúng hoặc không làm sạch quá thường xuyên hay quá độ bỏi chúng có thể tự đào thải. Trong y học ráy tai được gọi là cerumen, có chức năng bảo vệ vì là một chất nhờn được tạo ra bởi phần lông bên ngoài của ống tai để ngăn chặn vi khuẩn, bụi bẩn hay côn trùng. Bản chất nhờn tự nhiên của ráy tai cũng giúp giữ ẩm, ngăn da ống tai bị khô và bong tróc, giảm nguy cơ tổn thương, nhiễm trùng, khô hay ngứa ống tai.
"Đối với những người trẻ tuổi, hầu như không cần phải làm sạch nó, trừ khi ráy tai nhờn bị vón cục, gây nghẹt tai và giảm thính lực. Đương nhiên, bạn có thể làm sạch ráy tai, nhưng không nên ngoáy tai quá thường xuyên, đặc biệt là dùng dụng cụ kim loại, vật sắc nhọn hay móng tay để ngoáy tay. Thậm chí, bông ngoáy tai cũng không hề an toàn như nhiều người nghĩ. Nhất là khi dùng bông tăm đẩy mạnh theo chiều vào bên trong, không chỉ làm ráy tai vào sâu hơn mà còn dễ gây thủng màng nhĩ, tổn thương ống tai, lâu ngày gây viêm tai cũng như nhiều biến chứng khác. Vệ sinh dụng cụ ngoáy tai cũng rất quan trọng”.
Với trường hợp của ông Châu, ngoáy tai trong thời gian dài sẽ kích thích lớp biểu bì của ống tai ngoài, khiến da tiết dịch, tạo thành một vòng luẩn quẩn khiến các sinh vật mới phát triển trong ống tai. Đồng thời, việc làm sạch quá mức làm mất chức năng bảo vệ tai của ráy tai, môi trường an toàn của ống tai. Cùng với đó, quá trình ngoáy tai quá mức, quá thường xuyên còn gây ra các tổn thương tai. Tất cả những điều này hiệp lực lại, dễ gây ung thư ống tai ngoài.
Ngay cả với dụng cụ ngoáy tai mềm như tăm bông cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm, ung thư ở tai nếu dùng sai cách (Ảnh minh họa) |
Theo các báo cáo, ung thư ống tai ngoài là một khối u ác tính hiếm gặp, chiếm khoảng 0,2% các khối u ở vùng đầu cổ, tỷ lệ mắc chung khoảng 1/1 triệu người. Đây là bệnh hiếm gặp và dễ bị bỏ sót do xem nhẹ triệu chứng, nhầm lẫn với bệnh nhẹ hơn. Tiến sĩ Zhang Hongzheng cũng nhấn mạnh rằng ung thư ống tai ngoài có biểu hiện lâm sàng không điển hình, ở giai đoạn đầu dễ chẩn đoán nhầm là viêm tai ngoài hoặc viêm tai giữa. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là chảy mủ tai, đau tai, giảm thính lực, ù tai, ù tai, chóng mặt…
“Nếu bạn cảm thấy ngứa ngáy thì chỉ nên dùng ngón tay cái hoặc khăn ẩm xoay quanh bên ngoài lỗ tai, mát xa gờ loa tai và nghiêng đầu sang một bên. Nếu muốn làm sạch nước trong ống tai sau khi tắm, bơi lội, bạn có thể sử dụng phương pháp nhảy bằng một chân và rung để thoát nước, hoặc có thể dùng tăm bông tiệt trùng có kích thước phù hợp để thấm nước nhẹ nhàng thay vì xoáy mạnh hay vô tình đẩy sâu ráy tai và nước vào bên trong. Còn nếu thấy tắc nghẽn nghiêm trọng và khó làm sạch, thậm chí thấy đau hay thính giác bị ảnh hưởng thì đừng tự ý ngoáy tai mà hãy đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ lấy ráy tai hoặc thăm khám nếu cần” - ông nhắc nhở.
Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor, Health 2.0
Bé trai 12 tuổi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, người mẹ suy sụp khi bác sĩ chỉ ra những điều tưởng chừng vô hại
Chính vì những thói quen không tốt và sự cưng chiều của bố mẹ đã khiến bé trai 12 tuổi phải gánh chịu hậu quả nặng nề.