Nguồn cung bất động sản sẽ được cải thiện trong năm 2022 nhưng giá nhà khó giảm

 Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định nguồn cung bất động sản sẽ được cải thiện trong năm tới. Bên cạnh đó, năm nay TP HCM sẽ đẩy mạnh nhiều gói đầu tư công, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, tác động tích cực cho thị trường bất động sản. Quỹ đất ở của TP HCM ngày càng hạn hẹp, trong khi tốc độ di dân cơ học ở thành phố tăng nhanh, nhu cầu nhà ở lớn nên giá tăng là tất yếu. Do đó, giá nhà khó giảm giá trong các năm tới.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán 2022 xuất hiện diễn biến trái chiều của nguồn cung và nguồn cầu trên thị trường bất động sản. Trong khi lượng tin đăng rao bán bất động sản tăng mạnh thì nhu cầu tìm kiếm, mua bất động sản có xu hướng giảm. Kể từ khi Covid-19 bùng phát đợt đầu tiên tại Việt Nam vào cuối quý I/2020 đến đợt dịch lần thứ tư, giá chào bán nhà đất vẫn tăng đều trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư mở bán lần đầu). Ngay cả giai đoạn phong tỏa, giãn cách, mức tăng bình quân của giá chào bán nhà chung cư và bất động sản liền thổ (đất nền, nhà phố, biệt thự) tại TP HCM lần lượt ghi nhận 10-15% theo năm.

Tại thị trường TP HCM, báo cáo của DKRA cho biết, giá nhà chung cư lẫn nhà liền thổ chào bán trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) vẫn tăng trong suốt quý III - giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế TP HCM - do phong tỏa phòng chống dịch. Tuy giá tăng, thanh khoản nhà ở giai đoạn này xuống thấp kỷ lục do ảnh hưởng tâm lý thị trường.

Theo thống kê của DKRA, sang quý IV, giá nhà ở TP HCM tiếp tục leo thang do nguồn cung khan hiếm. Các đợt chào bán nhà trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm đa phần đều là mở bán giai đoạn tiếp theo của các dự án cũ, giá bán đợt sau tăng trung bình 3-5% so với đợt mở bán trước.

Nhìn nhận về tình hình trên, theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, giá nhà tăng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát nặng nề, kinh tế khó khăn là một nghịch lý đang diễn ra thường xuyên tại thị trường TP HCM suốt năm 2021. Ông Nghĩa cho rằng các cuộc khủng hoảng bất động sản từng diễn ra trước đây trong lịch sử luôn gắn liền với khó khăn của nền kinh tế. Trong khi đó, ngay cả khi tăng trưởng GDP của thành phố giảm, giá nhà vẫn tăng là một điều đáng lo hơn đáng mừng.

Vị chuyên gia cho biết, nguyên nhân giá nhà leo thang do chủ quan là nguồn cung chủ yếu đến từ dự án cao cấp, nguồn cung bình dân gần như vắng bóng tại 2 thị trường lớn. Trong khi đó nguyên nhân khách quan do giá đất tăng, vật liệu xây dựng “phi mã” từ đầu năm.

Báo cáo thị trường bất động sản CBRE mới đây cho thấy, tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM vẫn chứng kiến đà tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo báo cáo trên, thị trường Hà Nội trong năm 2021, có khoảng 17.000 căn hộ mở bán, giảm 7% theo năm. Đây là năm thứ hai liên tiếp, thành phố ghi nhận nguồn cung mở bán mới giảm, dưới tác động của dịch COVID-19.

Theo phân khúc, căn hộ trung cấp vẫn là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường, chiếm 72% tổng nguồn cung mới trong năm. Phân khúc cao cấp đứng thứ hai, chiếm tỷ trọng gần một phần tư tổng nguồn cung mở bán mới, đây cũng là tỷ trọng cao nhất của phân khúc này trong vòng ba năm qua.

Đáng chú ý, Hà Nội chứng kiến sự ra mắt của dự án căn hộ siêu sang đầu tiên, nằm tại khu vực trung tâm, có mức giá cao nhất từ trước tới nay ghi nhận tại thành phố. Về vị trí, khu vực phía Đông, năm thứ hai liên tiếp, là khu vực tập trung nguồn cung mới lớn nhất Hà Nội. Báo cáo của CBRE cũng cho thấy, tính tới cuối năm 2021, giá bán sơ cấp trung bình tại thị trường Hà Nội đạt 1.596 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm – mức tăng theo năm cao nhất trong vòng năm năm qua.

Trải qua 2 năm dịch bệnh COVID - 19, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó, các đợt giãn cách xã hội khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ, giao dịch bất động sản bị chững lại do không tiếp xúc, không làm thủ tục mua bán.

Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đang có sự lệch pha về cung cầu lẫn các phân khúc nhà ở tại TP.HCM. Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM phát triển 15.000 căn NƠXH, chỉ đạt 75% kế hoạch. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân rất cao, giá nhà lại vượt mức thu nhập của nhiều gia đình.

Thậm chí trong năm 2021 vừa, TP hầu như không có dự án nhà ở vừa túi tiền nào ra mắt, người dân rất khó để tìm được căn hộ có giá dưới 30 triệu đồng/m². "Nhiều dự án dự kiến bán với giá "mềm", dưới 35 triệu đồng/m², song do mất cân đối cung cầu nên sau đó lại đẩy giá lên quá cao", ông Châu cho biết.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung mới ra thị trường chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Tới cuối năm 2021, bất động sản tại nhiều khu vực vẫn tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc về cả lượt tìm kiếm, giá bán lẫn giao dịch. Bất động sản sẽ là kênh trú ẩn an toàn cho một bộ phận người giàu trong xã hội khi xảy ra lạm phát. Điều này sẽ tăng giá bất động sản, qua đó làm giảm cơ hội mua nhà của người lao động có thu nhập thấp và trung bình

Tổng Hợp