Y tế tư nhân là "bến đỗ" an toàn?
Trong 860 nhân viên y tế nghỉ việc sau đợt dịch COVID tại Hà Nội vừa qua, có BS. Nguyễn Phương Thúy - Trạm trưởng TYT phường Trung Phụng.
Biết chị qua một lần xuống phường ghi nhận tình dịch bệnh, thời điểm đó chị chia sẻ có ý định xin nghỉ việc. Tuy nhiên, chỉ nghĩ đó là ý nghĩ thoáng qua lúc công việc đang có quá nhiều áp lực, dồn nén. Nhưng thật không ngờ!
Chị nghỉ việc từ tháng 4, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Biết tin chị nghỉ rất nhiều đồng nghiệp cảm thấy tiếc nuối, bởi chị là một người trẻ, có năng lực, năng động, nhanh nhẹn và rất hoạt bát.
Chị chia sẻ, không chỉ bản thân mình mà rất nhiều đồng nhiệp quyết định xin nghỉ việc là điều không hề dễ dàng, phải cân nhắc, đắn đo rất nhiều. Bởi công việc tuy vất vả nhưng ổn định, nhiều người mơ ước xin được một suất vào cơ quan nhà nước còn khó. Tuy nhiên vì cuộc sống chúng mình phải tìm hướng đi mới.
BS. Nguyễn Phương Thúy đã chuyển sang làm một cơ sở y tế tư nhân sau khi gắn bó hơn 7 năm tại TYT phường Trung Phụng |
Hiện chị Thúy đang làm cho một đơn vị y tế tư nhân, áp lực công việc vẫn như cũ nhưng mức thu nhập tăng gấp 3 cơ quan cũ. Với mức thu nhập này chị có thể thoải mái hơn trong chi tiêu, không phải căn ke, dè sẻn như trước đây, những công việc đột xuất cần vài ba triệu có thể đáp ứng mà không cần phải xin thêm người thân.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị. Với 7 năm kinh nghiệm làm việc tại y tế tuyến cơ sở, chị Thúy có thể dễ dàng xin việc tại bất kỳ các cơ sở y tế tư nhân nào, nhưng với nhiều nhân viên y tế, nhất là những người vừa ra trường, nếu chưa có chứng chỉ hành nghề thì việc chuyển đổi công việc rất khó khăn.
"Có những đồng nghiệp của mình đi làm hơn 30km chỉ với mức lương gần 3 triệu đồng (chỉ đủ tiền xăng và ăn sáng) nhưng vẫn cố gắng bám trụ lại trạm. Hy vọng sau một, hai năm làm việc sẽ được cử đi học lấy chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, điều này cũng khá khó khăn, vì lớp học tổ chức ít mà số lượng lại có hạn do vậy để có được suất đi học cũng không phải điều dễ dàng", chị Thúy cho biết.
Để duy trì cuộc sống, nhiều nhân viên y tế phải làm thêm các công việc khác sau giờ hành chính như bán hàng online, làm thêm tại phòng khám tư, chạy xe ôm công nghệ, thậm chí bán rau…
Tuy nhiên đợt dịch vừa rồi thời gian nghỉ ngơi còn không có nói gì đến làm thêm. Cuộc sống chỉ duy trì bằng đồng lương ít ỏi nên rất chật vật, nhiều nhân viên y tế gia đình lục đục, có người ngày vợ đẻ cũng không có nổi vài trăm đưa vợ vào viện.
"Nhiều tháng trời làm việc quên ăn quên ngủ, bỏ bê gia đình để tập trung cho công tác chống dịch tất cả đều vì sức khỏe của người dân, nhưng hơi tý là phàn nàn trách móc, rồi kiện cáo, chế độ đãi ngộ thì không xứng đáng… cảm thấy công sức không được ghi nhận nên nhân viên y tế không còn muốn gắn bó nữa.
Tuy nhiên, trước khi nghỉ việc, tất cả đều cố gắng qua đợt dịch mới nghỉ chứ không phải vô trách nhiệm đang lúc dịch cao trào như thế mà bỏ việc" chị Thúy bày tỏ.
Bỏ ngành y đi... chăm sóc chó mèo, học làm bánh
Trước đây, Nguyễn Như Quỳnh (quê Nam Định) làm nhân viên kỹ thuật của một bệnh viện công tại Hà Nội, nhưng sau 5 năm đi làm mức thu nhập cùng các khoản trợ cấp chỉ vỏn vẹn 5.000.000 đồng. Trong khi đó, những người bạn cùng lớp đại học làm tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân thu nhập đã gấp 3, 4 lần.
Rời bỏ ngành y để chuyển sang chăm sóc thú cưng là quyết định mạo hiểm của Quỳnh. |
"Mỗi lần gặp mặt bạn bè thấy họ khoe thu nhập, đi chơi, đi ăn không phải cân nhắc đắn đo gì mình thấy mà thèm", Quỳnh nói.
Do vậy, mặc dù gia đình phản đối nhưng Quỳnh vẫn quyết nghỉ việc tại bệnh viện công để xin vào một bệnh viện tư nhân lớn để làm.
Sau 2 năm làm tại bệnh viện tư mức lương của Quỳnh gần 20 triệu đồng. Nhưng thu nhập cao cũng đi kèm với trách nhiệm và áp lực công việc (nhất là trong đợt dịch vừa qua sức ép công việc tăng lên gấp bội).
Rời nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về, cả ngày cắm mặt trong phòng xét nghiệm, chỉ được nghỉ ngơi vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ giờ ăn trưa. Công việc giờ hành chính nhưng hôm nào cũng 8,9 giờ tối mới về. Người mệt rã rời, lâu dần Quỳnh không còn đam mê với nghề nữa.
7 năm qua, chưa năm nào được nghỉ trọn vẹn 4 ngày Tết, thời về thăm gia đình cũng hiếm hoi, mỗi lần về chỉ tranh thủ được 1,2 ngày rồi lại tất bật lên Hà Nội làm việc. Đến giờ ngấp nghé qua tuổi 30 cũng chưa một mối tình vắt vai.
Đầu tháng 5 vừa rồi, sau nhiều lần cân nhắc, Quỳnh quyết định xin nghỉ việc, không làm công việc liên quan đến nghề y nữa.
Sau một tháng nghỉ ngơi, lấy lại cân bằng, Quỳnh quyết định theo đuổi đam mê của mình, xin vào làm tại một cửa hàng chăm sóc thú cưng tại Tây Hồ và học thêm làm bánh.
Mức thu nhập của công việc mới thấp hơn so với công việc của kỹ thuật viên xét nghiệm, nhưng đổi lại đầu óc không bị căng thẳng. Ông chủ lại là người nước ngoài, do vậy bên cạnh được làm công việc yêu thích mình còn học thêm được ngoại ngữ.
Tuy nhiên Quỳnh nói, xin rời ngành y để rẽ sang một công việc hoàn toàn khác là một quyết định mạo hiểm. Mình chưa dám nói với gia đình, vì sợ mẹ và các anh biết sẽ buồn nhiều.
Để lo cho mình ăn học suốt 5 năm trời mẹ mình đã vất vả rất nhiều, nếu biết mình không còn làm ngành y nữa bà sẽ rất thất vọng. Tuy nhiên đời người chỉ có một lần, mình muốn trải nghiệm những thứ yêu thích trước khi bị ràng buộc bởi trách nhiệm của một người vợ, người mẹ.
"Có lẽ sau này khi có gia đình áp lực cơm áo gạo tiền có thể mình sẽ quay lại với công việc xét nghiệm hoặc khi tiếng Anh tốt hơn, mình sẽ xin một công việc khác với mức thu nhập cao hơn. Nhưng kế hoạch quay trở lại ngành y trong 2 năm tới thì không" Quỳnh chia sẻ.
Lý do xin rời ngành y của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên với nguyên nhân nào thì mục đích cuối cùng là để có cuộc sống tốt hơn. Đây là mưu cầu chính đáng của mỗi con người. Do vậy, để giữ chân được đội ngũ nhân viên y tế có năng lực cần có một cơ chế chính sách hợp lý để nhân viên y tế có thể sống được với nghề.
Bất ngờ cách dạy con của vợ chồng Beckham
Vợ chồng Beckham cũng ủng hộ việc bố mẹ phải nhận lỗi khi làm sai hay nhiều việc khác nhằm nêu gương cho con.