"Nhà tạm lánh": cứu cánh cho các nạn nhân bạo lực gia đình

Để tạo thêm bước chuyển biến, giúp các nạn nhân hồi gia cũng như giảm thiểu tình trạng bạo lực, giải pháp "Nhà tạm lánh" đã ra đời.

Bạo lực gia đình nhiều năm qua đã trở thành vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ về thể xác mà còn cả tâm lý. Có không ít các nạn nhân thường xuyên phải hứng chịu cảnh bạo lực trong thời gian dài nhưng hoàn toàn bất lực không thể phản kháng hoặc cầu cứu sự giúp đỡ của cộng đồng. Khi bị bạo lực, nạn nhân không biết nên tìm đến đâu, nếu về với bố mẹ đẻ hay người thân khác, đôi khi sẽ gây ra cảnh bạo lực lớn hơn. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi công tác phát hiện, can thiệp, xử lý bạo lực gia đình vẫn còn nhiều hạn chế thì một mô hình được coi là cứu cánh tạm thời cho các nạn nhân đã ra đời. Mô hình này có tên gọi là "Nhà tạm lánh", hoạt động với mục tiêu là hỗ trợ và tư vấn các vấn đề về tâm lý, pháp luật cơ bản cho các nạn nhân của bạo lực khi được phát hiện. Tại đây, nạn nhân sẽ được chăm sóc sức khỏe cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu về tạm lánh khẩn cấp (nơi ăn chốn ở, dịch vụ hỗ trợ y tế) và chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết. 

GS Lê Thị Quý là người đầu tiên nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam từ năm 1989. Sau khi tìm hiểu về mô hình này ở một số nước trên thế giới, bà luôn trăn trở về việc thành lập mô hình "nhà tạm lánh" ở Việt Nam.

GS.TS Lê Thị Quý
GS.TS Lê Thị Quý

Bà chia sẻ: "Trong một hội nghị chống bạo lực gia đình tổ chức ở Campuchia, chuyên gia người Đức cho biết ở Đức có 600 nhà tạm lánh. Tôi hỏi: “Nước bà có bao nhiêu dân?”, bà ấy trả lời: “90 triệu dân”. Tôi lại hỏi: “Theo bà có đủ không”? Bà nói: “Quá ít”. Tôi đáp: “Việt Nam chỉ có một vài nhà thôi”. Nghe vậy, bà ấy nhìn tôi như người đến từ hành tinh khác. 600 nhà tạm lánh ở Đức với số dân tương đương dân số của Việt Nam. Con số ấy khiến tôi tự hỏi đi hỏi lại: phải làm cách nào để có thể cứu được những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình ở ta?".

Theo bà, dù đây là phương án cần thiết và hiệu quả nhưng việc xây dựng lại hết sức tốn kém và điều kiện kinh tế chưa cho phép. Chưa kể nếu đây trở thành một địa chỉ nhiều người biết thì người gây bạo lực sẽ đến phá phách, dư luận đổ lỗi cho người đi tạm lánh, các địa chỉ tạm lánh cũng xa xôi sẽ không có điều kiện giúp đỡ kịp thời các nạn nhân.

"Không có kinh phí thì phải làm theo cộng đồng, với “kiểu rẻ” của mình. Và tôi đề xuất. Lúc đó, Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam quyết ngay: “Chị làm đi!”, GS Quý cho biết.

Từ những băn khoăn này, GS Quý đã nghĩ đến việc dựa vào công đồng để khắc phục những hạn chế. Đầu tiên, bà xin phép lập dự án xây dựng các “Nhà tạm lánh” tại Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định. May mắn là đề xuất của bà được chính quyền địa phương, hội phụ nữ các xã, huyện đã phối hợp tốt và tạo hiệu quả cao. Chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình "Nhà tạm lánh" đã được triển khai ở một số tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Phước…

GS Quý cùng những đồng nghiệp của mình sau khi huy động chính quyền địa phương làm thành viên ban quản lý, đã một đường dây nóng (hotline) để tiếp nhận thông tin. Tiếp đó là “Đội can thiệp nhanh” với nhiệm vụ sau khi tiếp nhận thông tin phải xuống ngay để tách nạn nhân và người gây bạo lực ra, đưa người gây bạo lực lên chính quyền. Tiếp theo là lập một nhóm “Nhà tạm lánh” ngay tại cộng đồng.

Quy trình hoạt động của "Nhà tạm lánh" bao gồm hỗ trợ về vật chất sinh hoạt, tư vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, căng thẳng... từ đó tiến hành hòa giải, trở về nhà. Nếu hòa giải không thành công, cán bộ địa phương sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý để giúp nạn nhân.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) là cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về lĩnh vực trợ giúp xã hội đã hướng dẫn các địa phương triển khai các trung tâm công tác xã hội để tư vấn, trợ giúp cho các đối tượng xã hội, trong đó có nạn nhân của bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, xây dựng một số mô hình nhà tạm lánh trợ giúp trẻ em dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có trẻ em bị bạo lực, xâm hại cũng được quan tâm. Hay mô hình nhà tạm lánh “Ngôi nhà bình yên” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển- Hội LHPNVN chính thức hoạt động từ tháng 3/2017 đến nay với sự chung tay và hỗ trợ của rất nhiều tổ chức quốc tế. 

Trong giai đoạn 2017-2020, Bộ LÐ-TB&XH hỗ trợ mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm 1 mô hình tại 1 xã (phường, thị trấn) từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020. Bộ cũng khuyến khích các địa phương, tổ chức liên quan huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để nhân rộng mô hình ra các địa bàn khác.

Ra mắt mô hình
Ra mắt mô hình "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh" của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào năm 2018. Ảnh H.Hòa    

Tuy nhiên, vấn đề điều nhiều băn khoăn đó chính là dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực được hơn 10 năm nhưng chưa có giải pháp thực tế để thực thi luật. Ngay như Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định các cơ sở “tạm lánh” giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình không quá ba ngày. 

Các chuyên gia cho rằng, thời gian hỗ trợ như vậy là quá ít, trong khi đó một số cơ sở hỗ trợ lưu trú 15 ngày đến hai tháng, tùy từng trường hợp có thể hỗ trợ giới thiệu việc làm.

Việc cần thiết là nên huy động các nguồn lực bằng việc xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức phi Chính phủ, cộng đồng tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Nhà nước cần tạo bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng “Nhà tạm lánh”, giảm bớt các thủ tục về trình báo để nạn nhân có thể được hỗ trợ nhanh chóng, trực tiếp hơn. Các bộ, ngành cùng các địa phương cần thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các mô hình “Nhà tạm lánh” chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng hơn là những biện pháp nâng cao nhận thức trong mỗi gia đình, trong cộng đồng và các cấp chính quyền địa phương để cùng lên án và điều chỉnh các cá nhân thiếu ý thức, cũng như hỗ trợ, bảo vệ kịp thời cho các nạn nhân.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu một số nội dung như: Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát và bổ sung một cách có hệ thống các hành vi bạo lực gia đình cũng như việc áp dụng đối với đối tượng có liên quan. Hai là, đảm bảo công tác tư vấn, hòa giải. Để tránh bạo lực xảy ra, cần làm tốt công tác phòng ngừa bạo lực gia đình. Cần nghiên cứu đưa người gây bạo lực cũng là đối tượng của tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong phòng chống bạo lực gia đình thay vì chỉ quy định xử lý vi phạm, cấm tiếp xúc… Có như vậy thì mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Cần đa dạng hóa các hình thức tư vấn để phù hợp với tình hình thực tế. Theo dự thảo, hiện chỉ có 02 hình thức tư vấn là tư vấn ở cộng đồng và tư vấn tại cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý, trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các hình thức tư vấn gián tiếp như tư vấn qua điện thoại, thư điện tử, mạng xã hội, làm các clip ngắn trên mạng xã hội… ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình để đa dạng hóa, gia tăng hiệu quả của công tác tư vấn.

Tiếp đó, đảm bảo nạn nhân bị bạo lực được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt nhóm nạn nhân dễ bị tổn thương. Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam xây dựng được 03 Nhà tạm lánh với tên gọi Ngôi nhà Bình Yên, trong đó 02 Nhà tạm lánh ở Hà Nội (Vùng Đồng bằng sông Hồng), 01 Nhà tạm lánh ở Cần Thơ (Vùng Đồng bằng sông Cửu Long), đang thực hiện hỗ trợ nạn nhân trên nhiều phương diện: nơi ở, đời sống, tâm lý, pháp lý… Để phát huy hiệu quả mô hình, giúp hỗ trợ được nhiều nạn nhân hơn, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, nhân rộng mô hình "Nhà tạm lánh" ở các địa phương.

Thanh Mai

Tuổi thơ ai cũng từng: Giai điệu cùng tới trường

Tuổi thơ ai cũng từng: Giai điệu cùng tới trường

Những bài hát thiếu nhi như Em là hoa hồng nhỏ, Cả nhà thương nhau, Cho con... đều là những ca khúc gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.