Nguồn gốc ít người biết của "Silent Night": ca khúc Giáng Sinh kinh điển qua 200 năm

Đã hơn 200 năm kể từ khi "Silent night" ra đời, nhưng mỗi mùa Giáng Sinh về, đây vẫn là bản hit kinh điển được ngân vang trên khắp thế giới.

Với giai điệu và ca từ đơn giản nhưng ý nghĩa, mang thông điệp về hòa bình, Silent night được dịch sang hơn 300 thứ tiếng và trở thành một ca khúc kinh điển được vang lên hàng triệu triệu lần mỗi dịp Giáng Sinh về. 

Ít ai biết được ca khúc Silent Night  kinh điển có một nguồn gốc kỳ lạ... 

Mùa đông năm 1792, tại Salzburg (Áo), cậu bé Joseph Mohr sinh ra trong gia đình một thợ đan nghèo, cha bỏ đi từ khi cậu còn rất nhỏ. Lớn hơn, Joseph đến ở với bà ngoại nghèo khổ túng thiếu. Mỗi khi đói rét, Joseph thường lang thang đâu đó để quên đi. Một lần, Joseph ghé vào một nhà thờ trong làng và gặp ông Johann Hiernle, người chỉ huy dàn hợp xướng.

Nhận thấy tài năng thơ ca, âm nhạc của Joseph, khi cậu đủ tuổi, Hiernle cho cậu vào học tại một trường ngữ văn nổi tiếng tại Kremsmnster. Rồi Joseph tốt nghiệp trường dòng, được phong linh mục khi vừa 23 tuổi. Về một nhà thờ ở miền núi xinh đẹp, Joseph sáng tác rất nhiều bài thơ. Xúc cảm từ một mùa Noel tuyết trắng phủ không khí yên ắng của đất trời trong một buổi sáng nọ, Joseph ngồi xuống chiếc bàn gỗ và viết một mạch bài thơ ngắn mang tên “Stille Nacht! Heilige Nacht!” (tiếng Anh có nghĩa là “Silent Night! Holy Night!”; tạm dịch “Đêm thinh không! Đêm linh thiêng!).

Sau đó, Joseph chuyển đến nhà thờ Thánh Nicholas miền Oberndorf nước Áo.

Tác giả ca khúc Silent night, Franz Xaver Gruber (phải) và linh mục Joseph Mohr (trái). (Nguồn: Tiền Phong)
Tác giả ca khúc Silent night, Franz Xaver Gruber (phải) và linh mục Joseph Mohr (trái). (Nguồn: Tiền Phong)

Một ngày mùa đông năm 1818, Joseph Mohr khi đó đã trở thành một linh mục, lúc đó mới 25 tuổi, đang cố hoàn thành mọi việc sửa soạn cho thánh lễ Giáng sinh thì phát hiện chiếc phong cầm của nhà thờ bị hỏng. Bất chấp mọi cố gắng sửa chữa của cha, chiếc đàn vẫn im lìm không lên tiếng.

Nhận thấy không thể làm gì hơn, vị linh mục ngừng lại và cầu nguyện. Cha cầu xin Chúa cho cha tìm được một giải pháp để đem âm nhạc đến với giáo dân trong ngày lễ có ý nghĩa nhất trong năm. Và rồi cha đã tìm được gợi ý cho lời cầu nguyện của mình khi nhớ tới bài thơ mà mình sáng tác cách đây gần hai năm. Đó là bài Still Nacht! Heilige Nacht! (Đêm yên lặng! Đêm thánh!). Cha thấy dường như Chúa đã cho cha một tia sáng hi vọng. Bỏ bài thơ vào túi áo, cha vội vã ra khỏi nhà băng qua những đường phố đầy tuyết phủ, tìm gặp Franz Xaver Gruber - người chơi đàn cho nhà thờ St. Nicholas nhỏ bé. Chỉ còn mấy giờ nữa là thánh lễ nửa đêm bắt đầu.

Cũng vào chiều hôm đó, Franz Gruber, người giáo viên làng 31 tuổi, đang co ro trong căn phòng nhỏ bên cạnh trường học thì cha Morh bước vào, hối hả kể cho ông giáo làng nghe nỗi khó khăn của mình. Sau khi bảo Gruber rằng chiếc đàn không thể sửa được, cha liền đem bài thơ ra và nói:

- Franz, anh xem có thể viết nhạc cho bài thơ này để ca đoàn hát được không? Không có phong cầm thì ta chơi guitar vậy.

Rồi vị linh mục đưa mắt nhìn đồng hồ trên bàn, nói thêm: “Không còn nhiều giờ nữa đâu”.

Đọc kỹ bài thơ, Gruber gật đầu, chấp nhận thử thách.

Mấy giờ sau, hai người gặp nhau tại nhà thờ. Gruber đưa cho vị linh mục xem bản nhạc của mình. Linh mục dùng đàn guitar gảy lên những nốt nhạc rồi vội vã chuyển cho ca đoàn. Không có nhiều thời giờ, cha Mohr và Gruber chỉ dạy được cho ca đoàn phần hòa âm bốn giọng của mỗi hai câu thơ cuối.

Trong thánh lễ nửa đêm, cha Mohr và Gruber giới thiệu bản nhạc nhỏ bé và giản dị của hai người. Cha Mohr đệm guitar và hát giọng nam cao, Gruber hát giọng trầm và cứ sau mỗi đoạn thì ca đoàn của nhà thờ sẽ hòa chung phần điệp khúc. Vào gần nửa đêm, giáo dân trong vùng tưởng như thường lệ người chơi đàn đại phong cầm tấu lên những bài ca mừng Noel hùng tráng... Nhưng không, họ chỉ nghe thấy tiếng đàn guitar nhẹ nhàng nâng giai điệu Silent Night, phảng phất âm hưởng dân ca vùng nông thôn nước Áo chầm chậm lan tỏa ra trong tĩnh lặng thinh không của một thời khắc thiêng liêng…. Một Noel thật đáng nhớ.

Cha Mohr và Gruber  đâu ngờ rằng Still Nacht! Heilige Nacht! được dịch sang tiếng Anh là Silent night vào tháng 12-1839, không chỉ sẽ được nhớ tới vào ngày Giáng Sinh năm sau trong ngôi làng bé nhỏ của họ mà còn được khắp thế giới ca vang.

Bản nhạc ca khúc Silent night của Franz Gruber. 9Nguồn: Thể Thao Văn hóa)
Bản nhạc ca khúc Silent night của Franz Gruber. 9Nguồn: Thể Thao Văn hóa)

Năm 1891, ca khúc đã tới Anh, Thụy Điển và Ấn Độ, sau đó là Đông Phi, New Zealand, Nam Mỹ… Nhiều nhà xuất bản đã cho rằng ca khúc này là sáng tác của một trong số các thiên tài âm nhạc như Haydn, Mozart, Beethoven. Chỉ mãi tới khi Franz Gruber gửi tới các báo và các nhà xuất bản bản sao tờ phổ nhạc của mình thì nguồn gốc đích thực mới được công nhận. 

Mặc dù vậy, khán giả khắp nơi đều có chung cảm nhận rằng giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, ca từ đơn giản của bài hát này tạo được sự đồng điệu trong tâm hồn và cảm xúc của nhều người, nhất là trong ngày lễ ý nghĩa. Nó mang lại cảm giác thoải mái, giúp ta như hòa mình vào không khí ấm cúng của đêm Noel trong thông điệp vĩnh cửu về hòa bình. 

Năm 2011, Silent Night đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Năm 20018, nước Áo đã tổ chức chương trình mang tên 200 Years Silent Night – Austria’s Peace Message to the World  nhằm kỷ niệm 200 năm ca khúc Silent night ra đời và truyền tải thông điệp Hòa bình của Áo gửi tới Thế giới.

Tại Việt Nam, ngoài phiên bản tiếng Anh, phiên bản lời Việt được nhạc sĩ Hùng Lân soạn với tên gọi Đêm thánh vô cùng từ hơn nửa thế kỷ trước, là phổ biến nhất. Những giai điệu bất hủ này vẫn cứ ngân nga trong mỗi mùa Noel, trở thành ký ức đáng nhớ của nhiều người.

Thu Thanh (t/h)

Các nước trên thế giới ăn gì trong tiệc Giáng sinh?

Các nước trên thế giới ăn gì trong tiệc Giáng sinh?

Tại nhiều nước trên thế giới, bữa tiệc đêm Giáng sinh là dịp vô cùng quan trọng để gia đình, người thân sum vầy. Vậy họ dùng món gì trong tiệc này?