Một mùa hè nữa lại đến với các bạn nhỏ và như thường lệ, hầu hết những bộ phim dành cho các bạn thưởng thức ở rạp là phim hoạt hình của nhà sản xuất nước ngoài. Lựa chọn duy nhất của phim Việt là Maika, cô bé đến từ hành tinh khác dường như không dành được nhiều ưu thế.
Một bộ phim tốt chưa đủ thay đổi cả thị trường
Ra mắt cuối tháng 5, thời điểm bắt đầu mùa hè và cũng đón đầu Quốc tế thiếu nhi, Maika được ngợi khen trên nhiều đầu báo lớn và xuất hiện liên tiếp trong các dòng trạng thái của những người tham dự. Sự chắc tay của đạo diễn nhiều kinh nghiệm Hàm Trần đã tái hiện thành công một biểu tượng tuổi thơ trong đời sống giải trí nhiều thế hệ người Việt. Cô bé tóc tím mang phép màu trên chiếc du thuyền hạ cánh xuống trái đất, mở ra một thế giới mới lạ với cậu nhóc Hùng mồ côi mẹ đang sống cùng cha. Diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên nhí, nhiều câu thoại hay gợi nên cảm giác tiếc thương kết nối chữa lành, việc giỏi thu vén kinh phí cho sản xuất bối cảnh đã khiến bộ phim bỏ qua được điểm yếu về kỹ xảo, tuyến truyện của người lớn để gây được thiện cảm với khán giả theo dõi.
Đây cũng là đại diện phim Việt tham dự, tranh giải ở một số liên hoan phim quốc tế hạng vừa và được quan tâm tại các hội chợ phim đó, đặc biệt ghi dấu ấn ở Sundance LHP lâu đời, bệ đỡ cho nhiều tác lập điện ảnh độc lập thế giới.
Tuy nhiên sau cuối tuần đầu tiên, doanh thu phòng vé của phim chưa đến 2 tỷ đồng. Có nhiều lý do khách quan ảnh hưởng như thời tiết mưa lớn tại Hà Nội, thói quen xem phim ngoài rạp của cả gia đình sau dịch chưa ổn định hay đang bắt đầu mua phim hè với nhiều bom tấn màn ảnh rộng. Hơn nữa, Maika cô bé tóc tím đáng yêu đấy nhưng mà còn quá xa lạ với các bạn nhỏ thời nay. Đối tượng khán giả thực sự của bộ phim chính là những ai đã từng là thiếu nhi của mấy chục năm trước, giờ thậm chí đã lên chức ông bà. Kỳ vọng cả gia đình cùng đến rạp xem phim Việt giữa ma trận các video giải trí miễn phí trở nên bất khả thi mùa này. Nhiều em bé được bố mẹ đưa đến rạp khi được lựa chọn phim vào xem sẽ dễ thu hút bởi các nhân vật phim hoạt hình đã quen thuộc hay các bộ phim có poster bắt mắt cùng thời điểm khởi chiếu như Đại náo cung trăng, Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon 2021, Chuyến phiêu lưu của Pil...
Vì thế, cho dù phim đang được các nghệ sỹ nổi tiếng và có vai trò trong nền điện ảnh đương đại như đạo diễn – nhà sản xuất Trấn Thành, Ngô Thanh Vân ủng hộ, việc tăng tốc bứt phá sau ngày 1/6 ở rạp chiếu vẫn là một khả năng thấp dù chưa đến mức tuyệt vọng. Ngoài ra, việc phim được làm theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nhằm khích lệ giới làm phim tư nhân và đã có nhiều lời mời phát hành ở Âu Mỹ nhưng với một bộ phim nói tiếng Việt, sự thiếu nồng nhiệt của khán giả trong nước những ngày đầu khởi chiếu là một thực tế buồn.
Thế khó trăm bề trong quá trình sản xuất phim chiếu rạp cho các bạn nhỏ.
Ai có kinh nghiệm và hiểu biết về ngành phim, đều hiểu làm việc với diễn viên trẻ em và thú vật, dùng kỹ xảo kể chuyện là đều là đề bài khó nhằn nhất. Trong nhiều trường hợp, phim thiếu nhi sẽ bao gồm tất cả các yếu tố đó. Maika cũng không là ngoại lệ khi vừa đi theo hành trình đến trái đất của cô nhóc ngoài hành tinh, vừa có những trải nghiệm về dàn dựng bối cảnh của quá khứ và “phép thuật ánh sáng tím” của nhân vật chính. Mà chuyện làm kỹ xảo, không rẻ trên toàn thế giới chứ chẳng riêng ở Việt Nam.
Các nhà làm phim muốn sản xuất nội dung cho đối tượng này trước hết phải nhận thức được những thử thách mình phải đối mặt cả về kinh phí, nhân sự, quá trình chuẩn bị và huấn luyện trước mỗi cảnh quay. Hầu hết các phim đều tuyển các diễn viên nhí của mình đúng tuổi nhân vật, đồng nghĩa các bạn nhỏ đang trong độ tuổi đi học, có những ẩm ương đúng tuổi luôn. Đạo diễn và ê-kíp sản xuất làm việc với trẻ nhỏ sẽ phải kiêm luôn bảo mẫu, người huấn luyện, đảm bảo cả sức khoẻ và thể chất và tinh thần cho mỗi bé trước khi lên set quay. Có nhiều bé chưa đến tuổi đọc kịch bản, mà có đọc cũng chưa hiểu được ý nghĩa từng câu thoại hay hoàn cảnh nhân vật. Huấn luyện viên diễn xuất của các em cần trò truyện, tạo không khí để trước khi cảnh quay với hàng trăm con người dàn dựng bối cảnh ánh sáng máy móc thực sự bắt đầu. Ngay cả với những bộ phim không hoàn toàn làm cho thiếu nhi nhưng có lấy thiếu nhi làm đối tượng câu chuyện, sử dụng các diễn viên nhí như Đoạt Hồn, Đêm tối rực rỡ, Hai Phượng…quá trình sản xuất phức tạp này cũng không hề bớt khó khăn.
Nguồn kịch bản thiếu nhi cũng còn hạn chế khi nhà đầu tư không thực sự quan tâm tìm kiếm và các nhà biên kịch cũng không mấy mặn mà cho những dự án thách thức. Nguồn văn học thiếu nhi trong nước thì càng hiếm hoi khi các tác giả hoặc hứng thú với các câu chuyện đương đại tình tiền hoặc chuyên tâm sản xuất cho các series dành cho các em nhỏ chưa biết đọc chữ phát đều đặn trên truyền hình và các kênh số, cho thu nhập ổn định hơn. Nội dung văn học yếu và thiếu, tạo nên một thế hệ các bạn nhỏ quen với giải trí nhanh với các video ngắn nhiều hơn.
Nhưng vẫn còn chút ánh sáng trong con đường sản xuất phim rạp cho khán giả nhỏ tuổi khi nhiều đạo diễn và nhà sản xuất đã vượt qua thách thức, thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp khi cho trình làng nhiều diễn viên nhí diễn xuất tốt, biểu cảm và phong cách làm việc chuyên nghiệp như Thanh Mỹ, Cát Vi, Ngân Chi (Anh thầy ngôi sao, Bố Già…), Trọng Khang (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), hứa hẹn là một thế hệ diễn viên đầy triển vọng.
Bài toán tiếp thị và phát hành phim thiếu nhi
Các phim thiếu nhi ra rạp hiện nay đa số ở mức kinh phí hạn chế và cũng thu lại ở mức trung bình thấp. Một số phim có kinh phí nhỉnh hơn hoặc đến từ nguồn đầu tư của nhà nước qua đơn đặt hàng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Maika hoặc là cú đầu tư mạo hiểm từ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân có ý tưởng tạo ra một vũ trụ thần thoại như Trạng Tí phiêu lưu ký. Thế nhưng, phim thiếu nhi khó tiếp cận nhóm khán giả chính của rạp chiếu hiện nay là thế hệ trẻ genZ, những người coi đến rạp là một hình thức giải trí thời thượng, khao khát xem các câu chuyện kịch tính góp mặt những ngôi sao lớn, từ đó có tư liệu thể hiện phong cách sống bản thân trên mạng xã hội. Các nội dung thiếu nhi thường dựa vào kênh phát hành chính là các video gia đình, được coi là “khó bán” tại rạp, đây chính là trở ngại nhìn thấy ngay từ khâu lựa chọn đầu tư sản xuất.
Thực tế cho thấy, khoảng 10 năm trở lại đây, phim thiếu nhi Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là bộ ba phim Bảo mẫu siêu quậy 1, Bảo mẫu siêu quậy 2, Anh em siêu quậy của đạo diễn Lê Bảo Trung, Tâm hồn mẹ - đạo diễn Nhuệ Giang, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ, Mặt trời con ở đâu của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn hay công chiếu hai lần qua hai mùa Tết vì giãn cách là Trạng Tí phiêu lưu ký của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Điểm chung là các bộ phim này, dù kinh phí hạng khủng hay cân đối vừa phải, thậm chí tiết kiệm, cũng đều là những bộ phim có đạo diễn và ê-kip sản xuất đã thành danh hoặc khẳng định tay nghề ở các sản phẩm đại chúng trước đó. Phim thiếu nhi là một hướng tiếp thị khó, đòi hỏi đầu tư tiền bạc thời gian lâu dài. Trên thế giới, các thương hiệu phim thiếu nhi của các hãng sản xuất hàng đầu cũng là một hệ sinh thái được bồi đắp toàn diện từ tác phẩn văn học, truyện tranh đến phim dài tập chiếu truyền hình, các đơn vị đào tạo tài năng âm nhạc diễn xuất. Tượng đài Disney hay các hãng phim hoạt hình của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đều như vậy. Rạp chiếu là kênh tiếp theo khi thương hiệu bộ phim đã được khẳng định thương hiệu.
Phim thiếu nhi, rất lâu rất khó để tạo được chỗ đứng, nhưng có vòng đời lâu hơn và khả năng khai thác theo nhiều hướng khác nữa như công viên chủ đề, nên nhà sản xuất hãy tính song song những đường khác đừng chỉ chăm chăm tất tay một con đường chiếu rạp. Cần phải tính kỹ đầu ra cho phim thiếu nhi trong thời điểm sản xuất điện ảnh mới khôi phục này.
Đầu tư cho tương lai không bao giờ là sai
Thách thức khó khăn nhiều như vậy, nhưng chắc chắn không thể không làm phim thiếu nhi vì đây là một thành phần quan trọng của điện ảnh, phản ánh sức khoẻ toàn diện của một nền công nghiệp văn hoá giải trí.
Phim thiếu nhi có thể không phải là cánh cửa lớn, dẫn nhà sản xuất đến doanh thu cao hay những giải thưởng danh giá ở các liên hoan phim quốc tế hạng A, nhưng đó là một phần không thể thiếu
Thực chất Maika hay Trạng Tí không chỉ là phim thiếu nhi mà là bộ phim cho tất cả chúng ta, ai đã từng trải qua lứa tuổi thần tiên. Đừng giới hạn mỗi bộ phim thiếu nhi theo mùa, cũng đừng tham vọng bom tấn hay đặt mục tiêu kiếm tiền cao nhất cho thể loại phim đặc thù này, hãy làm bằng cái tâm tạo ra sản phẩm tốt. Thời gian thai nghén, chuẩn bị và nỗ lực cống hiến có thể mệt mỏi dài lâu nhưng thành quả đạt được có thể là một thương hiệu giải trí, giáo dục có giá trị khai thác lâu dài.
Nhớ lại trường hợp các đạo diễn yếu nghề nhảy vào vào lĩnh vực này như một cuộc tập sự đúng nghĩa, chăm chăm khai thác vấn đề thời sự nóng hổi như nạn bạo hành, bắt cóc trẻ em, nạn ấu dâm nhưng không biết cách làm đã khiến Bảo mẫu siêu quậy, SOS Sói trắng… đều bị khán giả quay lưng vì kịch bản và diễn xuất quá tệ.
Để không tái diễn tình trạng đó, mở ra cánh cửa sổ cho điện ảnh, mong mỗi đạo diễn chắc tay nghề ở Việt Nam sẽ nhận được “đơn đặt hàng” từ cơ quan quản lý văn hoá, từ những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn để làm một bộ phim gia đình chiếu rạp, thay vì xây mộng làm phim hành động võ hiệp đì đùng kinh phí lớn mà không giải quyết được vấn đề gì. Hệ thống phát hành là các rạp chiếu và tiếp thị hãy tham gia từ khâu đầu tiên để đồng hành lên chiến lược quảng bá phim, để phim thiếu nhi không còn hạn hẹp trong ý nghĩa chỉ dành riêng cho bạn nhỏ.
Mỗi chúng ta, đều đã và đang nuôi dưỡng một tâm hồn trơ trẻ trong mình, giữa bộn bề nhiệm vụ cuộc sống, hãy tìm cách đối xử với “lũ trẻ” ấy thật tốt, để tất cả có điểm tựa động lực để bước tiếp những ngày tháng tới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ giải pháp chống ngập cho Hà Nội
Theo ông Hà, Hà Nội cần một dự án có cách tiếp cận tổng thể, từ công tác dự báo, quy hoạch để xây dựng một hệ thống phù hợp.