Sau khi tốt nghiệp Đại học và đi làm, tôi mới bắt đầu quan tâm đến việc học cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm. Trước đó, vì vẫn được bố mẹ hỗ trợ tiền học, tiền ăn cũng như tiền sinh hoạt phí hàng tháng, nên tôi cũng không mấy bận tâm đến vấn đề chi tiêu của gia đình.
Và tôi đã thực sự hoảng hốt khi nghe mẹ nói rằng mỗi tháng, mẹ cần 800 NDT (khoảng 2,8 triệu đồng) để trang trải toàn bộ chi phí cho cả nhà, bao gồm tiền ăn uống và tiền điện nước. Phải nói thêm, tôi là con một, gia đình chỉ có 3 người.
Dẫu vậy, mức ngân sách 800 NDT/tháng vẫn là con số không tưởng. Vậy mà mẹ tôi vẫn khéo léo chi tiêu, để cả nhà có cuộc sống đủ đầy, thoải mái, không có vẻ gì là thiếu thốn hay quá khắc khổ để cắt giảm chi tiêu.
Mẹ bảo vì thế hệ chúng tôi hay sa đà vào mua sắm linh tinh, nên mới cảm thấy 800 NDT là con số nhỏ. Chứ thời bố mẹ, chừng đó tiền có khi còn đủ cho nhà 4-5 người. Bí quyết để có thể dùng 800 NDT lo cho gia đình 3 người, theo lời của mẹ, là “chẳng có gì cao siêu”.
1 - Không thay mới các vật dụng trong nhà nếu chúng còn dùng tốt
Bộ sofa gần “17 tuổi”, chiếc nồi cơm điện dùng suốt 10 năm, hay cái tủ lạnh mua từ năm 2000,... tất cả những món đồ đó đều là nỗ lực tiết kiệm của mẹ, chỉ có điều là tôi không nhận ra.
Đối với mẹ tôi, điều tiên quyết cần cân nhắc khi mua một món đồ mới chính là “Cái cũ mình đang có có còn dùng tiếp và dùng tốt được không?”. Nếu câu trả lời là có, mẹ sẽ chẳng bao giờ chi tiền để thay mới, dù chúng có lỗi thời và “già nua” đến đâu.
Mẹ tôi áp dụng quy tắc này với hầu hết các món đồ, không riêng gì đồ nội thất hay đồ bếp. Kể cả quần áo, giày dép, đệm, ga trải giường,... miễn là chúng còn dùng tốt, các sản phẩm mới, hiện đại, bắt mắt cỡ nào cũng không có cửa “móc” được tiền trong ví của mẹ.
2 - Không lãng phí thực phẩm
Trong mắt tôi, tài nấu nướng của mẹ cũng ngang tầm một “kỳ quan phi vật thể”. Không rõ bằng cách nào mà mẹ có thể sáng tạo những món ăn khác nhau cả về hình thức lẫn hương vị chỉ với 1 vài loại nguyên liệu, đôi khi chính là canh thừa, thịt thừa từ bữa trước.
Nhưng những bữa ăn của gia đình tôi thường không có bữa nào lặp món. Mỗi bữa đều có 1 hoặc 2 món mặn, thường là thịt/cá/trứng xen kẽ, 1 đĩa rau và 1 món canh.
“Miệng ăn núi lở, không khéo nấu nướng, cứ lãng phí thực phẩm thì bao nhiêu tiền cũng không đủ” - mẹ nói.
Sau đó, tôi mới để ý cách tiết kiệm tiền thông qua việc trân trọng thực phẩm của mẹ. Ví như việc khi mua 1 khay tôm sống, mẹ sẽ dùng vỏ tôm và râu tôm để nấu canh cho ngọt nước, còn thịt tôm thì rang lên. Cứ như vậy, tiền ăn không cần quá cao, mà mẹ vẫn lo được cho cha con tôi những bữa ăn vừa ngon, vừa đa dạng.
3 - Tiết kiệm điện, nước
Trước đây, tôi vốn nghĩ rằng việc mẹ cứ rút hết ổ điện, tắt hết các loại công tắc, chỉ cắm mỗi cái tủ lạnh, là vì mẹ sợ chập điện rồi cháy nhà. Nhưng hóa ra, mẹ làm thế với mục đích chính là tiết kiệm điện. Thậm chí, nhà tôi còn không dùng đèn ngủ, vì mẹ bảo đi ngủ mà có ánh điện là không tốt, lại cũng gây tốn điện, tốn tiền nữa.
Chưa hết, mẹ còn yêu cầu bố thay hết vòi nước trong nhà sang loại có áp lực nhỏ, để tiết kiệm tiền nước. Theo lời mẹ tôi kể, các loại vòi nước mà chủ đầu tư lắp sẵn thường có công suất lớn, nên dòng nước chảy ra rất mạnh, gây tốn nước một cách không cần thiết, nên mẹ quyết định đổi loại vòi khác, tốn tiền 1 lần nhưng lại tiết kiệm được khối tiền nước về lâu về dài.
4 - Dùng quần áo cũ làm giẻ lau
Áo lót hỏng hoặc không mặc nữa, thì cắt làm đôi làm đồ nót nồi. Khăn mặt rách, đem dùng làm giẻ lau bếp. Quần áo chật hoặc bị bai nhão, không thể sửa được, đem làm giẻ lau nhà. Sau khi nghe mẹ kể, tôi mới nhận ra suốt hơn 22 năm cuộc đời, tôi chưa từng thấy bóng dáng một chiếc thảm, hay 1 chiếc giẻ lau chuyên dụng nào trong nhà.
Mẹ tôi tiết kiệm từng chút một, từ những thói quen nhỏ nhất, những hoạt động thường nhật nhất mỗi ngày. Nhờ thế, dù không tiêu nhiều tiền, gia đình tôi vẫn có cuộc sống thoải mái, đủ đầy.
Học cách tiết kiệm kỷ luật qua 4 việc này, tôi có cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn dù thu nhập vẫn vậy
Tôi nhận ra yếu tố quan trọng nhất trong việc tiết kiệm tiền chính là tính kỷ luật.